Bộ khung Scrum là gì và cách nó thúc đẩy hiệu quả công việc

Tác giả: Trương Ngọc Lâm 30-07-2024

Scrum là một bộ khung làm việc giúp đội phối hợp làm việc cùng với nhau, đặc biệt được các đội ngũ phát triển phần mềm áp dụng rất nhiều. Vậy bộ khung Scrum là gì và nó vận hành ra sao để có thể nâng cao hiệu quả và năng suất của công việc? Hãy cùng tìm hiểu để biết rõ hơn về bộ khung làm việc này.

1. Khái niệm của Scrum? Nó khác gì với Agile?

Về mặt định nghĩa, Scrum có thể hiểu là một bộ khung quy trình dùng để quản lý việc phát triển sản phẩm và các công việc chuyên môn khác. Scrum giúp các đội ngũ thiết lập nên giả thiết về cách mọi thứ hoạt động, sau đó là thử nghiệm, đối chiếu kinh nghiệm và tiến hành các điều chỉnh sao cho phù hợp.

Định nghĩa về bộ quy trình Scrum

Scrum có tính chất hết sức linh hoạt, nó được thiết lập sao cho các đội ngũ có thể thích ứng một cách tự nhiên với những điều kiện thay đổi và yêu cầu của người dùng. Thông qua bộ khung làm việc Scrum, đội ngũ của bạn có thể liên tục học hỏi và cải tiến.

Scrum và Agile thường hay bị nhầm lẫn với nhau, bởi Scrum tập trung vào sự cải tiến liên tục, và đây cũng là nguyên tắc cốt lõi của Agile. Tuy nhiên, để phân biệt một cách đơn giản thì Scrum là một bộ khung quy trình mà mọi người áp vào để hoàn thành công việc, còn Agile thì lại là một mindset, một mô hình tư duy.

Scrum và Agile khác gì nhau?

Trong Agile, nhiệm vụ trong một dự án được phân chia thành các công việc ngắn, đồng thời thực hiện xem xét đánh giá và điều chỉnh kế hoạch một cách thường xuyên. Scrum là một quy trình theo mô hình Agile, giúp các đội ngũ tạo ra giá trị thông qua việc đưa ra giải pháp linh hoạt cho các vấn đề phức tạp.

Scrum ra đời từ năm 1986, là một thuật ngữ được hai chuyên gia kinh doanh Hirotaka Takeuchi và Ikujiro Nonaka sử dụng trong bài viết đăng lên tạp chí Harvard Business Review. Đến năm 1993 thì Jeff Sutherland chính thức khởi xướng dự án Scrum đầu tiên, cũng từ đây nó đã được thiết lập thành một khuôn khổ vững chắc.

Hiện nay, Scrum là một trong những quy trình Agile được sử dụng rộng rãi nhất trong phát triển phần mềm, và phương pháp này không chỉ áp dụng cho riêng ngành phát triển phần mềm mà là bất kỳ ngành nghề nào khác, chẳng hạn như công nghiệp ô tô hay quân đội.

2. Các vai trò trong một quy trình Scrum

Trong Scrum, có ba vai trò chính cố định bao gồm Product Owner, Scrum Master và Develop Team. Ba vai trò này thể hiện trách nhiệm chính của những người trong nhóm Scrum chứ không phải là chức danh, chức vụ, cấp bậc của họ.

2.1 Product Owner – Tiếng nói của khách hàng

Product Owner đại diện cho các bên liên quan, có trách nhiệm đảm bảo rằng Develop Team mang lại nhiều giá trị nhất cho doanh nghiệp. Product Owner tập trung vào các khía cạnh kinh doanh của dự án và liên lạc với các bên liên quan chứ không phụ trách chỉ đạo về mặt kỹ thuật.

Product Owner - Tiếng nói của khách hàng

Product Owner là người đặt ra các hạng mục ưu tiên, hướng sản phẩm phát triển theo đúng hướng và cân bằng nhu cầu của các bên liên quan. Trách nhiệm của họ là quản lý backlog của Scrum, quản lý việc phát hành và quản lý các bên liên quan.

2.2. Scrum Master – Người điều hành Scrum

Scrum Master là người đảm bảo rằng khung quy trình Scrum được tuân thủ đúng, chịu trách nhiệm loại bỏ mọi trở ngại và phiền nhiễu ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu của Nhóm phát triển. Scrum Master là một dạng servanr leader – lãnh đạo phục vụ, đóng vai trò là điều phối giữa Product Owner và Develop Team, họ giúp Product Owner xác định giá trị, giúp Develop Team cung cấp giá trị và giúp toàn bộ nhóm Scrum nói chung trở nên tốt hơn.

Scrum Master - Người điều hành Scrum

Scrum Master tập trung vào các yếu tố: tính minh bạch, chủ nghĩa kinh nghiệm, sự tự tổ chức và các giá trị. Nhiệm vụ chính của họ bao gồm: giúp Product Owner quản lý Prodcut Backlog; giúp Develop Team xác định các hạng mục công việc cần hoàn thành; hướng dẫn đào tạo về Scrum và Agile; hỗ trợ các hoạt động của nhóm diễn ra suôn sẻ; duy trì các tạo tác cung cấp phản hồi cho các bên liên quan.

2.3. Develop Team – Những người sáng tạo

Develop Team hay còn được gọi là các Developers. Họ là những người phát triển dự án và thực hiện công việc. Trong Scrum, khi nói đến developer thì tức là nói đến thành viên trong nhóm sở hữu kỹ năng phù hợp, là một phần của đội ngũ để thực hiện công việc. Tất cả các thành viên của Development Team phải có khả năng thay thế vị trí của nhau và không ai chỉ chuyên trách phát triển một hoặc một số tính năng nhất định.

Develop Team - Những người sáng tạo

Nhóm phát triển phải có khả năng tự tổ chức để có thể đưa ra quyết định hoàn thành công việc và những giải pháp khắc phục sự cố, vấn đề. Develop Team chuyển giao công việc thông qua Sprint và họp hàng ngày để đảm bảo tính minh bạch cho cả quá trình, kiểm tra và điều chỉnh công việc sao cho hiệu quả hơn.

3. Các sự kiện trong Scrum

Bộ khung quy trình làm việc Scrum bao gồm 5 sự kiện chính để đội ngũ dựa theo, đó là Sprint, Lập kế hoạch Sprint, Scrum Hằng ngày, Đánh giá Sprint và Cải tiến Sprint.

Scrum vận hành như thế nào?

- Sprint: là một khoảng thời gian cụ thể (thường kéo dài từ một tuần đến một tháng) mà nhóm Scrum sử dụng để sản xuất một sản phẩm.

- Lập kế hoạch Sprint: là một cuộc họp vạch ra những hạng mục công việc cần thực hiện trong Sprint và tiến hành phân công công việc để đạt được mục tiêu đề ra.

- Scrum Hằng ngày (còn gọi là Stand-Up hoặc Daily): là một cuộc họp hàng ngày kéo dài 15 phút để các thành viên cùng cập nhật và phân tích công việc ngày hôm trước, sau đó đưa ra chiến lược cho 24 giờ tới.

- Đánh giá Sprint: quá trình này diễn ra sau khi Sprint kết thúc. Trong quá trình đánh giá này, Product Owner sẽ liệt kê những hạng mục công việc của Sprint đã hoặc chưa hoàn thành, sau đó cả nhóm cùng nhau thảo luạn để đưa ra hướng giải quyết vấn đề.

- Cải tiến Sprint: sự kiện này cũng diễn ra sau một Sprint, các thành viên trong nhóm tham gia vào diễn đàn riêng để phân tích lại quy trình của Sprit trước và thực hiện các điều chỉnh cần thiết.

4. Các tạo tác Scrum

Tiêu đề nghe có vẻ khó hiểu nhưng thực ra ý nghĩa rất đơn giản thôi, tạo tác Scrum tức là những báo cáo cung cấp thông tin chi tiết về dự án, đảm bảo tính minh bạch và thống nhất để mọi người cùng hiểu rõ về dự án. Có 4 tạo tác bao gồm Product Backlog (danh sách sản phẩm), Sprint Backlog (danh sách hạng mục) và Product Increment (danh sách hoàn thành).

- Product Backlog là một danh sách tổng hợp đầy đủ tất cả các yêu cầu đối với sản phẩm, là tài liệu đối chiếu tham khảo duy nhất nếu có bất kỳ thay đổi nào về sản phẩm, với Product Owner là người chịu trách nhiệm giám sát. Product Owner và các thành viên còn lại sẽ làm việc cùng nhau để xem xét Product Backlog và thực hiện các điều chỉnh trong trường hợp cần thiết, khi có yêu cầu thay đổi, cải tiến sản phẩm.

- Sprint Backlog là danh sách những hạng mục trong Product Backlog sẽ được thực hiện trong Sprint. Danh sách này sắp xếp các hạng mục Prodcut theo thứ tự ưu tiên và các thành viên sẽ tự tổ chức phân công nhận nhiệm vụ dựa theo kỹ năng và trình độ của mình, cũng như theo mức độ ưu tiên của hạng mục.

- Product Increment là tổng hợp các hạng mục công việc đã hoàn thành trong một Sprint và kết hợp cả kết quả của các Sprint trước đó. Thế nào là “đã hoàn thành” thì cần phải có sự đồng ý và xác nhận của toàn bộ thành viên trong nhóm.

Trên đây là bài giới thiệu tổng quan về khái niệm Scrum là gì, nó bao gồm những gì và vận hành ra sao. Hi vọng rằng qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn về bộ khung quy trình làm việc này, cũng như biết cách áp dụng nó vào trong công việc để cùng đội ngũ của mình đạt được nhiều thành công.