Đơn hàng chỉ định là gì? Hàng chỉ định trong giao nhận vận tải quốc tế
Tác giả: Hà Ngọc Nhi
Đơn hàng chỉ định hay hàng nominated chắc hẳn không còn là khái niệm xa lạ với người làm trong ngành logistics. Tuy nhiên khái niệm này vẫn còn mơ hồ với nhiều người chưa có nhiều kiến thức về logistics. Vậy nên hôm nay, work247.vn xin gửi đến bạn đọc bài viết về chủ đề Đơn hàng chỉ định là gì?
1. Đơn hàng chỉ định là gì?
Đơn hàng chỉ định hay gọi tắt là hàng chỉ định là thuật ngữ quen thuộc trong Logistics, được dịch ra từ thuật ngữ tiếng Anh là Nominated.
Hàng chỉ định là hàng hóa được khách hàng nước ngoài trực tiếp ký kết hợp đồng mua bán với các chủ doanh nghiệp xuất khẩu mà không qua một đơn vị trung gian nào cả. Người mua cũng sẽ là người trực tiếp chỉ định hãng tàu chở hàng.
Đối với các đơn hàng chỉ định, người mua sẽ chỉ cần phải trả các khoản phí tại cảng load hàng và cảng xếp hàng, gọi tắt là các khoản phí local charge. Đồng thời với đó, các nhân viên sale hãng tàu chỉ cần chăm sóc khách hàng thật tốt.
Như đã nói ở trên thì hoạt động động book tàu sẽ được người mua chuẩn bị trước, bên bán sẽ đợi nhận booking được người mua gửi đến và thực hiện các công tác liên quan để đưa hàng đến cảng và bốc lên tàu đã được người mua chọn lựa sẵn. Và tất nhiên là chi phí hãng tàu sẽ do người mua thanh toán toàn bộ.
Xem thêm: Tìm hiểu về xuất nhập khẩu trực tiếp là gì? Ưu và nhược điểm
2. Đánh giá ưu nhược điểm của đơn hàng chỉ định
Nhiều người sẽ nghĩ rằng việc không phải tìm kiếm và đặt chỗ với hãng tàu sẽ giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu giảm được kha khá lượng chi phí so với việc phải chủ động lo việc vận chuyển hàng hóa của mình trên tàu. Tuy nhiên, đây mới là lợi ích bề mặt của đơn hàng chỉ định. Thực tế, việc người mua chỉ định hãng tàu đã gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Thứ nhất có thể kể đến chính là việc doanh nghiệp không thể chủ động sắp xếp hàng hóa, mọi thông tin đều phải dựa theo những thông báo mà hãng tàu cung cấp. Chẳng hạn như trường hợp chủ tàu đã thông báo ngày đến cảng dự kiến nhưng vì một lý do nào đó, tàu lại đến muộn hơn nhiều so với thông báo ngày giờ đó. Điều này dẫn đến việc hàng hóa của người xuất khẩu phải nằm trong kho lâu hơn, dẫn đến tăng thêm chi phí lưu kho mà còn không kể trường hợp hàng bị hỏng trong thời gian tàu trễ lịch.
Ngược lại, nếu tàu lại đến sớm hơn dự kiến, người xuất khẩu có thể chưa kịp chuẩn bị đủ số hàng được giao, gây ra nhiều vấn đề trong đó có việc giảm uy tín doanh nghiệp.
Thứ hai, hình thức tự chỉ định hãng tàu của người mua đã bị nhiều đối tượng lợi dụng và biến tướng nó trở thành chiêu trò lừa đảo như trường hợp người xuất khẩu không có nhiều thông tin về hãng tàu, người mua cấu kết với hãng tàu nhằm chiếm đoạt, chuộc lợi bất chính. Thậm chí nhiều người xuất khẩu đã cả tin mà chấp nhận lời “nhờ” thanh toán phí thuê tàu hộ người mua.
3. Bộ chứng từ của đơn hàng chỉ định
Cũng giống như các đơn hàng bình thường khác, bộ chứng từ cho hàng chỉ định bao gồm:
3.1. Invoice và packing list
Đây là hóa đơn thương mại và phiếu đóng gói hàng hóa chi tiết.
Invoice - hóa đơn thương mại là chứng từ người bán cung cấp cho người mua, bao gồm các thông tin liên quan đến sản phẩm, số lượng sản phẩm, đơn giá và tổng giá trị hóa đơn. Người mua sẽ dựa theo hóa đơn đó và thỏa thuận mua hàng trước đó để thực hiện thanh toán toàn bộ hoặc thanh toán một phần giá trị lô hàng. Tuy nhiên Invoice không phải là chứng từ minh chứng cho việc sở hữu hàng hóa.
Packing list - phiếu đóng gói hàng hóa là bản kê khai chi tiết từng mặt hàng, từng loại sản phẩm, số lượng, kích thước, trọng lượng của hàng hóa chỉ định. Packing list vừa là cơ sở để kiểm tra hàng hóa sau khi nhận hàng, vừa là căn cứ để bên công ty giao nhận có thể tính toán đóng gói.
3.2. Certificate of Origin
Certificate of Origin (C/O) sẽ là bản chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ vào nguồn gốc xuất khẩu này mà hải quan có thể tính toán mức thuế đối với lô hàng và những điều kiện quy định liên quan đến nguồn gốc trước khi hàng hóa được thông quan.
Đối với những nước và khu vực có yêu cầu cao về hàng hóa nhập khẩu như Mỹ, EU thì chứng từ này là rất quan trọng.
3.3. Bill of Lading và Delivery Order for import
- Bill of Lading (B/L): vận đơn đường biển này là chứng từ vận chuyển do người chuyên chở hoặc đại diện người chuyên chở lập ra, ký xác nhận, được gửi đến người bán hoặc người mua nhằm xác nhận hàng hóa đã được ổn định trên tàu và cam kết giao số hàng đó cho người nhận tại cảng đích trong điều kiện hàng hóa nguyên vẹn.
Đối với đơn hàng chỉ định thì B/L cũng sẽ xác nhận kể từ thời điểm hàng hóa được mang lên, ổn định trên tàu thì trách nhiệm của người bán đối với lô hàng đã kết thúc.
- Delivery Order (D/O) là chứng từ nhận hàng mà doanh nghiệp nhập khẩu trình cho cơ quan quản lý giám sát kho bãi ở cảng đến để thông báo về việc người nhập khẩu sẽ đến cảng và lấy hàng ra khỏi kho, vận chuyển về kho của người nhận.
3.4. Customer clearance
Customer clearance được hiểu là thông quan hải quan, hay là việc người bán đã thanh toán các khoản phí thông quan trước khi hàng hóa được đưa lên tàu vận chuyển.
Xem thêm: Những điều bạn cần giải mã về DOC trong xuất nhập khẩu là gì?
4. Yếu tố phân biệt hàng chỉ định và hàng freehand
Trước khi phân biệt hai loại hàng này, chúng tôi sẽ nhắc lại cho bạn một lần nữa về khái niệm hàng chỉ định và hàng freehand.
- Hàng chỉ định là hàng hóa được người mua đã chỉ định sẵn tàu sẽ nhận và chuyên chở hàng hóa cho người mua.
- Hàng freehand (hay còn gọi là hàng thường) là hàng hóa mà người bán sẽ trực tiếp book hãng tàu và thanh toán cước phí vận chuyển.
Để phân biệt đơn hàng chỉ định và hàng freehand, ta dựa vào 2 yếu tố chính:
4.1. Incoterms
- Đối với đơn hàng chỉ định, các điều kiện của Incoterm được áp dụng thuộc nhóm E và F. Đối với nhóm này, người bán sẽ không cần trả cước phí vận chuyển quốc tế sang nước nhập khẩu. Thời điểm hàng hóa được vận chuyển lên tàu chuyên chở cũng là thời điểm xác lập người bán chuyển giao rủi ro và trách nhiệm đối với hàng hóa cho nước nhập khẩu.
- Đối với đơn hàng freehand, điều kiện giao hàng thuộc nhóm C và D. Người xuất khẩu sẽ phải chịu trách nhiệm thanh toán cước phí vận chuyển và trực tiếp làm việc với forwarder.
4.2. Cước phí vận chuyển quốc tế
Có hai loại cước phí vận chuyển dành cho 2 loại hàng hóa này đó là cước trả trước và cước trả sau.
- Đối với hàng hóa thuộc nhóm freehand, cước vận chuyển quốc tế ở đây là cước trả trước (freight prepaid) vì bên xuất khẩu sẽ phải trực tiếp book tàu và thanh toán phí vận chuyển trước khi hàng được giao đến cảng đích.
- Đối với hàng hóa thuộc nhóm đơn hàng chỉ định, cước vận chuyển quốc tế ở đây là cước trả sau (freight collect) bởi bên nhập khẩu đã đặt tàu trước đó và chịu trách nhiệm thanh toán sau giao nhận tại cảng quốc gia nhập khẩu.
Như vậy, đơn hàng chỉ định là đơn hàng đã được người mua ấn định hãng tàu vận chuyển. Mọi trách nhiệm và rủi ro sau khi hàng lên tàu sẽ được chuyển giao từ người bán sang người mua. Bên cạnh lợi ích về mặt chi phí thuê tàu, đơn hàng chỉ định còn gây ra không ít khó khăn cho người xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần nắm bắt được những chiêu trò, biến tướng của hình thức hàng hóa chỉ định này để đề phòng rủi ro hàng hóa bị lừa gạt và chiếm đoạt.
Và đến đây, chắc hẳn thắc mắc về đơn hàng chỉ định là gì cũng đã được giải đáp rõ ràng và cụ thể. Work247 xin cảm ơn bạn đã đón đọc bài viết này của chúng tôi.