Cơ quan tư pháp là gì? Hệ thống cơ quan tư pháp ở Việt Nam
Tác giả: Linh Anh Nguyễn 09-08-2024
Bạn thường xuyên nghe thấy cụm từ “Cơ quan tư pháp”, nhưng bạn lại chưa có một định nghĩa rõ ràng về cơ quan tư pháp là gì và cơ quan tư pháp có những quyền hạn và nhiệm vụ nào. Đây là một vấn đề bạn nên tìm hiểu để nắm rõ pháp luật cũng như những quyền lợi và nghĩa vụ của bản thân mình.
1. Tìm hiểu về tư pháp
Thuật ngữ “tư pháp” xuất hiện trong thuyết tam quyền phân lập, được liệt kê vào một trong ba quyền lực của nhà nước, cụ thể bao gồm: lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Nói một cách ngắn gọn thì lập pháp bao gồm công việc làm pháp luật và ban hành pháp luật; hành pháp có nghĩa là thi hành pháp luật; tư pháp bao gồm các nhiệm vụ giữ gìn và bảo vệ pháp luật, xử lý các vi phạm pháp luật.
Cụm từ “tư pháp” còn được dùng để chỉ chung các cơ quan điều tra, kiểm sát, xét xử hoặc được dùng trong tên các cơ quan làm các nhiệm vụ về hành chính tư pháp chẳng hạn như bộ tư pháp, sở tư pháp...
Xem thêm: Việc làm nhân viên tư vấn Luật
2. Cơ quan tư pháp
Cơ quan tư pháp, còn có cách gọi khác là hệ thống tư pháp, là một hệ thống các tòa án các cấp nhân danh nhà nước hoặc quyền lực tối cao, có nhiệm vụ xử lý những hành vi vi phạm pháp luật và tiến hành giải quyết các tranh chấp.
Cơ quan tư pháp còn được coi là phân nhánh chính của một chính thể và là cơ quan có trách nhiệm chính trong việc diễn giải pháp luật.
3. Hệ thống cơ quan tư pháp
3.1. Tổng quan về hệ thống tư pháp
Kể từ thời kì được coi là hoàn thiện đầu tiên vào năm 1992, cho đến ngày nay hệ thống cơ quan tư pháp ở nước ta vẫn đang được tiếp tục củng cố và hoàn thiện dựa trên cơ sở hệ thống tư pháp thời kỳ sau vẫn kế thừa và phát huy các giá trị và những yếu tố hợp lý của hệ thống tư pháp thời kỳ trước, đồng thời bên cạnh đó cũng thực hiện những cải biến quan trọng nhằm đáp ứng được các yêu cầu trong tình hình mới, đặc biệt là sau khi Nhà nước tiến hành sửa đổi Hiến pháp 1992 vào tháng 12 năm 2001.
Cụ thể quá trình củng cố và hoàn thiện hệ thống tư pháp ở nước ta như sau:
- Về cơ bản đã hình thành một hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự tự trung ương xuống địa phương, trong đó bao gồm các cơ quan: Cục quản lý thi hành án dân sự trực thuộc Bộ tư pháp (ở cấp trung ương), các phòng thi hành án cấp tỉnh và các đội thi hành án ở cấp huyện.
- Có sự điều chỉnh đáng kể về các chức năng cũng như nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ cấu tổ chức bộ máy, và nguyên tắc tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp. Cụ thể:
+ Trong hệ thống toán án nhân dân, đã thành lập một số các cơ quan chuyên trách mới trong đó có các tòa kinh tế, tòa lao động và tòa hành chính. Song song với đó là việc bổ sung thêm hai nguyên tắc mới trong hoạt động xét xử của các tòa án. Đó là: Tòa án có thể tiến hành xét xử kín, mục đích là để giữ bí mật cho các đương sự dựa trên yêu cầu chính đáng của họ (Nguyên tắc này được quy định tại Điều 7 Luật tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi năm 1993); và nguyên tắc được bình đẳng trước pháp luật của các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế (được quy định tại Điều 8 Luật tổ chức tòa án nhân dân sửa đổi năm 1995); bỏ đi thẩm quyền xét xử sơ thẩm và chung thẩm của Tòa án nhân dân tối cao; áp dụng chế độ thẩm pháp và thực hiện sự phân cấp.
Cụ thể: Chánh án tòa án nhân dân tối cao sẽ do Quốc hội bầu và miễn nhiệm, Thẩm phán tòa án nhân dân tối cao sẽ do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và trong trường hợp cách chức cũng sẽ do Chủ tịch nước thực hiện; Thẩm phán tòa án nhân dân địa phương sẽ do Chánh án tòa án nhân dân tối cao trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm và cách chức theo quyết định đưa ra từ hội đồng tuyển chọn thẩm phán; về mặt tổ chức các tòa án nhân dân địa phương sẽ do Tòa án nhân dân tối cao quản lý…
+ Quy định về chức năng của viện kiểm sát nhân dân là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, bãi bỏ chức năng kiểm sát chung; và các viện kiểm sát nhân dân sẽ được đặt dưới sự giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
+ Các cơ quan điều tra về cơ bản không có sự thay đổi nhiều, vẫn tiếp tục được củng cố và hoàn thiện.
+ Chính quyền địa phương giờ đây được giao cho quyền thực hiện một số các hoạt động để tăng cường sự phối hợp chỉ đạo và nâng cao chất lượng thi hành án dân sự.
Có thể nói hệ thống cơ quan tư pháp là bộ phận không thể tách rời trong bộ máy nhà nước. Quá trình hình thành, cải tổ và phát triển của hệ thống cơ quan tư pháp có mối liên hệ chặt chẽ với các thời kỳ của Cách mạng nước ta.
Xem thêm: Dân chủ là gì? Những vấn đề cơ bản liên quan đến quyền dân chủ
3.2. Các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp
3.2.1. Tòa án nhân dân
Chức năng của hệ thống tòa án nhân dân là cơ quan xét xử và thực hiện quyền tư pháp (Quy định tại Khoản 1, Điều 102, Hiến pháp năm 2013).
Hoạt động của các toán án nhân dân hoàn toàn không đồng nhất với việc giải quyết các đơn thư khiếu nại và tố cáo của các cơ quan nhà nước khác. Cụ thể như sau:
- Tòa án nhân dân là có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự và dân sự, các vụ án hôn nhân gia đình, các vụ án hành chính, kinh tế, lao động và giải quyết các vụ việc khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra không một cơ quan nào khác có thẩm quyền trên. Toán án nhân dân nhân danh nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và mọi quyết định của tòa án nhân dân đều mang tính quyền lực nhà nước.
- Các hoạt động xét xử của tòa án phải được thực hiện dựa trên các thủ tục tố tụng nghiêm ngặt.
- Quyết định của tòa án nhân dân mới là quyết định cuối cùng trong việc giải quyết các vụ việc pháp lý. Do đó quyết định của tòa án nhân dân có thể thay thế các quyết định trước đó của các cơ quan có thẩm quyền khác. Các quyết định của tòa án nhân dân phải được các cơ quan, tổ chức và các cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành (Quy định tại Khoản 2, Điều 2, Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2014).
Nhiệm vụ của tòa án nhân dân là bảo vệ công lý; bảo vệ các quyền con người và quyền công dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và lợi ích của nhà nước, cũng như quyền lợi và các lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân.
Xem thêm: Cơ quan lập pháp là gì? Câu trả lời chính xác nhất để tham khảo
3.2.2. Viện kiểm sát nhân dân
Về chức năng của viện kiểm sát nhân dân đã được quy định tại Khoản 1, Điều 107, Hiến pháp năm 2013. Cụ thể:
- Thực hành quyền công tố
Trong tố tụng hình sự, viện kiểm sát nhân dân thay mặt nhà nước thực việc việc buộc tội người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết các tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, và cũng được thực hiện tại trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự.
Đây là chức năng đặc thù chỉ có thể được thực hiện bởi viện kiểm sát nhân dân, nhằm đảm bảo về vấn đề tư pháp được chấp hành nghiêm chỉnh và có tính thống nhất. Trong đó mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được phát hiện và khởi tố kịp thời, để từ đó tiến hành điều tra, truy tố và xét xử đúng người đúng tội.
- Chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi và các quyết định của cơ quan, tổ chức và các cá nhân trong các hoạt động tư pháp theo quy định tại Khoản 1, Điều 4, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014).
Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp thông qua các hoạt động kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về các hành vi phạm tội và kiến nghị khởi tố; kiểm sát việc khởi tố và các công tác điều tra; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng.
Về nhiệm vụ, theo quy định tại Khoản 3, Điều 107, Hiến pháp năm 2013 và Khoản 1, Điều 2, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, được quy định rằng; “Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.
Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi Cơ quan tư pháp là gì. Pháp luật Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là rất công bằng và nghiêm minh. Hãy là một công dân biết luật và hiểu rõ luật để nắm rõ những quyền lợi của bản thân.