Giải đáp thắc mắc xoay quanh khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc là gì?
Tác giả: Trần Mai Phương 04-05-2024
Mỗi quốc gia trên thế giới hiện nay đều mang những nét văn hóa dân tộc đặc trưng riêng biệt, chứa đựng những tinh hoa của nhân loại và là niềm tự hào của mỗi người dân trong dân tộc đó. Vậy hiểu chính xác nhất về bản sắc văn hóa dân tộc là gì? Cùng theo dõi bài viết của work247.vn dưới đây để có được đáp án cho thắc mắc trên nhé!
1. Tìm hiểu về khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc
Để hiểu rõ về bản sắc văn hóa dân tộc là gì, trước hết chúng ta cùng đi lý giải về khái niệm bản sắc và văn hóa.
“Bản sắc” theo từ điển trong tiếng Việt được hiểu là từ để chỉ tính chất, màu sắc riêng biệt, độc đáo góp phần tạo nên phẩm chất đặc biệt đối với một sự vật nào đó. Có thể hiểu đây chính là những sắc thái, đặc thù riêng mà chỉ có ở sự vật đó. Và trên thực tế, khi nhắc đến cụm từ “bản sắc”, con người ta thường có dụng ý chỉ cái rất riêng của sự vật để có thể phân biệt được so với các sự vật khác xung quanh.
“Văn hóa” hiểu theo nghĩa rộng nhất thì bao gồm toàn bộ các giá trị về vật chất, tinh thần do chính con người tạo ra trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Đây cũng chính là hệ thống các giá trị độc đáo, sáng tạo riêng biệt của mỗi quốc gia trên thế giới.
Và hiện nay, thuật ngữ bản sắc này thường được sử dụng đi liền với văn hóa dân tộc. Khi nhắc đến một quốc gia, dân tộc nào đó là phải nhắc đến bản sắc nền văn hóa của họ. Do đó, có thể hiểu về bản chất của khái niệm “bản sắc văn hóa dân tộc” có nghĩa là hệ thống các giá trị đặc trưng nhất của một nền văn hóa đã được xác lập trong dân tộc đó, nó tồn tại và phát triển trong suốt quá trình lịch sử và được thể hiện qua rất nhiều sắc thái văn hóa khác nhau. Bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện được linh hồn, cốt cách, tinh thần cũng như bản lĩnh sinh tồn của mỗi quốc gia, dân tộc. Đây được xem là dấu hiệu để có thể phân biệt được giữa các quốc gia này với các quốc gia khác.
Trong suốt quá trình hình thành, phát triển của mình, bản sắc văn hóa dân tộc luôn trở thành yếu tố quan trọng, mang đến sức mạnh về tinh thần dân tộc to lớn, giúp cho các dân tộc có thể vượt qua được những khó khăn, thử thách. Bởi thực tế, bản sắc văn hóa dân tộc chính là toàn bộ những phẩm chất, tính cách và là khuynh hướng cơ bản nhất của mỗi dân tộc, mang trong mình sức mạnh tiềm tàng, sức sáng tạo và giúp các quốc gia, dân tộc có thể tồn tại, phát triển cũng như phát huy những giá trị tốt đẹp nhất.
2. Kết cấu của bản sắc văn hóa dân tộc được thể hiện như thế nào?
Bản sắc văn hóa dân tộc được xem là một hiện tượng khá phức tạp với những biểu hiện đa dạng, phong phú. Do đó, để có thể nhận biết cũng như hiểu rõ hơn về khái niệm này thì chúng ta cần phải phân tích về các đặc trưng, kết cấu của bản sắc văn hóa theo mô hình sau:
- Tầng diện 1 là tầng sâu nhất với tính bản chất và khá ổn định trong hệ thống cấu trúc của bản sắc văn hóa dân tộc. Vai trò chính của bản sắc văn hóa dân tộc ở tầng này đó là vừa là hạt nhân có thể chi phối được toàn bộ hệ thống, có khả năng đưa ra các quyết định về biểu hiện của các yếu tố trong tất cả các tầng diện khác mà vừa là cái ẩn sâu trong các yếu tố, phương thức tồn tại. Như vậy, thông qua tầng diện này, toàn bộ những đặc trưng, hệ giá trị cơ bản của bản sắc văn hóa dân tộc sẽ được biểu hiện rõ nét, như một sợi chỉ xuyên suốt cả chiều dài lịch sử một dân tộc.
- Tầng diện 2 chính là cách tư duy và lối sống lý tưởng, cái nhìn về thẩm mỹ trong văn hóa dân tộc. Đây được xem là tầng nấc trung gian để có thể hiện thực hóa được mọi thứ trong thế giới quan và nhân sinh quan. Thông qua đó sẽ làm bật được văn hóa dân tộc trong đời sống xã hội và con người. Theo đó, tại tầng diện này, những yếu tố của quá khứ và hiện tại sẽ được liên kết với nhau thông qua các mối liên hệ trong lịch sử, các tư duy logic. Và tại tầng diện này, bản sắc văn hóa dân tộc sẽ được thể hiện một cách đa dạng, phong phú hơn với rất nhiều biến đổi liên tục.
- Tầng diện 3 thể hiện về mặt ngôn ngữ, các nét kiến trúc, phong tục tập quán, các lễ nghi cùng kho tàng văn học dân gian,... Đây là những biểu hiện rất đa dạng, phong phú của bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống của con người. Theo đó, cấp độ này sẽ phản ánh về sự nối tiếp của quá trình lịch sử các dân tộc, đồng thời cũng chính là sự hiện hữu một cách cụ thể nhất của đời sống mà dân tộc đang diễn ra. Và tại tầng này, toàn bộ sự biến đổi phong phú sẽ được biểu hiện rõ nét nhất bởi nó đang chịu những tác động mạnh mẽ và trực tiếp từ rất nhiều các yếu tố khác nhau như là: sự thay đổi kinh tế - xã hội, sự thay đổi về môi trường tự nhiên,...
Kết cấu của bản sắc văn hóa dân tộc với 3 tầng diện trên được thể hiện theo cả chiều ngang và chiều dọc, nhằm mang đến rõ hơn về bản chất và xu hướng biến đổi của nó trong suốt quá trình lịch sử dân tộc, có thể nhận thức được một cách chính xác nhất về tinh thần giữ gìn, phát huy những bản sắc văn hóa của các quốc gia, dân tộc.
3. Sự khác biệt giữa bản sắc văn hóa dân tộc và sắc thái văn hóa
Trong cuộc sống, bên cạnh bản sắc văn hóa dân tộc thì chúng ta còn thường xuyên được nghe nhắc đến cụm từ “sắc thái văn hóa”. Trên thực tế thì vẫn rất nhiều người bị nhầm lẫn giữa khái niệm, ý nghĩa hay các đặc trưng giữa 2 yếu tố này. Vậy thì hãy cùng work247.vn phân tích để làm rõ về sự khác biệt này nhé!
- Tính đặc trưng:
+ Đối với bản sắc văn hóa thì mang tính bản chất và thể hiện được những đặc trưng cụ thể nhất của nền văn hóa dân tộc. Đó là cái gốc để hình thành nên văn hóa, quá trình phát triển và tạo nên được những nét đặc sắc riêng biệt của một dân tộc.
+ Còn sắc thái văn hóa thì mang đặc trưng qua các hiện tượng. Cụ thể đó là những biểu hiện ra bên ngoài, là những gì đang hiện hữu mà con người có thể nhìn thấy được, cảm nhận được hay cũng có thể trực tiếp tham gia được.
Một ví dụ cụ thể cho sự khác biệt này đó là thể hiện trong văn hóa ma chay của người Việt Nam. Nếu là sắc thái văn hóa thì chính là các hiện tượng, biểu hiện cụ thể của toàn bộ các hoạt động ma chay diễn ra. Còn nếu như xét về bản sắc văn hóa thì đây chính là một đặc trưng của các nghi lễ, phong tục với ý nghĩa nhất định nào đó trong văn hóa dân tộc.
- Sự thể hiện của các yếu tố:
+ Bản sắc văn hóa dân tộc sẽ thể hiện thông qua các nội dung về văn hóa, các lễ nghi, hiện tượng, sự vật,... nào đó và mang ý nghĩa hình thành. Ví dụ đối với các lễ nghi trong ma chay thì đều mang một ý nghĩa nào đó mà những người còn sống muốn được gửi gắm đến người đã chết về nơi yên nghỉ cuối cùng.
+ Còn biểu hiện của sắc thái văn hóa chính là hình thức thể hiện của các nghi thức, hiện tượng, sự vật,... đó. Theo đó, mặc dù bạn không hiểu về bản chất nhưng vẫn có thể nhìn thấy và cảm nhận được về sắc thái văn hóa thông qua các hình thức bên ngoài như là trang phục, ngôn ngữ, phong tục tập quán,...
- Xét về tính chất:
+ Bản sắc văn hóa dân tộc mang tính chất bền vững so với thời gian. Mặc dù sẽ có những biến đổi liên tục nhưng vẫn sẽ không làm sai lệch đi bản sắc văn hóa và con người sẽ luôn bảo tồn, giữ gìn, phát huy những giá trị trong bản sắc văn hóa dân tộc.
+ Còn đối với sắc thái văn hóa thì lại có thể linh hoạt theo thời gian, theo những sự biến đổi của xã hội. Sắc thái văn hóa sẽ thể hiện một nền văn hóa văn mình và sự phát triển của xã hội con người. Do đó, nó chỉ mang tính chất tương đối và dễ bị ảnh hưởng bởi các nền văn hóa khác trên thế giới.
4. Một số yếu tố có tính định hướng trong nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc
Bản sắc văn hóa dân tộc là một lĩnh vực nghiên cứu rất rộng lớn và cần phải có phương pháp cũng như định hướng cụ thể, rõ ràng mới có thể tìm hiểu được những nét đặc sắc nhất. Do đó, khi nghiên cứu về vấn đề này, cần hiểu rõ được một số yếu tố mang tính định hướng cho bản sắc văn hóa dân tộc như sau:
- Cần xét trong một mối quan hệ giữa các nền văn hóa, bản sắc văn hóa của từng dân tộc được thể hiện qua tính thống nhất, tính đa dạng. Tính thống nhất ở đây được thể hiện qua những nét chung ở nền văn hóa theo từng cấp độ khác nhau, ví dụ như là văn hóa vùng, văn hóa khu vực, văn hóa quốc gia,... Còn tính đa dạng thì sẽ thể hiện những sắc thái riêng, các đặc thù của mỗi nền văn hóa dân tộc. Theo đó, khi nghiên cứu, tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc chính là đi tìm hiểu về cái riêng, cái đặc trưng nhất của các dân tộc đó.
Bên cạnh đó, việc thừa nhận tính đa dạng của các nền văn hóa chính là thừa nhận về những cái riêng, đặc thù trong các mối quan hệ biện chứng với nó và được biểu hiện theo một khuynh hướng chung. Việc nghiên cứu trong không gian và thời gian càng rộng lớn thì những nét riêng độc đáo trong bản sắc văn hóa dân tộc sẽ càng được bộc lộ rõ ràng hơn.
Việc nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc luôn phải tôn trọng về sự đa dạng, phong phú đó. Điều này sẽ tránh việc tạo ra ranh giới giữa những cái chung và cái riêng, đồng thời không tách rời những giá trị nhân văn trong bản sắc văn hóa dân tộc.
- Yếu tố thứ 2 mang tính định hướng trong nghiên cứu bản sắc văn hóa đó chính là sự vận động và phát triển. Theo đó, bản sắc văn hóa sẽ vừa mang tính ổn định, vừa có sự biến đổi liên tục.
+ Tính ổn định của bản sắc văn hóa sẽ được thể hiện qua những giá trị mà nó hình thành, phát triển trong suốt quá trình lịch sử dân tộc và đó được xem là cốt cách riêng của dân tộc.
+ Xét về tính biến đổi thì bản sắc văn hóa không phải là một thực thể bất biện, nó sẽ luôn vận động, biến đổi không ngừng theo thời gian. Trong suốt quá trình phát triển, những giá trị lỗi thời, những gì đã cũ và không phù hợp sẽ cần được loại bỏ để thay thế bằng những cái mới tốt đẹp hơn. Do đó, bản sắc văn hóa dân tộc có thể được xem là một quá trình trưởng thành, phát triển của dân tộc.
- Yếu tố thứ 3 đó là xét về những giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc. Rất nhiều ý kiến cho rằng, bản sắc văn hóa dân tộc đang tồn tại mà không mang giá trị gì. Tuy nhiên, nhiều quan điểm lại cho rằng, bản sắc văn hóa có cái có giá trị nhưng có những cái không mang giá trị gì. Thực tế thì bởi bản sắc văn hóa dân tộc là một phạm trù thuộc về lịch sử, do đó, những giá trị nó có được sẽ phụ thuộc vào cả quá trình lịch sử phát triển của một dân tộc. Và có những nét văn hóa có thể có giá trị với dân tộc này nhưng lại vô nghĩa đối với dân tộc khác hay tùy vào từng thời kỳ mà nét văn hóa đó sẽ có giá trị khác nhau. Do đó, khi nghiên cứu về bản sắc văn hóa dân tộc cần phải xem xét thật kỹ lưỡng về các yếu tố liên quan này.
Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp các bạn có cái nhìn nhận khách quan nhất về khái niệm bản sắc văn hóa dân tộc là gì cùng những vấn đề có liên quan. Qua đó áp dụng vào thực tế và hoạt động nghiên cứu để tìm hiểu một cách chính xác nhất về các đặc trưng, nét độc đáo trong nền văn hóa dân tộc các quốc gia.