Khám phá xuất nhập khẩu tại chỗ là gì? Và ý nghĩa hoạt động này
Tác giả: Phạm Hồng Ánh 16-08-2024
Xuất nhập khẩu là hình thức giao thương quen thuộc mà ai cũng biết tuy nhiên có rất nhiều người kể cả những người làm trong ngành ngoại thương vẫn không hiểu được xuất nhập khẩu tại chỗ là gì? Tại sao lại có hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ? Hình thức này khác với xuất nhập khẩu thông thường như thế nào? Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết về chủ đề xuất nhập khẩu tại chỗ qua bài viết dưới đây.
1. Khái quát chung về xuất nhập khẩu tại chỗ là gì
Xuất nhập khẩu tại chỗ là hình thức xuất nhập khẩu mà ở đó hàng hóa không cần vận chuyển qua biên giới quốc gia, biên giới hải quan. Hợp đồng xuất nhập khẩu tại chỗ vẫn bao gồm hai chủ thể một chủ thể trong nước và chủ thể nước ngoài.
Xuất nhập khẩu tại chỗ là hình thức đặc biệt, khác với hoạt động xuất nhập khẩu thông thường. Hình thức này mang tính chất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước nhiều hơn khi mà hàng hóa được xuất khẩu nhưng bản chất lại giao hàng tại trong nước.
Hiểu đơn giản hơn xuất nhập khẩu tại chỗ là việc chủ thể trong nước thực hiện hoạt động giao hàng hoặc nhận hàng hóa xuất nhập khẩu ở trong lãnh thổ cư trú của mình. Tức công ty Việt Nam sẽ giao hàng hoặc nhận hàng trong lãnh thổ Việt Nam nếu áp dụng hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ.
Để nắm bắt rõ được vấn đề này chúng ta hãy cùng phân tích những đặc điểm của hai loại hình thức xuất khẩu tại chỗ và nhập khẩu tại chỗ.
1.1. Hiểu rõ về hình thức xuất khẩu tại chỗ
Xuất khẩu tại chỗ là việc thực hiện xuất khẩu hàng hóa nhưng giao hàng tại chỗ, hàng hóa sẽ được giao trên lãnh thổ trong nước, không cần vận chuyển ra nước ngoài. Có thể hiểu đơn giản thuật ngữ này qua ví dụ sau:
Một doanh nghiệp Việt Nam thực hiện ký kết hợp đồng xuất khẩu với thương nhân nước ngoài. Hàng hóa được công ty sản xuất trong nước nhưng không cần phải xuất khẩu ra ngoài lãnh thổ Việt Nam mà giao cho một doanh nghiệp, công ty khác tại Việt Nam theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài.
Những doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất khẩu tại chỗ có thể là doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một số trường hợp mà các bên đối tác cần lựa chọn xuất khẩu tại chỗ như:
Công ty A tại Thái Lan là đối tác bán hàng lớn cho công ty B tại Việt Nam. Tuy nhiên trong một đợt công ty A khan hiếm hàng hóa, không đủ để cung cấp cho bên B và cũng không thể trì hoãn được thời hạn hợp đồng nên công ty A quyết định nhập khẩu hàng hóa từ công ty C tại Việt Nam để kịp thời giao hàng cho công ty B. Sau khi lập hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho công ty A tại Thái Lan thì nhiệm vụ của công ty C là xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, tức giao hàng cho công ty B tại Việt Nam theo yêu cầu của chủ thể nước ngoài là công ty A.
Và như vậy là quá trình xuất khẩu hàng hóa tại chỗ được diễn ra thông qua việc lập những thủ tục xuất khẩu hàng hóa, thủ tục hải quan cần thiết. Tuy nhiên cần phải nắm rõ những đặc trưng của xuất khẩu tại chỗ để phân biệt với hoạt động mua hàng trong nước.
Xuất khẩu tại chỗ có đặc trưng là bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài tức là thực hiện hoạt động xuất khẩu, đặc trưng tiếp theo đó là giao hàng hóa xuất khẩu tại địa điểm trong nước, chủ thể xuất khẩu có trụ sở tại Việt Nam sẽ tiến hành giao hàng xuất khẩu tại Việt Nam. Và cuối cùng thông tin chủ thể nhận hàng là do đối tác hợp đồng là người nước ngoài cung cấp.
Xem thêm: Kiến thức ngành xuất nhập khẩu: tạm xuất tái nhập là gì?
1.2. Nhập khẩu tại chỗ có nghĩa là gì?
Nhập khẩu tại chỗ là doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu hàng hóa từ đối tác nước ngoài, tuy nhiên hàng hóa lại được doanh nghiệp chỉ định giao tại Việt Nam từ đơn vị chủ thể do doanh nghiệp nước ngoài chỉ định.
Như ví dụ ở trên thì công ty B chính là chủ thể thực hiện nhập khẩu tại chỗ tuy nhiên trong trường hợp này công ty B vẫn thực hiện làm thủ tục nhập khẩu lô hàng như bình thường. Trong hợp đồng nhập khẩu, gia công, thuê mướn cần có điều khoản ghi rõ là được nhận từ chủ thể giao hàng trong nước.
Thông thường những hàng hóa này có thể được đem vào khu chế xuất rồi với tiến hành giao cho người nhập khẩu tại chỗ. Tùy theo yêu cầu trong hợp đồng mà các bên đối tác tự thỏa thuận với nhau.
1.3. Sự khác nhau giữa xuất nhập khẩu tại chỗ với xuất nhập khẩu thông thường
Xuất nhập khẩu tại chỗ và xuất nhập khẩu thông thường đều mang bản chất là quan hệ thương mại quốc tế,. Tuy nhiên xuất nhập khẩu thông thường sẽ tiến hành giao nhận hàng hóa thông qua việc di chuyển hàng hóa qua biên giới quốc gia, biên giới hải quan.
Còn xuất nhập khẩu tại chỗ không cần thực hiện hoạt động vận chuyển hàng hóa qua biên giới hay quan hay biên giới lãnh thổ. Mặc dù cả hai hình thức cũng cần phải thực hiện đầy đủ các quy trình hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu liên quan.
2. Những lợi ích mà hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ mang lại
Đối với hình thức xuất khẩu tại chỗ doanh nghiệp có thể tiết kiệm được nhiều chi phí và dễ dàng tiến hành hoạt động xuất khẩu hơn. Tuy là giao hàng trong nước nhưng doanh nghiệp vẫn có thể bán hàng hóa với giá cao hơn tương đương với giá xuất khẩu hàng hóa thông thường từ đó thì lợi nhuận và doanh thu mà doanh nghiệp có sẽ nhiều hơn.
Doanh nghiệp xuất khẩu tại chỗ cũng có thể tiết kiệm được thời gian vận chuyển đảm bảo được chất lượng của hàng hóa, thúc đẩy được tiến độ xuất khẩu của doanh nghiệp. Và có thể nhận được nhiều ưu đãi về thuế xuất khẩu hoặc chính sách ưu đãi khác từ chính phủ.
Đối với doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ thì hình thức này cũng mang lại lợi ích trong một số trường hợp, kịp thời nhận được nguyên vật liệu, thiết bị gia công để tiếp tục được quy trình sản xuất. Tìm kiếm được nhiều đối tác trong nước có sản phẩm chất lượng hơn. Vẫn giữ được vị thế mạnh đối với đối tác bán hàng nước ngoài và có thể nhận được ưu đãi thuế quan nhập khẩu.
Xem thêm: Hạn ngạch nhập khẩu là gì? Các vấn đề xoay quanh hạn ngạch
3. Nghĩa vụ của các bên chủ thể trong hợp đồng xuất nhập khẩu tại chỗ
Việc thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ vẫn phải đảm bảo hai bên đối tác thực hiện nghiêm chính các quy định của pháp luật về quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu. Hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ cũng bao gồm các thủ tục hải quan được tiến hành kê khai theo pháp luật hiện hành quy định.
Hồ sơ hải quan bao gồm tờ khai hải quan kê khai thông tin hàng hóa trong quá trình xuất khẩu, hợp đồng mua bán hàng hóa, các giấy tờ chứng minh xuất xứ, nguồn gốc của hàng hóa, các chứng từ vận tải, chứng từ thương mại và những chứng từ khác có liên quan được cơ quan hải quan yêu cầu cung cấp.
Người xuất khẩu và người nhập khẩu trong trường hợp mua bán nào cũng đều phải thực hiện nghĩa vụ thông quan xuất khẩu hoặc thông quan nhập khẩu theo quy định cụ thể trong hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc theo thỏa thuận giữa hai bên. Hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ cũng có thể là phương pháp hay cho nhiều doanh nghiệp tùy vào từng tình hình cụ thể.
Xem thêm: Việc làm xuất nhập khẩu
4. Những quy định chung về hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ
Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ chính là hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu tại chỗ chính là hàng hóa nhập khẩu, những loại hàng hóa này phải phù hợp và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về quản lý những loại hàng được phép xuất khẩu, nhập khẩu.
Các hợp đồng xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ, hợp đồng gia công cần được chỉ rõ chủ thể giao nhận hàng trong nước là ai. Và các bên đối tác tham gia vào hoạt động này là các chủ thể được phép kinh doanh xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật.
Qua bài viết xuất nhập khẩu tại chỗ là gì? Hy vọng bạn đã hiểu về thuật ngữ này, qua đó thì cũng có thể tích lũy thêm nhiều thông tin hữu ích về xuất nhập khẩu tại chỗ để có thể phục vụ cho công việc sau này.