Bộ câu hỏi phỏng vấn Tester - Bí kíp “vượt cạn” thành công!
Tester - một trong những vị trí điển hình của ngành kỹ thuật phần mềm. Bạn có đủ các tố chất để trở thành một Tester trong tương lai. Nhưng có thể đối với bạn, những câu hỏi phỏng vấn Tester dường như đang là một ẩn số chứa đựng nhiều đáp án. Đặc biệt là đối với các bạn sinh viên mới tốt nghiệp. Tỷ lệ thành công sau buổi phỏng vấn được quyết định rất nhiều vào hành trang mà bạn chuẩn bị trước đó.
Hiểu và nắm bắt các câu hỏi phỏng vấn Tester cơ bản nhất và phổ biến nhất sẽ giúp bạn không quá bỡ ngỡ khi đối diện với nhà tuyển dụng. Làm cơ sở để thúc đẩy và gia tăng tỷ lệ trúng tuyển của bạn so với các đối thủ cạnh tranh khác!
1. TOP 10 câu hỏi phỏng vấn Tester và đáp án
Tester là một nghề chú trọng kỹ thuật và chuyên môn. Do đó, chắc chắn rằng trong buổi phỏng vấn cho vị trí này, các nhà tuyển dụng đã list ra một “menu” dài dằng dặc những câu hỏi phỏng vấn để đánh giá trình độ và thái độ của bạn. Bạn đã sẵn sàng chưa? Dưới đây là TOP 10 câu hỏi và trả lời phỏng vấn tester được các chuyên gia nhân sự của work247.vn khảo sát và cung cấp!
1.1. Anh/chị hãy giới thiệu đôi chút về bản thân?
Trong những câu hỏi khi phỏng vấn Tester, ứng viên sẽ không thể không bắt gặp dạng câu hỏi này. Nhà tuyển dụng thường đặt câu hỏi này đầu tiên khi bắt đầu vào cuộc phỏng vấn với bạn. Vừa nhằm mục đích khai thác các thông tin cơ bản về ứng viên, vừa nhằm mục đích dẫn dắt ứng viên vào các câu hỏi tiếp theo.
>> Gợi ý trả lời: Đối với câu hỏi này, ứng viên chỉ cần tự tin khái quát một số thông tin cơ bản như: Bạn là ai? Bạn tốt nghiệp chuyên ngành nào? Học trường gì? Điểm mạnh điểm yếu của bạn hoặc những mục tiêu mà bạn đề ra với vị trí Tester. Về cơ bản, bạn có thể linh hoạt biến đáp án của câu hỏi này theo ý của bạn, làm thế nào để nhà tuyển dụng biết đến những giá trị nổi bật nhất của bạn là được nhé!
1.2. Tại sao anh/chị lựa chọn nghề Tester?
Câu hỏi này được nhà tuyển dụng đưa ra có thể nhằm mục đích xác nhận chính xác hơn về định hướng và mức độ nghiêm túc với nghề của bạn. Thoạt nghe có vẻ như câu hỏi này khá dễ dàng để trả lời. Tuy nhiên, một vài trường hợp cho thấy ứng viên đa phần lúng túng vì không biết nên trả lời như thế nào.
>> Gợi ý trả lời:
- “Em rất thích ý nghĩa của công việc Tester, vì chính Tester là công đoạn cuối cùng, cũng là công đoạn quan trọng nhất để quyết định một sản phẩm phần mềm có được phát hành rộng rãi hay không?”
- “Em học CNTT và em cảm nhận được rằng tất cả những kỹ năng, tố chất và đức tính của em rất phù hợp và cần thiết cho vị trí Tester.”....
1.3. Dự án nào anh/chị đã từng tham gia và vai trò cụ thể của anh/chị là gì?
Đối với câu hỏi phỏng vấn tester có kinh nghiệm này, nhà tuyển dụng muốn biết thêm thông tin về kinh nghiệm của bạn. Hoặc cũng có thể, họ đã lấy thông tin về dự án mà bạn đã cung cấp ở mẫu CV Tester của mình. Do đó, muốn xác nhận về mức độ trung thực cũng như chi tiết dự án mà bạn đã tham gia để có cái nhìn cụ thể hơn về chuyên môn và trình độ của bạn đối với ngành kiểm thử phần mềm.
>> Gợi ý trả lời: Ứng viên có thể trình bày cơ bản thông tin về dự án, vai trò của bản thân trong dự án đó, chủ đề của dự án, mục đích ý nghĩa và kết quả của dự án. Ứng viên có thể đã từng tham gia rất nhiều dự án. Tuy nhiên, hãy lưu ý và cân nhắc về việc trình bày một dự án mà bạn tâm đắc nhất. Trong dự án đó, bạn cần hiểu rõ nhất các chuyên môn kỹ thuật về kiểm thử,....
1.4. Theo anh/chị, tại sao nên triển khai kiểm thử sớm trong chu trình phát triển phần mềm?
Đây là một dạng câu hỏi mang tính chuyên môn, nhằm kiểm tra sự am hiểu của bạn về nghề. Nhìn chung, đây cũng là một câu hỏi khá cơ bản, ứng viên có thể chủ động trả lời theo kiến thức mà bạn đã học hoặc theo gợi ý sau:
>> Gợi ý trả lời: Triển khai kiểm thử sớm, sẽ giúp cho các mục tiêu của chu trình phát triển phần mềm được tập trung tối đa. Đồng thời, giúp phát hiện các lỗi sớm để kịp thời đưa ra các fix lỗi nhanh hơn, kịp tiến độ hơn và sản phẩm cuối cùng được hoàn hảo hơn, từ đó hạn chế được việc lãng phí chi phí. Ngược lại, triển khai kiểm thử muộn, đồng thời với việc lỗi bị phát hiện muốn, đặc biệt nằm trong giai đoạn cuối của dự án sẽ khiến cho công tác fix lỗi chịu nhiều bất cập, lỗi được fix sơ sài, dẫn đến việc tiến độ không được đảm bảo và gia tăng về mặt chi phí.
1.5. Kiểm thử phần mềm là gì đối với anh/chị?
Tester là gì là một trong những câu hỏi phỏng vấn Tester phổ biến nhất. Câu hỏi chuyên môn này cũng nhằm đánh giá sự hiểu biết của bạn về nghề. Dựa vào đáp án của bạn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được mức độ chuyên môn của bạn ở đâu? Từ đó, nhìn nhận sự phù hợp của bạn đối với vị trí mà họ đang tìm kiếm.
>> Gợi ý câu trả lời: software testing hay kiểm thử phần mềm là một trong những hoạt động quan trọng thuộc lĩnh vực phát triển phần mềm nói chung. Nó đề cập đến tất cả các hoạt động xoay quanh mục đích tìm kiếm, kịp thời phát hiện các lỗ hổng hay khuyết điểm trong một phần mềm mới được phát triển sơ khai, trước khi phát hành rộng rãi hoặc mang vào sử dụng chính thức.
Hoạt động kiểm thử nhằm mục đích đảm bảo về các mức độ đầy đủ, chính xác, đúng yêu cầu của sản phẩm phần mềm đã được khách hàng đặt. Đồng thời, hoạt động này cũng là cơ sở minh chứng cho trình độ và năng lực của một cá nhân trong quá trình phát hiện lỗi nhỏ, trong trường hợp lỗi đó không được tìm thấy ở các cá nhân khác.
1.6. Anh/chị hãy cho biết có bao nhiêu cách để kiểm thử?
Thông thường các phương thức kiểm thử thường dựa vào vị trí mà bạn apply vào. Câu hỏi này cũng mang tính chất “kiểm tra” và đánh giá chuyên môn của bạn ở mức độ nào.
>> Gợi ý trả lời: Chẳng hạn như vị trí bạn đang ứng tuyển là manual test. Thì ở câu hỏi này, hãy nêu các phương pháp Black box Testing hay kiểm thử hộp đen, bao gồm: Phương pháp phân tích giá trị biên, phân vùng tương đương, chuyển trạng thái, bảng quyết định, use case,... Không chỉ liệt kê, các ứng viên nên định nghĩa về các phương pháp này, hoặc cũng có thể thay thế việc định nghĩa bằng những ví dụ cụ thể cho từng phương pháp.
1.7. Anh/chị biết gì về chúng tôi?
Sau câu hỏi phỏng vấn giới thiệu bản thân, thì câu hỏi phỏng vấn này cũng sẽ là một câu hỏi mà bất cứ ứng viên ứng tuyển vào bất kể công việc nào cũng gặp phải. Đó là dạng câu hỏi nhà tuyển dụng đưa ra để hiểu được mức độ quan tâm của ứng viên đối với công việc và cả công ty của họ. Thông qua đáp án của bạn, nhà tuyển dụng sẽ nhìn thấu được bạn đã thực sự có thái độ tìm hiểu công việc một cách nghiêm túc hay chưa. Bạn đã đầu tư cho buổi phỏng vấn này ở mức độ nào? Từ đó, họ có thể dễ dàng ra các quyết định phù hợp.
>> Gợi ý trả lời: Hãy nói một chút thông tin về công ty của nhà tuyển dụng. Những thông tin nên bao gồm như sau: Tên đầy đủ của công ty, ngày tháng hoặc năm thành lập, công ty đã hoạt động được bao nhiêu năm? Hoạt động ở lĩnh vực nào? Đã đạt được những chứng nhận hay giải thưởng lớn nào (nếu có)? Quy mô của công ty? Trụ sở hoặc chi nhánh (nếu có)? Văn hóa của công ty (nếu bạn đã kịp nghiên cứu và tìm hiểu),...
1.8. Theo anh/chị, tố chất nào cần có để một Tester thành công?
Dù bạn có phỏng vấn ở vị trí nào, câu hỏi này cũng có thể được bắt gặp. Bởi sự am hiểu của một ứng viên về kỹ năng, tố chất hay tiêu chuẩn cần có cho một công việc. Cũng sẽ đồng thời minh chứng là họ thực sự có những tiêu chuẩn đó. Chính vì thế, hãy thật tự tin khi trả lời câu hỏi phỏng vấn Tester này bạn nhé!
>> Gợi ý trả lời: Theo em, Tester đại diện cho những cá nhân thực sự cần mẫn, tỉ mỉ, chú ý đến từng chi tiết. Bên cạnh đó, sự tập trung cao độ, có trách nhiệm trong công việc, không cẩu thả và trung thực cũng là những tố chất nên có ở một Tester giỏi.
1.9. Theo anh/chị, testcase gồm những thành phần nào?
Tiếp tục là một câu hỏi mang tính kiểm tra chuyên môn. Hãy hiểu rằng, nhà tuyển dụng càng hỏi nhiều về chuyên môn, càng chứng minh công việc này rất quan trọng đối với họ. Và họ cần những nhân tài hay những cá nhân thực sự nghiêm túc với yêu cầu mà họ đưa ra.
>> Gợi ý trả lời: Những testcase không hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên một số thành phần không thể thiếu bao gồm: ID, Function, Tên test case, Tiền điều kiện, các bước triển khai, kết quả và kết quả mong muốn, ngày test, Tester, ghi chú cụ thể,...
Việc làm hành chính - văn phòng
1.10. Anh/chị hãy thử định nghĩa kiểm thử hệ thống là gì?
Hãy nằm lòng câu hỏi phỏng vấn này, vì thực tế, chúng đã từng xuất hiện dày đặc trong các buổi sàng lọc ứng viên cho vị trí Tester đấy.
>> Gợi ý trả lời: Kiểm thử hệ thống áp dụng kiểm tra toàn bộ hệ thống, xem xét xem hệ thống đã đáp ứng được những tiêu chuẩn đặt ra trước khi tích hợp hay chưa. Đối với loại kiểm thử này, thường sẽ chỉ đề cập đến phương pháp kiểm thử hộp đen, bao gồm hai hình thức: chức năng và phi chức năng. Hoạt động này do Tester của dự án thực hiện,... Sau câu hỏi này, nhà tuyển dụng cũng có thể hỏi bạn thêm câu: “Làm thế nào để em triển khai kiểm thử hệ thống một cách có hiệu quả?”,...
2. Bỏ túi các câu hỏi phỏng vấn Tester khác
Là một công việc cần nhiều kiến thức chuyên môn. Do đó, không khó để hiểu được, trong buổi phỏng vấn vị trí Tester, ứng viên sẽ phải đối diện với rất nhiều câu hỏi chuyên môn được đưa ra bởi nhà tuyển dụng. Ngoài các câu hỏi khi phỏng vấn Tester kể trên, ứng viên nên bỏ túi một số câu phỏng vấn khác như sau:
- Anh/chị nghĩ thế nào về nhận định: Một Tester giỏi là một Tester tìm ra nhiều lỗi? Tại sao?
- Hãy nêu hiểu biết của anh/chị về Load Testing?
- Theo anh/chị, trong chu trình phát triển phần mềm, lỗi thường xuất hiện phổ biến ở giai đoạn nào? Tại sao?
- Theo anh/chị, một bộ test có nhất thiết cần tiến hành kiểm thử tự động hay không?
- Anh/chị hãy cho biết thành phần bao gồm trong một báo cáo kiểm thử (Test Report)? Tại sao cần sử dụng và thiết lập mẫu báo cáo này?
- Anh/chị hãy giải thích tại sao chi phí càng phát sinh cao khi phát hiện lỗi muộn?
- Theo anh/chị, khi nào thì việc kiểm thử không cần đến nữa?
-....
3. Gợi ý một số câu hỏi dành cho ứng viên hỏi nhà tuyển dụng
Bản thân nhà tuyển dụng muốn có thêm thông tin ở bạn, thì bạn cũng nên đầu tư một chút tư duy để khai thác những thông tin bạn cần từ họ. Đừng chỉ nhàn nhạt đưa ra những đáp án, hãy xen kẽ các câu hỏi ngược lại đối với nhà tuyển dụng, để minh chứng cho việc bạn thực sự quan tâm đến công việc và là một ứng viên “đáng gờm” nhé.
Có khá nhiều hình thức câu hỏi mà bạn có thể hỏi ngược lại nhà tuyển dụng.
Hỏi về vị trí ứng tuyển:
- Mô tả công việc có chính xác so với nhiệm vụ thực tế với vị trí này hay không? Anh/chị có thể cho biết thêm những nhiệm vụ bên lề cần làm?
- Công ty có định hướng cụ thể gì có vị trí Tester?
- Công ty đang bổ sung nhân sự cho vị trí mới, hay chỉ bổ sung nhân sự để bù lắp chỗ trống? Và điều gì làm cho vị trí này bị trống?
- Khó khăn lớn nhất ở vị trí Tester trong công ty là gì?
- Tôi sẽ học được những kỹ năng gì sau khi tham gia vào vị trí này?
Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt những câu hỏi về văn hóa công ty, về công ty hay về chính vị trí cá nhân người tuyển dụng đang phỏng vấn. Những câu hỏi ngược sẽ giúp bạn tương tác tích cực với nhà tuyển dụng.
4. Phỏng vấn vị trí Tester và những bí kíp không nên bỏ qua
- Trước khi phỏng vấn: Hãy chuẩn bị thật chu toàn về cả kiến thức chuyên môn, hồ sơ xin việc, CV xin việc, tâm lý và cả trang phục phỏng vấn. Đặc biệt đối với vị trí này, bạn cần trang bị kỹ càng những kiến thức. Hãy chú ý nội dung và hình thức của mẫu CV đã được in ra, đảm bảo bạn không lấy nhầm CV của ai đó, hay của một vị trí ứng tuyển khác. Trang phục nên chú trọng sự lịch sự và gọn gàng. Tâm lý nên tự tin, suy nghĩ tích cực và sẵn sàng gặp gỡ nhà tuyển dụng.
- Trong khi phỏng vấn: Cố gắng trong việc tương tác và điều hướng nhà tuyển dụng sang trọng tâm mà bạn muốn đề cập. Lôi cuốn nhà tuyển dụng bằng các câu hỏi chất vấn ngược. Đừng run sợ, tất cả sẽ vượt qua nếu bạn giữ được phong thái tự tin, sẵn sàng học hỏi.
Trên đây là tổng hợp một số câu hỏi phỏng vấn Tester thường gặp. Bạn có thể tìm việc Tester trên work247.vn và truy cập vào danh mục “Câu hỏi phỏng vấn” để thu thập thêm nhiều thông tin hữu ích hơn ở các vị trí khác nhé!
15607 0