Luật sư là gì? Những quy định để trở thành luật sư là gì?
Tác giả: Hoàng Châu Lâm 22-08-2024
Nền kinh tế ngày càng phát triển, mức sống và yêu cầu sống của người dân ngày càng cao hơn. Người dân sẽ cần đến các cơ quan luật pháp để hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho bản thân và luật sư là người mà họ nghĩ đến đầu tiên. Vậy luật sư là gì? Làm thế nào để trở thành luật sư? Cùng work247.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
1. Luật sư là gì?
Luật sư là người có đủ điều kiện và tiêu chuẩn hành nghề theo quy định của pháp luật, thực hiện các yêu cầu pháp lý cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức.Luật sư là người đáp ứng đủ các quy tắc ứng xử nghề nghiệp, đảm bảo mang lại công bằng cho toàn xã hội.
Luật sư cung cấp các dịch vụ pháp lý thông qua các hình thức như đại diện pháp luật ngoài tố tụng, tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và cung cấp các dịch vụ pháp lý khác. Họ là người đảm bảo công lý, quyền tự do dân chủ của công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân hay tổ chức.
Hoạt đồng nghề nghiệp của luật sư góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền, đảm bảo xã hội xây dựng công bằng, dân chủ và văn minh.
Xem thêm: Tìm việc làm luật sư
2. Phân biệt luật gia và luật sư
2.1. Luật gia
- Khái niệm luật gia: những người am hiểu luật, thực hiện các công việc trong lĩnh vực liên quan tới pháp luật, có trình độ tối thiểu là cử nhân ngành luật.
- Điều kiện để trở thành luật gia: tối thiểu bằng cử nhân, có kinh nghiệm làm công tác pháp luật làm việc tối thiểu 3 năm trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập.
- Công việc: hoạt động nghề nghiệp ở vai trò là cộng tác viên (hoặc tư vấn viên) tại các trung tâm trợ giúp pháp lý (trung tâm tư vấn pháp luật). Dưới sự phân công của trung tâm trợ giúp pháp lý (trung tâm tư vấn pháp luật) luật gia được đóng vai trò là một tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân trong vụ án hình sự, hành chính, dân sự để cung cấp dịch vụ pháp lý hoặc tư vấn pháp luật.
2.2. Luật sư
- Khái niệm luật sư: những người hành nghề luật, đã trải qua khóa đào tạo chuyên môn nghiệp vụ luật sư, được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
- Điều kiện để trở thành luật sư: có bằng cử nhân luật, có phẩm chất đạo đức tốt. đã được đào tạo nghề và tập sự hành nghề, đã được cấp chứng chỉ hành nghề và gia nhập 1 đoàn luật sư.
- Công việc: luật sư hành nghề với tư cách cá nhân hoặc tham gia làm việc tại các văn phòng hoặc công ty luật. Tại các trung tâm trợ giúp pháp lý (trung tâm tư vấn pháp luật), luật sư được khuyến khích đăng ký trợ giúp pháp lý không thù lao hoặc làm cộng tác viên.
Xem thêm: Luật gia là gì? Những thông tin bạn cần biết về luật gia
3. Luật sư phân loại theo lĩnh vực
3.1. Luật sư ly hôn
Nếu không hành nghề luật hoặc không có hiểu biết về luật, khi ly hôn, người ly hôn có thể sẽ bị chịu phần thiệt hơn trong khối tài sản chung của hai người. Luật sư sẽ cần đưa ra những lời khuyên, tư vấn cho khách hàng để bảo vệ quyền lợi của họ. Tiếp đó, nếu cuộc hôn nhân của hai người đã có con thì luật sư sẽ đứng ra giành quyền nuôi con và yêu cầu đối phương cấp dưỡng (nếu cần).
Ngoài ra, luật sư chính là người có kiến thức và kinh nghiệm trong các thủ tục hành chính nên họ chính là người giúp đỡ các khách hàng chuẩn bị giấy tờ, thủ tục và trao đổi với đối phương để đưa ra những phương án thích hợp cho cuộc hôn nhân.
3.2. Luật sư di trú
Luật sư di trú thực hiện công việc làm các thủ tục xuất cảnh cho du học sinh, người đi du lịch quốc tế. các thủ tục xuất - nhập cảnh, làm mới và gia hạn visa cho người Việt Nam và người nước ngoài.
Người luật sư còn thực hiện các công việc liên quan đến thủ tục hồi hương, nhận con, kết hôn, ly hôn của người trong nước với người nước ngoài.
3.3. Luật sư tai nạn (hoặc thương tật cá nhân)
Trong trường hợp tai nạn giao thông hoặc các cuộc xô xát, hai bên không tìm được tiếng nói chung thì cần tìm đến luật sư để được tư vấn giải quyết. Các nhiệm vụ luật sư cần làm bao gồm:
Tư vấn giải quyết tình huống cho khách hàng: giữ nguyên hiện trường, cách giải quyết hậu quả đúng pháp luật, các vấn đề liên quan đến bồi thường và khắc phục hậu quả, cách khiếu nại và tư vấn các quy định của pháp luật về trường hợp đó.
Tư vấn yêu cầu bồi thường: miễn trách nhiệm bồi thường, mức độ thiệt hại (sức khỏe và tinh thần), chi phí bồi thường, thời hạn bồi thường, hướng đàm phán giải quyết.
Tư vấn thủ tục khởi kiện: quy trình, làm đơn, thẩm quyền tòa án, đại diện nộp hồ sơ, chuẩn bị hồ sơ, thu thập chứng cứ, đại diện cho khách hàng làm việc với các cơ quan có thẩm quyền.
Tư vấn trách nhiệm hình sự: thu thập chứng cứ, trao đổi với bị can, tham gia hỏi cung, tham gia bào chữa,...
3.4. Luật sư doanh nghiệp (công ty)
Luật sư doanh nghiệp được phân làm 2 loại: luật sư làm việc theo sự vụ và luật sư thường xuyên.
Với những luật sư làm việc theo sự vụ sẽ làm việc trong trường hợp khách hàng yêu cầu tư vấn, giải quyết một sự việc trong thời gian ngắn. Các nhiệm vụ bao gồm: tư vấn pháp luật, các cơ chế miễn giảm, quản trị rủi ro, tham mưu, cố vấn, soạn thảo văn bản,...
Với những luật sư làm việc thường xuyên (luật sư nội bộ) là doanh nghiệp sẽ thuê luật sư làm việc riêng cho doanh nghiệp, thực hiện tư vấn bất cứ lúc nào phát sinh các vấn đề trong kinh doanh..
3.5. Luật sư gia đình
Đối tượng thuê luật sư gia đình thường là những người làm việc kinh doanh, người nổi tiếng, người có chức danh, địa vị trong xã hội. Họ có nhu cầu lớn trong việc sử dụng luật sư để tư vấn các vấn đề liên quan đến các cạnh tranh, bảo vệ danh tiếng cá nhân, tên tuổi doanh nghiệp, các tin đồn, vu khống đến từ dư luận.
Luật sư sẽ giúp họ có những điều chỉnh đúng đắn trong hành vi cũng như tham gia các khiếu nại, kiện cáo, yêu cầu bồi thường từ các chủ thể khác để đảm bảo quyền lợi và khôi phục danh tiếng.
3.6. Luật sư hình sự
Luật sư hình sự giúp cho các cuộc điều tra, xét xử, truy tố được giải quyết một cách khách quan, đúng pháp luật, nhằm đảm bảo được quyền lợi của các đối tượng bị can - bị cáo, người tố cáo và người bị hại trước pháp luật.
Luật sư cần phải thực hiện tư vấn luật theo từng trường hợp, tìm hiểu ngọn ngành các thông tin vụ án từ những điểm nhỏ nhất, tham gia tố tụng và bào chữa cho thân chủ của mình được hưởng lợi ích cao nhất.
3.7. Luật sư phá sản
Luật sư sẽ thực hiện đánh giá hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đánh giá tính pháp lý của hợp đồng, đưa các giải pháp tiền phá sản, thủ tục phá sản, làm các thủ tục pháp lý với cơ quan có thẩm quyền, đàm phán với các bên liên quan, tư vấn phục hồi kinh doanh, mua bán hoặc sáp nhập tài sản,...
3.8. Luật sư việc làm
Luật sư việc làm thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các hợp đồng lao động và các vấn đề giữa người lao động và người sử dụng lao động về lương, thưởng, bồi thường, đền bù tai nạn nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội,...
Xem thêm: [Nhân viên pháp chế là gì] Làm nhân viên pháp lý cần có bí quyết
4. Điều kiện và quy định trở thành luật sư
Bạn cần là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, tuân thủ các quy định và Hiến pháp, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, có sức khỏe đảm bảo và đã qua thời gian tập sự thì mới có thể trở thành luật sư.
Bạn cần có bằng cử nhân luật, tốt nghiệp trường Đại học ngành luật, có bằng tốt nghiệp chương trình đào tạo luật sư đăng ký tại Học viện tư pháp, tiếp đó bạn đạt kết quả qua kỳ thi tốt nghiệp của Học viện tư pháp, sau đó bạn sẽ được cấp bằng tốt nghiệp lớp luật sư.
Sau khi trải qua lớp đào tạo luật sư, bạn cần bắt buộc trải qua kỳ tập sự tại tổ chức hành nghề luật sư trong thời gian 12 tháng. Sau đó, bạn sẽ tham gia kỳ thi kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư. Nếu bạn không vượt qua điểm quy định sẽ phải chờ kiểm tra trong lần thi kế tiếp.
Nếu bạn vượt qua kỳ thi kiểm tra, bạn sẽ làm hồ sơ theo quy định để cung cấp chứng chỉ hành nghề luật sư do Bộ tư pháp cấp, cấp thẻ hành nghề luật sư do Liên đoàn Luật sư Việt Nam cấp. Sau đó, bạn sẽ được lựa chọn tổ chức luật sư để hành nghề, nếu hành nghề cá nhân thì cần đăng ký với Sở tư pháp địa phương nơi bạn hành nghề.
Một số quy định nếu bạn muốn miễn, giảm thời gian tập sự hành nghề luật sư:
- Người đã là kiểm sát viên, thẩm phán, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư hoặc phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật, kiểm tra viên cao cấp trong ngành kiểm sát, thẩm tra viên cao cấp trong ngành tòa án, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật sẽ được miễn tập sự hành nghề luật sư.
- Người đã là thẩm tra viên chính ngành tòa án, kiểm tra viên chính ngành kiểm sát, điều tra viên sơ cấp, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật sẽ được giảm còn 2 phần 3 thời gian tập sự hành nghề luật sư.
- Người có thời gian công tác ở nghiên cứu viên, ngạch chuyên viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành tòa án, kiểm tra viên ngành kiểm sát hoạt động từ 10 năm trở lên sẽ được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư.
Nếu bạn đã là thẩm phán, điều tra viên cao cấp, kiểm sát viên, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành kiểm sát, kiểm tra viên cao cấp ngành tòa án, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật sẽ được miễn kiểm tra tập sự hành nghề luật sư.
Trên đây là khái niệm luật sư là gì, một số công việc của luật sư và quy định để trở thành luật sư. Hy vọng bài viết hữu ích cho bạn!