Tìm hiểu những lợi ích và vấn đề xoay quanh phương thức dropshipping

Tác giả: Linh Anh Nguyễn 09-10-2024

Khác với hình thức bán hàng truyền thống khi bạn phải trữ nguồn hàng và vận chuyển cho khách hàng, dropshipping ra đời như một hình thức bán hàng mới mẻ dành cho cá nhân hoặc doanh nghiệp không có điều kiện xây dựng sân bãi hay kho chứa hàng. Phương pháp này có nhiều lợi ích tuy nhiên cũng tồn tại một số vấn đề. Vậy dropshipping là gì? Hãy cùng tìm hiểu về hình thức bán hàng này trong bài viết sau đây nhé!

1. Dropshipping và những ưu điểm của phương thức này

Dropshipping là một phương thức bán hàng ra đời và phát triển nhanh chóng, song song với sự phát triển của các hoạt động thương mại điện tử. Đây là một phương thức được rất nhiều cá nhân và cả doanh nghiệp lựa chọn. Vậy dropshipping là gì? Cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Phương thức bán hàng dropshipping

1.1. Dropshipping là gì?

Dropshipping là một phương thức bán hàng hoàn toàn mới, trong đó người bán hàng không cần phải lưu trữ các sản phẩm mà họ bán ở trong kho. Thay vào đó, người bán hàng sẽ mua mặt hàng từ những nhà cung cấp bên thứ ba và vận chuyển hàng cho khách hàng. Do đó, khi áp dụng phương thức này, người bán sẽ không cần phải trực tiếp tiếp xúc và xử lý sản phẩm, hàng hóa.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa dropshipping và mô hình bán lẻ tiêu chuẩn truyền thống đó là người bán không dự trữ hàng hoặc không sở hữu kho hàng. Thay vào đó, khi có đơn hàng từ khách, người bán hàng sẽ mua sản phẩm từ nhà cung cấp bên thứ ba – thường sẽ là nhà bán buôn hoặc nhà sản xuất – để đáp ứng các đơn đặt hàng.

1.2. Những lợi ích của dropshipping

Dropshipping là một mô hình kinh doanh tuyệt vời dành cho các cá nhân muốn bắt đầu “khởi nghiệp”, đặc biệt là trong tình trạng các hoạt động thương mại điện tử đang diễn ra rất sôi nổi như hiện nay.

Dropshipping mang đến rất nhiều lợi ích

Với dropshipping, bạn có thể nhanh chóng thử nghiệm các ý tưởng kinh doanh khác nhau mà không cần quá lo lắng về khả năng thất bại. Điều này cho phép bạn học hỏi và tích lũy được nhiều kinh nghiệm về cách lựa chọn và tiếp thị các sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng.

Dưới đây là một vài lý do khác tại sao dropshipping lại đang trở lên phổ biến như hiện nay.

1.2.1. Số vốn cần bỏ ra ít hơn

Không thể phủ nhận rằng dropshipping có một lợi thế rất lớn đó là cho phép bạn mở một cửa hàng thương mại điện tử mà không cần phải đầu tư hàng nghìn đô la vào việc tích trữ hàng tồn kho từ trước.

Theo cách làm truyền thống, các nhà bán lẻ phải bỏ ra một lượng vốn lớn để thu mua hàng tồn kho. Tuy nhiên, với mô hình dropshipping, bạn không phải mua trước và dự trữ sản phẩm, chỉ trừ khi bạn đã bán hàng và được khách hàng thanh toán tiền hàng trước.

Số vốn cần bỏ ra cho hoạt động kinh doanh ít hơn

Lợi thế không cần đầu tư vào hàng hóa dự trữ trước trong kho giúp bạn có thể khởi động hoạt động kinh doanh dropshipping thành công với số vốn ban đầu thấp hơn rất nhiều so với hình thức bán lẻ truyền thống. Chính điều này đảm bảo bạn sẽ gặp ít rủi ro hơn khi bắt đầu mở cửa hàng hoặc thử nghiệm dòng sản phẩm mới.

1.2.2. Khởi đầu dễ dàng hơn

Việc quản lý các hoạt động thương mại điện tử dễ dàng hơn nhiều khi bạn không phải xử lý với các sản phẩm mình treo bán. Với dropshipping, bạn sẽ không cần phải lo lắng về những vấn đề sau đây:

+ Quản lý hoặc duy trì hoạt động của kho chứa hàng.

+ Đóng gói đơn hàng và vận chuyển đến tay khách hàng.

+ Thuê nhân viên kế toán theo dõi và kiểm soát hàng tồn kho.

+ Xử lý hàng trả lại và hàng gửi đến.

1.2.3. Chi phí chung thấp

Bởi vì bạn không phải giải quyết bài toán mua và dự trữ hàng tồn kho hoặc quản lý kho hàng, nên chi phí chung của bạn khá thấp. Trên thực tế, nhiều cửa hàng dropshipping thành công được điều hành dưới dạng kinh doanh tại nhà, chỉ cần sở hữu một chiếc máy tính xách tay và một vài khoản chi phí định kỳ để hoạt động. Khi việc kinh doanh của bạn phát triển, những chi phí này có thể sẽ tăng lên tuy nhiên nhìn chung vẫn sẽ thấp hơn so với chi phí mà các doanh nghiệp truyền thống cần bỏ ra.

Chi phí chung thấp cũng là một lợi thế rất đáng kể

1.2.4. Bán hàng tại bất cứ nơi đâu

Bạn có thể kinh doanh bằng phương thức dropshipping ở bất cứ đâu miễn là có kết nối internet. Bạn chỉ cần có kết nối internet để trao đổi với nhà cung cấp và khách hàng về đơn hàng và thỏa thuận ngày giao hàng.

1.2.5. Nhiều sự lựa chọn sản phẩm để bán hàng

Vì bạn không phải mua trước các mặt hàng mà bạn bán, nên bạn có thể cung cấp nhiều mặt hàng, sản phẩm thịnh hành cho khách hàng tiềm năng của mình. Nếu các nhà cung cấp có sẵn một số lượng hàng dự trữ đủ lớn, bạn có thể niêm yết mặt hàng đó lâu dài trên cửa hàng của mình mà không phải lo lắng về vấn đề tìm kiếm nguồn hàng thay thế

1.2.6. Dễ dàng kiểm tra xu hướng thị trường

Dropshipping là một phương pháp thực sự hữu ích cho cả việc khai trương một cửa hàng mới lẫn việc kiểm tra nhu cầu của khách hàng đối với các danh mục sản phẩm bổ sung, chẳng hạn như phụ kiện cho một sản phẩm đang được bán hoặc một vài dòng sản phẩm hoàn toàn mới. Vì bạn không cần trữ hàng tồn kho nên sẽ không cần lo lắng tìm biện pháp xử lý nếu những thử nghiệm của bạn không thành công như mong đợi.

1.2.7. Dễ mở rộng quy mô hơn

Giả sử bạn hoạt động kinh doanh theo hình thức bán lẻ truyền thống, nếu bạn nhận được số lượng đơn đặt hàng gấp ba lần, thì bạn sẽ phải cung ứng đủ số lượng đơn đặt hàng gấp ba đó.. Tuy nhiên, khi áp dụng phương thức dropshipping, hầu hết công việc để xử lý các đơn đặt hàng bổ sung sẽ do các nhà cung cấp bên thứ ba đảm nhận. Điều này tạo điều kiện cho phép bạn mở rộng quy mô kinh doanh mà không cần quá lo lắng về vấn đề khối lượng công việc sẽ gia tăng quá nhiều.

Dễ mở rộng quy mô với phương thức dropshipping

2. Một số hạn chế của phương thức dropshipping

Tất cả những lợi ích đã đề cập đến ở trên đã khiến cho dropshipping trở thành một mô hình rất hấp dẫn cho bất kỳ ai muốn khởi nghiệp kinh doanh online hoặc dành cho những người muốn mở rộng các dịch vụ hay sản phẩm hiện có của họ.

Tuy nhiên, không có phương thức bán hàng nào là hoàn hảo, và dropshipping cũng vẫn có một số hạn chế.

2.1. Tỷ suất lợi nhuận thấp

Tỷ suất lợi nhuận thấp là bất lợi lớn nhất khi hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với phương thức dropshipping. Nguyên nhân chủ yếu là bởi vì thị trường bán lẻ dropshipping có tính cạnh tranh rất cao.

Vì khởi đầu quá dễ dàng và không cần quá nhiều cho chi phí chung, những chủ cửa hàng online sẽ cạnh tranh với nhau, thậm chí không ít chủ cửa hàng sẽ bán các mặt hàng với giá thấp hơn nhiều để thu hút số lượng đơn hàng với phương châm “lấy số lượng bù chất lượng”.

Thông thường, những người bán này sẽ sử dụng các trang web chất lượng thấp và dịch vụ khách hàng kém (nếu có). Nhưng điều đó sẽ không ngăn cản được khách hàng so sánh giá của họ với giá của các doanh nghiệp lớn hơn. Chính đặc tính cạnh tranh rất “khốc liệt” này sẽ làm giảm lợi nhuận tiềm năng từ hoạt động kinh doanh của bạn.

Tỷ suất lợi nhuận thấp là vấn đề lớn nhất cần cân nhắc

2.2. Các vấn đề về hàng tồn kho

Nếu bạn dự trữ tất cả các sản phẩm của mình trong kho hàng thì việc theo dõi những mặt hàng nào còn hàng và hết hàng là điều tương đối đơn giản. Nhưng khi bạn tìm nguồn cung ứng từ nhiều nhà cung cấp bên thứ ba (những nhà cung cấp này cũng có thể đang cung ứng nguồn hàng cho những người khác kinh doanh theo phương thức dropshipping) thì số lượng hàng dự trữ trong kho của họ có thể thay đổi hàng ngày.

2.3. Một số vấn đề phát sinh trong khâu vận chuyển

Khi bạn làm việc với các nhà cung cấp bên thứ ba thì các sản phẩm trên cửa hàng trực tuyến của bạn có thể sẽ được cung cấp thông qua nhiều dropshippers khác nhau. Điều này vô hình chung làm gia tăng chi phí vận chuyển và những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình vận chuyển.

Giả sử một khách hàng đặt hàng ba mặt hàng mà tất cả đều chỉ có sẵn từ các nhà cung cấp khác nhau, bạn sẽ phải chịu ba khoản phí vận chuyển riêng biệt khi gửi từng mặt hàng cho khách hàng.

Một số vấn đề phát sinh trong khâu vận chuyển

2.4. Lỗi từ phía nhà cung cấp

Ngay cả những nhà cung cấp bên thứ ba cho phương thức dropshipping tốt nhất cũng có thể sẽ mắc lỗi khi thực hiện đơn đặt hàng. Và dĩ nhiên những sai lầm này đều sẽ do bạn phải chịu trách nhiệm và xin lỗi. Chưa kể nhiều trường hợp bạn gặp phải những nhà cung cấp kém chất lượng thường xuyên thiếu hàng, cung cấp hàng bị lỗi và hay chất lượng đóng gói thậm tệ. Những lỗi này có thể gây tổn hại đến danh tiếng và hình ảnh của bạn.

Như vậy, dropshipping không phải là phương thức hoàn hảo nếu bạn muốn xây dựng cho mình một mô hình kinh doanh online chuyên nghiệp với quy mô lớn. Rõ ràng phương thức này có một số ưu điểm nhất định, nhưng đi kèm với đó là không ít những vấn đề mà bạn cần giải quyết. Hãy kinh doanh một cách thông  minh và lựa chọn cho mình một phương thức kinh doanh phù hợp với hoàn cảnh cũng như dự định của bản thân nhé!