Những câu hỏi phỏng vấn ngành xuất nhập khẩu phổ biến nhất
Trên thị trường tuyển dụng hiện nay, có rất nhiều các doanh nghiệp, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng các nhân viên chuyên làm về mảng xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, việc khó khăn nhất đó là ứng viên chưa biết cách trả lời các câu hỏi phỏng vấn đủ gây ấn tượng. Vậy hãy cùng Work247.vn tìm hiểu về những câu hỏi phỏng vấn xuất nhập khẩu để có sự chuẩn bị kĩ lưỡng cho bản thân mình nhé!
1. Các câu hỏi phỏng vấn xuất nhập khẩu hay được hỏi nhất
Xuất nhập khẩu là một bộ phận quan trọng của những doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này. Cho nên việc xây dựng bộ câu hỏi phỏng vấn ứng viên chỉn chu được xem là thiết yếu đối với việc tuyển chọn nhân lực phù hợp nhất, giúp ích cho công việc xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có thể đưa ra các câu hỏi khác nhau, song nhìn chung nó vẫn có những mẫu chung sau đây mà hầu hết nhà tuyển dụng cũng sẽ hỏi ứng viên của mình.
1.1. Nhiệm vụ của bạn là gì nếu bạn trở thành một nhân viên xuất nhập khẩu
Mục đích chính của câu hỏi này là để nhà tuyển dụng nhận biết được ứng viên đã có sự tìm hiểu về ngành nghề xuất nhập khẩu hay chưa, biết rõ được nghiệp vụ chuyên môn của một nhân viên xuất nhập khẩu hay chưa, từ đó đánh giá được sự nhiệt tình, nghiêm túc của ứng viên đó trong công việc. Điểu quan trọng nhất của một nhân viên xuất nhập khẩu là biết sắp xếp và lên danh sách công việc hằng ngày cho bản thân mình, theo dõi các đơn hàng và liên kết với khách hàng.
Khi trả lời, các bạn nên đặt bản thân vào nhân viên xuất nhập khẩu và nêu những kiến thức nghiệp vụ chuyên môn mà mình đã tìm hiểu sẵn để trả lời một cách tự tin.
Mẫu trả lời: “Nếu tôi trở thành nhân viên xuất nhập khẩu, điều đầu tiên tôi làm mỗi ngày là check email công việc xem có khách hàng nào gặp vấn đề về việc giao và nhận hàng hay không. Sau đó, tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các công việc còn lại trong ngày như chốt và lên đơn hàng, theo dõi quá trình vận chuyển của đơn hàng, giải quyết các giấy tờ xuất nhập khẩu…”
1.2. Theo bạn một nhân viên xuất nhập khẩu cần những kiến thức và kĩ năng gì?
Mục đích của câu hỏi là để đánh giá về mức độ tìm hiểu công việc xuất nhập khẩu của ứng viên, cũng như khéo léo dẫn đến việc phỏng vấn những kĩ năng và năng lực của ứng viên.
Để trả lời được câu hỏi này, ứng viên nên tìm hiểu trước về JD công việc xuất nhập khẩu mà công ty bạn đang ứng tuyển đã đăng tải lên, bên cạnh đó hãy tự tin trong câu trả lời và thể hiện một cách tinh tế, tránh khoa trương về những kĩ năng, kinh nghiệm mà mình có. Nếu bạn là một sinh viên vừa tốt nghiệp chưa có kiến thức và kinh nghiệm nhiều thì hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn rất cầu tiến, có nhu cầu, khát khao học hỏi, muốn tích lũy kinh nghiệm và vô cùng nhiệt tình, có trách nhiệm trong công việc.
Mẫu trả lời: “Đối với một nhân viên xuất nhập khẩu, những kiến thức chuyên môn cũng như các kĩ năng nghiệp vụ, kĩ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, linh hoạt, giải quyết tình huống và khả năng ngoại ngữ, tin học là quan trọng tối thiểu. Về bản thân tôi, tôi tự tin mình có đủ năng lực chuyên môn với 2 năm kinh nghiệm làm việc tại lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng như kĩ năng giao tiếp thành thạo, bên cạnh đó tôi cũng rất tự tin về khả năng giao tiếp tiếng Anh của mình”.
1.3. Bạn sẽ giải quyết như thế nào nếu đơn hàng được xuất gửi đi có 1 số sản phẩm bị lỗi?
Mục đích chính: các nhà tuyển dụng sẽ rất quan tâm đến các chi tiết nhỏ nhặt trong cách ứng xử và mô tả của bạn cũng như cách bạn đối mặt với vấn đề phát sinh như thế nào vì đơn giản các nghiệp vụ xuất nhập khẩu xuất hiện các phát sinh ngoài ý muốn rất nhiều. Qua đó, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá được ứng viên có linh hoạt, nhạy bén và có kĩ năng phát hiện, lãnh đạo hay không.
Khi trả lời, ứng viên nên trả lời một cách tự tin, dõng dạc và đi thẳng vào vấn đề, chuẩn bị cho mình những hướng đi tối giản và đơn giản nhất có thể.
Mẫu trả lời: “Trong trường hợp trên, tôi sẽ kiểm tra tất cả các sản phẩm bị hư hỏng và loại bỏ chúng nhằm đảm bảo khách hàng nhận được các sản phẩm chất lượng nhất. Sau đó, tôi sẽ báo cáo về bên sản xuất khắc phục lỗi trong những lần tới để tránh lãng phí tài nguyên của doanh nghiệp”.
1.4. Trong quá trình quản lý việc đặt đơn hàng và vận chuyển, nếu có trường hợp xấu phát sinh bạn sẽ làm gì?
Mục đích chính: nhà tuyển dụng cũng quan tâm đến kinh nghiệm của ứng viên trong việc giải quyết vấn đề có nhanh nhẹn và nhạy bén hay không. Những ứng viên đã từng gặp các trường hợp này rồi sẽ biết cách ứng xử và họ sẽ có khả năng được lựa chọn cao hơn. Bên cạnh đó thì nhà tuyển dụng cũng kiểm tra độ thành thật của bạn khi bạn nói về kinh nghiệm của mình trước đó.
Khi trả lời, ứng viên không nên nói dối vì nhà tuyển dụng sẽ phát hiện được ngay. Tuy nhiên, ứng viên cũng nên có sự tìm hiểu trước thông qua những bài viết tương tự để trả lời suôn sẻ.
Mẫu trả lời: “Nếu gặp vấn đề trong khâu quản lý đơn hàng và vận chuyển, tôi sẽ liên hệ và làm việc với bộ phận, nhân viên giao hàng để họ có thể vận chuyển hàng và hỗ trợ khách hàng nhanh nhất có thể, cũng như khắc phục được các lỗi”.
1.5. Bạn sẽ làm gì nếu xảy ra bất đồng về địa điểm giao hàng?
Mục đích chính của câu hỏi: nhà tuyển dụng muốn đặt ứng viên vào tình huống khó xử để xem cách họ giải quyết các vấn đề ra sao, xem cách họ làm việc với các nhân viên khác như thế nào, từ đó có thể phát hiện ra những ứng viên có kĩ năng lãnh đạo và khả năng lắng nghe, giải quyết vấn đề.
Khi trả lời phỏng vấn, ứng viên nên trả lời một cách dõng dạc, tự tin, đặt lợi ích chung lên cá nhân, biết lắng nghe và thể hiện sự hòa nhã của mình với mọi nhân viên khác.
Mẫu trả lời: “Nếu xảy ra bất đồng về địa điểm giao hàng, tôi sẽ lắng nghe ý kiến của mọi người trước xem có cùng quan điểm hay khác quan điểm với tôi, bên cạnh đó lắng nghe họ giải thích quan điểm của mình xem có hợp lý không, sau đó tôi mới nêu quan điểm của mình và cùng nhau giải quyết để đi đến thống nhất chung và thực hiện giao hàng cho khách hàng”.
2. Các câu hỏi ứng viên phỏng vấn xuất nhập khẩu có thể hỏi ngược lại
Bên cạnh việc trả lời đầy đủ các câu hỏi mà nhà tuyển dụng đưa ra thì ứng viên cũng có thể ghi điểm hơn trong buổi phỏng vấn bằng việc đặt ngược lại các câu hỏi cho họ. Điều này sẽ thể hiện sự tự tin, bản lĩnh cũng như năng lực sẵn có của bạn với nhà tuyển dụng. Thông qua các câu hỏi, nhà tuyển dụng cũng có đánh giá trực quan hơn về sự phù hợp và cá tính của bạn trong công việc.
2.1. Các câu hỏi về công ty, tổ chức
Ứng viên có thể hỏi ngược lại nhà tuyển dụng những câu hỏi về công ty, tổ chức như:
- Định hướng và chiến lược của công ty trong 5 năm tới như nào?
- Cơ cấu tổ chức bao gồm những phòng ban, vị trí nào?
- Vị trí nào trong doanh nghiệp còn trống thuộc bộ phận xuất nhập khẩu?
- Văn hóa doanh nghiệp như thế nào?
- Tầm nhìn doanh nghiệp như nào?
- …
Việc đặt ra những câu hỏi như trên vừa giúp cho ứng viên tạo cảm giác rằng bạn đang thực sự quan tâm và mong muốn làm việc cho doanh nghiệp, vừa giúp ứng viên gặt hái và thu thập được các thông tin cần thiết phục vụ cho công việc tương lai của mình, tạo ra một cuộc phỏng vấn 2 chiều. Đặc biệt với những vị trí quản lý thuộc bộ phận xuất nhập khẩu thì những câu hỏi ngược này sẽ cho thấy tầm nhìn chiến lược cũng như năng lực lãnh đạo, quản lý của các bạn.
2.2. Các câu hỏi liên quan đến công việc xuất nhập khẩu
Ứng viên có thể hỏi những câu hỏi về công việc sắp tới như:
- Nhiệm vụ cụ thể của nhân viên xuất nhập khẩu tại doanh nghiệp là gì?
- Người từng giữ vị trí đó có những ưu điểm và khuyết điểm gì?
- Những kĩ năng nào doanh nghiệp đang thực sự tìm kiếm cho công việc đó?
- Những thành tích của bộ phận xuất nhập khẩu trong 2 năm đổi lại đây?
- …
Việc đặt ra những câu hỏi như trên giúp cho ứng viên hiểu rõ hơn về công việc cũng như văn hóa doanh nghiệp có phù hợp với sự tìm kiếm, mong muốn của mình hay không, mặt khác, tích lũy thêm được kinh nghiệm phỏng vấn chung về ngành xuất nhập khẩu cho bản thân.
2.3. Câu hỏi liên quan đến môi trường làm việc
Ứng viên có thể tìm hiểu các thông tin về môi trường làm việc như:
- Nếu chưa có kinh nghiệm có được đào tạo không?
- Môi trường cạnh tranh như thế nào?
- Mức lương ra sao? Mức thưởng? Chế độ đãi ngộ?
- Cơ hội thăng tiến?
- …
Việc đặt ra những câu hỏi như trên khiến cho nhà tuyển dụng cảm thấy bạn là người nghiêm túc với công việc, có sự cầu tiến, có tham vọng và là một nhân lực tốt. Đương nhiên không một nhà tuyển dụng nào có thể từ chối một ứng viên thể hiện được sự chuyên nghiệp và háo hức với công việc như vậy cả. Song đừng nên quá lạm dụng kẻo nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là một kẻ thực dụng và loại thẳng tay bạn khi họ đã cố từ chối các câu hỏi này.
2.4. Câu hỏi liên quan đến tuyển dụng
Ứng viên chỉ nên đặt từ 1-2 câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng và sau đó, nên kết thúc bằng cách hỏi về việc tuyển dụng như các bước tiếp theo, liên hệ thế nào nếu có kết quả, bao giờ có kết quả, … Những câu hỏi này nó giống như một đặc trưng của người làm về xuất nhập khẩu đó là luôn tôn trọng quy trình và sự quy củ. Vậy nên việc đặt những câu hỏi liên quan đến quá trình tuyển dụng vừa đáp ứng được mục đích thông tin của bạn vừa cho nhà tuyển dụng thấy được bản chất phù hợp của bạn với vị trí xuất nhập khẩu tại công ty họ. Tuy nhiên đừng nên lặp lại câu hỏi nếu trước khi bắt đầu vào buổi phỏng vấn hoặc trước đó họ đã đề cập đến. Bởi đấy có thể là điểm trừ vì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn không tập trung vào những gì họ nói.
3. Những lưu ý khi trả lời các câu hỏi phỏng vấn
- Tác phong: điều đầu tiên tham gia phỏng vấn đó là ứng viên phải đến đúng giờ, thậm chí là đến sớm khoảng 15-30 phút để chuẩn bị kĩ cho bản thân. Ứng viên cần có tác phong nhanh nhẹn, linh hoạt, văn minh, lịch sự, có chào hỏi và cảm ơn khi đến và ra về mới ghi điểm với nhà tuyển dụng.
- Trang phục: gọn gàng, lịch sự, nghiêm trang. Với nữ giới nên mặc sơ mi trắng và quần âu hoặc chân váy dài tới đầu gối. Với nam nên mặc sơ mi trắng và quần âu. Đầu tóc gọn gàng, không đeo trang sức quá rườm rà.
- Ngôn ngữ, lời nói: ứng viên cần phải ăn nói nhẹ nhàng, dõng dạc, dứt khoát quan điểm, từ tốn, tránh nói giọng địa phương, văn minh, lịch sự, lễ phép. Bên cạnh đó, ứng viên cũng nên sử dụng các ngôn ngữ cơ thể trong quá trình trả lời phỏng vấn để thể hiện sự tự tin của mình nhé.
- Thái độ: ứng viên cần phải thể hiện được nét vui tươi, tự tin, thoải mái, khiêm nhường, niềm nở và nhiệt tình, năng nổ, có trách nhiệm và khát khao có được công việc mà bạn đang muốn ứng tuyển vào. Vì đây là những tố chất mà một nhân viên xuất nhập khẩu phải có được.
Bên cạnh những vẻ bề ngoài thì ứng viên cũng cần phải có sự chuẩn bị kĩ càng cho cuộc phỏng vấn của mình bằng cách tham khảo trước các câu hỏi tuyển dụng và nghĩ trước các câu trả lời hợp lí để tránh bị bối rối, lúng túng khi đi phỏng vấn nhé.
Trên đây là các câu hỏi phỏng vấn xuất nhập khẩu hay gặp nhất dành cho các ứng viên. Các bạn có thể thông qua những gợi ý này để thêm phần tự tin trong buổi phỏng vấn tại các công ty. Bên cạnh đó cùng với sự hỗ trợ website work247.vn, các bạn cũng có thể tìm được cho mình những vị trí tuyển dụng xuất nhập khẩu hấp dẫn nhất. Chúc các ứng viên của chúng tôi thành công. Work247.vn cảm ơn bạn đã theo dõi và ủng hộ bài viết về lĩnh vực xuất nhập khẩu.
501 0