Thời hạn là gì? Phân biệt sự khác nhau giữa thời hạn và thời hiệu
Theo dõi work247 tạiThời hạn giấy phép lái xe, thời hạn hợp đồng lao động, thời hạn bảo hiểm y tế... Trong cuộc sống hầu hết mọi thứ đều có thời hạn, vậy thời hạn là gì? Thời hạn có những đặc điểm gì khác so với thời hiệu? Muốn biết rõ những điều này bạn hãy cùng bắt tay vào tìm hiểu với chúng tôi.
1. Thời hạn là gì?
Theo Điều 144 Bộ luật dân sự 2024“Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác”.
Có thể hiểu một cách đơn giản, thời hạn là một khoảng thời gian nhất định nào đó, được quy định từ một mốc thời gian này đến một mốc thời gian khác. Độ dài của mỗi thời hạn là khác nhau có thể là một tuần, 1 tháng, 5 tháng, một năm, 10 năm... tùy thuộc vào sự quy định của từng người, từng công việc hoặc cơ quan, hoàn cảnh khác nhau. Việc quy định thời hạn giúp con người làm việc một cách khoa học, có kế hoạch cụ thể và từ đó mang lại hiệu quả cho công việc mình làm.
Đơn vị tính thời hạn không được quy định một cách chính xác và cụ thể, không yêu cầu nhất thiết phải là một đơn vị nhất định nào đó mà nó có thể là bất kì đơn vị nào như là giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc cũng có thể là chính mốc thời gian bắt đầu thời hạn, mốc thời gian kết thúc thời hạn đó...
Việc làm phát triển thị trường
2. Có những loại thời hạn nào?
Trong cuộc sống sẽ có nhiều đối tượng khác nhau xác lập các mức thời hạn khác nhau cho những mục đích nhất định, dựa vào các đối tương đó có thể chia thời hạn thành 3 loại:
Loại thời hạn đầu tiên chính là thời hạn do pháp luật quy định: những người khi tham gia vào một giao dịch nào đó thì sẽ phải tuân thủ theo đúng thời hạn như pháp luật đã quy định, bởi đó là bắt buộc, những người tham gia giao dịch có ý muốn thay đổi thời hạn thì cũng không được phép, thời hạn do pháp luật quy định là bất di bất dịch.
Loại thời hạn thứ hai là thời hạn do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác lập: ví dụ có hai gia đình A và B tranh chấp một mảnh đất, Tòa án sẽ đưa ra một khoảng thời hạn nhất định để hai gia đình có thời gian chuẩn bị các loại giấy tờ, thủ tục hành chính liên quan đến vụ tranh chấp đất này.
Loại thời hạn cuối cùng là loại thời hạn do các bên tham gia giao dịch tự thỏa thuận với nhau, ví dụ như thời hạn lao động tại một công ty, thời hạn thuê một chiếc xe máy.... Điểm khác biệt của loại thời hạn này so với thời hạn do pháp luật quy định chính là nó có thể được thay đổi kéo dài thêm hoặc rút ngắn đi tùy theo nhu cầu và sự thỏa thuận của các bên tham gia.
Dựa vào sự phân loại này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn thời hạn là gì? thời hạn có những loại nào? để từ đó có những hành động đúng đắn với mức thời hạn đã quy định, tránh trường hợp hiểu sai, hiểu không rõ dẫn đến việc làm sai.
Xem thêm: Thời hiệu là gì? Tất tần tật những thông tin liên quan đến thời hiệu
3. Thời hạn được tính theo cách nào?
Có một số điều đáng lưu ý cho những người chưa biết rõ về thời hạn, khi thời hạn được tính theo đơn vị ngày thì thời hạn sẽ bắt đầu được tính lùi lại một ngày kể từ ngày xác lập thời hạn. Ví dụ, ngày xác lập thời hạn lao động tại công ty A là ngày 16/7 thì thời hạn sẽ được tính bắt đầu từ ngày 17/7 trở đi. Tương tự như vậy, khi một sự kiện bắt đầu mà sự bắt đầu của sự kiện ấy cũng chính là sự xác lập thời hạn thì sẽ lấy ngày tiếp theo của ngày sự kiện bắt đầu để tính là ngày xác lập thời hạn.
Ngoài các trường hợp trên, còn lại khi sử dụng các đơn vị phút hoặc giờ để xác lập thời hạn thì thời hạn sẽ được tính ngay từ thời điểm được xác lập, bởi vì giờ và phút là những đơn vị cụ thể và có sự chính xác tuyệt đối.
Cách tính thời hạn khá đơn giản nhưng cũng vẫn có rất nhiều người do một số lý do mà vô tình bỏ qua và không biết đến cách tính này dẫn đến sự nhầm lẫn trong việc tính thời gian.
4. Thời hạn của các loại giấy tờ khác nhau thì sẽ khác nhau ra sao?
Trên thực tế thì mỗi loại giấy tờ khác nhau lại có giá trị sử dụng, thời hạn sử dụng là khác nhau, tùy thuộc vào đặc điểm của từng loại mà sẽ có một thời hạn phù hợp, thỏa đáng.
Thời hạn của chứng minh nhân dân (CMND): đây là loại giấy tờ tùy thân vô cùng quan trọng của mỗi công dân, CMND cung cấp những thông tin, đặc điểm cơ bản nhất về một người. Những người từ 14 tuổi trở lên sẽ được cơ quan Công an có thẩm quyền cấp cho một CMND, tuy nhiên CMND không phải là loại giấy tờ có thời hạn mãi mãi, mỗi CMND chỉ có giá trị sử dụng trong vòng 15 năm, sau 15 năm công dân cần đi đăng ký để làm lại CMND mới.
Thời hạn của hộ chiếu: nếu có nhu cầu xuất nhập cảnh thì hộ chiếu là một loại giấy tờ không thể thiếu, hộ chiếu cho phép các công dân có thể xuất cảnh ra nước ngoài hoặc nhập cảnh khi từ nước ngoài trở về nước. Thời hạn của loại giấy tờ này có độ dài ngắn tùy thuộc vào từng trường hợp khác nhau, có trường hợp thời hạn hộ chiếu sẽ từ 5 – 10 năm nhưng cũng có những người thời hạn của hộ chiếu chỉ từ 1 -2 năm. Sở dĩ có những sự khác nhau như vậy là bởi các cơ quan có thẩm quyền cấp phát hộ chiếu sẽ căn cứ vào thông tin của từng đối tượng để quy định mức thời hạn cho mỗi người sao cho phù hợp, đối với những người từ 14 trở lên thì hộ chiếu sẽ có thời hạn dưới 10 năm, còn với những người chưa đủ 14 tuổi hộ chiếu sẽ có thời hạn dưới 05 năm.
Đối với giấy phép lái xe thì thời hạn được quy định một cách rất rõ ràng và dễ hiểu: những loại giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 sẽ không có thời hạn, còn đối với giấy phép lái xe hạng B1 thời hạn sẽ được tính đến khi công dân nữ không quá 55 tuổi và công dân nam không quá 60 tuổi. Bên cạnh đó, những loại giấy phép lái xe hạng A4, B2 sẽ có thời hạn 10 năm tính từ thời điểm được cấp phát; giấy phép lái xe hạng C, D, E, FC, FD, FE có thời hạn dưới 5 năm.
Thời hạn của các loại chứng chỉ tiếng Anh: trong một xã hội đang ngày càng phát triển như hiện nay thì tiếng Anh là một thứ ngôn ngữ vô cùng phổ biến, nó được ví như một chiếc chìa khóa vạn năng có thể mở ra trước mắt ta nhiều cơ hội mới, tuy nhiên để có thể sở hữu được chiếc chìa khóa ấy thì lại không hề đơn giản, yêu cầu mỗi cá nhân phải nỗ lực hết mình để học tập và vượt qua các kì thi cấp chứng chỉ. Nhưng đa phần thời hạn của những loại chứng chỉ tiếng Anh này lại không quá dài, các loại chứng chỉ tiếng Anh như A – B – C, TOEIC, TOEFL, IELTS đều có thời hạn sử dụng không quá 2 năm kể từ ngày cấp; duy chỉ có hệ thống chứng chỉ tiếng Anh của Cambridge ESOL là có thời hạn vĩnh viễn.
5. Thời hạn và thời hiệu khác nhau ở những điểm gì?
Nghe thì có vẻ tương đồng nhau nhưng thực chất thời hạn và thời hiệu lại có những đặc điểm khác biệt.
Sự khác nhau ấy được thể hiện ngay từ khái niệm của chúng: Thời hạn là một khoảng thời gian nhất định nào đó, được quy định từ một mốc thời gian này đến một mốc thời gian khác. Còn theo điều 154 Bộ luật dân sự 2024, ta có thể hiểu thời hiệu là một khoảng thời hạn nhất định mà đối tượng xác lập thời hạn ấy chính là do pháp luật quy định, đây là quãng thời gian chủ thể được hoặc mất đi một quyền hạn nào đó.
Trong thời hạn, phút, giờ, ngày, tháng, năm hoặc thời điểm một sự kiện xuất hiện... tất cả các đơn vị này đều có thể trở thành đơn vị tính nhưng thời hiệu lại chỉ được tính một cách cụ thể trong các đơn vị như ngày, tháng, năm.
Sự khác nhau giữa thời hạn và thời hiệu còn thể hiện ở cách tính điểm bắt đầu và điểm kết thúc: ở thời hạn, khi đơn vị tính của thời hạn là ngày thì thời hạn sẽ bắt đầu được tính lùi lại một ngày kể từ ngày xác lập thời hạn. Còn đối với thời hiệu thì ngày xác lập thời hiệu cũng chính là ngày bắt đầu của thời hiệu đó và được tính luôn vào trong thời hiệu.
Trong khi thời hạn chỉ có 3 loại thì thời hiệu lại được chia ra làm 4 loại thời hiệu khác nhau:
Thời hạn được chia thành 3 loại:
• Thời hạn do pháp luật quy định.
• Thời hạn do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác lập.
• Thời hạn do các bên tham gia giao dịch thỏa thuận với nhau.
Trong Điều 155 Bộ luật dân sự 2024 cũng đã nêu rõ, thời hiệu được chia thành tất cả 4 loại: thời hiệu hưởng quyền dân sự, thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự, thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự.
• Thời hiệu hưởng quyền dân sự: nghĩa là trong khoảng thời hạn như pháp luật quy định thì một người nào đó sẽ không được hoặc sẽ bị hạn chế hưởng các quyền dân sự, đến khi thời hạn kết thúc thì người đó sẽ được hưởng các quyền dân sự của của một người công dân.
• Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự: sẽ có một khoảng thời hạn nhất định quy định một người nào đó cần phải thực hiện nghĩa vụ dân sự, nhưng khi hết khoảng thời hạn thì người đó sẽ không còn phải thực hiện nghĩa vụ dân sự đó nữa.
• Thời hiệu khởi kiện: ví dụ có gia đình ông A, khi ông A mất đi để lại tài sản thừa kế cho chị B là con gái ruột của ông A, nhưng một thời gian sau khi ông A mất có một người tên C là con trai riêng của ông A lại đến tranh cướp tài sản thừa kế mà chị B được hưởng, trong trường hợp này chị B có thời hạn 10 năm để khởi kiện lên Tòa án đòi lại quyền lợi cho mình, qua thời hạn 10 năm chị B sẽ mất đi quyền khởi kiện.
• Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự: cũng từ ví dụ trên, trong khoảng thời hạn 10 năm đó chị B có quyền đưa ra yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc của mình để sao cho có thể lấy lại được quyền lợi trong thời gian nhanh nhất.
Hy vọng với những thông tin cung cấp trên đây bạn đọc đã phần nào giải đáp được những thắc mắc của mình về câu hỏi thời hạn là gì? và từ đó có thể phân biệt được thời hạn và thời hiệu.
2290 0