Core banking là gì? Bước phát triển cực lớn trong ngành ngân hàng
Tác giả: Linh Anh Nguyễn 12-09-2024
Xu hướng hiện đại hóa và áp dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa các giao dịch và quản lý tốt hơn đều được các ngân hàng hướng tới. Một trong số đó là việc áp dụng công nghệ “Core banking” – ngân hàng lõi. Core banking giúp cho các giao dịch thanh toán được thực hiện một cách nhanh chóng hơn và có thể thực hiện ở bất kỳ đâu. Vậy core banking là gì? Core banking có vai trò như thế nào trong quá trình cải tổ và hiện đại hóa hoạt động ngân hàng? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
1. Tìm hiểu về core banking
Có thể nói hiện nay tất cả các ngân hàng đều đang sử dụng hệ thống core banking bởi những lợi ích tuyệt vời mà hệ thống này mang lại. Core banking cũng là giải pháp cần thiết để cho công cuộc hiện đại hóa và số hóa các hoạt động giao dịch của ngân hàng. Cùng work247 tìm hiểu rõ hơn về core banking nhé!
1.1. Core banking là gì?
Core banking – còn được hiểu là ngân hàng lõi – không phải là tên gọi của một loại phần mềm nào đó. Rất nhiều người thường tưởng lầm đây là tên một loại phần mềm. Nói một cách chính xác thì core banking là một hệ thống phần mềm, trong đó có thể tích hợp được thêm nhiều ứng dụng để hỗ trợ cho việc quản lý các thông tin khách hàng, thông tin giao dịch, hỗ trợ việc thực hiện cùng lúc rất nhiều giao dịch, và hỗ trợ việc quản trị rủi ro. Ở mức độ lý tưởng nhất, core banking còn có thể dự báo trước rủi ro.
Core banking có thể coi như là hạt nhân, là đầu não chính trong toàn bộ hệ thống thông tin của ngân hàng. Core banking làm việc với tất cả các thông tin của ngân hàng bao gồm thông tin về tiền gửi, tài sản thế chấp, thông tin về các giao dịch chuyển nhận rút, toàn bộ các tài liệu giấy tờ, sổ sách kế toán và các bảng tính và toàn bộ hệ thống dữ liệu điện tử số hóa.
Tất cả các luồng giao dịch đều được thực hiện thông qua core banking. Hệ thống này vừa xử lý thông tin vừa thực hiện các giao dịch cùng một lúc. Có thể nói việc áp dụng hệ thống core banking đã giúp cho hiệu suất hoạt động của các ngân hàng tăng lên rõ rệt.
Để hình dung gần hơn nữa về hoạt động của hệ thống core banking, hệ thống internet banking của các ngân hàng, hệ thống các máy ATM, các loại thẻ, các gói sản phẩm cho vay và gửi tiền… đều được xử lý bởi core banking. Hầu hết các hệ thống core banking trong các ngân hàng hiện nay đều hoạt động 24/7 để xử lý các giao dịch và cung cấp những tiện ích đến tay khách hàng.
Xem thêm: Ngân hàng điện tử là gì mà thu hút nhiều người đến thế
1.2. Vai trò của hệ thống core banking
Trước đây khi giải pháp core banking chưa được các ngân hàng áp dụng, việc quản lý thông tin, các giao dịch tiền gửi và quản lý nội bộ đã khiến những người quản lý các ngân hàng rất đau đầu. Sau đó, cùng với việc áp dụng hệ thống core banking và quá trình cải tổ đi kèm, các ngân hàng đã thực sự có một bước chuyển mình rất lớn.
Nhìn chung vai trò của hệ thống core banking được thể hiện rõ ràng nhất qua các khía cạnh sau đây
1.2.1. Khai thác tốt hơn các sản phẩm và dịch vụ
Khi còn chưa áp dụng hệ thống core banking, mọi giao dịch của ngân hàng chủ yếu thực hiện thông qua hệ thống thông tin nội bộ lạc hậu. Nhân viên giao dịch phải làm việc với hệ thống bảng tính rất nhiều và khả năng xảy ra lỗi trong các giao dịch là khá lớn.
Trong hệ thống core banking các giao dịch giờ đây đã được tự động hóa và chỉ cần có một mã cá nhân duy nhất là khách hàng có thể thực hiện nhiều giao dịch ở bất cứ chi nhánh nào. Với ứng dụng internet banking do các ngân hàng cung cấp, khách hàng chỉ cần ngồi ở nhà và thực hiện một vài thao tác đơn giản trên điện thoại di động là các lệnh giao dịch đã được gửi đến hệ thống core banking và được thực hiện một cách tự động hóa. Những gì khách hàng cần làm là nhập đầy đủ thông tin cần thiết cho các giao dịch.
Theo ước tính của các chuyên gia thì core banking có thể thực hiện tới con số 1000 giao dịch mỗi giây, và có thể hỗ trợ việc thực hiện các giao dịch tại bất cứ thời điểm nào trong ngày.
1.2.2. Hỗ trợ quản lý nội bộ chặt chẽ và hiệu quả hơn
Trước đây khi các ngân hàng chưa áp dụng hệ thống core banking, các giao dịch và quản lý khách hàng đều rất mất thời gian, cũng như chưa đạt được hiệu quả cao. Thực trạng thường thấy nhất đó là khách hàng gửi tiền ở chi nhánh nào thì chỉ có thể rút tiền hoặc giao dịch sử dụng số tiền đó ngay tại chi nhánh đó. Mặc dù các chi nhánh đều thuộc cùng một hệ thống ngân hàng tuy nhiên khách hàng không thể thực hiện các giao dịch tương tự ở một chi nhánh khác.
Thậm chí còn có một thời kỳ tại mỗi điểm giao dịch khác nhau khách hàng lại phải sử dụng một tài khoản khác nhau. Điều này gây nên sự bất tiện cho khách hàng cũng như công tác xử lý và đồng bộ hóa thông tin của ngân hàng rất mất thời gian và còn dễ xảy ra sai sót.
Sự ra đời của core banking đã giúp các ngân hàng chấm dứt được những sự bất tiện này. Việc có một hệ thống giúp kết nối tất cả các chi nhánh cũng như thực hiện nhiều giao dịch cùng lúc, hiệu suất làm việc của các ngân hàng được cải tiến một cách rõ rệt.
1.2.3. Hỗ trợ các ngân hàng quản trị rủi ro
Core banking không chỉ giúp thực hiện các giao dịch mà còn giúp xử lý thông tin của khách hàng, Một hệ thống core banking có thể giúp quản lý thông tin của tối đa 50 triệu khách hàng. Các chức năng phân loại và sắp xếp nhóm thông tin hỗ trợ rất nhiều cho việc quản lý rủi ro hay những khoản nợ xấu. Core banking giúp ngân hàng dự đoán được nhóm đối tượng khách hàng có khả năng phát sinh nợ xấu từ đó có những phương án xử lý kịp thời. Đó là trong điều kiện lý tưởng nhất. Core banking cũng giúp phân loại nhóm khách hàng nợ xấu có khả năng chi trả và nhóm khách hàng cần áp dụng các biện pháp đòi nợ.
Xem thêm: Corespondent Bank là gì? Cách hoạt động của loại ngân hàng này
2. Những vấn liên quan đến hệ thống core banking
Tuy có thể coi như là trái tim của các ngân hàng, và mang lại rất nhiều lợi ích tuy nhiên các ngân hàng cũng gặp phải khá nhiều vấn đề liên quan đến core banking.
Ở nước ta, các ngân hàng thường sử dụng hệ thống core banking được mua lại từ các công ty nước ngoài. Bạn có thắc mắc tại sao các ngân hàng không tự xây dựng một hệ thống core banking của riêng mình?
Nguyên nhân của điều này rất đơn giản. Core banking là một hệ thống vô cùng phức tạp. Việc tự xây dựng một hệ thống core banking là rất tốn thời gian và trên thực tế kinh phí cần thiết để tự xây dựng hệ thống core banking còn cao hơn nhiều so với chi phí mua bản quyền core banking từ nước ngoài.
Bên cạnh đó ngân hàng có thể áp dụng ngay hệ thống core banking mua sẵn vào trong các hoạt động mà chỉ tốn một khoảng thời gian để đồng bộ hóa cũng như cải tổ các hoạt động. Hệ thống core banking có sẵn cũng đã được tối ưu nhiều lần vì vậy mức độ rủi ro sẽ thấp hơn nhiều.
Chính vì vậy các ngân hàng thường lựa chọn phương án mua bản quyền các hệ thống core banking sẵn có và chỉ cần lập trình thêm và kết nối các ứng dụng mới vào hệ thống core banking sẵn có là được.
Như vậy thông qua những thông tin trong bài viết bạn đã hiểu được core banking là gì và vai trò quan trọng của core banking trong hoạt động của các ngân hàng. Core banking có thể coi như là biểu hiện dễ thấy nhất của chiến dịch hiện đại hóa ngân hàng, mang lại cho khách hàng rất nhiều tiện ích cũng như hỗ trợ chính ngân hàng rất nhiều trong các hoạt động giao dịch hay triển khai các gói sản phẩm và dịch vụ.