Hướng dẫn cách viết CV ngành thống kê đầy đủ, chi tiết
Tác giả: Diệp Lạc 12-08-2024
CV xin việc là một hồ sơ vô cùng quan trọng, nó sẽ đại diện cho bản thân, năng lực và mong muốn của cá nhân bạn để gặp nhà tuyển dụng. Thông qua các thông tin được trình bày trong hồ sơ xin việc, nhà tuyển dụng sẽ đưa ra quyết định về việc có muốn tìm hiểu thêm về thông tin ứng viên hay loại bỏ luôn hồ sơ của họ không? Hôm nay tôi muốn giới thiệu đến bạn bài viết “Hướng dẫn cách viết CV ngành thống kê đầy đủ, chi tiết”.
1. Thông tin cơ bản của ứng viên ngành thống kê
Đối với một CV xin việc ngành thống kê, bạn phải đáp ứng được đầy đủ các nội dung về: thông tin cơ bản, mục tiêu nghề nghiệp, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc và kỹ năng. Dù bạn là người thích sáng tạo hay muốn khác biệt với các ứng viên khác, cũng phải đảm bảo CV của bạn cung cấp đầy đủ các yếu tố này.
Đối với phần thông tin cơ bản, ứng viên cần giới thiệu đến nhà tuyển dụng: mình là ai? Thông qua các thông tin cơ bản như: họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi ở hiện tại, thông tin liên lạc: số điện thoại và emails,… Ngay sau phần giới thiệu thông tin, bạn cần đề cập đến vị trí mình ứng tuyển.
Ví dụ: đối với ngành thống kê:
- Đỗ Thị Phương Hoa – 02/11/1898
- Vị trí ứng tuyển: Chuyên viên thống kê
- Nơi ở hiện tại: 12 Phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội
- Thông tin liên hệ: 0123.234.234
- Email: nguyentrankhanhnhuhust@gmail.com
Đối với phần thông tin ứng viên, bạn cần chú ý về địa chỉ email. Vì bạn đã bước chân vào thị trường lao động, nên bạn cần thể hiện sự trưởng thành và chuyên nghiệp của cá nhân. Không sử dụng các email mang đặc trưng “trẻ trâu” hay sở thích cá nhân như:
+ Toicodonqua@gmail.com;
+ Ilovejessinuna@gmail.com;
+ Goodboy@gmail.com,...
Nên sử dụng các email được đặt theo tên hoặc đặc điểm đi kèm của cá nhân: ví dụ bạn tên Hoàng Long, là sinh viên của Neu, khoa Toán thống kê; bạn có thể đặt email để trở nên chuyên nghiệp hơn như:
+ HoangLongneu@gmail.com;
+ Longneu@gmail.com;
+ Hoanglongmfeneu@gmail.com;
Đây chỉ là một yếu tố khá nhỏ, tuy nhiên nếu bạn trau chuốt đến từng yếu tố, CV của bạn sẽ được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Xem thêm: Việc làm thống kê
2. Mục tiêu nghề nghiệp của ứng viên ngành thống kê
Mục tiêu nghề nghiệp có thể coi là danh mục khó nhằn nhất đối với các ứng viên; đây là phần bạn cần thể hiện được những dự định, mục tiêu của mình trong tương lai, nên nhớ, mục tiêu phải có sự liên quan với công việc bạn đang ứng tuyển.
Ngoài ra, bên cạnh các mục tiêu thể hiện các lợi ích, mong muốn đạt được cho riêng cá nhân; bạn cần phải thể hiện sự cống hiến, mong muốn được gắn bó và góp công sức vào sự phát triển công ty.
Trong mục tiêu nghề nghiệp, hãy phân chia cụ thể thành mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn; mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn phải có sự liên kết với nhau một cách rõ ràng, tạo nên tính thống nhất trong toàn thể mục tiêu.
Đối với mục tiêu nghề nghiệp; nên trình bày dưới dạng các gạch đầu dòng, mỗi gạch đầu dòng chỉ dài từ 2 – 3 dòng; khoảng 30 từ - 40 từ; không nên trình bày quá dài thành các đoạn văn, lấn sân sang phần kinh nghiệm hay kỹ năng.
Với mục tiêu ngắn hạn, bạn nên trình bày từ 2 đến 4 gạch đầu dòng; mục tiêu dài hạn từ 1 đến 2 gạch đầu dòng; chú ý trình bày mục tiêu ngắn hạn trước rồi đến mục tiêu dài hạn.
Ví dụ: Mục tiêu nghề nghiệp của một chuyên viên thống kê:
Mục tiêu ngắn hạn:
- Tôi mong muốn được phát huy và nâng cao khả năng làm việc của cá nhân; hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được cấp trên phân công.
- Được chủ động trong việc nghiên cứu số liệu, phân tích và đưa ra các phương án trong việc phát triển và mở rộng thị trường.
- Trong vòng 2 năm, có khả năng đảm nhận dự án và có đội ngũ nhân sự của riêng mình.
Mục tiêu dài hạn:
- Trở thành chuyên gia trong lĩnh vực về thống kê; được làm việc, gắn bó và cống hiến hết mình vì sự phát triển chung của công ty.
- Đi đào tạo về chuyên ngành thống kê tại các trường đại học, cơ quan, xí nghiệp có nhu cầu.
Xem thêm: Tổng thể thống kê là gì và những thông tin quan trọng cần biết
3. Trình độ học vấn của ứng viên ngành thống kê
Đối với một ứng viên muốn làm việc trong ngành thống kê, trình độ học vấn là vô cùng quan trọng. Đây là công việc có sự yêu cầu cao về kỹ năng, kiến thức chuyên môn, khả năng phân tích và sự nhạy bén với các con số; bạn cần phải tốt nghiệp các chuyên ngành thuộc khối kinh tế hay nếu thuộc khối ngành khác, bạn cần phải có kinh nghiệm làm việc.
Tại khối ngành kinh tế, bạn cần theo học các chuyên ngành như: toán thống kê, kinh tế, kế hoạch, quản trị kinh doanh, quản trị rủi ro, tài chính ngân hàng,… tuy nhiên, đây chỉ là tài liệu tham khảo mang tính chất tương đối, không áp dụng cho tất cả các công ty; bạn cần đọc chính xác yêu cầu của nhà tuyển dụng trong bản mô tả công việc.
Trong danh mục trình độ học vấn, cần trình bày các thông tin như: tên trường, thời gian theo học, chuyên ngành theo học, trung bình điểm tích lũy, loại bằng; mô tả sơ qua về chuyên ngành mình học.
Ví dụ: Trường đại học kinh tế quốc dân (5/2017 - 3/2021); chuyên ngành Toán kinh tế; GPA: 3.36; bằng: giỏi.
Xem thêm: Hướng dẫn cách viết mục tiêu nghề nghiệp ngành thống kê chi tiết
4. Kinh nghiệm làm việc của ứng viên ngành thống kê
Đối với kinh nghiệm làm việc ngành thống kê, chúng ta chia ra làm 2 dạng như: đã có kinh nghiệm làm việc và chưa có kinh nghiệm làm việc.
Đối với các ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc, bạn cần tự tin thể hiện các kỹ năng, kinh nghiệm mà mình đã đạt được trong quá trình làm việc. Bạn cần trình bày sơ qua về tên công ty, thời gian làm việc, vị trí làm việc, thành tựu đã đạt được; mô tả sơ qua về vị trí công việc bạn làm.
Hãy nêu ngắn gọn nhất về công việc bạn làm, chỉ nên đưa hay làm nổi bật các yếu tố thực sự liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển; nên trình bày ngắn gọn từ 2 dòng – 3 dòng, không nên trình bày dưới dạng đoạn văn; bạn có thể kể nó thành một câu chuyện khi được gặp nhà tuyển dụng.
Đối với các ứng viên chưa có kinh nghiệm trong ngành thống kê, bạn cũng đừng quá lo lắng về điều này, hãy trả lời thành thật trong danh mục mục tiêu nghề nghiệp rằng, bạn chưa có kinh nghiệm; thay vào đó, làm nổi bật các kỹ năng làm việc hay bằng cấp chứng chỉ liên quan đến công việc mà bạn đạt được, đây chính là lợi thế của bạn.
Nếu bạn vì lo lắng mà đưa các thông tin không đúng sự thật như đã có kinh nghiệm làm việc; nhà tuyển dụng sẽ rất dễ dàng trong việc túm lấy “gáy” bạn; bởi họ là nhà tuyển dụng mà, họ thừa biết được ứng viên của mình có nói dối không thông qua thái độ, cử chỉ hay đơn giản là một vài câu hỏi chuyên ngành; nếu không tin, bạn hãy cố gắng trở thành sếp để sau đi tuyển dụng xem sao nhé!
Xem thêm: Việc làm nhân viên thống kê sản xuất
5. Kỹ năng của ứng viên ngành thống kê
Bạn cần làm nổi bật các kỹ năng mà mình sở hữu, đối với danh mục này, bạn không cần đưa các dẫn chứng để chứng minh điều đó; chỉ cần đưa tên các kỹ năng là đủ. Đối với ngành thống kê, một trong những kỹ năng quan trọng nhất phải kể đến là kỹ năng tổng hợp và phân tích số liệu; ngoài ra khả năng nghiên cứu thị trường; tỉ mỉ, cẩn thận cũng được đánh giá cao.
Khả năng đọc hiểu và giao tiếp bằng ngoại ngữ; kỹ năng sử dụng phần mềm chuyên ngành và tin học văn phòng cơ bản; khả năng giải quyết vấn đề; khả năng trình bày và đưa ra các quan điểm cá nhân; khả năng lắng nghe;…
Có rất nhiều hình thức viết CV cho bạn lựa chọn: sử dụng word, powerpoint, CV viết tay,… Tuy nhiên, nếu bạn thấy công việc tạo mẫu, phom cho các CV chiếm quá nhiều thời gian khiến bạn không có thời gian viết phần nội dung, bạn có thể tham khảo các mẫu cv có sẵn; vô cùng tiện lợi.
Chú ý: đối với tất cả các danh mục trong CV, cần chú ý trình bày ngắn gọn, cô đọng thông tin; chỉ nên trình bày CV trong một trang A4.
Trên đây là bài chia sẻ của tôi về “Hướng dẫn cách viết CV ngành thống kê đầy đủ, chi tiết”, hy vọng bài viết mang đến bạn tài liệu hữu ích trong quá trình bạn hoàn thiện CV ngành thống kê.