Tố chất để học thiết kế đồ họa, bạn có những tố chất nào?
Tác giả: Hà Ngọc Nhi
Thiết kế đồ họa đã và đang trở thành công việc hot hiện nay. Vậy làm sao để biết mình có hợp để đi theo ngành thiết kế đồ họa hay không, một số tố chất dưới đây có thể là cơ sở để bạn cân nhắc việc học thiết kế đồ họa
1. Vài nét về thiết kế đồ họa
Thiết kế đồ họa đang là ngành nghề hot và thu hút nhiều người trẻ học tập và trải nghiệm. Thiết kế đồ họa, hay với tên gọi quốc tế hơn Graphic Design là công việc liên quan đến sáng tạo nghệ thuật.
Thiết kế đồ họa là công việc quan trọng trong truyền thông và xây dựng hình ảnh thương hiệu, hình ảnh nhân vật. Tiêu chí để đánh giá một sản phẩm đồ họa thành công không được mô tả cụ thể và khá là trừu tượng. Với đặc trưng liên quan đến nghệ thuật, chất lượng của cùng một sản phẩm đồ họa được thiết kế ra sẽ là khác nhau trong cách đánh giá của mỗi người. Công việc thiết kế gắn với tư duy và không có một nguyên tắc hay công thức nào là bất biến.
Ngày nay thiết kế đồ họa đã được nâng lên một tầm cao mới với sự hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật hiện đại, các phần mềm thiết kế chuyên nghiệp và hệ thống màu sắc, chất liệu đa dạng giúp người thiết kế được thỏa sức sáng tạo phục vụ các mục đích thiết kế khác nhau.
Xem thêm: Nguyên lý thị giác là gì trong ngành thiết kế đồ họa
2. Tố chất để học thiết kế đồ họa
Tuy người thiết kế đồ họa hiện nay đã được hỗ trợ rất nhiều từ những máy móc và thiết bị hiện đại nhưng có một thứ mà máy móc không thể giúp bạn đó chính là tư duy mỹ thuật trong chính con người bạn. Bên cạnh đó còn có các tố chất khác mà bạn có thể dựa vào và phân tích xem liệu mình có phù hợp với công việc thiết kế đồ họa hay không. Một số tố chất cơ bản mà work247.vn đưa ra sau đây bạn nên xem xét:
2.1. Là một người có óc sáng tạo
Sáng tạo và tư duy sáng tạo là tố chất đầu tiên được tìm thấy trong những người có dòng máu thiết kế chảy trong mình. Sáng tạo là yếu tố quyết định liệu bạn có theo được với nghề thiết kế đồ họa hay không? Sáng tạo tức tạo ra cái mới, nhưng cái mới phải có ý nghĩa đối với cuộc sống do đó sáng tạo cũng không hề đơn giản.
Khi xã hội ngày nay quá phát triển, nhiều sáng tạo hay phát minh vĩ đại đã ra đời và khắc phục được rất nhiều nhược điểm trong cuộc sống của con người. Các ý tưởng ra đời liên tục và được ứng dụng rộng rãi. Điều này khiến cho nhiều người cảm thấy khan hiếm ý tưởng và mất thời gian dài để có thể hình thành ý tưởng mới.
Là một người thiết kế hiện đại, bắt buộc bạn phải sáng tạo, bắt kịp các xu hướng mới trên thị trường để liên tục đưa ra các ý tưởng mới, độc, lạ và có ý nghĩa.
Tuy nhiên sáng tạo chỉ là một phần của thiên bẩm, phần còn lại là do rèn luyện mà nên. Do đó, nếu bạn vẫn chưa cảm thấy tự tin vào khả năng sáng tạo của mình, hay trau dồi thêm thông qua những trải nghiệm cuộc sống, tập quan sát và ghi chép, tập suy nghĩ và đánh giá và bất chợt trong một lúc nào đó, bạn sẽ lóe lên ý tưởng cho mình. Và tôi muốn nhấn mạnh lại với bạn một lần nữa rằng, sáng tạo có thể là khả năng thiên bẩm sẵn có nhưng rèn luyện sẽ khiến bạn có tư duy sáng tạo hợp thời và đi xa.
2.2. Tình yêu với cái đẹp
Một người sáng tạo luôn có tình yêu lạ kỳ với cái đẹp. Tuy nhiên cái đẹp này không hẳn là cái đẹp đi theo chuẩn mực chung của toàn xã hội. Ý tôi nói ở đây chính là trái tim nhạy cảm với bất kỳ vật thể hay phi vật thể nào trong cuộc sống này. Đó cũng là tố chất cơ bản của những người làm trong ngành nghệ thuật nói chung.
Thiết kế đồ họa là để đáp ứng nhu cầu về thị giác và xúc giác (cảm nhận) của đối phương. Do đó thiết kế đồ họa ắt sẽ phải thể hiện được cái đẹp, tính thẩm mỹ, thông qua đó để truyền tải thông điệp.
Ngày nay, ở bất kỳ nơi đâu, bạn cũng có thể tiếp cận với các thiết kế đồ họa. Và nếu bạn là người cảm thấy thú vị mỗi khi nhìn vào một bức tranh hay poster, trang phục, không gian… thì có lẽ bạn cũng là người chú ý đến cái đẹp ở mỗi tác phẩm thiết kế.
Bên cạnh đó, nếu bạn cảm thấy mình có sự nhạy bén về màu sắc, cách phối màu trong các tác phẩm thiết kế, có một niềm yêu thích kỳ lạ với màu sắc, có thể cảm nhận được ý nghĩa từ màu sắc thì có lẽ bên nên tìm hiểu về thiết kế đồ họa.
2.3. Học hỏi không ngừng nghỉ
Với tốc độ phát triển không ngừng nghỉ của xã hội hiện nay, nhu cầu của con người đa dạng hơn dẫn theo hàng loạt các xu hướng liên quan đến cuộc sống ra đời. Cái đẹp có thể được bắt gặp từ những thứ giản đơn, bình dị hay cổ kính nhất nhưng cái đẹp để có thể mang lại giá trị thì cần có thêm tính ứng dụng thời đại. Là một người thiết kế, bạn cần phải nắm bắt được xu hướng mới đang được sinh ra hàng ngày, hàng giờ trên toàn thế giới. Nếu bạn không nắm bắt kịp thời thì có thể tác phẩm mà bạn vừa mới thiết kế xong, chưa được đưa vào cuộc sống thì đã trở nên lạc hậu.
Xu hướng nhìn nhanh nghĩ nhanh của con người hiện đại ngày nay sẽ lập tức loại bỏ những yếu tố không phù hợp với họ ở thời điểm hiện tại dẫn đến thiết kế đồ họa không bắt kịp tính đương thời thì sẽ không thể tồn tại lâu dài.
Việc này còn chưa kể đến sự cập nhật và làm mới liên tục từ các công cụ, phần mềm hỗ trợ thiết kế. Không cập nhật được chúng, công việc thiết kế sẽ không thể suôn sẻ. Do đó bạn cần học hỏi mọi kiến thức liên quan đến thiết kế đồ họa và sẵn sàng đón nhận các kiến thức đó, chọn lọc và đưa vào thiết kế của mình.
2.4. Tinh thần làm việc “quên ngày đêm”
Bạn không thể xác định được ý tưởng trong đầu mình sẽ lóe lên vào thời điểm nào vì vậy thời gian làm việc của bạn cũng không thể cố định. Có thể bạn đã dành ra 8 tiếng/ngày tại văn phòng nhưng vẫn chẳng thể nghĩ ra ý tưởng nào cả và bất chợt khi đang ăn tối, bạn lại nghĩ ra ý tưởng rồi mở chiếc máy tính lên và bắt đầu phác thảo mọi thứ. Do đó mà thời gian làm việc của bạn sẽ rất linh hoạt và phụ thuộc phần nhiều vào năng suất tạo ra ý tưởng trong bạn.
Thậm chí điều này có thể dẫn đến tình trạng bạn phải đối mặt với deadline dí sát, làm việc quên ngày đêm để hoàn thành bản thiết kế theo đúng kế hoạch và thời gian đã được đề ra. Do đó, hãy sẵn sàng và chuẩn bị cho mình một tinh thần tốt để chiến đấu nếu bạn phải làm việc lớn hơn 8 tiếng/ ngày.
Xem thêm: Khám phá những nguyên lý thiết kế đồ họa cho người mới bắt đầu
3. Các kỹ năng phụ trợ
Tố chất là một phần để bạn xác định niềm đam mê nhưng để đi được lâu dài trong nghề thiết kế đồ họa, bạn còn cần cho mình một số kỹ năng cơ bản như sau:
3.1. Tạo dựng phong cách và hình ảnh
Theo đuổi ngành thiết kế, ai cũng cần có một phong cách thể hiện cá tính và đặc điểm riêng của bản thân mình. Xây dựng phong cách để mọi người thấy được chất riêng của bạn, dựa vào đó đánh giá xem liệu bạn có phải là người để họ gửi gắm ý tưởng và sản phẩm thiết kế được hay không?
3.2. Kỹ năng biểu đạt ý tưởng
Trong kỹ năng này có 2 yếu tố bạn nên xem xét đến đó là kỹ năng phác thảo và kỹ năng truyền đạt.
Kỹ năng phác thảo là việc bạn có thể hình ảnh hóa những ý tưởng đã nảy sinh trong đầu mình. Phác thảo trước tiên sẽ giúp bạn nhìn nhận lại một lần nữa về ý tưởng của mình, đánh giá những điểm tốt và chưa tốt để cải thiện thêm. Phác thảo ý tưởng cũng sẽ giúp khách hàng của bạn có thể hình dung ý tưởng mà bạn đang muốn truyền đạt, cũng từ đó, họ sẽ đưa ra ý kiến về những điểm hài lòng và chưa hài lòng đối với tác phẩm đó.
Kỹ năng truyền đạt sẽ nối tiếp kỹ năng phác thảo. Hình ảnh được phác họa ra là chưa đủ, bạn cần có ngôn từ diễn giải, thuyết minh cho ý tưởng đó.
3.3. Kỹ năng sử dụng công nghệ kỹ thuật
Sử dụng công nghệ kỹ thuật không còn là lựa chọn mà bắt buộc là điều bạn cần phải biết. Công nghệ kỹ thuật không chỉ giúp bạn tiết kiệm được thời gian làm việc mà chúng còn giúp bạn có thể sửa đổi, cập nhật, bổ sung liên tục. Không những vậy, khi phải thiết kế đội nhóm, các phần mềm kỹ thuật sẽ giúp các bạn can thiệp vào bản thiết kế một cách linh hoạt hơn. Các phần mềm thiết kế còn cho phép bạn thiết kế với các thông số chính xác nhất, đảm bảo khi sản phẩm thiết kế ra lò sẽ đúng theo tiêu chuẩn đã đề ra trước đó.
Bên cạnh đó, cũng giống như bao ngành nghề khác, người làm thiết kế đồ họa cũng cần phải có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng xử lý tình huống…
Ngành thiết kế đồ họa vẫn còn thị trường rộng lớn để phát triển, không chỉ tại Việt Nam mà còn ở trên toàn thế giới. Làm việc thiết kế đồ họa cho phép bạn được sống với niềm đam mê sáng tạo, sống với cái đẹp, tiếp cận với thị trường lao động rộng lớn và những phúc lợi xã hội nếu có thể làm việc cho các khách hàng quốc tế.
Trên đây là toàn bộ những thông tin liên quan đến những tố chất để học thiết kế đồ họa. Tuy nhiên mọi tố chất chỉ ở mức tương đối, để có thể biết mình có hợp với công việc thiết kế đồ họa hay không, bạn cần phải xem xét nhiều yếu tố khác liên quan đến môi trường làm việc, mức lương, chế độ đãi ngộ...