Bộ câu hỏi phỏng vấn Lễ tân khách sạn kèm đáp án thường gặp
Ai ai cũng cảm thấy bồn chồn và bối rối khi đứng trước một cơ hội nghề nghiệp mà mình đã mong chờ từ bấy lâu. Nhưng bạn biết không? Chỉ một giây lúng túng nào đấy, có thể sẽ làm mất đi vẻ chuyên nghiệp và thậm chí là khiến bạn bỏ qua cơ hội của chính mình. Bộ câu hỏi phỏng vấn Lễ tân khách sạn được tổng hợp bởi work247.vn dưới đây, chắc chắn sẽ giúp bạn gia tăng gấp đôi sự tự tin trước khi bước vào vòng phỏng vấn “định mệnh”!
1. TOP 10 câu hỏi phỏng vấn Lễ tân khách sạn “kiểu gì cũng gặp”
Lĩnh vực công nghiệp khách sạn lên ngôi đã mở ra không ít triển vọng việc làm cho các bạn trẻ. Trong đó, Lễ tân khách sạn được ví như một vị trí khởi đầu tuyệt vời cho những ai đam mê theo đuổi lĩnh vực này. Sau quá trình tìm hiểu và nghiên cứu, đội ngũ chuyên gia của work247.vn đã tổng hợp thành công TOP 10 câu hỏi phỏng vấn thường gặp nhất đối với vị trí này!
1.1. Bạn chọn nghề Lễ tân khách sạn vì lý do gì?
Những câu hỏi với mục đích “khai thác và thăm dò” ứng viên như câu hỏi này thường rất được các nhà tuyển dụng ưa chuộng. Vì thông qua câu trả lời của ứng viên, họ sẽ biết được mức độ đam mê công việc và sự hứng thú đối với vị trí mà họ đang tuyển dụng.
- Trả lời
Nếu là một ứng viên sở hữu chuyên ngành liên quan đến lễ tân, bạn hoàn toàn có thể nói rằng, đây chính là công việc mà bạn hằng mong ước sau khi tốt nghiệp ra trường. Còn nếu bạn là ứng viên sở hữu những chuyên ngành ngoài lễ tân, chẳng hạn như du lịch, ngoại ngữ,... bạn cũng có thể nói lên niềm đam mê và sự yêu thích của bạn đối với nghề. Lễ tân khách sạn là vị trí có thể giúp bạn rèn luyện bản thân, những kỹ năng về con người, giúp bạn bắt đầu sự nghiệp theo một lộ trình cơ bản nhất!
1.2. Theo bạn, Lễ tân khách sạn đóng vai trò gì trong tổ chức?
Câu hỏi này được nhà tuyển dụng đặt ra bởi họ cần biết được bạn đã nhận thức đến đâu những trách nhiệm và vai trò của mình trong sự phát triển chung của tập thể tổ chức.
- Trả lời
“Em nghĩ rằng, Lễ tân khách sạn có thể được ví như “gương mặt đại diện”, “đại sứ thương hiệu” của công ty. Chính lễ tân là bộ phận, là cá nhân tiếp cận và gặp gỡ khách hàng đầu tiên khi họ bước vào. Chính lễ tân cũng là người trao đổi để biết được nhu cầu, mong muốn của khách hàng. Từ đó, lễ tân có thể tư vấn và giới thiệu các dịch vụ khách sạn đang cung cấp cho khách hàng. Mức độ chuyên nghiệp trong quá trình cung cấp dịch vụ và chăm sóc khách hàng của nhân viên lễ tân, đồng thời theo em cũng chính là minh chứng cho chất lượng của khách sạn đó.”
1.3. Hãy cho biết một Lễ tân khách sạn cần những kỹ năng và phẩm chất gì?
Thông qua câu hỏi này, nhà tuyển dụng muốn biết được bạn đã nắm vững những tiêu chuẩn hay yêu cầu công việc của một Lễ tân khách sạn trước ứng tuyển hay chưa? Mức độ hiểu biết của bạn về câu hỏi này, cũng có thể cho nhà tuyển dụng ngầm hiểu bạn có đầy đủ những kỹ năng và phẩm chất đó.
- Trả lời
Một mẹo để câu trả lời của ứng viên trở nên thực tế hơn, đó chính là hãy lặp lại những yêu cầu công việc trong bản mô tả công việc mà nhà tuyển dụng đã đăng tin trước đó. Họ sẽ cảm thấy rất ấn tượng với những ứng viên thực sự tìm hiểu sâu sắc vị trí tuyển dụng, cho thấy mức độ nghiêm túc và quan tâm trong công việc. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bổ sung câu trả lời của mình bằng việc liệt kê một số kỹ năng quan trọng nhất đối với vị trí này, chẳng hạn như: kỹ năng ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, thái độ phục vụ, kỹ năng ứng xử,....
1.4. Bạn có thể sử dụng thành thạo những ngôn ngữ nào?
Câu hỏi này là để xác nhận xem bạn có sở hữu kỹ năng giao tiếp bằng một hay nhiều ngôn ngữ hay không? Xét về phương diện mở rộng, đây cũng có thể là câu hỏi thăm dò thái độ và mức độ trung thực của ứng viên.
- Trả lời
Lễ tân khách sạn là nghề cần đến chuyên môn ngoại ngữ. Do đó, bạn nên nói rõ kỹ năng ngoại ngữ của bạn thuộc hệ ngôn ngữ nào, mức độ cho từng năng lực cụ thể ra sao. Hãy nhớ rằng, luôn trung thực trong câu trả lời của bạn, bất kể bạn không giỏi ngoại ngữ đi chăng nữa nhé.
1.5. Bạn có cách gì để giải quyết những phàn nàn của khách?
Đặt câu hỏi này, nhà tuyển dụng có chủ đích đặt ra một tình huống cụ thể để ứng viên có thể đưa ra những giải pháp mang tính cá nhân. Khách phàn nàn là một trong những câu chuyện không thể thiếu ở sự nghiệp nghề Lễ tân khách sạn. Do đó, nhà tuyển dụng cần biết được bạn đã sẵn sàng để đối diện với những vấn đề như vậy hay chưa?
- Trả lời
Là một Lễ tân khách sạn, khi gặp phải tình huống khách phàn nàn, thậm chí là gây tranh cãi ở quầy lễ tân. Bạn cần mời khách vào một khu vực yên tĩnh hơn để nói chuyện, tránh làm phiền các khách hàng khác và gây hình ảnh không đẹp cho công ty. Một Lễ tân khách sạn chuyên nghiệp luôn biết đặt mình vào vị trí của khách hàng, biết cách lắng nghe vấn đề mà họ đang trình bày. Ứng dụng kiến thức và chuyên môn của mình, nhân viên lễ tân cần nhận định được vấn đề khách phàn nàn xuất phát từ lỗi của khách sạn hay lỗi của cá nhân người khách đó. Kịp thời phối hợp với các phòng ban, bộ phận khác để giải quyết sao cho hợp tình hợp lẽ.
Câu hỏi phỏng vấn ngành Du lịch thường gặp
1.6. Bạn làm thế nào trong tình huống khách hàng quốc tế không biết sử dụng tiếng Anh, và bạn cũng không biết nói tiếng bản địa của họ?
Lại là một tình huống cụ thể được nhà tuyển dụng đưa ra, nhằm thử thách cách ứng xử của ứng viên cho vị trí Lễ tân khách sạn. Đây cũng là một tình huống “dở khóc dở cười” mà lại rất thường gặp phải khi hành nghề lễ tân ở các khách sạn.
- Trả lời:
Trong trường hợp này, bạn cần nói rõ ràng, nếu không hiểu về ngôn ngữ nói, bạn vẫn có thể đọc vị khách hàng bằng cách quan sát hành động, cử chỉ và biểu cảm của khách hàng khi nói. Bên cạnh đó, không quên sử dụng các công cụ phần mềm làm chức năng chuyển đổi ngôn ngữ, hãy vẫn cứ sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với khách nhé.
Vì chắc chắn, khách hàng quốc tế nào khi đi du lịch cũng sẽ trang bị ít nhiều một vốn nhỏ về tiếng Anh, chỉ là họ không thành thạo để giao tiếp mà thôi. Ứng viên cũng đừng quên nói với nhà tuyển dụng rằng, trong quá trình làm việc, chắc chắn bạn sẽ chủ động học hỏi một số từ vựng, ngữ pháp giao tiếp đơn giản bằng các ngoại ngữ thông dụng để không bị lúng túng trước những tình huống này nhé!
1.7. Hãy nói về khó khăn của bạn trong nghề lễ tân?
Câu hỏi về các khó khăn, giúp nhà tuyển dụng nắm bắt được tâm lý khi hành nghề của bạn. Mỗi ứng viên, mỗi cá nhân sẽ cảm nhận những khó khăn khác nhau. Do đó, việc trình bày chân thật những khó khăn mà bạn gặp phải sẽ giúp nhà tuyển dụng biết cách phân công công việc cụ thể cho bạn, và phần nào đánh giá được năng lực chịu được áp lực trong công việc của bạn đấy nhé.
- Trả lời
Hãy thử nghĩ xem, công việc Lễ tân khách sạn thường gặp phải các vướng mắc nào to lớn? Đừng liệt kê một cách quá vô tư bất cứ nhiệm vụ nào mà bạn cảm thấy khó khăn nhé. Điều này sẽ tố cáo bạn chẳng làm được gì cho khách sạn, và chắc chắn bạn là người không thể nhận những nhiệm vụ to lớn.
1.8. Bạn biết gì về khách sạn của chúng tôi?
Câu hỏi này đa phần được nhà tuyển dụng hỏi ở hầu hết các vị trí đang cần được bổ sung. Điều này minh chứng cho một sự thật, các nhà tuyển dụng thường đánh giá rất cao những ứng viên chịu khó tìm hiểu về doanh nghiệp và lĩnh vực, dịch vụ mà họ cung cấp. Đó là lý do họ hỏi câu hỏi này nhằm “kiểm tra” mức độ phù hợp của bạn với công việc cũng như với công ty.
- Trả lời
Hãy chắc rằng, bạn đã kịp thời tìm hiểu các thông tin chi tiết, hoặc tối thiểu là tổng quan về khách sạn. Nhà tuyển dụng thường rất thích nghe ứng viên nói cụ thể về thời gian khách sạn thành lập, khách sạn do đơn vị nào chủ quản, có đặc trưng cung cấp dịch vụ, sản phẩm gì? Có những thành tích hay hoạt động nổi bật nào? Được người dùng đánh giá ra sao?,... Hãy cố gắng tìm những điểm tích cực về nhà tuyển dụng để trình bày bạn nhé!
1.9. Bạn dự định làm việc trong bao lâu nếu chúng tôi nhận bạn?
Câu hỏi với chủ đích “gài bẫy” ứng viên này cho thấy những nhà tuyển dụng vô cùng tinh tế. Thông qua cách trả lời, thái độ và phản ứng của bạn, họ sẽ đọc vị được bạn đang nghĩ gì đấy nhé.
- Trả lời
Đừng quá lúng túng, hãy cơ bản xem đây là một cơ hội để bạn trả lời bằng một cách gây ấn tượng nhất. Mặc dù câu trả lời của bạn có là gì đi chăng nữa. Hãy cố gắng không đưa một con số cụ thể vào dự định. Đó là lỗi sai cơ bản nhất của ứng viên. Chẳng nhà tuyển dụng nào lại nhận một ứng viên mà chưa vào làm đã nghĩ đến chuyện nghỉ việc cả, phải không nào? Hãy nói rằng bạn tìm đến công việc này vì sự đam mê và có lộ trình mục tiêu phát triển cụ thể. Bạn chỉ muốn cống hiến hết mình cho công ty, rèn luyện kỹ năng của bản thân, tích lũy kinh nghiệm để được công ty trọng dụng ở những vai trò và trách nhiệm cao hơn nữa.
1.10. Hãy nói rõ định hướng mục tiêu của bạn trong vòng 5 năm tới?
Mặc dù nhà tuyển dụng có thể đã nằm lòng được câu trả lời của bạn thông qua mẫu CV xin việc. Tuy nhiên, để kiểm tra bản lĩnh của ứng viên, họ thường lặp lại câu hỏi này ở vòng phỏng vấn với lý do, muốn thấy được thái độ và phong cách ứng xử của bạn trước đó.
- Trả lời
Đừng nói về những định hướng khá chung chung, chẳng hạn như em muốn học hỏi và tích lũy kinh nghiệm, phấn đấu thăng tiến hơn trong tương lai. Trong vòng 5 năm, hãy vạch sẵn cho mình một kế hoạch làm việc và phát triển cụ thể. Xuất phát điểm với vị trí Lễ tân khách sạn, bạn hoàn toàn có thể vạch ra cho mình lộ trình 2 năm thăng lên cấp trưởng nhóm lễ tân, 5 năm lên cấp trưởng phòng hoặc thậm chí là giám đốc bộ phận lễ tân. Lưu ý, đừng quá chú trọng vào tham vọng của bản thân, hãy nói rằng công sức của bạn bỏ ra là nhằm đưa công ty đến một mục đích cao cả hơn.
2. Tham khảo thêm những câu hỏi phỏng vấn Lễ tân khách sạn khác
Là một trong những vị trí có số lượng ứng viên ứng tuyển rất đông. Việc cạnh tranh là không thể tránh khỏi. Do đó, buổi phỏng vấn chính là cơ hội cuối cùng để bạn chứng minh không ai khác ngoài bạn là phù hợp với vị trí này. Hãy chuẩn bị thật tốt cho cơ hội có 102 này, gây ấn tượng thật sâu sắc với nhà tuyển dụng nhé. Một số câu hỏi phỏng vấn Lễ tân khách sạn khác có thể được nhà tuyển dụng hỏi như sau:
- Vị trí này chúng tôi yêu cầu tối thiểu 1 năm kinh nghiệm, còn bạn thì không có kinh nghiệm. Vậy hãy cho chúng tôi biết tại sao chúng tôi phải chọn bạn chứ không phải những ứng viên ngoài kia? => Câu hỏi kiểm tra kỹ năng thuyết phục
- Có rất nhiều khách sạn đang tuyển dụng lễ tân, nhưng tại sao bạn chọn khách sạn của chúng tôi? => Câu hỏi kiểm tra kỹ năng xử lý vấn đề
- Bạn nghĩ một Lễ tân khách sạn thực chất làm các công việc gì? => Câu hỏi kiểm tra mức độ am hiểu chuyên môn
- Nhiều người nói công việc lễ tân rất dễ nhàm chán? Bạn có chắc chắn là bạn không nản chí? => Câu hỏi kiểm tra năng lực và thái độ làm việc
- Bạn có thể thích nghi được khi chúng tôi điều chuyển vị trí trong quá trình làm việc hay không? => Câu hỏi kiểm tra kỹ năng thích nghi
- Bạn có câu hỏi nào dành cho chúng tôi hay không? => Câu hỏi kiểm tra tư duy và kỹ năng giao tiếp
- Bạn có đáp ứng được những khi công việc đòi hỏi tăng ca và đặc biệt là trực đêm hay không? => Câu hỏi kiểm tra mức độ chịu đựng áp lực trong công việc
- Nếu một khách hàng ngỏ ý muốn bạn cho xin thông tin về cá nhân, như số điện thoại của bạn. Bạn sẽ xử lý như thế nào? => Câu hỏi kiểm tra kỹ năng ứng xử tình huống
3. Hỏi ngược lại nhà tuyển dụng để tạo ấn tượng mạnh
Trong các câu hỏi phỏng vấn Lễ tân khách sạn được work247.vn đề cập ở trên. Một trong những câu hỏi gây tranh cãi nhất trong cộng đồng người tìm việc, đó chính là “Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi hay không?”
Nhiều ứng viên đã chọn cách trả lời không, nhưng nhiều ứng viên cũng làm ngược lại bằng cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng. Trên thực tế, mục đích của nhà tuyển dụng khi đặt câu hỏi này đó là muốn thăm dò mức độ hứng thú trong công việc của bạn. Hoặc họ rõ ràng muốn trao đổi một cách kỹ càng hơn công việc với bạn. Vậy tại sao ứng viên không thử chuẩn bị những câu hỏi cho nhà tuyển dụng để vừa gây ấn tượng, vừa thỏa mãn được thắc mắc cá nhân?
- Lễ tân tại khách sạn của anh/chị có đồng phục hay không?
- Em có thể học được các kỹ năng và nghiệp vụ gì từ công việc này?
- Công ty có tạo điều kiện về các lớp học kỹ năng cho lễ tân không?
- Một nhân viên lễ tân có thể thăng tiến lên cấp cao hơn ở công ty không?
- Những vị trí cấp cao như quản lý thì công ty tuyển dụng nội bộ hay công khai?
4. Đặc biệt lưu ý những điểm sau để phỏng vấn Lễ tân khách sạn thành công
- Khi đi phỏng vấn, đừng bao giờ quên mang theo một bản cứng CV xin việc hoặc hồ sơ xin việc.
- Lễ tân khách sạn là một vị trí yêu cầu sự chuyên nghiệp. Do đó hãy lưu ý về trang phục bạn chọn mặc khi đi phỏng vấn.
- Hãy chú ý về đầu tóc, nên áp dụng tính gọn gàng ngăn nắp từ trong ra ngoài. Không ăn mặc và trang điểm quá lố.
- Đến trước buổi phỏng vấn 10 - 15 phút để thể hiện mức độ coi trọng với nhà tuyển dụng.
- Luôn giữ một nụ cười thân thiện trên môi trong quá trình gặp gỡ và trả lời các câu hỏi phỏng vấn.
- Cung cấp các thông tin và trả lời câu hỏi một cách trung thực, đặc biệt với các số liệu thành tích hay thông tin kinh nghiệm.
- Không có thái độ coi thường, nói xấu công ty, đồng nghiệp, cấp trên cũ.
- Không chú trọng quá mức về các thông tin bản thân không liên quan đến công việc. Chẳng hạn như sở thích, quan niệm sống cá nhân,...
Work247.vn tin rằng, với toàn bộ câu hỏi phỏng vấn Lễ tân khách sạn được cung cấp trên đây, ứng viên sẽ nạp đầy năng lượng tự tin để “gây mê” nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn!
20574 0