Giải đáp cho câu hỏi kế toán hành chính sự nghiệp là gì
Tác giả: Hà Ngọc Nhi 26-07-2024
Thuật ngữ kế toán hành chính sự nghiệp được mọi người sử dụng khá phổ biến trong xã hội. Nhưng thực chất định nghĩa rõ ràng kế toán hành chính sự nghiệp là gì thì không phải ai cũng biết. Nếu bạn vẫn còn đang thắc mắc các thông tin về kế toán hành chính sự nghiệp thì đừng bỏ lỡ bài viết dưới đây nhé.
1. Kế toán hành chính sự nghiệp là gì?
Để định nghĩa được kế toán hành chính sự nghiệp là gì, trước tiên mình cần hiểu rõ về cụm từ hành chính sự nghiệp. Hành chính sự nghiệp là thuật ngữ được tách từ hai 2 cụm từ cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. Cơ quan hành chính thì dễ hiểu hơn, là những cơ quan làm việc dưới sự quản lý của nhà nước hoặc là các hệ thống cơ quan từ trung ương tới địa phương của nhà nước như: viện kiểm sát, các bộ, ủy ban nhân dân,… Còn đơn vị sự nghiệp cũng là những cơ quan làm việc dưới sự quản lý của nhà nước những mỗi đơn vị sẽ có một nhiệm vụ riêng như trường học công lập, bệnh viện công,…
Vậy qua đó có thể rút ra được định nghĩa về kế toán hành chính sự nghiệp như thế nào? Kế toán hành chính sự nghiệp là kế toán có nhiệm vụ chấp hành ngân sách quốc gia tại các đơn vị hành chính sự nghiệp. Kế toán hành chính sự nghiệp sẽ làm công tác hệ thống các thông tin bằng số liệu cụ thể để kiểm soát các nguồn chi phí, kinh phí; tình hình sử dụng, quyết toán về kinh phí; quản lý và sử dụng vật tư, tài sản công. Bên cạnh đó, kế toán hành chính sự nghiệp cũng sẽ phải thực hiện các tiêu chuẩn về định mức của nhà nước đối với các đơn vị đó.
Chính vì vậy, vai trò của kế toán hành chính sự nghiệp không chỉ đảm bảo cho kinh phí của các đơn vị mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới ngân sách của quốc gia.
Kế toán hành chính sự nghiệp có thể làm việc ở đâu?
- Tại các đơn vị hành chính sự nghiệp có thu tức là các đơn vị hành chính sự nghiệp có nguồn thu từ ngân sách quốc gia và các nguồn thu khác, cụ thể ở đây là các trường học công lập, bệnh viện công,…
- Tại các đơn vị hành chính sự nghiệp đơn thuần tức là các đơn vị có nguồn thu trực tiếp từ nhà nước như ủy ban nhân dân, sở tài chính, bộ giáo dục,…
- Tại các đơn vị hành chính sự nghiệp sản xuất kinh doanh, có sử dụng kinh phí của nhà nước nhưng có thực hiện thêm các công việc sản xuất kinh doanh, ví dụ như các viện nghiên cứu kinh tế, viện nghiên cứu giống cây trồng…
- Tại các đơn vị hành chính sự nghiệp dự án, thực hiện các dự án mang tính chất xã hội, có sử dụng kinh phí của nhà nước như dự án tuyên truyền sức khỏe cho người dân,…
Đọc thêm: Kế toán doanh nghiệp là gì
2. Nhiệm vụ của kế toán hành chính sự nghiệp
- Kế toán hành chính sự nghiệp có nhiệm vụ phân tích, tổng hợp thông tin về các nguồn kinh phí được cấp hoặc tài trợ. Báo cáo đầy đủ về tình hình sử dụng các kinh phí, các khoản thu phát sinh tại đơn vị như thế nào.
- Kế toán chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý tình hình chấp hành các dự toán thu chi, thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế, các định mức được đưa ra của nhà nước. Ngoài ra còn phải giám sát, kiểm tra tình hình thu nộp ngân sách nhà nước, thanh toán ngân sách và các chế độ, chính sách khác theo yêu cầu của nhà nước.
- Kế toán hành chính sự nghiệp luôn phải là người theo dõi và kiểm soát tình hình phân phối tài chính cho các đơn vị cấp dưới, tình hình chấp hành các khoản thu chi, quyết toán của đơn vị cấp dưới.
- Có trách nhiệm lập và hoàn thành báo cáo tài chính để nộp đúng với thời hạn đã quy định của các cơ quan quản lý cấp trên và cả các cơ quan tài chính. Bên cạnh đó, kế toán có nhiệm vụ cung cấp các thông tin và tài liệu cần thiết phục vụ cho việc xây dựng dự toán và các định mức chi tiêu; phân tích và đánh giá tính hiệu quả của việc sử dụng các nguồn kinh phí ở đơn vị.
Đọc thêm: Bảng cần đối kế toán ngân hàng
3. Yêu cầu đối với kế toán hành chính sự nghiệp
Với vai trò vô cùng quan trọng trong các đơn vị hành chính sự nghiệp của nhà nước, kế toán hành chính sự nghiệp cũng được đặt ra các yêu cầu công việc riêng như sau:
- Kế toán hành chính sự nghiệp phải phản ánh đầy đủ, chính xác mọi khoản chi phí, kinh phí, vốn quỹ, các hoạt động kinh tế và chi phí phát sinh tại đơn vị.
- Tất cả các chỉ tiêu về nội dung cho đến các phương pháp của kinh tế đều phải được các kế toán hành chính sự nghiệp thể hiện thống nhất với các dự toán.
- Tất cả các số liệu trong báo cáo tài chính từ kế toán hành chính sự nghiệp phải đảm bảo được sự rõ ràng, mạch lạc, đảm bảo các thông tin được cung cấp đầy đủ, dễ hiểu, người đọc dễ nắm bắt được.
Đọc thêm: Mô tả công việc của kế toán nội bộ
4. Nội dung các công việc của kế toán hành chính sự nghiệp theo từng chức năng
- Kế toán tiền và vật tư có nhiệm vụ phản ánh tình hình giao nhận các khoản thu, chi đối với ngân sách nhà nước; thep dõi tình hình thay đổi của vật tư và việc xử lý các nguồn kinh phí đã được nhận trong kỳ đó.
- Kế toán tài sản có định sẽ có nhiệm vụ liên quan đế các tài sản cố định như mua sắm, xác định hao mòn của tài sản cố định, thanh lý tài sản cố định. Ở đây ta có thể thấy được sự khác nhau trong việc tính hao mòn tài sản cố định của các đơn vị hành chính sự nghiệp (tính theo năm) và doanh nghiệp (tính theo tháng).
- Kế toán thanh toán sẽ phải phản ánh các khoản nợ cần phải thu và cập nhật tình hình thanh toán các khoản thu đó. Bên cạnh đó hoạch toán các khoản nợ cần phải trả, các khoản trích nộp lương, các khoản trả cho cán bộ công chức, viên chức. Với các đơn vị có sản xuất kinh doanh thì cũng phải nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật.
- Kế toán các khoản thu, chi ngân sách phản ánh các loại thu, chi phát sinh ở đơn vị, qua đó để xác định được các kết quả hoạt động sản xuất dịch vụ và các hoạt động khác nữa.
- Kế toán các mảng lương, bảo hiểm là những kế toán có nghiệp vụ tính lương, chi lương, thực hiện trích nộp các khoản về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho các công chức, viên chức trong đơn vị sự nghiệp.
- Kế toán các khoản phải trả là kế toán xử lý các khoản cần trả cho các đối tượng của các đơn vị hành chính sự nghiệp như nhà cung cấp hay học sinh, sinh viên.
- Kế toán các nguồn kinh phí thì các kế toán có nhiệm vụ sử dụng các bút toán kế toán có liên quan đến việc tăng các nguồn ngân sách từ nhà nước như kinh phí dự toán, kinh phí hoạt động,…
- Kế toán nguồn kinh phí kinh doanh giúp các nhà quản lý biết được các nguồn kinh phí kinh doanh đến từ đâu và các đơn vị hành chính sự nghiệp sử dụng nó như thế nào.
- Kế toán các sổ sách và báo cáo tài chính có nhiệm vụ liệt kê các khoản sổ sách cần in ra vào cuối các niên độ kế toán và các vấn đề liên quan đến mục đích, thông tin trong mỗi loại sổ sách, báo cáo đó.
Bên cạnh các nội dung của kế toán hành chính sự nghiệp kể trên thì vẫn còn một số các nội dung khác nữa tùy theo yêu cầu, cơ cấu của từng đơn vị hành chính sự nghiệp tương ứng. Nhìn chung, kế toán hành chính sự nghiệp được phân chia thành rất nhiều các nội dung khác nhau, có một số điểm giống và cũng có một số điểm khác với kế toán doanh nghiệp.
Hy vọng các thông tin trên đây đã giúp bạn hình dung được kế toán hành chính sự nghiệp là gì và các nhiệm vụ, yêu cầu của một kế toán hành chính sự nghiệp.