Tuyển tập câu hỏi phỏng vấn graphic designer - bí kíp vượt ải
Sức cạnh tranh của vị trí graphic designer hiện nay là một điều dễ thấy trên thị trường tuyển dụng. Càng ở những công ty, tập đoàn lớn thì vị trí này càng được tuyển dụng sát sao hơn. Từ đó dẫn đến các vòng phỏng vấn, ứng tuyển ở đây thêm khó khăn. Tuy nhiên nếu các bạn “biết trước” bộ đề cương về những câu hỏi phỏng vấn graphic designer hay hỏi nhất, chắc chắn các bạn có thể vượt qua cửa ải này dễ dàng.
1. Bố cục chung của các câu hỏi trong buổi phỏng vấn graphic designer
Graphic designer hay còn gọi là người thiết kế đồ họa là một vị trí khá hấp dẫn hiện nay. Không chỉ về mức lương mà cơ hội phát triển và môi trường làm việc của các graphic designer đều vô cùng tốt. Chính vì lẽ đó mà những người có khả năng và yêu thích về thiết kế thường tìm đến vị trí này phát triển sự nghiệp cho mình. Bản chất là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo cho nên khi phỏng vấn tuyển dụng vị trí này, các công ty và nhà tuyển dụng thường đặt ra rất nhiều thử thách để phát hiện khả năng này của ứng viên.
Thông thường nhà tuyển dụng sẽ đặt ra cho ứng viên 3 thử thách trong vòng phỏng vấn gồm có:
- Câu hỏi phỏng vấn về kiến thức chuyên môn
- Câu hỏi phỏng vấn về kiến thức sản phẩm
- Câu hỏi phỏng vấn về thái độ và tác phong làm việc
Lý do các câu hỏi phỏng vấn graphic designer có bố cục như vậy là bởi thiết kế đồ họa có sự khác biệt hẳn hơn so với các loại thiết kế khác vì nó mang tính truyền đạt thông tin. Vậy nên ngoài các kiến thức chuyên môn về thiết kế, ứng viên cũng phải có sự hiểu biết về sản phẩm cùng với đó là thái độ làm việc chuyên nghiệp để đạt được mục đích cuối cùng của một graphic design.
Đồng thời trong buổi phỏng vấn đó nhà tuyển dụng còn có thể yêu cầu ứng viên trình các sản phẩm thiết kế của ứng viên đã từng làm để họ đánh giá được chính xác năng lực thiết kế của ứng viên đó. Họ sẽ đưa ra các câu hỏi xung quanh sản phẩm này để buộc ứng viên phải trình bày và thuyết trình về tính hữu dụng của nó.
2. Các câu hỏi phỏng vấn graphic designer phổ biến nhất
Như đã nói ở trên, bố cục các câu hỏi graphic designer sẽ lần lượt diễn ra theo 3 phần. Tương ứng với mỗi phần sẽ gồm có một số câu hỏi khác nhau. Tùy thuộc vào văn hóa và quy mô doanh nghiệp mà các câu hỏi này có thể sẽ khác đi. Song nhìn chung tất cả sẽ quy về những dạng câu hỏi dưới đây.
2.1. Câu hỏi về chuyên môn
Câu hỏi 1: Những kỹ năng quan trọng nhất của một graphic designer là gì?
Đây là cơ hội đầu tiên để bạn có thể thể hiện được những gì sẵn có của bản thân mình thông qua kinh nghiệm và sự hiểu biết. Tuy nhiên bạn chỉ nên tập trung vào những kỹ năng quan trọng nhất đừng nên rề rà và lan man khiến câu trả lời của bạn trở nên chung chung và lý thuyết suông.
Gợi ý trả lời:
Đối với một câu việc thiết kế thì đương nhiên tính sáng tạo luôn là kỹ năng quan trọng nhất. Bởi có sáng tạo tôi mới có thể nảy ra các ý tưởng cũng sự phối hợp hoàn mỹ về màu sắc, hình ảnh, chữ viết và bố cục trong sản phẩm của mình. Bên cạnh đó thì khả năng tập trung cũng nắm bắt được thị hiếu của người cũng là những điều quan trọng để tạo nên một bản thiết kế hữu dụng. Và để làm được điều đó chắc chắn phải nhờ đến sự trợ giúp của các phần mềm thiết kế, sử dụng được toàn năng các phần mềm cũng là một kỹ năng cần thiết của một graphic designer.
Câu hỏi 2: Điều gì tạo nên giá trị của một sản phẩm graphic design
Đây là một câu hỏi khó đối với ứng viên nhưng cũng là dạng câu hỏi mở để nhà tuyển dụng thấy được năng lực tiềm tàng của bạn. Đương nhiên câu trả lời chính xác ở đây chính là việc sản phẩm thiết kế đó gây ấn tượng và có khả năng lưu lại trong trí nhớ khách hàng. Tuy nhiên để câu trả lời thêm thuyết phục các bạn hãy đưa ra các dẫn chứng.
Gợi ý trả lời:
Giá trị của một sản phẩm graphic design chỉ thực sự được khẳng định sau khi nó đến với công chúng. Đôi khi một sản phẩm thiết kế đạt được yếu tố về thẩm mỹ tuy nhiên nó lại không thực sự gây ấn tượng bằng những sản phẩm có phần yếu thế về khoản này hơn. Tôi lấy ví dụ về ảnh đại diện facebook của thương hiệu Gucci đợt tháng 2 năm 2020 vừa rồi. Nếu nói về các yếu tố về thiết kế, chúng ta phải thừa nhận nó “xấu”. Nhưng cái xấu của nó thực sự “độc”, “lạ” và ghi dấu ấn với khách hàng.
2.2. Câu hỏi về sản phẩm
Câu hỏi 1: Bạn có sở trường thiết kế khoản nào trong graphic design?
Câu hỏi đơn giản là chỉ muốn biết về sở trường của bạn, tuy nhiên lại có khả năng đánh gục ứng viên vì nhiều bạn lại trả lời sai ý đồ của nhà tuyển dụng. Mục đích chính ở đây chính là hỏi loại hình đồ họa như logo, bao bì, áo, website, ... mà bạn bạn yêu thích nhất, chứ không phải lĩnh vực thiết kế thời trang, nội thất, … Bên cạnh đó thì các bạn cũng nên tìm hiểu trước về JD của công việc, tránh nói đến việc một loại hình graphic design mà công ty không yêu cầu ở vị trí này.
Gợi ý trả lời:
Tôi có khả năng thiết kế về mọi loại hình của graphic design, song sở trường của tôi và cũng khiến tôi cảm thấy thích thú nhất chính là thiết kế website. Được biết đây cũng là trách nhiệm công việc chính của graphic designer mà công ty đang tìm kiếm. Cho nên tôi hoàn toàn tự tin để ứng viên vị trí này và thể hiện năng lực của bản thân mình
Câu hỏi 2: Bạn đánh giá thế nào về các sản phẩm thiết kế của công ty hiện tại?
Đây là một câu hỏi “gài” của nhà tuyển dụng, vì rất có thể bạn bị xếp vào loại tự kiêu tự đắc và dễ khiến nhà tuyển dụng tự ái. Nhưng nếu bạn quá tâng bốc vào sản phẩm cũ của công ty, họ sẽ đặt ngược lại cho bạn câu hỏi là “vậy tốt như vậy tôi cần tuyển bạn để làm gì”. Vậy nên, bạn phải trả lời sao vừa thẳng thắn trung thực nhưng cũng khẳng định được giá trị của mình khi tham gia vào việc thiết kế sản phẩm đó sau này.
Gợi ý trả lời:
Tôi đã từng xem qua giao diện website của công ty trước khi ứng tuyển. Ưu điểm đầu tiên mà tôi thấy được ở thiết kế giao diện này chính là yếu tố thẩm mỹ. Nó thực sự bắt trend và hài hòa, đây là điều mà một graphic design cần học tập. Song nếu ở vị trí là người dùng, tôi thấy có vài điểm về các điều hướng hay tiện ích của giao diện đang không thực sự tốt với trải nghiệm người dùng.
2.3. Câu hỏi về thái độ
Câu hỏi 1: Trong khi thiết kế điều gì làm bạn cảm thấy áp lực nhất?
Mục đích của câu hỏi này là nhà tuyển dụng muốn xem thử khả năng chịu đựng áp lực của bạn như thế nào. Mẹo để trả lời là bạn cứ thẳng thắn nói ra điều gây cản trở mình trong quá trình thiết kế và kèm theo đó luôn là động lực bạn tự xây dựng để hoàn thành được công việc. Đừng nói rằng mình không bị áp lực trong công việc thay vào đó nói về khó khăn và cách để vượt qua sẽ ghi điểm với nhà tuyển dụng hơn về sự trung thực và ý chí vươn lên của bạn.
Gợi ý trả lời:
Sự áp lực nhất với tôi trong thiết kế đó là nguyên mẫu. Khi sếp giao cho tôi một nhiệm vụ thiết kế và kèm theo đó là một hình mẫu mà sếp hướng đến, tôi thường khá loay hoay trong việc thoát ra được bản mẫu đó để tìm ý tưởng mới nhưng vẫn phải đạt được hiệu quả như bản mẫu. Điều này thực sự là áp lực và rào cản rất lớn với tôi. Tuy nhiên càng về sau thì tôi càng biết cách để vượt qua điều đó bằng cách tìm ra ưu điểm của những bản mẫu và phát huy nó theo ý tưởng của bản thân mình.
Câu hỏi 2: Bạn có một dự án thiết kế và sếp nêu ra một ý tưởng không mấy phù hợp với định hướng thiết kế đó, bạn sẽ làm gì?
Đây là một câu hỏi tình huống mà bất kỳ nhà thiết kế đồ họa nào cũng có thể gặp trong thời gian làm việc của mình. Cách giải quyết ở đây là không phải lúc nào nghe theo sếp cũng đúng và nên làm. Một nhà thiết kế không những có cái tự tôn riêng của mình mà còn có những nguyên tắc trong nghề mà bạn cần tuân theo. Nếu ý của sếp đưa ra không đúng với nguyên tắc đó, bạn hoàn toàn có thể bác bỏ. Tuy nhiên đừng nên phủ nhận và bác bỏ một cách quyết liệt vì đó rất có thể là hành động khiến bạn mất điểm với sếp.
Gợi ý trả lời:
Trong trường hợp này đương nhiên trước đó tôi sẽ xem xét kỹ về sự ứng dụng của ý tưởng đó đối với dự án thiết kế. Nếu nó có một yếu tố phù hợp tôi sẽ cân nhắc đưa vào. Còn nếu không tôi sẽ giải thích với sếp về sự không phù hợp của nó và thuyết phục tin tưởng vào khả năng của tôi để giao toàn bộ phần ý tưởng cho tôi thực hiện.
3. Các mẹo nhỏ khi trả lời phỏng vấn graphic designer
Vị trí graphic designer là một vị trí nhân viên văn phòng đặc biệt. Những người có tài năng trong lĩnh vực này thường thể hiện ngay được sự phù hợp của mình thông qua buổi phỏng vấn. Chính vì vậy ngoài việc trả lời đúng ý nhà tuyển dụng như hướng dẫn trên thì các bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ dưới đây.
3.1. Đặt câu hỏi ngược với nhà tuyển dụng
Việc đặt câu hỏi ngược với nhà tuyển dụng là một con dao hai lưỡi. Nếu câu hỏi của bạn thông minh nó sẽ là điểm cộng lớn, tuy nhiên ngược lại nó cũng có thể khiến bạn bị loại thẳng tay vì thái độ và tầm nhận thức của mình. Đối với lĩnh vực graphic design, sự sáng tạo và cá tính luôn là điều vô cùng cần thiết. Vì thế ứng viên hoàn toàn có thể thể hiện được điều đó thông qua các câu hỏi ngược lại này. Ví dụ một số câu hỏi như:
- Sẽ có những ai cùng tham gia ý tưởng thiết kế với tôi
- Công việc thiết kế ở quý công ty bao gồm những nhiệm vụ gì
- Thông thường deadline với một sản phẩm chính là bao lâu
- Tôi có được tạo điều kiện về các thiết bị thiết kế trong quá trình làm việc hay không?
- Thiết kế nằm ở bước nào trong quy trình làm việc tổng thể của công ty, tính từ khi có order?
- Các sản phẩm thiết kế của công ty có bị giới hạn ở đâu không?
Những câu hỏi này vừa khẳng định được kinh nghiệm làm việc của bạn, vừa có thể giúp bạn hình dung được rõ hơn về công việc của mình ở công ty đó. Từ đó đánh giá về sự phù hợp của bản thân đối với vị trí này.
3.2. Chú ý về tác phong khi trả lời
Một điều có thể gây ấn tượng nữa với nhà tuyển dụng đó là tác phong khi trả lời của ứng viên vị trí graphic designer. Ở đây, tác phong thể hiện trong 2 mặt: trang phục, diện mạo đến phỏng vấn và thái độ, hành vi khi phỏng vấn. Với diện mạo, các bạn không cần quá mượt mà, bóng lộn mà có thể mặc những bộ trang phục năng động nhưng vẫn lịch sự như áo polo, quần jean, giầy thể thao, … Hoặc một phong cách thời trang thể hiện đúng phong cách, cá tính trong công việc của bạn. Tuy nhiên bộ trang phục đó vẫn phải đảm bảo sự lịch sự và tôn trọng người nhìn, giữ được tính trang nghiêm, chuyên nghiệp của buổi phỏng vấn.
Thứ hai về thái độ và hành vi khi đến phỏng vấn, các bạn nên sử dụng kính ngữ khi trả lời các câu hỏi. Điều này sẽ thể hiện sự kính trọng đối với người đang phỏng vấn, đồng thời là sự lịch thiệp văn hóa cơ bản khi giao tiếp với ai đó lần đầu. Bên cạnh đó thái độ bạn mang đến cho buổi phỏng vấn nên cố gắng cởi mở và lạc quan, đừng quá căng thẳng có thể ảnh hưởng đến phần trả lời của bạn. Đồng thời thể hiện sự tự tin vừa phải ở bản thân, đó sẽ là lý do thuyết phục nhà tuyển dụng hơn.
Trên đây là toàn bộ những câu hỏi phỏng vấn graphic designer cho bạn. Hy vọng rằng thông qua những chia sẻ này sẽ giúp bạn tự tin hơn trong buổi phỏng vấn sắp tới.
7824 0