Chiến lược tài chính là gì và những điều bạn cần biết
Tác giả: Diệp Lạc
Một điểm chung ở các doanh nghiệp có hiệu suất hoạt động cao và những doanh nghiệp sở hữu bộ phận tài chính chuyên nghiệp đó là triển khai tốt về các chiến lược tài chính. Đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định trực tiếp đến thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Cùng tìm hiểu kĩ hơn về chiến lược tài chính là gì qua bài viết mà work247.vn sẽ tổng hợp cho bạn sau đây.
1. Chiến lược tài chính là gì?
1.1. Khái niệm
Khi doanh nghiệp của bạn đã dần ổn định trong vòng 3 năm qua và sẵn sàng cho những bước tiến mới tiếp theo, thì việc đưa ra một chiến lược tài chính hiệu quả sẽ quyết định trực tiếp đến sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của doanh nghiệp.
Chiến lược tài chính (trong tiếng anh là Financial Strategy) là chiến lược cấp bộ phận chức năng, kết hợp kế hoạch tài chính với hoạch định chiến lược để đánh giá các nguồn lực, chi phí và ngân sách hiện tại nhằm điều chỉnh chúng để phù hợp với sứ mệnh và mục tiêu của doanh nghiệp. Đề ra một chiến lược tài chính là đặt ra một kế hoạch phát triển đổi mới phù hợp, quản lý sự đánh đổi và giảm thiểu chi phí cho những trường hợp không thể đoán trước.
Nói ngắn gọn, chiến lược tài chính là sự phân tích và kết hợp những cách thức nhằm đưa ra các quyết định đầu tư, tài trợ, phân chia lợi nhuận một cách thích hợp trong từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.
1.2. Phân biệt các dạng của chiến lược tài chính
Chiến lược tài chính bao gồm hai dạng đó là Quản trị tài chính và Đầu tư tài chính. Doanh nghiệp cần phân biệt rõ ràng hai loại hình này và lên kế hoạch phát triển cụ thể cho từng loại hình.
1.2.1. Quản trị tài chính
Quản trị tài chính hay còn có cách gọi khác là quản lý tài chính, là quá trình lập kế hoạch ngân quỹ, kiểm soát nguồn vốn bao gồm vốn tiền mặt, vốn tài sản và các mối liên hệ tài chính như khoản phải thu, khoản phải trả. Nói chung, quản trị tài chính là hoạt động kiểm soát về các hoạt động tài chính nhằm phục vụ cho các mục tiêu của doanh nghiệp.
Quản trị tài chính bao gồm 3 hoạt động: Financing - Tìm tiền, Investing - Chi tiền; Dividend - Chia tiền. Những hoạt động này là những hoạt động chính gắn liền với sứ mệnh của doanh nghiệp, nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và ảnh hưởng đến các quyết định dài hạn của doanh nghiệp trong tương lai.
Quản trị tài chính được đánh giá là một trong những công việc thiết yếu đối với các nhà quản lý cấp cao bởi nó hướng tới mục tiêu chung của toàn doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
1.2.2. Đầu tư tài chính
Bên cạnh hoạt động quản lý thì doanh nghiệp cần phải quan tâm đến hoạt động đầu tư. Hoạt động này tập trung chủ yếu vào việc mua bán các công cụ tài chính nhằm tạo ra lợi tức.
Cụ thể, đầu tư tài chính là khi bạn sử dụng khoản tiền “nhàn rỗi” để đầu tư vào các công cụ tài chính là các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu; các thị trường ngoại hối hay bất động sản để tăng thêm khoản thu nhập cho doanh nghiệp. Những hình thức đầu tư phổ biến nhất là: góp vốn (mua cổ phần), thành lập doanh nghiệp mới, sáp nhập doanh nghiệp, mua bán chứng khoán,...
Các hoạt động đầu tư này nói đơn giản chính là hình thức kiếm thêm tiền một cách trực tiếp mà người đầu tư không phải tham gia vào các hoạt động kinh doanh hay hình thức lao động nào khác, và đầu tư này hướng đến mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận trong dài hạn.
Xem thêm: EAT trong tài chính là gì? Có những yếu tố nào ảnh hưởng đến EAT
2. Chiến lược tài chính bao gồm những nội dung nào?
Chiến lược tài chính bao gồm 4 nội dung chủ yếu như sau:
- Thứ nhất: Thu hút nguồn vốn.
Bước đầu tiên quan trọng nhất của một chiến lược tài chính hiệu quả đó là phải thu hút các nguồn vốn, nguồn kinh phí đủ để đảm bảo cho các hoạt động của doanh nghiệp. Bao gồm huy động vốn và vay vốn lưu động, cơ cấu vốn, có thể sử dụng các khoản thặng dư, dự trữ để làm nguồn vốn. Bên cạnh đó cần tạo được mối quan hệ với người cho vay, các ngân hàng hay các tổ chức tài chính bởi đây sẽ là nguồn gọi vốn quan trọng sau này.
- Thứ hai: Báo cáo dự toán ngân sách.
Hầu hết các tổ chức tài chính nếu muốn họ đầu tư vốn thì đều yêu cầu phải có báo cáo tài chính. Báo cáo dự toán ngân sách sẽ được sử dụng để dự báo các tác động đến chi phí của những chiến lược mà doanh nghiệp đã đề ra, cho phép doanh nghiệp có thể kiểm định hoặc phân tích hiệu quả tác động của những hoạt động chiến lược khác nhau.
- Thứ ba: Quản lý và sử dụng các quỹ
Quản lý quỹ là rất quan trọng trong các chiến lược tài chính. Doanh nghiệp phải biết cách kiểm soát và sử dụng hợp lý các quỹ thì mới là một chiến lược hiệu quả. Các yếu tố để đánh giá là: hệ thống tài chính, kế toán; hệ thống kiểm soát; tín dụng và quản trị rủi ro; dự trù các khoản thuế và xác định lợi thế,...
- Thứ tư: Nhận định về giá trị của doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần phải đánh giá được giá trị của doanh nghiệp mình. Điều này rất quan trọng trong các chiến lược đầu tư như hợp nhất, sáp nhập công ty. Cần đặc biệt quan tâm đến các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp bởi nó góp phần tăng năng suất lao động, tăng giá trị doanh nghiệp về cả mặt bên trong và bên ngoài.
Xem thêm: Những điều có thể bạn vẫn chưa biết về lợi nhuận tài chính là gì?
3. Các yếu tố tạo nên chiến lược tài chính toàn diện
Đã từng có nhiều bài học về chiến lược tài chính yếu kém khiến cho doanh nghiệp bị tụt dốc không phanh, điển hình như trường hợp của Mai Linh cách đây vài năm. Từng là hãng taxi dẫn đầu trên thị trường toàn quốc, Mai Linh lại bị Vinasun và Taxi group vượt mặt trên hai thị trường lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc đưa ra chiến lược sai lầm là Mai Linh đã đi huy động vốn ngắn hạn với lãi suất cao để đầu tư vào bất động sản trong khi còn non nớt trên thị trường này. Hậu quả dẫn đến là những năm vô cùng chật vật do không có khả năng thanh toán các khoản vay, chi phí lãi vay tăng mạnh, buộc phải bán tài sản, thu hẹp hoạt động kinh doanh và vì vậy dễ dàng bị đối thủ vượt mặt.
Qua đó cho thấy chiến lược tài chính ảnh hưởng nhiều thế nào đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy những yếu tố nào làm nên thành công của chiến lược tài chính hiệu quả?
3.1. Huy động vốn hiệu quả
Doanh nghiệp cần biết cách lựa chọn công cụ vốn phù hợp vì vốn là yếu tố cơ bản để duy trì sự tồn tại của bất cứ doanh nghiệp nào. Vốn khác hoàn toàn so với tiền mặt, nó sở hữu nhiều sự rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn hơn. Vì vậy, cần xác định rõ cơ cấu vốn, nắm chắc chiến lược dài hạn, người lãnh đạo phải sáng suốt để có thể lựa chọn công cụ phù hợp với doanh nghiệp mình.
3.2. Nhà đầu tư phù hợp
Thay vì vay mượn sẽ làm ảnh hưởng đến sự ổn định của nguồn tuản, doanh nghiệp có thể lựa chọn kêu gọi các nhà đầu tư. Nếu những doanh nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển, nhà đầu tư luôn sẵn sàng hợp tác. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị chu đáo về tầm nhìn phát triển, chiến lược kinh doanh, đồng thời công khai minh bạch báo cáo tài chính nhằm khẳng định năng lực kinh doanh. Những điều này sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng thu hút các nguồn vốn đầu tư hơn.
3.3. Xây dựng văn hóa công ty
Một yếu tố quan trọng cũng cần phải để tâm đó chính là phát triển giá trị cốt lõi của công ty. Một doanh nghiệp mang lại chiến lược kinh doanh hiệu quả phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa đội ngũ nhân sự. Phát triển văn hóa công ty nhằm nâng cao hiệu suất làm việc của nhân viên, cải thiện môi trường làm việc tích cực. Điều này sẽ rất có lợi trong việc đánh giá giá trị của doanh nghiệp và phát huy lợi thế thương mại của đơn vị.
Bài viết trên work247.vn đã tổng hợp cho bạn các kiến thức liên quan đến chiến lược tài chính (Financial Strategy). Hy vọng bạn sẽ phần nào hiểu rõ hơn về công cụ quan trọng này và biết cách phát triển cho doanh nghiệp của bạn.