Giải đáp phát triển thể chất là gì và ý nghĩa của quá trình này
Tác giả: Trương Ngọc Lâm 26-07-2024
Bên cạnh việc tôi luyện trí não thì nâng cao thể chất cũng là điều rất cần được chú trọng, nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người ngay từ lứa tuổi trẻ thơ. Để nắm rõ được về phát triển thể chất, đầu tiên cần tìm hiểu phát triển thể chất là gì và quá trình này có ý nghĩa ra sao đối với chúng ta.
1. Khái niệm phát triển thể chất
Phát triển thể chất được hiểu là quá trình tăng trưởng về hình thái, dáng vóc, chức năng cơ thể, kéo theo đó là sự biến đổi hoạt động của các cơ quan chức năng khác, xảy ra ở con người từ khi sinh ra cho đến tuổi vị thành niên. Quá trình phát triển thể chất có thể đánh giá quá chiều cao, cân nặng, sức bền, sự dẻo dai,… Quá trình này có thể diễn ra một cách tự phát (cơ thể tự phát triển qua thời gian) hoặc tự giác (do con người chủ động luyện tập, rèn luyện hoặc sử dụng biện pháp khác).
Quá trình phát triển thể chất của con người bắt đầu từ rất sớm. Ví dụ, trẻ sơ sinh nhận biết và học hỏi về thế giới theo sự phát triển các giác quan thể chất, như thị giác, xúc giác, khứu giác, thính giác và vị giác. Thực tế thì trẻ đã có thể nghe tốt ngay từ trước khi chào đời, thưở mà vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Dần dà, chúng ngày càng tiến bộ và hoàn thiện hơn về các kỹ năng vận động, hay nói cách khác là khả năng sử dụng và kiểm soát cơ thể.
Phát triển thể chất chính là nền tảng cơ sở để mỗi người phát triển về trí lực, trau dồi những đức tính quý báu và hoàn thiện về nhân cách con người. Bởi vậy cho nên đây được xem là một nhiệm vụ thiết yếu, cần được chú trọng ngay từ khi còn nhỏ, nhằm giáo dục và rèn luyện mỗi cá nhân một cách toàn diện sao cho phù hợp với yêu cầu của cá nhân đó và của cả xã hội.
2. Ý nghĩa của việc phát triển thể chất đối với trẻ thơ
- Nâng cao thể lực, tinh thần:
Lợi ích quan trọng nhất của việc phát triển thể chất đó là giúp cải thiện sức khỏe toàn diện của trẻ em, các bé có thể chất tốt không chỉ khỏe mạnh mà còn nâng cao các tố chất thể lực như sức bền, tốc độ, sự linh hoạt và nhanh nhẹn, trẻ có thể chất tốt sẽ ít gặp đau ốm, bệnh tật hơn các trẻ ít vận động, không tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Ngoài ra việc phát triển thể chất cũng giúp trẻ em có một tinh thần tốt, sẵn sàng cho các hoạt động học tập, làm việc, vui chơi giải trí.
- Phát triển trí óc, não bộ:
Quá trình phát triển não bộ của chúng ta diễn ra hầu hết ở những năm tháng đầu đời. Chỉ sau 2 năm từ khi chào đời thì não của trẻ đã phát triển khoảng 25 – 75% tổng kích thức khi ở tuổi trưởng thành rồi. Việc tập luyện phát triển thể chất, thể lực sẽ giúp tạo ra sự kết nối giữa não bộ và các dây thần kinh, thúc đẩy trí não phát triển nhanh hơn và trẻ cũng sẽ nhanh học được các kỹ năng vận động, sáng tạo, nhận thức, giải quyết vấn đề,…
- Tăng dung tích và công suất phổi:
Khi hoạt động thể chất của trẻ diên ra thường xuyên, dung tích phổi cũng sẽ được cải thiện, lượng oxy đi vào trong cơ thể và lượng khí thải ra ngoài sẽ nhiều hơn. Đặc biệt, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về phổi như hen suyễn, suy hô hấp, viêm phế quản,..
- Nâng cao sức khỏe tim mạch:
Các hoạt động thể chất giúp giảm lượng chất béo có hại và cholesterol trong máu, khiến mạch máu khỏe mạnh hơn và giữ cho các tĩnh mạch, động mạch luôn thông thoáng, nhờ đó giảm các nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim khi đến tuổi trưởng thành. Thể chất tốt cũng làm giảm nỗi lo về các biến chứng, rối loạn nghiêm trọng khác liên quan đến tim mạch.
- Rèn luyện đức tính quý báu và xây dựng lối sống lành mạnh:
Khi tham gia vận động thường xuyên để nâng cao thể lực, trẻ em sẽ học hỏi và trau dồi được nhiều đức tính quý báu, chẳng hạn như tính đoàn kết, kỷ luật, siêng năng, tự giác, tự lập. Việc chú trọng rèn luyện sức khỏe thể chất từ nhỏ cũng xây dựng cho trẻ một nếp sống lành mạnh, tích cực, thói quen thể dục thể thao thường xuyên, không chỉ giúp ích ở độ tuổi hiện tại mà còn về cả sau này.
3. Các công việc liên quan đến phát triển thể chất?
Ngày nay, có rất nhiều công việc chuyên môn liên quan đến việc phát triển thể chất của con người, giúp đỡ các cá nhân và cộng đồng nâng cao sức khỏe thể lực và xây dựng lối sống lành mạnh. Dưới đây là một vài công việc phổ biến thuộc lĩnh vực phát triển thể chất:
- Giáo viên thể dục:
Giáo viên thể dục là giáo viên phụ trách giảng dạy và đào tạo về thể chất cho học sinh, sinh viên. Họ không chỉ cần thành thạo các kỹ năng thể thục thể thao mà còn nắm vững kiến thức lý thuyết về sức khỏe, thể chất, vận động.
Hiện nay hầu hết các trường học đều có giáo viên thể dục chuyên hướng dẫn các môn như thể dục, aerobic, bóng chuyền, bóng rổ, võ thuật, điền kinh, nhảy xa,… Bên cạnh việc rèn luyện và nâng cao kỹ năng thể dục, thể chất tổng thể cho các em học sinh, giáo viên thể dục còn là người phát hiện tiềm năng và ươm mầm những hạt giống thể thao tương lai, hướng dẫn nhưng em có đam mê đặc biệt về các môn thể dục thể thao.
- Bác sĩ thể thao:
Y học thể thao là một lĩnh vực riêng biệt trong chăm sóc sức khỏe, chuyên xử lý các vấn đề liên quan đến sức khỏe thể chất và điều trị phục hồi chấn thương liên quan đến thể dục thể thao. Các bác sĩ thể thao nắm giữ chuyên môn sâu rộng về y học thể chất, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, vậy nên họ sẽ đưa ra cho bạn những lời khuyên tốt nhất trong việc phát triển thể chất.
Những bậc phụ huynh muốn tìm hiểu cụ thể về tiềm năng thể chất của con em mình thì có thể đến gặp bác sĩ thể thao để nhận những tư vấn chuyên nghiệp, phù hợp với khả năng của con, biết nên nâng cao và phát triển những tố chất thể lực nào.
- Giáo viên mầm non:
Công việc của các giáo viên mầm non không phải chỉ như các bảo mẫu mà còn phức tạp hơn thế. Những thầy cô giáo mầm non không chỉ có nhiệm vụ chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ của trẻ em mà còn là những người định hướng, phát triển thể chất của các em trong những năm đầu đời quan trọng nhất.
Ở độ tuổi còn học mẫu giáo, các bé cần hình thành và phát triển những kỹ năng vận động cơ bản nhất như bò, đi, trườn, nhảy, chạy, leo trèo,… Giáo viên mầm non sẽ là người hướng dẫn các em thực hành những bài tập cụ thể, có thể là cá nhân hoặc theo nhóm, để rèn luyện ý thức cũng như thói quen vận động cho các em.
- Chuyên gia đời sống trẻ em:
Các chuyên gia về đời sống trẻ em sở hữu vốn kiến thức sâu rộng về tâm lý, hành vi cũng như thể lực của trẻ, có vai trò hỗ trợ các bậc phụ huynh trong việc phát triển con trẻ một cách toàn diện nhất. Thông qua các hoạt động vui chơi giải trí, giáo dục rèn luyện, họ sẽ nhận biết được điểm mạnh, điểm yếu của mỗi em từ đó đưa ra hướng phát triển phù hợp với mong muốn và khả năng từng em.
Họ không chỉ giỏi về phát triển thể chất mà còn là những chuyên gia trong lĩnh vực phát triển và khai phá con người, vậy nên có thể đưa ra những tư vấn hữu ích không chỉ ở giai đoạn đầu đời mà còn cả sau khi đã đến tuổi trưởng thành.
Trên đây là một số thông tin tổng quát liên quan đến vấn đề phát triển thể chất, đặc biệt là thể chất của trẻ em nhỏ. Hi vọng rằng qua bài viết này, bạn đã hiểu được phát triển thể chất là gì, quá trình này có ý nghĩa to lớn ra sao cũng như những công việc, nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực trên. Chúc bạn sớm ứng tuyển thành công vào công việc về phát triển thể chất mà mình mong muốn!