PR trên Facebook là gì? Làm thế nào để PR trên Facebook hiệu quả?
Tác giả: Hằng Lê 29-03-2024
PR trên Facebook đang dần trở nên quen thuộc với nhiều người và là một phần không thể thiếu trong hoạt động của các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Vậy PR trên Facebook là gì và làm thế nào để PR trên Facebook hiệu quả, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ngay sau đây.
1. PR là gì?
Trước khi nói đến khái niệm “PR”, chúng ta cần hiểu rõ khái niệm về “truyền thông”. Truyền thông là một quá trình liên tục trao đổi hoặc chia sẻ thông tin, tình cảm, kĩ năng nhằm tạo sự liên kết lẫn nhau để dẫn tới sự thay đổi hành vi và nhận thức. PR là một trong những hoạt động của truyền thông.
PR là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Public Relation”, dịch ra tiếng Việt có nghĩa là “Quan hệ công chúng”. Quan hệ công chúng (PR) là chức năng quản trị nhằm mục đích thiết lập, duy trì truyền thông hai chiều, sự hiểu biết, chấp nhận và hợp tác giữa một tổ chức và “công chúng” của họ. “Công chúng” ở đây bao gồm:
+Khách hàng hiện tại và tiềm năng: người mặc trang phục của H&M, người có nhu cầu mua xe máy của Toyota,…
+Cơ quan truyền thông, báo chí: đài truyền hình quốc gia, đài truyền hình trung ương, báo điện tử, báo viết,…
+Chính quyền: chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp,…
+Dân chúng trong một khu vực nhất định
+Các đoàn thể: công đoàn, Hội phụ nữ, Hội bảo vệ người tiêu dùng,…
+Các cổ đông, nhân viên,…trong một doanh nghiệp
PR là việc mà các cơ quan, tổ chức, hay doanh nghiệp chủ động quản lý các quan hệ giao tiếp cộng đồng để tạo dựng và giữ gìn hình ảnh tích cực của mình. Các hoạt động của PR bao gồm quảng bá thành công, giảm nhẹ ảnh hưởng của thất bại, công bố các thay đổi,…Tất cả những hoạt động này nhằm mục đích tiếp xúc với khách hàng để lắng nghe họ phản hồi về sản phẩm, truyền đạt về ảnh hưởng của sản phẩm đối với người tiêu dùng, tạo lập hình ảnh đẹp, ấn tượng bằng một số hoạt động như trao học bổng cho học sinh, sinh viên, tổ chức các chương trình thiện nguyện, tài trợ cho các giải thi đấu thể thao,…Các hoạt động của PR được doanh nghiệp, tổ chức hoạch địch theo từng thời điểm, có thể thu hẹp hoặc mở rộng phạm vi khách hàng của mình.
Các hoạt động của PR có thể coi là một trong những công cụ hỗ trợ bán hàng hữu hiệu đối với các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân. Tùy vào mục đích mà mỗi doanh nghiệp, tổ chức sẽ có những hoạt động khác nhau hướng đến các đối tượng khác nhau. Trong thời đại các phương tiện truyền thông đại chúng phát triển mạnh mẽ, việc PR không chỉ dừng lại ở các hoạt động đã nêu trên mà nó còn diễn ra ở các trang mạng xã hội vì sức ảnh hưởng lớn mạnh và sâu sắc của nó.
2. PR trên Facebook là gì? Cách lập chiến lược PR trên Facebook
Facebook hiện là mạng xã hội lớn nhất thế giới với số người dùng lên đến hàng tỷ. Vậy nên đây luôn là nơi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hướng đến để thiết lập các chiến lược PR vì sức lan tỏa và ảnh hưởng vô cùng to lớn cùa FB. PR trên Facebook là các hoạt động nhằm thiết lập, duy trì quan hệ hai chiều giữa doanh nghiệp và công chúng của mình trong phạm vi của mình trên Facebook nhằm duy trì, giữ gìn hình ảnh tích cực, lành mạnh của mình, đồng thời tạo ra sức ảnh hưởng lớn mạnh cho thương hiệu kể cả trên mạng xã hội hay trong cuộc sống thường ngày. PR trên Facebook là cách tiếp cận với công chúng của mỗi doanh nghiệp nhanh nhất và còn giúp tiết kiệm chi phí, mang tính tự động cao.
Để thiết lập chiến lược PR trên Facebook, chúng ta cần làm những việc như sau
+Thứ nhất là tạo một trang fanpage cho doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan. Trên fanpage đó hãy cập nhật đầy đủ thông tin của doanh nghiệp như địa chỉ, điện thoại, giờ làm việc, hotline để tạo sự tin tưởng cho khách hàng, phần giới thiệu hãy viết ngắn gọn về sản phẩm và hoạt động của doanh nghiệp để khách hàng có những hình dung ban đầu về doanh nghiệp. Bạn có thể bổ sung thêm các công cụ đánh giá, xếp hạng, nhắn tin trao đổi trực tiếp bằng hình thức inbox với khách hàng. Bên cạnh đó, phần hình ảnh cũng nên được chăm chút bằng cách cài đặt avatar (ảnh đại diện) và cover (ảnh bìa) logo hoặc hình ảnh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan.
+Thứ hai là doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nên bỏ ra một khoản chi phí chạy quảng cáo khi PR trên Facebook trong thời gian đầu lập fanpage. Khi fanpage đã đi vào hoạt động ổn định với số lượng người thích và theo dõi trang dao động từ 1000-2000 người, bạn cần phải có các bài viết cập nhật hằng ngày về sản phẩm, hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Nội dung bài viết cần được chuẩn bị và lên kế hoạch chu đáo để giữ chân công chúng của mình ở lại. Việc chạy quảng cáo vẫn nên duy trì nhưng không nên lạm dụng mà cần phải tiến hành song song với việc duy trì chất lượng bài viết trên fanpage. Bạn cũng có thể tạo ra một vài cuộc thăm dò ý kiến về sản phẩm của doanh nghiệp dưới những hình thức vui nhộn để gây sự chú ý nhất định với công chúng.
+Thứ ba là cần có sự tương tác qua lại với những người dùng trên Facebook khi họ nhắn tin hay bình luận dưới bài viết. PR trên Facebook là nhằm duy trì tương tác giữa doanh nghiệp và công chúng của mình nên đừng ngó lơ khi họ có thắc mắc về sản phẩm của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hay có những lời khen ngợi, hãy làm cho không khí ở mỗi bài viết trở nên sôi nổi. Bạn không nhất thiết phải trả lời hết mọi bình luận mà có thể react (bày tỏ cảm xúc), trả lời tin nhắn inbox thật lịch sự, trừ trường hợp cố ý gây hấn hay làm phiền đến hoạt động PR trên Facebook của doanh nghiệp.
+Thứ tư, hãy tạo các sự kiện trên fanpage khi doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan triển khai các sự kiện, hội thảo, chuyên đề để thu hút sự quan tâm, tăng lượng người tham gia. Các sự kiện nếu diễn ra suôn sẻ thì sẽ góp phần tăng sự tương tác trên Facebook và cả uy tín của doanh nghiệp, góp phần giúp chiến lược PR trên Facebook trở nên hiệu quả hơn.
Xem thêm: Bỏ túi mẫu mô tả công việc PR Executive chính xác và chi tiết!
3. Làm thế nào để PR trên Facebook hiệu quả?
Mặc dù có thể thấy PR trên Facebook là một việc đem lại lợi ích to lớn cho hình ảnh của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tuy nhiên bạn vẫn cần phải lưu ý một vài điều sau đây để chiến lược PR được hiệu quả:
Đầu tiên, cần phải xác định nhóm công chúng doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan muốn hướng đến. Nó giống như việc bạn giương cung bắn tên vậy, cần xác định mục tiêu cần nhắm trúng. Nếu xác định sai nhóm công chúng, mọi kế hoạch PR sẽ như mũi tên bắn lệch khỏi hồng tâm. Xác định nhóm công chúng chính xác giúp tìm hiểu rõ ràng về nhu cầu của họ, từ đó bạn sẽ biết nhu cầu của họ là gì và doanh nghiệp nên làm gì để đáp ứng nhu cầu của họ.
Tiếp theo, doanh nghiệp cần xác định mục tiêu của việc PR trên Facebook bao gồm những gì. Mục tiêu có thể là tăng lượt tương tác, có thể là cải thiện hình ảnh doanh nghiệp sau một sự cố, giới thiệu sản phẩm mới đến khách hàng,… Xác định đúng sẽ giúp vạch rõ ra những việc cần tập trung thực hiện để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu đề ra.
Bạn cần duy trì sự tương tác với công chúng để họ cảm thấy mình được lắng nghe và tạo sự kết nối lâu dài. Bạn có thể bày tỏ cảm xúc với bình luận của họ, trả lời tin nhắn inbox nhanh nhất có thể. Đồng thời, cần duy trì việc cập nhật các bài viết trên fanpage, không cần đăng các bài viết ở mức độ dày đặc, khoảng 2-3 bài viết/ngày, mỗi bài cách nhau 2-2,5 giờ, cập nhật thông tin về sản phẩm, hoạt động của doanh nghiệp hay chỉ đơn giản là thay hình ảnh đại diện cho phù hợp với một dịp nào đó (Ví dụ: Kỉ niệm thành lập doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; Tết Nguyên đán; Quốc khánh 2/9; Giáng sinh,…). Việc đăng các bài viết dày đặc sẽ khiến công chúng của bạn bị ngộp, gây cảm giác khó chịu, sẽ khiến nhiều người suy nghĩ doanh nghiệp của bạn là ảo, đăng các bài viết ở tần suất vừa đủ sẽ giúp duy trì tương tác và tạo được lòng tin ở khách hàng.
Bên cạnh việc duy trì tương tác thì cần phải có sự đầu tư, sáng tạo ở mỗi bài viết, đừng chỉ đăng bài viết không mà hãy đăng kèm hình ảnh, video nói về sản phẩm của doanh nghiệp để công chúng nhận diện được sản phẩm và thương hiệu, cũng là cách thu hút sự chú ý từ công chúng. Bạn có thể kết hợp một vài xu hướng (trend) trên mạng xã hội để bài viết không quá khô cứng, dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, hãy trả lời bình luận hay tin nhắn inbox thật lịch sự, luôn có thái độ tiếp thu, học hỏi khi công chúng có đưa ra nhận xét, đánh giá với thái độ khách quan, đúng đắn về sản phẩm. Trong trường hợp bạn gặp phải những người muốn phá hoại chiến lược trên Facebook bằng cách bình luận với từ ngữ nặng nề, thô tục hay nhắn tin inbox với những nội dung không lành mạnh, bạn không cần tranh cãi mà hãy tiếp tục công việc của mình để nhiều người khác thấy được hình ảnh văn minh, lịch sự, trung thực của doanh nghiệp.
Nếu doanh nghiệp có kí kết hợp đồng với một người nổi tiếng nào đó (đặc biệt là lĩnh vực giải trí) để quảng bá cho doanh nghiệp, hãy sử dụng hình ảnh của họ trên fanpage ở mức tối đa đến nhưng với điều kiện là bạn phải tuân thủ hợp đồng mà doanh nghiệp đã kí kết về việc được sử dụng hình ảnh của họ như thế nào, thời gian bao lâu để thu hút sự quan tâm, chú ý đến sản phẩm cũng như tạo dựng hình ảnh ấn tượng, tích cực trong mắt công chúng. Đừng tùy tiện lấy hình ảnh của bất kì ai để đưa lên fanpage khi chưa có sự đồng ý của họ, nếu làm trái quy tắc này thì doanh nghiệp của bạn sẽ thiệt hại không chỉ về tiền bạc mà còn khiến mọi công sức thiết lập một chiến lược PR trên Facebook trở nên tan tành.
Doanh nghiệp phải luôn đảm bảo những thông tin mình đưa ra về sản phẩm là đúng sự thật, đừng nghĩ công chúng chỉ biết tiếp nhận thông tin một cách thụ động. Không được phép coi công chúng là một bầy cừu trắng và dắt họ đi theo hướng mà bạn muốn, họ đa phần có khả năng tiếp cận nhiều nguồn thông tin, chắt lọc thông tin cần thiết và khả năng nhận định đúng sai. Một khi sự gian dối đã bị phát hiện thì mọi thứ doanh nghiệp gây dựng đều trở về con số 0, gần như không có gì cứu vãn được vì chỉ cần doanh nghiệp gian dối một lần thì sẽ có rất nhiều người dùng Facebook biết đến, chỉ cần một nút share (chia sẻ) thôi thì mọi hành vi sai trái sẽ lan truyền với tốc độ chóng mặt, dù có có làm cách gì cũng không xóa được vết nhơ đó, vì vậy, doanh nghiệp hãy trung thực dù là ở ngoài cuộc sống thực hay trên không gian mạng ảo. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải có cách bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của mình để không bị kẻ gian bôi nhọ, hạ thấp uy tín của doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức gây thiệt hại về doanh thu và hình ảnh.
Bài viết trên đây đã làm rõ khái niệm PR trên Facebook là gì và đã đưa ra cách để PR trên Facebook thật hiệu quả. Hy vọng những thông tin trên đây có thể giúp bạn có được những chiến lược PR trên Facebook hiệu quả và thành công.