Đơn vị hành chính sự nghiệp là gì và có vai trò ra sao?
Theo dõi work247 tạiHẳn bạn đã từng một vài lần nghe qua về đơn vị hành chính sự nghiệp, song liệu bạn đã biết về khái niệm, chức năng, vai trò của đơn vị này chưa? Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc đơn vị hành chính sự nghiệp là gì và đóng vai trò như thế nào trong đời sống xã hội.
1. Khái niệm đơn vị hành chính sự nghiệp
Về khái niệm, đơn vị hành chính sự nghiệp được định nghĩa là những cơ quan hay đơn vị hoạt động bằng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, ngân sách cấp trên, hoặc bằng các nguồn kinh phí khác chẳng hạn như học phí, hội phí, tài trợ, nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ; các nguồn kinh phí này duy trì hoạt động của đơn vị để có thể phục vụ các nhiệm vụ của Nhà nước, trong đó chủ yếu là những hoạt động chính trị xã hội.
Những đơn vị hành chính sự nghiệp này trực thuộc các Bộ, Tổng cục, cơ quan đoàn thể, tổ chức xã hội do Trung ương và địa phương trực tiếp quản lý, hoặc là các đơn vị trực thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
Với nguồn ngân sách do Nhà nước trang trải một phần hoặc toàn bộ, các đơn vị hành chính sự nghiệp thực hiện hoạt động nhiệm vụ được giao cho, thu về các khoản tài chính gọi là khoản thu sự nghiệp. Thu sự nghiệp là khoản thu trong các lĩnh vực sau: kinh tế; giáo dục đào tạo; y tế, an sinh xã hội; dân số, kế hoạch hóa gia đình; văn hóa thông tin; thể dục thể thao; nghiên cứu khoa học, công nghệ, môi trường.
Ngoài các khoản thu trên, đơn vị hành chính sự nghiệp còn có những nguồn thu khác không mang tính chất chuyên môn sự nghiệp, đó là: khoản thu do hội viên tự nguyện đóng góp; khoản thu từ các tổ chức hay cá nhân quyên góp, tài trợ, ủng hộ; khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của những đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc loại hình là tổ chức, đoàn thể hay hiệp hội quần chúng.
Xem thêm: Việc làm chuyên viên hành chính
2. Đặc điểm của các đơn vị hành chính sự nghiệp
Đơn vị hành chính sự nghiệp của Việt Nam có rất nhiều loại hình hoạt động đa dạng, mức ngân sách được chi cũng khác nhau, tuy nhiên các cơ quan, đơn vị này vẫn có một số đặc điểm chung như sau:
- Đơn vị hành chính sự nghiệp được thụ hưởng ngân quỹ Nhà nước, tức được Nhà nước cấp một phần hoặc toàn bộ kinh phí và không cần bồi hoàn trực tiếp những khoản ngân sách được cấp đó.
- Kinh phí cấp cho các đơn vị hành chính sự nghiệp phải được sử dụng cho mục đích đã được hoạch định trước, tức là kinh phí phải được cấp và chi tiêu theo dự toán đã được duyệt theo từng mục đích chi cụ thể, được quyết toán chi ngân sách hàng năm.
- Khoản thu từ các hoạt động của đơn vị hành chính sự nghiệp không phải vì mục đích lợi nhuận, các khoản thu sự nghiệp này sẽ được đưa vào quỹ tập trung của ngân sách Nhà nước.
Xem thêm: Giải đáp cho câu hỏi kế toán hành chính sự nghiệp là gì
3. Phân loại các đơn vị hành chính sự nghiệp
Hiện nay, ở nước ta đang tồn tại rất nhiều đơn vị hành chính sự nghiệp khác nhau. Có nhiều tiêu chí, yêu tố để phân loại các đơn vị hành chính sự nghiệp, dưới đây chúng tôi sẽ đưa ra cho bạn ba cách phân loại chủ yếu để dễ dàng nhận biết, phân biệt những đơn vị này.
Đầu tiên là phân loại dựa theo khả năng tự đảm bảo kinh phí. Dựa theo cách chia này, đơn vị hành chính sự nghiệp bao gồm 2 loại đó là thuần túy và có nguồn thu.
- Đơn vị hành chính sự nghiệp thuần túy: là các cơ quan công quyền của Nhà nước, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, những đơn vị này có nguồn thu từ ngân sách Nhà nước và dùng các khoản thu đó để trang trải 100% chi phí.
Một số đơn vị hành chính sự nghiệp thuần túy có thể kể đến như: Sở Tài Chính, Ủy ban nhân dân các cấp xã/huyện/tỉnh,…
- Đơn vị hành chính sự nghiệp có nguồn thu: là các đơn vị thực hiện những hoạt động tạo ra nguồn thu riêng, bên cạnh nguồn kinh phí hỗ trợ đến từ ngân sách Nhà nước.
Một số đơn vị hành chính sự nghiệp có nguồn thu có thể kể đến như: trường học công lập, bệnh viện công lập, trung tâm y tế dự phòng, viện nghiên cứu khoa học,…
Cách chia thứ hai là dựa theo cấp quản lý tài chính. Dựa theo cách chia này, đơn vị hành chính sự nghiệp được chia thành 3 cấp. Bởi vì mọi khoản chi của các cơ quan đơn vị đều phải được bố trí lên kế hoạch trước và sau đó mới duyệt thông qua dự toán chi ngân sách Nhà nước hàng năm, cho nên các đơn vị hành chính sự nghiệp còn được gọi là các đơn vị hành chính dự toán.
- Đơn vị hành chính dự toán cấp 1: là đơn vị nhận trực tiếp ngân sách hoạt động hàng năm từ Thủ tướng Chính phủ hoặc từ cấp Ủy ban nhân dân. Sau đó các đơn vị sự toán cấp 1 này sẽ thực hiện phân bổ ngân sách và giao kế hoạch dự toán cho đơn vị trực thuộc dưới quyền của mình.
- Đơn vị hành chính dự toán cấp 2: các đơn vị này thuộc sự quản lý của cấp 1 và được các đơn vị cấp 1 giao cho việc dự toán ngân sách sau đó lại tiếp tục phân bổ cho các đơn vị trực thuộc cấp dưới.
- Đơn vị hành chính dự toán cấp 3: đây là đơn vị sẽ trực tiếp sử dụng nguồn ngân sách, đơn vị hành chính dự toán cấp 3 được các đơn vị cấp 1 và cấp 2 giao những công việc cụ thể, có trách nhiệm thực hiện đúng đúng nhiệm vụ được cấp trên giao cho.
Cách cuối cùng là phân loại các đơn vị hành chính sự nghiệp dựa theo cấp ngân sách. Theo như cách chia này, đơn vị hành chính sự nghiệp bao gồm ba cấp đó là trung ương, tỉnh và huyện.
- Đơn vị hành chính sự nghiệp cấp trung ương, sử dụng nguồn ngân sách từ trung ương.
- Đơn vị hành chính sự nghiệp cấp tỉnh, sử dụng ngân sách từ tỉnh.
- Đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện, sử dụng ngân sách từ huyện.
Xem thêm: Quản lý hành chính là gì? Những điều cần biết về quản lý hành chính
4. Chức năng nhiệm vụ của các đơn vị hành chính sự nghiệp
Chức năng cơ bản của đơn vị hành chính sự nghiệp chính là thực hiện những nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước và quản lý các hoạt động sự nghiệp chuyên môn của đơn vị.
Nhà nước thành lập và cấp kinh phí hoạt động cho các đơn vị hành chính sự nghiệp mà không cần hoàn lại trực tiếp, chính là để họ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo đường lối chính trị, quản lý hành chính, phát triển kinh tế đời sống xã hội, thúc đẩy gìn giữ văn hóa, giữ vững an ninh quốc phòng,... Các đơn vị này được ngân sách Nhà nước cấp kinh phí và hoạt động theo nguyên tắc không bồi hoàn trực tiếp.
Có thể nói, các đơn vị hành chính sự nghiệp đã, đang và sẽ luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc đổi mới kinh tế – xã hội của nước nhà, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giúp đất nước phát triển vững mạnh. Nếu không có các đơn vị hành chính sự nghiệp này thì xã hội Việt Nam không thể đi vào trật tự và nền kinh tế cũng không thể phát triển một cách hiệu quả, vững chắc.
Xem thêm: Thủ tục hành chính là gì? Những thông tin cần thiết dành cho bạn
Thông qua bài viết trên, ắt hẳn bạn đã hiểu được khái quát về định nghĩa đơn vị hành chính sự nghiệp là gì, cách phân loại ra sao, cũng như vai trò, nhiệm vụ của những đơn vị này. Nếu bạn muốn ứng tuyển vào đơn vị hành chính sự nghiệp thì hãy ghi nhớ những thông tin hữu ích này nhé.
4191 0