Hướng dẫn cách viết CV kế toán mới ra trường có ví dụ

Tác giả: Diệp Lạc 22-08-2024

CV kế toán là một hồ sơ quan trọng đối với các ứng viên muốn xin việc vào vị trí kế toán; giống như nhân viên kinh doanh có vai trò đại diện doanh nghiệp để tiếp xúc với khách hàng thì CV xin việc kế toán có vai trò đại diện cho bản thân ứng viên để tiếp xúc với nhà tuyển dụng. CV xin việc thường có một khuôn mẫu chung, tuy nhiên đối với từng ngành nghề cụ thể, nó sẽ có những điểm riêng biệt bạn cần chú ý. Hôm nay, tôi muốn giới thiệu đến bạn bài viết “Hướng dẫn cách viết CV kế toán mới ra trường có ví dụ”.

1. Thông tin chung về ứng viên

Khung CV chung phải bao gồm các nội dung chính, được trình bày lần lượt theo thứ tự như sau: thông tin ứng viên, mục tiêu nghề nghiệp, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc và các kỹ năng.

Chú ý khi đưa các thông tin vào CV xin việc cho kế toán mới ra trường, không nên trình bày quá dài hay đưa ra quá nhiều thông tin, cần tập trung vào vị trí công việc bạn ứng tuyển và đưa ra thông tin thích hợp.

Đầu tiên là thông tin ứng viên; nội dung bắt buộc phải có trong tất cả các bản CV. Với phần này, bạn cần giới thiệu ngắn gọn đến nhà tuyển dụng các thông tin cơ bản về cá nhân như họ tên, năm sinh, giới tính, địa chỉ sinh sống, số điện thoại hoặc email liên hệ.

Thông tin chung về ứng viên

Đây là phần nội dung cơ bản, không có gì khó khăn trong quá trình trình bày, ứng viên chú ý thông tin đưa vào phải thật chính xác, đặc biệt là thông tin liên hệ và email -  cơ sở để nhà tuyển dụng liên hệ lại với bạn nếu như bạn thông qua vòng sơ tuyển.

Trong phần thông tin ứng viên, bạn nên đề cập đến vị trí mình ứng tuyển như: kế toán nội bộ, kế toán thuế, kế toán doanh nghiệp; có thể trình bày thêm về lý do tại sao bạn biết thông tin tuyển dụng này; điều này sẽ giúp phía nhà tuyển dụng đánh giá chính xác hiệu quả của các kênh tuyển dụng.

Ví dụ: Thông tin ứng viên

+ Họ và tên: Nguyễn Trần Nhật Hạ.

+ Ngày/tháng/năm sinh: 02/02/1989.

+ Giới tính: Nữ.

+ Địa chỉ hiện đang sinh sống: Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội.

+ Số điện thoại liên hệ: 0943 *** ****.

+ Vị trí ứng tuyển: Kế toán thuế (biết đến thông tin tuyển dụng qua Website công ty).

Thông tin chung

2. Mục tiêu nghề nghiệp cho vị trí kế toán

Đối với các ứng viên mới ra trường, mục tiêu nghề nghiệp là điều khiến nhà tuyển dụng chú ý và quan tâm; họ muốn xem định hướng và dự định của ứng viên trong tương lai; họ muốn có muốn phát triển bản thân theo công việc này, hay đây chỉ là tiền đề, là bệ đỡ giúp họ thực hiện giấc mơ của chính mình.

Với phần mục tiêu cá nhân, ứng viên không nên chỉ trình bày về những dự định và lợi ích mình nhận được trong quá trình làm việc tại công ty; cần thể hiện được lợi ích của công ty khi có bạn vào làm việc, bạn sẽ cống hiến và làm việc như thế nào?

Tôi từng được nghe một câu nói; ứng viên đi xin việc tại các công ty thì mong muốn được học hỏi và trau dồi tích lũy kinh nghiệm, đấy là cái bản thân ứng viên nhận được; vậy doanh nghiệp sẽ nhận được điều gì? Làm việc phải dựa trên quan hệ hợp tác hai bên cùng có lợi, nếu chỉ mình ứng viên có lợi thì liệu phía doanh nghiệp có thể lựa chọn ứng viên không?

Mục tiêu nghề nghiệp cho vị trí kế toán

Một vài gợi ý về phần viết mục tiêu nghề nghiệp:

- Được trau dồi, tích lũy kinh nghiệm và làm việc trong môi trường thực tế.

- Luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, không làm ảnh hưởng đến các bộ phận khác; thúc đẩy sự phát triển chung của doanh nghiệp.

- Tôi muốn rèn luyện thêm về kỹ năng xử lý dữ liệu và hoàn thành báo cáo kết quả kinh doanh sau thuế; có định hướng mở doanh nghiệp cá nhân trong 5 năm tới.

- Trong vòng 5 năm tới, phấn đấu và nỗ lực để trở thành kế toán trưởng.

3. Trình độ học vấn

Với danh mục trình độ học vấn, bạn cần trình bày thông tin về trường bạn theo học; do tính chất công việc yêu cầu kiến thức chuyên môn, nên nội dung này được đánh giá là khá quan trọng; nó là kiến thức nền tảng, là cơ sở để doanh nghiệp đánh giá trình độ, khả năng tư duy của ứng viên.

Bạn có thể trình bày các nội dung cơ bản như: tên trường hay đơn vị bạn theo học, thời gian theo học, khoa/ viện, chuyên ngành học chính, GPA, xếp loại bằng, các chứng chỉ đã đạt được trong quá trình học tập.

Trình độ học vấn

Ví dụ: Trình độ học vấn

+ Trường đại học kinh tế quốc dân (5/2017 – 8/2021).

+ Khoa: Kế toán – kiểm toán; chuyên ngành: kế toán.

+ GPA: 3.46; xếp loại giỏi.

+ Chứng chỉ đã đạt được:….

4. Kinh nghiệm làm việc

Đối với các bạn kế toán viên mới ra trường, hầu hết đều chưa có kinh nghiệm làm việc; vì vậy, bạn không nên lo lắng quá về kinh nghiệm làm việc. Nếu trong thời gian học tập, bạn chưa có cơ hội để đi thực tập hay làm việc thực tế tại doanh nghiệp, bạn chỉ cần bỏ qua danh mục này hoặc ghi “chưa có kinh nghiệm làm việc”.

Để có thể ứng tuyển thành công, bạn cần đọc kỹ nội dung mô tả công việc, các yêu cầu về kiến thức và kinh nghiệm. Thông thường, với các ứng viên chưa có kinh nghiệm, bạn nên tìm làm tại các đơn vị tuyển thực tập sinh hay học việc; sau quá trình đào tạo, bạn sẽ có kinh nghiệm làm việc.

Do tính chất đặc thù của công việc kế toán, họ phải thường xuyên làm việc với các phần mềm kế toán và có kỹ năng phân tích cũng như ghi chép định khoản kế toán nhất định; nếu bạn chưa có kinh nghiệm mà lại báo là đã có kinh nghiệm; bạn có thể sẽ vượt qua vòng loại hồ sơ, nhưng sẽ rất khó khăn để qua được vòng phỏng vấn.

Đối với các ứng viên chưa có chút kinh nghiệm nào, tinh thần và thái độ học hỏi là quan trọng nhất; đây cũng chính là điều khiến nhà tuyển dụng quan tâm và đưa ra quyết định lựa chọn bạn; thay vì tập trung vào kinh nghiệm làm việc mà bạn không có, hãy làm nổi bật lên các kỹ năng và kiến thức chuyên ngành của bản thân.

Kinh nghiệm làm việc

Đối với các ứng viên đã ra trường và có cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp; bạn cần thể hiện đến nhà tuyển dụng về kinh nghiệm và khả năng làm việc của bạn; trình bày ngắn gọn về thông tin công ty, vị trí làm việc, thời gian làm việc, mô tả khái quát về công việc, một số thành tựu bạn đã đạt được.

Chú ý, chỉ nên nêu ra ngắn gọn các thông tin về kinh nghiệm làm việc, các kỹ năng đưa ra cũng cần phải liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển; không nên trình bày dưới dạng văn kể chuyện.; nên trình bày dưới dạng liệt kê từ 2 – 3 ý; mối ý từ 1 – 3 dòng.

Ví dụ: Kinh nghiệm làm việc

+ Công ty phát triển và đầu tư BNH (3/2017 – 5/2019).

+ Vị trí làm việc: kế toán nội bộ.

+ Mô tả công việc: thực hiện việc ghi chép và tổng hợp các chứng từ; lên báo cáo về chi phí, doanh thu hàng tháng; làm báo cáo kết quả kinh doanh; tất cả các công việc về kế toán đều được thực hiện trên phần mềm kế toán; vì vậy, bản thân có khả năng sử dụng các phần mềm kế toán linh hoạt.

5. Kỹ năng

Với phần kỹ năng làm việc, bạn chỉ cần nêu ngắn gọn tên các kỹ năng, không cần giải thích hay giới thiệu sâu; nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào kỹ năng để đưa cho bạn các tình huống thực tế, từ đó, đánh giá chính xác các kỹ năng bạn đề cập đến trong CV.

Kỹ năng

Một vài kỹ năng bạn có thể đưa vào CV như: kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng đánh máy, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý số liệu;… Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo các mẫu cv xin việc kế toán mới ra trường trên các Website tìm việc làm để rút ngắn thời gian trình bày hay thiết kế CV.

Trên đây là bài chia sẻ của tôi về “Hướng dẫn cách viết CV kế toán mới ra trường có ví dụ”; hy vọng bài viết mang đến bạn thông tin hữu ích trong quá trình bạn hoàn thiện CV kế toán của mình, chúc bạn nhanh chóng hoàn thành hồ sơ và có được công việc phù hợp.