Product Specialist là gì? Tìm hiểu công việc của Chuyên gia sản phẩm
Theo dõi work247 tạiProduct Specialist là gì? Trong mỗi doanh nghiệp bán hàng, các Product Specialist có trách nhiệm đảm bảo doanh nghiệp có thể ra mắt thị trường những sản phẩm xuất sắc. Họ phải là người có nhiều kiến thức về sản phẩm, đồng thời cũng có khả năng phân tích thị trường, phát triển các chiến lược bán hàng hiệu quả… Hãy cùng tìm hiểu về công việc Product Specialist trong bài viết sau đây nhé!
1. Tìm hiểu chi tiết về Product Specialist
Nhu cầu tiêu dùng của thị trường luôn thay đổi từng ngày. Các doanh nghiệp để trụ vững cũng cần tung ra những sản phẩm phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Đây là lúc những Product Specialist thể hiện được vai trò của mình.
1.1. Product Specialist là gì?
Product Specialist còn được biết đến là vị trí Chuyên gia sản phẩm. Công việc của một Product Specialist chủ yếu xoay quanh việc nghiên cứu thị trường từ đó hỗ trợ các nhóm bán hàng đưa ra những chiến thuật marketing hay bán hàng hợp lý và hiệu quả nhất.
Một chuyên gia sản phẩm thông thường sẽ chịu trách nhiệm quản lý một sản phẩm trong suốt vòng đời của nó. Công việc này bao gồm cả việc phát triển kỹ thuật mới, tiếp thị và quảng bá sản phẩm, cũng như liên tục cập nhật thông tin về vị trí và sức cạnh tranh của sản phẩm đó trên thị trường.
Cũng có những khi Chuyên gia sản phẩm thực hiện nhiệm đào tạo cho các nhân viên hoặc nhà cung cấp khác về những kiến thức liên quan đến sản phẩm. Họ cũng có thể phát triển các kế hoạch kinh doanh liên quan đến sự phát triển của sản phẩm và tiềm năng tăng trưởng của sản phẩm trong tương lai.
1.2. Công việc hàng ngày của Chuyên gia sản phẩm
Công việc của Chuyên gia sản phẩm chủ yếu xoay quanh việc nghiên cứu thị trường và giúp nhóm bán hàng đưa ra các kỹ thuật bán hàng mở rộng.
Cụ thể, các công việc hàng ngày của một Chuyên gia sản phẩm bao gồm:
+ Làm việc với các đơn vị kinh doanh trong việc xây dựng kế hoạch tăng doanh thu thông qua các sản phẩm và dịch vụ.
+ Đảm bảo rằng các sản phẩm do doanh nghiệp phát hành đáp ứng các tiêu chuẩn quy định và không gây ra ảnh hưởng tiêu cực nào đến khách hàng.
+ Đo lường hiệu quả của các chiến lược và kế hoạch do các bộ phận khác nhau thực hiện xoay quanh một sản phẩm.
+ Đánh giá các chiến lược định giá cho sản phẩm.
+ Phân tích các phản hồi của khách hàng và sau đó sử dụng các phản hồi đó vì lợi ích của doanh nghiệp
+ Tiến hành đào tạo kỹ năng bán hàng cho các nhân viên mới được bổ nhiệm.
+ Hỗ trợ việc tung ra các sản phẩm mới và đào tạo kiến thức chuyên môn về sản phẩm cho các bộ phận khác nhau.
+ Cung cấp đầy đủ tài liệu về tất cả các sản phẩm và thông số kỹ thuật của chúng.
+ Phát triển hoặc hỗ trợ trong việc lựa chọn các kênh phân phối thích hợp.
+ Thuyết trình về sản phẩm cho nhân viên và các bên liên quan khác.
+ Tham dự các cuộc họp liên quan đến chiến lược bán hàng.
+ Xác định các cơ hội thị trường mới và cung cấp các khách hàng tiềm năng cho đội ngũ tiếp thị và bán hàng.
+ Tìm kiếm những khách hàng tiềm năng.
+ Kiểm tra sản phẩm về mặt chất lượng, số lượng và những cải tiến cần thiết dựa trên phản hồi của khách hàng.
Như vậy công việc của một Chuyên gia sản phẩm không đơn giản chỉ xoay quanh sản phẩm mình phụ trách mà còn có liên quan tới rất nhiều khía cạnh khác như thị trường, marketing, chăm sóc khách hàng…
Xem thêm: Mách bạn bản mô tả công việc product manager chuẩn xác nhất
1.3. Những kỹ năng cần có ở một Chuyên gia sản phẩm
Các doanh nghiệp đều có những yêu cầu khắt khe với vị trí Chuyên gia sản phẩm bởi công việc của vị trí này có ảnh hưởng trực tiếp tới các phương án đầu tư và chiến lược bán hàng tương lai của doanh nghiệp.
Vậy một Chuyên gia sản phẩm cần có những kỹ năng nào để làm tốt công việc của mình?
1.3.1. Kỹ năng phân tích
Các Chuyên gia sản phẩm phải thường xuyên tiếp xúc với những xu hướng và biến động liên tục của thị trường. Họ cũng cần phải nắm rõ thị hiếu và hướng chuyển động của thị trường, song song với đó là phân tích sản phẩm và chiến lược bán hàng của đối thủ, để từ đó đề xuất những thay đổi về sản phẩm hay chiến lược bán hàng sao cho phù hợp.
1.3.2. Kỹ năng giao tiếp
Chuyên gia sản phẩm cần có kỹ năng giao tiếp tốt để phục vụ cho quá trình thu thập thông tin, diễn giải về những đặc tính cũng như thế mạnh của sản phẩm và trình bày kết quả cho khách hàng.
Một kỹ năng giao tiếp tuyệt vời bằng cả lời nói và văn bản là rất cần thiết cả để chuyển tiếp thông tin về thị trường hoặc sản phẩm cho các bên nội bộ và bên ngoài.
1.3.3. Tư duy phản biện
Để xác định chiến lược tiếp thị nào sẽ hoạt động tốt nhất cho doanh nghiệp trong một thời điểm nào đó, Chuyên gia sản phẩm cần phải phân tích mọi tình huống có thể xảy ra và suy nghĩ một cách logic. Đồng thời họ cũng cần dự trù trước những phương án đối phó nếu thị trường đột ngột thay đổi hay chiến lược tiếp thị không đạt được hiệu quả như mong đợi.
1.3.4. Có chuyên môn và hiểu biết sâu về sản phẩm
Các chuyên gia sản phẩm luôn phải tập trung vào từng chi tiết rất nhỏ vì họ thường được yêu cầu phân tích dữ liệu chính xác về các dòng sản phẩm khác nhau. Là một chuyên gia, bạn nên có khả năng ghi nhớ các thông số kỹ thuật của sản phẩm và giảng giải để người khác cũng sẽ hiểu được những thông số đó.
Bên cạnh chuyên môn, kinh nghiệm dày dặn trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào như bán hàng, tiếp thị hay quan hệ khách hàng… luôn là những yếu tố cần thiết ở một Chuyên gia sản phẩm.
1.3.5. Kiến thức tiếp thị
Để trở thành Chuyên gia sản phẩm thành công, điều quan trọng không thể bỏ qua đó là bạn phải có niềm đam mê với sản phẩm mà mình đang phụ trách. Bên cạnh đó bạn cũng cần phải không ngừng học tập và nâng cao kiến thức marketing. Việc hiểu biết thị trường cho phép bạn tung ra những chiến lược marketing phù hợp hoặc vượt xa đối thủ cạnh tranh. Vì vậy, với tư cách là Chuyên gia sản phẩm, bạn cần phải có con mắt tinh tường để phát hiện các xu hướng thị trường, sẵn sàng truyền cảm hứng cho khách hàng và nhân viên.
Xem thêm: CV Product Specialist với những điều thú vị không thể bỏ qua
2. Nhiệm vụ chủ yếu của một Product Specialist
2.1. Tiếp thị và quảng bá dòng sản phẩm
Đây là một nội dung quan trọng trong công việc của một Chuyên gia sản phẩm. Người đảm nhận công việc này phải có khả năng xác định vị trí của sản phẩm trong vòng đời của nó. Nếu nó đang ở giai đoạn đầu của quá trình giới thiệu hoặc tăng trưởng, thì sẽ cần phải có những nỗ lực quảng bá ở mức độ cao hơn. Các chiến lược phân phối có thể cần được đánh giá định kỳ, phát triển hoặc thay đổi để đáp ứng được tốt nhất nhu cầu dự kiến của thị trường.
Một chuyên gia về sản phẩm không chỉ xem xét sự phát triển ngắn hạn của một dòng sản phẩm mà cũng cần xem xét sự phát triển lâu dài của nó.
2.2. Thu thập thông tin khách hàng
Các chuyên gia sản phẩm cũng cần có kỹ năng thu thập thông tin từ khách hàng hoặc người dùng tiềm năng để xác định được nhu cầu và sở thích của họ.
Bởi vì mỗi nhóm khách hàng sẽ có những nhu cầu và sở thích khác nhau nên Chuyên gia sản phẩm sẽ phải đánh giá tất cả các phản hồi để đưa ra danh sách nhu cầu và thị hiếu của khách hàng cho nhóm sản xuất.
2.3. Thực hiện kiểm tra sản phẩm
Trong quá trình phát triển sản phẩm, các chuyên gia sản phẩm cũng sẽ kiểm tra sản phẩm để đảm bảo chúng hoạt động đúng theo nguyên tắc thiết kế và đáp ứng được thị hiếu của khách hàng.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực phát triển phần mềm, Chuyên gia sản phẩm thường tiến hành kiểm tra trải nghiệm khách hàng ở giai đoạn beta – giai đoạn thứ hai trong chu kỳ phát triển phần mềm. Nếu khách hàng không hài lòng với thiết kế giao diện người dùng của phần mềm, họ sẽ đề xuất các thay đổi sao cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
Ngoài ra, các Chuyên gia sản phẩm cũng phải bắt kịp xu hướng của thịt rg và lĩnh vực mình phụ trách bằng cách tham dự các hội chợ thương mại và triển lãm sản phẩm.
2.4. Tham gia lập kế hoạch sản xuất
Một chuyên gia sản phẩm có thể hợp tác với giám đốc nhà máy sản xuất của doanh nghiệp hoặc giám đốc điều hành sản xuất để dự kiến sản lượng. Bên cạnh đó, dữ liệu về doanh số bán hàng dự kiến tính theo đơn vị, bao gồm các điều chỉnh về thời vụ hoặc các ưu đãi khuyến mại, cũng sẽ được chia sẻ để đảm bảo lượng hàng tồn kho luôn đủ. Một phân tích kỹ lưỡng về nhu cầu của thị trường và các mô hình hành vi mua hàng cũng sẽ được tiến hành để thu thập các dữ liệu cần thiết
2.5. Nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh
Hoạt động của đối thủ cạnh tranh được giám sát cẩn thận bởi các Chuyên gia sản phẩm. Họ cần phải đảm bảo rằng họ đã chuẩn bị được phương án ứng phó với những tổn thất về thị phần, đồng thời thực hiện các thay đổi đối với chiến lược quảng bá sản phẩm của họ cho phù hợp.
Nếu một sản phẩm đã đến cuối vòng đời và đang trong giai đoạn suy giảm, các kênh phân phối có thể cần được thay đổi để hướng đến nhiều hơn thị trường ngách. Khi một đối thủ cạnh tranh lớn giới thiệu một sản phẩm cải tiến, chẳng hạn như hương liệu mới, chuyên gia sản phẩm có thể đề xuất phản hồi nếu họ xác định rằng công ty có đủ nguồn lực để làm như vậy.
Xem thêm: Chuyên viên phát triển sản phẩm và quyền lợi được hưởng
3. Sự khác nhau giữa Product Specialist và Product Manager
Chuyên gia Sản phẩm – Product Specialist – là một người có hiểu biết về một sản phẩm đã được hoàn thiện (nhưng có thể không tham gia vào quá trình lên ý tưởng và hoàn thành sản phẩm đó).
Mặt khác, Giám đốc sản phẩm – Product Manager – chịu trách nhiệm phát triển các sản phẩm cũ và mới. Người giám đốc sản phẩm hoạch định ra chiến lược kinh doanh đằng sau một sản phẩm, chỉ định các yêu cầu chức năng của sản phẩm và thường quản lý việc ra mắt các tính năng và toàn bộ vòng đời của sản phẩm.
4. Thu nhập và cơ hội việc làm Chuyên gia sản phẩm
Trong hoàn cảnh thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng rất dễ bị tác động và biến đổi liên tục thì các doanh nghiệp cần phải nhanh chóng tung ra những sản phẩm mới hay những chiến lược bán hàng phù hợp. Để trụ vững trong ngành, các doanh nghiệp không chỉ cần phải theo kịp chuyển động cả thị trường mà còn phải theo kịp những động thái của các đối thủ.
Xuất phát từ những lý do trên mà công việc Chuyên gia sản phẩm ngày càng được coi trọng nhiều hơn. Các cá nhân có kinh nghiệm sẽ được hưởng mức thù lao rất cao, lên tới khoảng 45 triệu đồng mỗi tháng.
Cơ hội việc làm Chuyên gia sản phẩm cũng rất rộng mở vì số lượng các doanh nghiệp mới đang ngày càng tăng và sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cuộc đua thương trường là chưa bao giờ hết “nóng”.
Như vậy là qua bài viết của work247 bạn đã hiểu được Product Specialist là gì, tầm quan trọng cũng như những nhiệm vụ của một người Chuyên gia sản phẩm. Đây là một công việc có mức thu nhập rất cao ở thời điểm hiện tại và cơ hội việc làm cũng rất rộng mở. Tuy vậy để có thể làm tốt công việc của một Chuyên gia sản phẩm cũng đòi hỏi kiến thức chuyên môn cao không chỉ về các sản phẩm mà còn trong nhiều lĩnh vực khác có liên quan như marketing, nghiên cứu thị trường, chăm sóc khách hàng…
2698 0