Mẫu CV cho sinh viên kỹ thuật mới ra trường bạn cần biết
Tác giả: Trương Ngọc Lâm 22-08-2024
Bạn vừa mới tốt nghiệp ngành kỹ thuật và cảm thấy mình thiếu kinh nghiệm làm việc, nên có rất ít ý tưởng về cách viết CV tốt nhất cho một sinh viên mới ra trường và bạn cũng không biết bắt đầu từ đâu. Bạn đang tìm kiếm cho mình một mẫu CV cho sinh viên kỹ thuật mới ra trường trên các website. Vậy thì đây chính là nơi bạn có thể tìm được câu trả lời cho mình. Hãy theo dõi bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết và đưa ra ví dụ cụ thể cho bạn.
1. Hiểu rõ CV kỹ thuật cho sinh viên mới ra trường
Trước khi viết một CV, bạn nên hiểu về tầm quan trọng và ý nghĩa của nó. Việc này giúp bạn có thể truyền đạt những gì tốt nhất của bạn tới nhà tuyển dụng. CV là nơi bạn thể hiện kỹ năng, kinh nghiệm, trình độ học vấn và mọi thứ có thể giúp ích cho công việc tương lai của bạn. Nên nếu như bạn thiếu kinh nghiệm thì cũng đừng quá lo lắng, quan trọng cách bạn thể hiện CV của mình ra sao.
Bạn có thể thấy rất nhiều công việc kỹ thuật yêu cầu phải có ít nhất tối thiểu 1-2 năm làm việc, nhưng bạn vừa mới ra trường thôi, phải làm thế nào đây? Có rất nhiều công ty tốt tìm kiếm những sinh viên mới ra trường, quan trọng bạn phải đánh bại những ứng viên khác và cho họ thấy bạn là người phù hợp với công việc.
Thông thường, nhà tuyển dụng chỉ dành trung bình 15s để đánh giá một chiếc CV. Bạn phải khiến họ bị thu hút bởi CV của mình bằng kỹ năng, mục tiêu của bạn chứ không phải chỉ gạch đầu dòng ngắn ngủi về kinh nghiệm làm việc khi bạn còn là sinh viên (như chạy bàn, bán quần áo,...).
Một chiếc CV kỹ thuật cho sinh viên kỹ thuật mới ra trường cũng sẽ có những phần nội dung tương tự như một chiếc CV bình thường khác như: Thông tin cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, kỹ năng, thành tích. Tuy nhiên, định dạng có thể được thay đổi để phù hợp với kinh nghiệm làm việc của bạn.
2. Những lưu ý trước khi viết nội dung CV
2.1. Chọn một định dạng phù hợp
Với một mẫu CV thông thường, kinh nghiệm làm việc là một trong những phần đầu tiên của CV. Khi mới ra trường, CV của bạn cần tập trung vào điểm mạnh của bạn để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng rằng bạn có tiềm năng rất tốt cho công việc, bạn có thể làm việc hết mình cho công ty.
Bạn cần biết rằng nhà tuyển dụng sẽ không đọc kỹ toàn bộ CV của bạn, họ sẽ xem lướt nó mà thôi. Họ sẽ nhìn tên của bạn rồi đọc qua mục tiêu nghề nghiệp, kinh nghiệm làm việc và trình độ học vấn. Họ tìm kiếm trong CV những từ khóa, tên ngôi trường bạn đã học và những tổ chức bạn đã làm việc. Nếu như cảm thấy những mục này ổn rồi thì họ mới xem tiếp đến phần kỹ năng, thành tích hay các hoạt động tình nguyện bạn đã tham gia.
Nếu như CV của bạn không được trình bày hợp lý và dễ đọc thì rất có thể bạn sẽ bị đánh rớt. Và chắc chắn là bạn sẽ không muốn họ đặt CV của bạn vào chồng hồ sơ bị loại chỉ vì định dạng CV sai đâu.
Định dạng CV của bạn phải sử dụng phông chữ dễ đọc như Times New Roman, Arial với kích thước từ 11-13. Đồng thời, CV chỉ nên dài 1 trang A4 mà thôi, đừng quá tham lam khi muốn nhồi nhét tất cả các hoạt động tình nguyện bạn đã tham gia, nó chỉ khiến CV của bạn thêm rườm rà và khiến nhà tuyển dụng khó tập trung vào nội dung chính thôi.
Ngoài ra nhớ căn lề và giãn cách khoảng cách giữa các dòng phù hợp cho tài liệu quan trọng này. Đồng thời nên nhớ, nếu như bạn gửi CV online thì hãy để định dạng là PDF.
2.2. Tìm hiểu về vị trí tuyển dụng và công ty
Đây là bước cực kỳ quan trọng bắt buộc cần làm trước khi bạn bắt tay vào viết CV. Điều này để bạn chọn lọc ra những gì nên viết vào CV và viết như thế nào để có thể đánh trúng chỗ ngứa của nhà tuyển dụng.
Hãy đọc kỹ bản mô tả công việc và lọc ra những từ khóa chính, những yêu cầu trong đó. Bạn cũng nên tìm hiểu lĩnh vực, mục tiêu, định hướng trong thời gian sắp tới của công ty rồi tự trả lời những câu hỏi sau:
- Có những khía cạnh nào trong công việc mà bạn cảm thấy mình có lợi thế, có khả năng làm không?
- Bạn đã từng làm những dự án nào tại trường đại học mà có liên quan đến các yêu cầu này?
Hãy đảm bảo rằng chiếc CV của bạn tuyên bố rằng bạn phù hợp với công việc, ứng cử viên lý tưởng họ đang tìm kiếm chính là bạn.
3. Cách viết các phần nội dung trong CV
3.1. Thông tin cá nhân
Phần này viết khá đơn giản, chỉ cần đảm bảo đủ và đúng là được. Đủ các thông tin về: Họ tên, số điện thoại, email cá nhân của bạn. Tránh ghi các thông tin quá riêng tư như tôn giáo, tình trạng hôn nhân. Đồng thời hãy đảm bảo rằng bạn viết đúng chính tả, không sai sót ở bất kỳ con số nào, nếu như bạn ghi sai số điện thoại thì nhà tuyển dụng sẽ không thể liên lạc với bạn được.
Một ví dụ điển hình cho phần này như sau:
Nguyễn Hoàng Quân
01/08/1998
quanhoangnguyen@gmail.com
Lưu ý bắt buộc là tuyệt đối không sử dụng các email có tên thiếu nghiêm túc như kiểu boybebong@gmaiil.com, hãy thật chuyên nghiệp trong từng con chữ bạn nhé.
3.2. Mục tiêu nghề nghiệp
Một trong ấn tượng đầu tiên của nhà tuyển dụng đối với bạn là do mục tiêu nghề nghiệp mang lại. Mục tiêu nghề nghiệp bạn đưa ra cần mạch lạc, rõ ràng và những gì bạn muốn vào trong đây.
Bạn có thể tập trung vào những thông tin cơ bản như tên trường bạn tốt nghiệp, một vài thành tích và kỹ năng nổi trội bạn đã đạt được. Sau đó đưa ra lý do tại sao bạn muốn làm việc tại công ty, mục tiêu sắp tới của bạn.
Điều quan trọng là mục tiêu của bạn cần khớp với trách nhiệm và yêu cầu trong bản mô tả công việc. Đây là lý do tại sao bạn nên dành thời gian nghiên cứu hoạt động kinh doanh, sứ mệnh và giá trị của công ty. Nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ đánh giá cao nếu bạn đề cập rõ ràng hoặc tham chiếu đến những điều đó.
Ví dụ:
Là một sinh viên kỹ thuật mới tốt nghiệp trường XYZ với GPA 3.4/4.0. Với những kinh nghiệm trong quá trình học tập và đạt giải nhất cuộc thi Kỹ thuật trẻ năm 20XX, tôi tin rằng kỹ năng chuyên sâu về kỹ thuật nhiệt điện của tôi sẽ phù hợp với dự án sắp tới của công ty.
Mong rằng tôi có thể làm việc tại công ty với vị trí thực tập sinh phòng kỹ thuật để được trải nghiệm về kỹ thuật thực sự, phát triển bản thân và sớm có khả năng trở thành nhân viên kỹ thuật chính thức của công ty.
3.3. Trình độ học vấn
Với những bạn mới ra trường thì phần này là một cơ hội bạn thể hiện bản thân. Hãy đề cập khéo léo các chương trình học và dự án mà có thể áp dụng được cho công việc. Mọi từ ngữ bạn viết trong CV đều có vai trò của nó. Mỗi kỹ năng, chương trình trình học sẽ là bằng chứng củng cố cho việc bạn phù hợp với công việc như thế nào. Ngoài ra, bạn có thể đề cập đến GPA của mình nếu như nó trên 3.0.
Cử nhân Kỹ thuật Tổng hợp
201X-202X
GPA: 3.5
Đại học Công nghiệp và Kỹ thuật
Thành tựu:
- Trưởng nhóm nghiên cứu kỹ thuật của trường
- Đạt học bổng 3 kỳ liên tiếp
Các môn học liên quan: Kỹ thuật điện và máy tính, Kỹ thuật cơ khí và vật lý, Khoa học chế tạo, Thí nghiệm hệ thống cơ khí.
3.4. Kinh nghiệm làm việc
Với những sinh viên mới ra trường, nhà tuyển dụng sẽ không đòi hỏi quá nhiều vào kinh nghiệm làm việc của bạn trong ngành kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu như bạn đã từng có một số kinh nghiệm làm việc hay đi thực tập rồi thì chắc chắn đây là một điểm sáng cho bạn. Tại phần này, bạn nên tập trung vào những công việc gần đây nhất.
Trong phần kinh nghiệm làm việc, bạn tập trung vào những gì đã học được, chỉ số và kết quả đạt được. Nếu bạn chưa có bất kỳ kinh nghiệm làm việc chính thức nào, hãy liệt kê một vài dự án cá nhân hoặc ở trường học và trình bày chi tiết về từng dự án, khoảng 3 gạch đầu dòng cho thấy bạn đã làm gì và bạn đã học được gì.
Một ví dụ bạn có thể tham khảo:
Kỹ sư cơ khí thực tập
Công ty sản xuất XXX
01/202X - 04/202X
- Đã thiết kế và chế tạo hơn 50 mô hình bộ phận với các phần mềm AutoCAD, MathCAD.
- Được hợp tác với đội ngũ kỹ sư cơ khí với hơn 10 năm kinh nghiệm.
- Tiến hành 60 thí nghiệm có kiểm soát, phát triển tài liệu về các dự đoán và kết quả nghiên cứu để phát triển hướng thiết kế mới cho một số bộ phận bản lề.
3.5. Kỹ năng
Trong phần này bạn hãy liệt kê những kỹ năng chính phục vụ trực tiếp đến công việc kỹ thuật trong tương lai của bạn. Một mẹo nhỏ cho bạn là đừng chỉ gói gọn những kỹ năng này trong một phần, hãy đặt kỹ năng vào trong toàn bộ CV, ở những chỗ thích hợp.
Một số kỹ năng gợi ý cho sinh viên kỹ thuật như: AutoCAD, MATLAB, MathCAD, Revit, Kỹ năng phân tích, Làm việc theo nhóm hiệu quả,.... Ngoài những kỹ năng về công nghệ thì cũng đừng quên những kỹ năng mềm nữa nhé, nó rất quan trọng khi làm việc đấy.
3.6. Những phần bổ sung khác
Bạn có thể đề cập đến những ngôn ngữ bạn biết như tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Trung và các giải thưởng bạn đã từng đạt được. Chỉ ghi những phần có liên quan và thể hiện rằng bạn là một con người đa nhiệm.
4. Một vài mẫu CV cho bạn tham khảo
Để làm rõ hơn cách trình bày một chiếc CV cho sinh viên kỹ thuật mới ra trường, bạn có thể tham khảo qua các mẫu dưới đây:
Trên đây là toàn bộ chi tiết về cách viết một mẫu CV cho sinh viên kỹ thuật mới ra trường bạn có thể tham khảo. Chúc các bạn có thể đạt được công việc mơ ước.