Dịch vụ logistics là gì? Tìm hiểu về quy trình Logistics
Tác giả: Linh Anh Nguyễn 27-08-2024
Ngày nay thuật ngữ “Logistics” xuất hiện khá thường xuyên trên các bản tin, báo, tạp chí kinh doanh và cả trên những bản tin tuyển dụng việc làm. Vậy, có bao giờ bạn bắt gặp nhiều đến nỗi tự hỏi “Dịch vụ Logistics là gì” chưa? Nếu bạn có hứng thú với dịch vụ Logistics hãy tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé.
1. Dịch vụ Logistics là gì
Dịch vụ Logistics hiểu một cách đơn giản chính là một quy trình nằm trong một chuỗi cung ứng hàng hóa. Logistics không được dùng để chỉ một công việc hay một giai đoạn cụ thể nào đó.
Logistics có mặt từ đầu đến cuối trong chuỗi cung ứng hàng hóa, đi từ khâu nhập nguyên liệu, chế biến sản xuất, thẩm định, cho đến khi phân phối đến tay người tiêu dùng. Trong quá trình này, nhiệm vụ chủ yếu của doanh nghiệp Logistics là xây dựng kế hoạch, triển khai và giám sát công đoạn vận chuyển hàng hóa. Cũng vì vậy mà đa số mọi người đều coi Logistics đồng nghĩa với việc vận chuyển hàng hóa. Trên thực tế những gì họ thấy chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Logistics có thể nói là gắn liền với mọi quá trình kinh doanh. Nếu Logistics được tối ưu, đồng nghĩa với việc hàng hóa được vận chuyển tới tay người tiêu dùng nhanh hơn thì giá cả cũng sẽ ở mức cạnh tranh hơn và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng sẽ phát triển hơn.
Cùng với nền kinh tế phát triển, các hoạt động thương mại quốc tế ngày càng được mở rộng thì Logistics cũng ngày càng phát triển và đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa qua lại giữa các quốc gia.
Tin tuyển dụng: Tìm việc làm nhân viên kinh doanh Logistics
2. Doanh nghiệp Logistics hoạt động trên nền tảng nào
Dịch vụ Logistics bao hàm rất nhiều công việc khác nhau, trong đó có giao nhận hàng, vận chuyển, lưu kho bãi, làm các thủ tục hải quan, tư vấn khách hàng, dịch vụ đóng gói bao bì, các dịch vụ liên quan đến hàng hóa khác…
Một doanh nghiệp thực hiện và khai thác bất kỳ một hoạt động nào trong số những hành động trên thì được coi là doanh nghiệp Logistics. Thông thường một doanh nghiệp Logistics hoạt động dựa trên một số nền tảng dưới đây.
- Logistics sinh tồn
Các hoạt động Logistics nói chung đều dựa trên nền tảng Logistics sinh tồn. Doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng này chủ yếu là các doanh nghiệp cung ứng những nhu yếu phẩm trong cuộc sống và hướng tới đáp ứng các nhu cầu trong cuộc sống của con người.
Hiểu một cách đơn giản nhất thì Logistics sinh tồn chính là quá trình sản phẩm được đưa đến tay người tiêu dùng. Điều này trùng với cách hiểu về dịch vụ Logistics của đại đa số người dân.
- Logistics hoạt động
Các doanh nghiệp Logistics luôn hợp tác với nhiều đối tác, bởi suy cho cùng hoạt động của họ có mối quan hệ mất thiết với những hoạt động sản xuất hàng hóa của các doanh nghiệp khác.
Doanh nghiệp Logistics được ủy thác phụ trách các hoạt động nhập xuất nguyên liệu như vận chuyển, lưu kho bãi… Sau khi đối tác của họ tiến hành sản xuất để tạo thành các sản phẩm thì họ lại tiếp tục phụ trách phân phối các sản phẩm đến những kênh phân phối, bao gồm các siêu thị, trung tâm thương mại, các chuỗi bán hàng, các đại lý vật tư, các cửa hàng nhỏ…
- Logistics hệ thống
Logistics hệ thống là bộ khung và là điều kiện cần để các doanh nghiệp Logistics duy trì hoạt động ổn định. Logistics hệ thống biểu hiện ra thực tế ở hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị, nhân lực và công nghệ. Nếu thiếu bất kỳ một yếu tố nào kể trên thì doanh nghiệp Logistics cũng đều không thể duy trì hoạt động được.
Xem thêm: Tìm hiểu vendor là gì? Vai trò của vendor trong chuỗi cung ứng
3. Đặc điểm của dịch vụ Logistics
3.1. Do những thương nhân đảm nhiệm thực hiện
Đúng vậy, chỉ những người thương nhân với đặc trưng hiểu rõ quá trình sản xuất và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng mới có thể đảm nhiệm tốt dịch vụ Logistics. Một số doanh nghiệp Logistics cung cấp các dịch vụ vận chuyển, sân bãi ở nước ta hiện nay có thể kể đến như Bưu điện, Viettel, Giao nhận toàn cầu DHL, J&T Express… Những doanh nghiệp Logistics phải đáp ứng được đầy đủ yêu cầu về giấy tờ cũng như cơ sở vật chất theo quy định.
Cụ thể doanh nghiệp cần có giấy tờ đăng ký kinh doanh, đáp ứng các điều kiện về thiết bị cũng như phương tiện vận chuyển hàng hóa và nguyên liệu. Bên cạnh đó họ cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn và yêu cầu về mặt kỹ thuật trong vận chuyển hàng hóa, cũng như đảm bảo đủ số lượng nhân viên phụ trách các công việc theo đúng quy mô dịch vụ cung cấp.
Tuy phụ trách vận chuyển, sân kho và bảo quản sản phẩm trong quá trình giao nhận, nhưng các doanh nghiệp Logistics đều tuân theo một quy tắc chung đó là không can thiệp vào hàng hóa và sản phẩm mà mình vận chuyển.
3.2. Logistics là dịch vụ có tính hoàn thiện cao nhất
Nói dễ hiểu thì dịch vụ Logistics có nghĩa là dịch vụ bao trọn gói từ A đến Z, từ khâu mua nhập nguyên liệu cho đến khâu cuối cùng là đưa sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Bởi vậy những doanh nghiệp thực hiện một trong tổng số nhiều khâu của dịch vụ Logistics chỉ dám tự nhận mình là doanh nghiệp Logistics mà không phải là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics. Thường các doanh nghiệp Logistics cũng sẽ hợp tác làm ăn với những doanh nghiệp Logistics khác để tạo thành chuỗi cung ứng.
Mặt ngầm của “tảng băng” dịch vụ Logistics không chỉ bao gồm các công đoạn vận chuyển, giao nhận, kho bãi mà là cả một dây chuyền cung ứng vận tải phức tạp với rất nhiều khâu và không được bỏ qua bất kỳ một khâu nào trong chuỗi cung ứng này.
3.3. Logistics có vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp
Như đề cập ở trên, Logistics không chỉ một hoạt động riêng lẻ, nó xuất hiện từ khâu thu mua nguyên liệu, lưu kho bãi… cho đến tận khâu vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Logistics có vai trò trợ giúp cho toàn bộ quá trình sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp. Do vậy có thể nói Logistics giữ một vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp.
3.4. Dịch vụ Logistics được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa các bên
Dịch vụ Logistics là không đồng nhất, mà thay đổi tùy theo nội dung hợp đồng được ký kết. Tùy theo nhu cầu sử dụng dịch vụ ít hay nhiều của doanh nghiệp sản xuất mà hợp đồng cũng ở trạng thái đơn giản hoặc phức tạp. Trong hợp đồng luôn có điều khoản quy định mức đền bù cụ thể để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp sản xuất cũng như trách nghiệm của doanh nghiệp Logistics.
4. Phân loại dịch vụ Logistics
Dịch vụ Logistics hiện được phân chia thành 3 nhóm chính. Cụ thể:
- Nhóm dịch vụ Logistics chủ yếu: bao gồm các dịch vụ bốc xếp hàng hóa lên xuống container, cho thuê kho bãi và lưu trữ hàng hóa, dịch vụ vận chuyển hàng hóa (bao gồm các quy trình nhỏ hơn như xử lý thủ tục hải quan, đóng gói và bốc dỡ hàng hóa…) và một số dịch vụ bổ trợ khác như kiểm tra số lượng hàng tồn, xử lý hàng hóa quá hạn hoặc bị trả lại, cho thuê hoặc mua bán container…
- Nhóm dịch vụ Logistics vận tải: bao gồm các hoạt động vận chuyển hàng hóa theo đường bộ, đường sắt, đường biển nội địa và quốc tế, đường hàng không và các dịch vụ chuyển phát nhanh.
- Nhóm dịch vụ Logistics liên quan: bao gồm rất nhiều dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp như phân loại hàng hóa, kiểm tra thành phẩm, dịch vụ bưu chính, xử lý giấy phép hàng hóa...
Xem thêm: Vai trò 3PL trong doanh nghiệp logistics Việt Nam bạn cần biết
5. Quy trình chung của dịch vụ Logistics
Dịch vụ Logistics bao gồm rất nhiều khâu nhỏ, hỗ trợ doanh nghiệp trong tất cả các hoạt động sản xuất. Nhìn chung quy trình của dịch vụ Logistics bao gồm 9 bước:
- Báo giá và ký hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất
- Nhận hàng theo số lượng trong hợp đồng
- Đóng gói bao bì theo thiết kế sản phẩm
- Ghi mã hiệu hàng hóa
- Vận chuyển hàng hóa từ doanh nghiệp sản xuất đến các kho phân phối
- Lưu hàng trong kho trước khi phân phối đến tay người dùng
- Chuẩn bị các giấy tờ cần thiết
- Xử lý thủ tục hải quan
- Giao hàng đến kho nhận
Bài viết đã đưa bạn đọc đi tìm hiểu Logistics là gì và tầm quan trọng của Logistics đối với doanh nghiệp sản xuất. Hiện nay ngành Logistics đang rất “hot” tại bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Nếu bạn có hứng thú thì có thể bắt đầu từ vị trí Logistics Officer để học hỏi kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn từ đó vươn lên những vị trí cao hơn.