Giải đáp thắc mắc nên học quản trị khách sạn hay nhà hàng?
Theo dõi work247 tạiLựa chọn ngành nghề luôn là một trong những quyết định khó khăn đối với mỗi bạn học sinh, đặc biệt là khi kỳ tuyển sinh đến gần. Nhiều bạn chưa phân biệt được quản trị khách sạn và quản trị nhà hàng có gì khác nhau? Khi theo học 2 ngành này thì sẽ được học những gì và cơ hội làm việc sau khi ra trường sẽ như thế nào? Nếu bạn cũng đang gặp khó khăn khi đưa ra sự lựa chọn nên học quản trị khách sạn hay nhà hàng thì bài viết này chính là thứ bạn đang cần tìm.
1. So sánh quản trị khách sạn và quản trị nhà hàng
Quản trị khách sạn và quản trị nhà hàng rõ ràng là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, mặc dù chúng đều là những ngành nghề trong lĩnh vực dịch vụ. Đây là hai ngành học đang rất được giới trẻ yêu thích và hướng mục tiêu lựa chọn do chúng năng động, linh hoạt, cơ hội làm việc rộng mở, lương thưởng hấp dẫn. Vậy làm sao để hiểu rõ và phân biệt được hai ngành này?
1.1. Về bản chất công việc
1.1.1. Quản trị khách sạn
Quản trị khách sạn là một lĩnh vực kinh doanh và nghiên cứu những vấn đề liên quan đến các khía cạnh khác nhau của khách sạn. Chúng bao gồm kế toán, tài chính, hành chính, hệ thống thông tin, quản lý nguồn lực, quan hệ công chúng, chiến lược, tiếp thị, quản lý doanh thu, quản lý bán hàng, quản trị rủi ro, ẩm thực,...Nói chung, quản trị khách sạn là điều hành các hoạt động khác nhau của khách sạn để nhằm mục đích tăng hiệu quả tài chính. Do đó, mọi khía cạnh phải được vận hành và tổ chức hợp lý.
1.1.2. Quản trị nhà hàng
Quản trị nhà hàng là việc kết hợp linh hoạt giữa việc giám sát các hoạt động thường ngày với việc xây dựng lợi nhuận vững chắc cho nhà hàng về lâu dài. Người quản lý nhà hàng phải biết cách cân bằng giữa chi phí lao động và thực phẩm, theo dõi hàng tồn kho, tiếp thị nhà hàng và giải quyết các vấn đề và sự cố liên quan đến nhà hàng. Ngành công nghiệp nhà hàng luôn thay đổi, do đó người quản trị xuất sắc phải có đủ khả năng và bí quyết để thực hiện nhiều nhiệm vụ hàng ngày.
Như vậy có thể thấy quản trị khách sạn là ngành học chung về tất cả các vấn đề tổng quan xung quanh khách sạn bao gồm các hoạt động nghỉ ngơi, tận hưởng, thư giãn và ăn uống. Trong khi đó quản trị nhà hàng thì chỉ quan tâm chủ yếu đến vấn đề ẩm thực và dịch vụ ăn uống cho khách hàng ở bất cứ địa điểm nào, có thể là nhà hàng tự do, quán ăn, hay nhà hàng được tích hợp trong khách sạn. Do đó, có thể coi quản trị nhà hàng là một phần nhỏ trong quản trị khách sạn nhưng chuyên sâu hơn.
1.2. Nội dung đào tạo
Quản trị nhà hàng và khách sạn đang trở nên rất hot. Mỗi năm, tỷ lệ đăng ký vào những ngành này lại càng gia tăng. Những địa điểm đào tạo chất lượng mà bạn có thể tham khảo trong nước như: Đại học Thành Đô, Đại học Đông Á, Đại học tài chính marketing, Đại học Hoa Sen, Đại học Khánh Hòa, Hướng nghiệp Á Âu,...Các tổ hợp môn xét tuyển cho cả hai ngành này đều rất rộng, từ A, C và D.
Do bản chất của hai ngành này là khác nhau, mỗi ngành lại có những đặc điểm khác nhau tạo nên chương trình đào tạo của chúng cũng có sự khác biệt rõ rệt.
1.2.1. Kiến thức cơ sở
Khi học quản trị khách sạn, sinh viên sẽ được tiếp xúc với những kiến thức cơ bản như: Tổng quan về du lịch và khách sạn, nhập môn quản trị du lịch, tiếp thị du lịch, quản trị nhân lực, thương mại điện tử, nghiệp vụ lễ tân, thanh toán quốc tế, pha chế và quản trị nhà hàng.
Còn khi học quản trị nhà hàng, sinh viên được bổ sung những kiến thức liên quan đến nguyên lý kế toán, dinh dưỡng học, cách xây dựng khẩu phần ăn, tài chính du lịch và phân tích du lịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ thuật và trang trí.
1.2.2. Kiến thức chuyên sâu
Về ngành quản trị khách sạn, các kiến thức chuyên sâu được đào tạo bao gồm quản trị khách sạn, quản trị tiền sảnh, quản trị sự kiện, buồng phòng, ẩm thực, quản trị dự án du lịch, thiết kế điều hành khách sạn, an toàn vệ sinh trong khách sạn.
Trong khi đó, khối kiến thức chuyên ngành của quản trị nhà hàng sẽ chủ yếu liên quan đến các vấn đề ẩm thực như lý thuyết chế biến, kỹ thuật chế biến, kỹ thuật cắt tỉa, anh văn chuyên ngành, marketing, quản trị chất lượng, quản trị nhân lực, tâm lý giao tiếp.
1.3. Cơ hội việc làm sau khi ra trường
1.3.1. Quản trị khách sạn
Khi học ngành này, sinh viên sau khi ra trường có thể bắt đầu công việc của một nhân viên như lễ tân, nhân viên sale, nhân viên chăm sóc khách hàng,...trong các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, homestay,..Sau thời gian làm việc, tích lũy kinh nghiệm và có được những thành tựu nhất định, bạn có thể được thăng chức lên vị trí cao hơn như quản lý, giám sát, trưởng nhóm, trưởng bộ phận hoặc có cơ hội làm việc tại những khách sạn quốc tế.
Hiện nay, ngành quản trị khách sạn đang phải đối mặt với những thách thức như biến đổi khí hậu tác động xấu đến nhiều điểm du lịch, sự cạnh tranh từ những người chơi công nghệ và kỹ thuật số đang cung cấp các giải pháp công nghệ và tạo ra thị trường mới, một số thương hiệu đủ lớn có thể tồn tại những công việc kinh doanh sẽ khó khăn hơn. Thiếu nhân tài lành nghề cũng là một thách thức đáng ngại trong ngành này. Đại dịch covid-19 trong những năm qua cũng ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động của các khách sạn. Sau đại dịch, nhu cầu về khách sạn đang phát triển mạnh mẽ với sự thay đổi rõ ràng trong hành vi và sở thích của khách hàng. Cơ hội làm việc cũng được mở rộng hơn do nhu cầu về nhân lực tăng cao, các khách sạn đang dần khôi phục và trở lại thời kỳ hoàng kim, thêm vào đó là những kinh nghiệm ứng phó với những rào cản và khủng hoảng mới. Một dấu hiệu đáng mừng nữa là cơn khát du lịch và giải trí mới đang bùng nổ sau đại dịch. Do đó, quản trị khách sạn đang là một ngành rất có tương lai, dù ở vị trí nào thì bạn cũng không lo thất nghiệp trong những năm tới.
1.3.2. Quản trị nhà hàng
Sinh viên quản trị nhà hàng sau khi ra trường sẽ có cơ hội làm việc trong các nhà hàng, khách sạn, trung tâm hội nghị, tiệc, sự kiện,...Những công việc ban đầu có thể đảm nhận như phục vụ, nhân viên pha chế, phụ bếp,...
Theo dự đoán, từ năm 2016 đến 2026, sẽ có gần 30.000 việc làm mới được tạo ra trong ngành quản trị nhà hàng. Tích lũy nhiều năm kinh nghiệm trong ngành là điều kiện tiên quyết để đảm nhận vị trí quản lý bằng cấp là vũ khí giúp bạn nâng cao khả năng cạnh tranh trong ngành. Các công việc trong nhà hàng vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch trong những năm qua, thế nhưng nó vẫn khấm khá hơn ngành khách sạn do việc kết hợp công nghệ thông tin trong hoạt động đặt hàng, giao đồ ăn tận nhà và tránh tiếp xúc trực tiếp. Do đó, quản trị nhà hàng vẫn là một ngành phát triển mạnh mẽ và có sức chống chịu mạnh mẽ trước nhiều biến động. Mặc dù phải đối diện với nhiều thách thức từ thị trường cạnh tranh rộng lớn, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và dinh dưỡng, thị hiếu của khách hàng thay đổi,...quản trị nhà hàng vẫn là một sự lựa chọn tuyệt vời và có nhiều cơ hội làm việc về lâu dài.
2. Nên học quản trị khách sạn hay nhà hàng?
Từ những thông tin phân tích trên đây, mỗi người có thể tự đưa ra sự lựa chọn cho bản thân. Từ góc độ khách quan, hai ngành này đều là những sự lựa chọn sáng giá cho tương lai và sự nghiệp sau này, phù hợp cho cả nam và nữ ở nhiều lứa tuổi và vùng miền. Các trường đào tạo hiện nay ở Việt Nam cũng đang ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy, đưa thêm nhiều chương trình mới bổ ích vào hệ thống đào tạo để nâng cao chất lượng đầu ra. Hoạt động thực tập tại các địa điểm thực tế cũng được đề cao và chú trọng để sinh viên có thể tiếp xúc từ sớm với môi trường công việc, củng cố thêm kiến thức, tay nghề và kinh nghiệm để sinh viên sau khi ra trường có thêm nhiều lợi thế trong quá trình tìm kiếm việc làm. Nếu bạn yêu thích công việc liên quan đến khách sạn như lễ tân hay xây dựng thương hiệu, marketing cho khách sạn thì quản trị khách sạn là sự lựa chọn tuyệt vời. Còn nếu bạn yêu thích ẩm thực, bạn mong muốn mang đến những món ăn dinh dưỡng và chất lượng nhất cho khách hàng, phổ biến văn hóa ẩm thực nước nhà ra thế giới cũng như phổ biến phong cách ẩm thực thế giới đến người Việt thì quản trị nhà hàng sẽ phù hợp hơn.
Về tình hình kinh tế và cơ hội phát triển nghề nghiệp thì cả 2 ngành đều đang có những tín hiệu tích cực cho sự tăng trưởng cả về chất và lượng. Nhu cầu nhân lực tăng cao, nhu cầu nhân lực có chất lượng lại càng cao hơn, tỷ lệ cạnh tranh trong ngành mỗi năm cũng rất đáng chú ý. Do đó, để theo đuổi đam mê nghề nghiệp và bám trụ lâu dài trong ngành thì bạn cần phải xác định trước hướng đi và nỗ lực phấn đấu không ngừng.
Bạn đã tự trả lời được câu hỏi nên học quản trị nhà hàng hay khách sạn chưa? Dịch vụ đang trở thành một trong những ngành trọng yếu của đất nước trong thời đại mới, sự phát triển này mang lại nhiều cơ hội tốt cho giới trẻ do bản chất linh hoạt và năng động. Theo tình hình thực tế thì cả 2 ngành nêu trên đều rất có tương lai, việc quan trọng là bạn thích làm gì và bạn hợp với công việc nào hơn.
391 0