Bài học về sự tiết kiệm đầy ý nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo dõi work247 tạiTiết kiệm là một trong những đức tính tốt đẹp, là truyền thống của người dân Việt Nam. Tấm gương sáng nhất mang đến cho chúng ta những bài học tiết kiệm sâu sắc đó chính là chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong bài viết này, Minh Phượng sẽ kể cho bạn nghe những câu chuyện về Người để có thể học hỏi, rèn luyện những đức tính tốt đẹp ấy cho bản thân nhé.
“Đố ai đếm được lá rừng
Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
Đố ai đếm đủ vì sao
Đố ai đếm được công lao Bác Hồ”
(Trích)
Những lời thơ dành cho Người luôn sâu sắc như chính con người của Bác vậy. Bác Hồ kính yêu đã để lại cho cả dân tộc Việt Nam vô vàn tài sản quý giá, một trong số đó chính là tấm gương đạo đức, phẩm chất mẫu mực, trong sáng và vô cùng cao đẹp bởi Người đã khéo léo kết tinh mọi giá trị truyền thống từ dân tộc ta toàn nhân loại để trở thành một tấm gương sáng cho con cháu ngàn đời sau noi theo. Đức tính tiết kiệm đã in dấu ấn trong cuộc sống của chính Người, qua từng lời răn rặn. Chỉ cần như vậy, một cách truyền đạt, nhắc nhở vô cùng nhẹ nhàng mà thấm thía biết bao.
Có rất nhiều bài học tiết kiệm đã được thuật lại trong rất nhiều tài liệu về Bác. Với sự kính trọng, yêu thích việc nghiên cứu, tìm đọc các câu chuyện về vị lãnh tụ vĩ đại của chúng ta, Minh Phượng sẽ gửi tới các bạn đọc thân mến một mẩu chuyện rất đỗi giản đơn gửi đến nội dung sâu sắc về bài học tiết kiệm.
Tham khảo: Cách chi tiêu hợp lý cho sinh viên tiết kiệm tiền hàng tháng
1. Câu chuyện về sự tiết kiệm của chủ tịch Hồ Chí Minh
Một trong những hoạt động Bác Hồ kính yêu vẫn tỉ mỉ làm mỗi ngày đó chính là xem bản tin của Thông tấn xã Việt gửi lên. Khi nhận được bản tin chỉ được in trên một mặt giấy, Bác đã đưa ra lời phê bình đối với đơn vị vì điều đó sẽ gây ra sự lãng phí giấy không cần tiết.
Đã tiếp thu lời Bác, Thông tấn xã in bản tin trên 2 mặt giấy bằng roneo khiến cho nội dung bị nhòe mực rất khó đọc, nhưng bác vẫn cố gắng đọc cẩn thận từng nội dung trong đó. Bước sang năm cuối đời, khi sức khỏe của Người đã yếu, đôi mắt giảm thị lực đi rất nhiều, Thông tấn xã lại quy về phương thức in bản tin cũ, chỉ in trên một mặt để Bác dễ đọc hơn. Lần này Người đã không phê bình đơn vị nữa mà thay vào đó, để tiết kiệm giấy, Người chỉ giữ lại những bản tin cần thiết còn những bản tin khác được dặn dò gửi lên Văn phòng Chủ tịch để làm phong bì hoặc có thể tận dụng làm giấy để viết. Chính một trong những mẩu giấy tiết kiệm được ấy đã được Người sử dụng để viết lại toàn bộ mở đầu của Di chúc Hồ Chí Minh, viết ở mặt sau của tờ Tham khảo số ra đặc biệt vào ngày 03/05/1969.
Đến tháng 7/1969, Bộ Chính trị đã tổ chức cuộc họp đưa ra nghị quyết đối với việc tổ chức kỷ niệm đối với 4 ngày lễ lớn của năm, gồm có Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày sinh của Lê – nin, ngày lễ Quốc Khánh và ngày sinh của Bác Hồ. Khi tờ Báo Nhân dân đưa thông tin nội dung chi tiết về nghị quyết đó, Bác đọc xong thì liền tổ chức một cuộc họp nhỏ bao gồm những người trong cuộc họp Bộ Chính trị ấy để đưa lời góp ý. Người nói rằng chỉ đồng ý 3 trong tổng số 4 nghị quyết đã đưa ra. Bác hoàn toàn không đồng ý việc đưa ngày 19/05 trở thành một ngày lễ lớn của năm. Có lẽ bạn hay bất cứ ai đọc được lý do vì sao Bác lại không đồng ý điều ấy sẽ phải ngậm ngùi vì sự hy sinh vô cùng cao cả của một người vĩ nhân:
Bác nói: “Hiện nay, các cháu thanh thiếu niên đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh nhật của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí.”
(Trích lời của Bác Hồ)
Đây là những câu chuyện rất đáng để đọc và suy ngẫm. Ẩn sau đó là những bài học dung dị về sự tiết kiệm. Vậy với bạn, bạn tìm thấy điều gì từ câu chuyện trên
Xem thêm: Việc làm Kế toán - Kiểm toán
2. Ý nghĩa to lớn đến từ bài học về sự tiết kiệm của Bác Hồ
Mặc dù câu chuyện này đã diễn ra cách đây hàng vài chục năm nhưng giá trị mà nó mang lại vẫn còn nguyên với đời đời con cháu Bác Hồ. Bề nổi thì câu chuyện cho chúng ta nhìn nhận rất rõ phẩm chất sáng ngời của Bác, dù giản dị nhưng chẳng phải ai cũng có thể làm được, quan trọng hơn, ẩn chứa ở phía sau đó lại là vô vàn những bài học sâu sắc cùng triết lý nhân sinh lớn để chúng ta học hỏi, làm giàu đẹp thêm phẩm chất đạo đức của chính mình.
Về ý nghĩa rút ra được từ bài học trên đó là việc con người bất cứ ai cũng cần phải biết cách sử dụng hợp lý, hiệu quả thời gian, công sức, tiền bạc để có thể góp vốn vào công cuộc dựng xây, phát triển đất nước, từ đó nâng cao mức sống của người dân. Việc tiết kiệm không có định mức, không có quy mô mà phải bắt đầu ngay từ cái nhỏ nhất cho đến những thứ lớn hơn, không quá hoang phí, xa xỉ, càng không được phô trương, làm ra vẻ hình thức.
Những người biết sống tiết kiệm, có đức tính tiết kiệm thì ắt sẽ biết cân đối trong mọi khoản chi tiết, có kế hoạch cụ thể cho mọi hoạt động. đồng thời họ còn biết cách tính toán mọi yếu tố liên quan đến việc sử dụng, chi tiêu để từ đó giảm đi sự lãng phí trong mọi hoạt động, mọi quy trình sản xuất mà vẫn có thể đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, đạt tới mục tiêu đã được đề ra theo kế hoạch.
Câu chuyện của Bác Hồ diễn ra ở thời điểm cả nước đang trong hoàn cảnh vừa khắc phục những hậu quả của chiến tranh, đồng thời lại vừa dồn toàn lực cho công cuộc phát triển nền kinh tế, tích cực xây dựng các hạ tầng, cơ sở vật chất. Song hành hai nhiệm vụ chính quan trọng, vừa phải khắc phục lại vừa phải phát triển như vậy trong một đất nước nông nghiệp còn nghèo thì sự tiết kiệm càng cần được đề cao và được nghiêm túc thực hiện.
Khi dân còn nghèo, quốc gia còn khó thì tiết kiệm là con đường duy nhất giúp tăng thêm nguồn lực về mặt vật chất, tiết kiệm để đưa đất nước bước ra khỏi sự nghèo nàn, lạc hậu, có thể lâu nhưng chắc chắn sẽ thành công. Bác Hồ kính yêu cũng nêu rất rõ quan điểm về giá trị đích thực của sự tiết kiệm “không phải là bủn xỉn”, càng không phải coi trọng đồng tiền đến mức xem chúng “to bằng cái nống” để rồi khi có chuyện đáng làm lại chẳng làm, việc đáng tiêu lại không tiêu. Bác cũng không cổ súy cho việc tiết kiệm là phải ép “nhịn ăn, nhịn mặc”. Ý nghĩa sâu xa của sự tiết kiệm theo tư tưởng Hồ Chí Minh đó chính là giúp tăng gia sản xuất để tiến đến cơ hội nâng cao hơn nữa mức sống cho mỗi người dân.
Dù những quan điểm của Bác đưa ra là ở thời điểm cách đây hàng mấy mươi thập kỷ thế nhưng dường như lại có thể vận dụng sâu sắc ở mọi thời. Con cháu đời sau của người cha già dân tộc hàng ngày, hàng giờ vẫn đang tích cực “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vậy thì không thể không tích lũy cho mình bài học về sự tiết kiệm, những mẩu chuyện đạo đức của người càng trở nên quý giá vô ngần. Bất kể là ai, dù giàu hay nghèo, dù trẻ hay già thì đều phải tự biết nhìn nhận chính mình, biết sống một lối sống giản dị và tiết kiệm, luôn đấu tranh chống lại những lối sống sáo rỗng, hời hợt trong thời đại văn hóa mở cửa, con người, đặc biệt là giới trẻ có thể dễ dàng học hỏi bất cứ trào lưu, lối sống nào được du nhập từ khắp năm châu bốn bể.
Mỗi mẩu chuyện về Bác, trong đó có bài học về sự tiết kiệm nêu trên thức tỉnh mỗi chúng ta cần phải nghiêm túc suy xét chính mình, tự nhắc nhở bản thân phải tu dưỡng, phấn đấu nhiều hơn, tích cực trong công cuộc tự rèn luyện đạo đức, nhân cách của bản thân và luôn gắn liền giữa lời nói và hành động để mọi thứ diễn ra thật suôn sẻ.
Tiết kiệm là một việc tưởng như đơn giản nhưng sự thực thì chẳng phải ai cũng có thể làm được. Nó giống như việc, trong tay bạn mới nhận về khoản lương 5 triệu, trước đó bạn đã rất ngóng chờ số tiền ấy để lo chi phí sinh hoạt hàng ngày đang ở tình trạng túng thiếu, nhưng sau đó, khi đã cầm trong tay 5 triệu, bạn đã chi trả đủ cho các khoản chi tiêu cơ bản như điện nước, bạn dự tính rằng, số tiền ấy sẽ cần phải cất đi để phòng những lúc cần kíp, ấy thế mà chỉ một lần dạo chợ, thấy một chiếc áo đẹp, một đôi giày hot, bạn chẳng mảy may nghĩ đến dự tính của mình mà sẵn sàng bỏ ra một khoản để mua chúng, thỏa mãn bản thân, trong khi đó, đến cuối tháng, bạn lại tiếp tục rơi vào tình huống mòn mỏi đợi lương và trong khoản dự trù chẳng còn là bao.
Đây không phải là tình huống thuộc phạm trù của sự tiết kiệm. Và tôi cũng tin rằng, trong số chúng ta, đã có rất nhiều người thường xuyên rơi vào hoàn cảnh đó. Đôi khi các bạn chỉ cần vượt qua các yêu cầu không hợp lý đối với bản thân, và sẵn lòng nhắm mắt qua chúng, thì chắc chắn mỗi ngày các bạn sẽ làm tốt hơn việc tiết kiệm tiền cho những điều không đáng, cũng như là tiết kiệm thời gian và công sức mà các bạn đã bỏ ra cho công việc.
Rõ ràng, có những câu chuyện nhỏ nhưng lại có thể đi theo năm tháng với dấu ấn rõ ràng, dường như chẳng bao giờ có thể phai nhạt được như câu chuyện về sự tiết kiệm của Bác Hồ. Hãy đọc thật nhiều, ngẫm thật kỹ những câu chuyện và bài học mà Bác mang đến, đó sẽ là nền tảng quan trọng mang đến cho bạn sự trưởng thành, ý thức về lối sống tích cực. Hy vọng rằng, qua bài viết này, Minh Phượng đã có thể cùng bạn thay đổi một điều gì đó cho bản thân mình, hơn cả học hỏi được bài học về sự tiết kiệm từ Bác mà còn thức nhận được nhiều giá trị chân – thiện – mỹ khác từ chính cuộc sống của bản thân mình, biết cân bằng mọi thứ và làm cho mọi thứ trở nên hợp lý hơn.
4767 0