Tìm hiểu về các bố cục trong thiết kế đang được sử dụng phổ biến nhất
Tác giả: Hà Ngọc Nhi
Bố cục là một nhân tố quan trọng để xây dựng một bản thiết kế hoàn chỉnh. Bố cục tốt sẽ thu hút được ánh nhìn và tạo ra tương tác giữa sản phẩm và người đón nhận. Bài viết sau đây cung cấp cho bạn những kiến thức căn bản về các bố cục trong thiết kế.
1. Bố cục trong thiết kế là gì?
1.1. Khái niệm
Theo cách hiểu thông thường, bố cục trong thiết kế được hiểu sắp xếp một cách có chủ đích các yếu tố trong thiết kế nhằm đạt được mục đích biểu đạt nhất định. Các yếu tố liên quan đến sắp xếp bố cục gồm có: hình ảnh, văn bản, màu sắc. Đây là 3 yếu tố chính liên quan đến bố cục thiết kế.
1.2. Tại sao thiết kế cần có bố cục
Một bố cục thiết kế hoàn hảo không chỉ phù hợp về màu sắc, tuân theo các quy tắc sắp xếp bố cục mà còn phải biểu đạt được những nội dung mà người thiết kế muốn truyền tải một cách thông minh và phù hợp nhất, mang lại hiệu ứng truyền thông và thể hiện phong cách muốn truyền tải.
Xem thêm: Nguyên lý thị giác là gì trong ngành thiết kế đồ họa
1.2.1. Tạo sự hài hòa cho bản thiết kế
Mọi yếu tố cấu thành nên bản thiết kế đều có những tác dụng và vai trò nhất định. Các yếu tố đó tác động qua lại lẫn nhau và được nhìn nhận dưới nhiều con mắt. Do đó bố cục hài hòa sẽ giúp người nhìn không bị rối mắt, chi phối cảm xúc. Tạo hiệu ứng tập trung cho người nhìn vào hướng mà người thiết kế muốn truyền tải. Mỗi người nhìn sẽ có một quan điểm riêng về bố cục của bản thiết kế, có người sẽ thích phong cách sắp xếp bố cục đó nhưng cũng sẽ vẫn có quan điểm ngược lại. Do đó hài hòa chỉ nằm ở mức tương đối.
1.2.2. Thể hiện ngụ ý truyền tải
Một bản thiết kế hoàn chỉnh được thực hiện từ rất nhiều thao tác, công đoạn, từ rất nhiều yếu tố. Chúng tương tác với nhau, bổ sung hoặc làm hiệu ứng đòn bẩy để làm nổi bật nhau lên. Người thiết kế sẽ phải lợi dụng những hiệu ứng đó để kết hợp các yếu tố lại với nhau, phục vụ cho một mục đích truyền đạt nhất định.
Bản thiết kế hoàn chỉnh cần phải điều hướng được cảm nhận của người xem, điều tiết sự chú ý đến thứ tự xuất hiện của các yếu tố, yếu tố phụ, yếu tố chính. Muốn làm được điều này cần phải có sự phân cấp cho các yếu tố thông qua màu sắc, vị trí sắp xếp, lợi dụng hiệu ứng bổ trợ, hiệu ứng tương phản.
1.2.3. Tăng giá trị cho sản phẩm
Mỗi sản phẩm có một thiết kế riêng thể hiện sự khác biệt. Sản phẩm có thiết kế tốt, mang lại hiệu ứng truyền thông cao chắc chắn sẽ để lại nhiều ấn tượng cho khách hàng. Từ đây giá trị của sản phẩm không chỉ còn là công năng sử dụng đơn thuần mà nó còn là giá trị biểu đạt, tạo nên nét riêng không thể nhầm lẫn.
Cũng vì như vậy mà các sản phẩm đặc thù liên quan đến nghệ thuật, thời trang luôn được chú trọng về mặt thiết kế bố cục. Bố cục hài hòa, sắc sảo, riêng biệt sẽ là yếu tố tăng giá trị cho sản phẩm thiết kế.
2. Các bố cục trong thiết kế
2.1. Bố cục cân bằng
Cân bằng là cách sắp xếp thường được thấy nhiều nhất trong các thiết kế đồ họa. Cân bằng trong bố cục thiết kế cũng tương tự như trong cách hiểu vật lý. Các đối tượng được thể hiện trong thiết kế sẽ được sắp xếp phù hợp đảm bảo thế cân bằng, dàn trải sự chú ý lên toàn bộ bản thiết kế. Có hai kiểu cân bằng thường thấy, đó là:
- Cân bằng đối xứng: Tất cả các yếu tố sẽ được sắp xếp đối ứng với nhau qua một trục ngang, trục dọc hoặc cả trục ngang và trục dọc. Tuy nhiên đó mới chỉ là cách nhìn nhận thông thường. Trong thiết kế đồ họa, cân xứng là khi các yếu tố chiều cao, chiều ngang được sắp xếp đối xứng với nhau.
Kiểu sắp xếp cân bằng đối xứng này sẽ tạo cảm giác hài hòa cho đôi mắt người xem đồng thời tạo điểm nhấn ở chính giữa thiết kế.
- Cân bằng không đối xứng: là khi 2 bên trục đối xứng không giống nhau nhưng vẫn đem lại cho người xem cảm giác cân bằng. Để thể hiện được cách sắp xếp này, người thiết kế sẽ lợi dụng đặc điểm của từng yếu tố liên quan đến màu sắc, kích cỡ hay khoảng cách tới tâm để xác định vị trí phù hợp cho các yếu tố. Một thiết kế cân bằng không đối xứng được đánh giá là hài hòa sẽ chứng tỏ người thiết kế ra nó có khả năng ước lượng và cân bằng các yếu tố bằng khối lượng được ước tính theo thị giác.
2.2. Bố cục tương phản
Tương phản chỉ sự sắp xếp các yếu tố mang tính chất đối lập, cung xuất hiện trong một bản thiết kế. Đối lập ở đây có thể là gam sắc, vị trí, kích cỡ, hình dáng, chất liệu… Về cơ bản, đối lập sẽ thể hiện rõ nhất khi người thiết kế sử dụng các yếu tố có sự khác biệt rõ rệt với nhau.
Trái ngược lại với cân bằng, tương phản có tác dụng thu hút sự chú ý của người xem vào một điểm nào đó trong thiết kế, rồi từ đó, dẫn dắt đôi mắt đến toàn bộ các điểm nhìn trong thiết kế.
Hầu hết mọi tác phẩm thiết kế đều có tính tương phản nhất định bởi lẽ, nếu không có tương phản, bản thiết kế sẽ trở nên đơn điệu và nhàm chán, không thu hút ánh nhìn của mọi người, từ đó không thể đưa đến các dụng ý biểu đạt.
2.3. Bố cục chuyển động
Đây được xem là bố cục độc đáo trong thiết kế, khiến người xem có thể cảm nhận được sự chuyển động trong một thiết kế vật lý đứng yên. Bố cục chuyển động là bố cục đối xứng đặc biệt, tạo sức hút từ điểm nhìn của con mắt người thường, diễn tả chiều sâu hoặc tốc độ không gian.
Cảm giác chuyển động có thể được tạo ra từ:
- Bố cục đường chéo
- Kỹ thuật định hướng trực quan
- Hiệu ứng làm mờ, nhòe
- Tạo cảm giác chuyển động từ các vệt sáng với hiệu ứng phơi sáng
2.4. Bố cục đồng nhất
Bố cục đồng nhất thường mang tính đồng bộ trong các yếu tố cấu thành. Bố cục đồng nhất có xu hướng tạo cảm giác thân thiện và gợi nhớ dễ dàng. Kiểu bố cục này thường dành cho bộ thiết kế nhận diện thương hiệu. Tính nhất quán trong kiểu bố cục này thường được thể hiện bằng màu sắc và hình ảnh, giúp mọi yếu tố trong bản thiết kế đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Tuy nhiên, để tạo ra một bộ thiết kế có bố cục đồng nhất khá khó và mất nhiều thời gian từ việc lên ý tưởng, lựa chọn cách thể hiện, lựa chọn màu sắc phù hợp với nhiều yếu tố…
Xem thêm: Tố chất để học thiết kế đồ họa, bạn có những tố chất nào?
2.5. Bố cục nhấn mạnh
Bố cục này dùng để làm nổi bật một yếu tố nào đó so với tất cả yếu tố xuất hiện trong bản thiết kế. Bố cục nhận mạnh thường lợi dụng sự khác biệt về màu sắc hoặc hình ảnh, kích thước để làm nổi bật nhân vật chính. Bố cục này sẽ thu hút sự chú ý hoàn toàn của người nhìn vào yếu tố mà bạn làm nổi bật nhất.
2.6. Bố cục dòng chảy thị giác
Bố cục dòng chảy thị giác lợi dụng các hình khối, màu sắc, đường nét để tạo thành một đường tưởng tượng hướng mắt người xem theo dòng chảy đó. Sự kết nối giữa điểm nhìn của người xem và các yếu tố trên bản thiết kế sẽ điều hướng người xem theo hướng có chủ đích.
Như vậy, trên đây là những thông tin cơ bản về các bố cục trong thiết kế phổ biến hiện nay. Hy vọng rằng bài viết của work247.vn đã có thể cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết nhất.