Workshop là gì? Chia sẻ kiến thức - kinh nghiệm và marketing
Tác giả: Trần Hải Minh 14-11-2024
Workshop là thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều trong những năm gần đây. Từ trường học, doanh nghiệp kinh doanh, các cơ quan nhà nước tới những tổ chức phi lợi nhuận đều có thể tổ chức workshop. Với những mục đích và mục tiêu khác nhau, những tổ chức này sẽ có những hình thức tổ chức phù hợp. Hãy cùng theo dõi ngay bài viết này để hiểu hơn workshop là gì.
1. Giải đáp workshop là gì?
Workshop là gì? Workshop được dịch ra tiếng Việt là hội thảo, được hiểu là một buổi gặp gỡ giữa rất nhiều người để cùng học hỏi, bàn luận, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm hoặc bất cứ thứ gì mà họ quan tâm. Thường thấy, nội dung trong các buổi hội thảo sẽ chỉ chia sẻ về một lĩnh vực, kiến thức hay chủ đề nhất định, các bài diễn thuyết hay câu hỏi đều sẽ xoay quanh nội dung này.
Số lượng người tham gia nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào khả năng tổ chức của đơn vị tổ chức workshop đó. Đôi khi chỉ khoảng vài ba chục người, có khi lại lên tới hàng trăm hàng nghìn người trong một buổi workshop.
Bất kể doanh nghiệp, tổ chức nào cũng có thể tổ chức workshop: doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ, cơ quan nhà nước, trường học, trung tâm giáo dục, tổ chức nghệ thuật hoặc các tổ chức xã hội khác.
Trước đây, hội thảo thường sẽ chỉ được tổ chức nhằm mục đích đào tạo, định hướng để phát triển đội ngũ nhân viên trong các công ty. Cho tới hiện tại, hội thảo còn là một hình thức để các doanh nghiệp thu hút người tham gia, quan tâm và làm marketing vô cùng hiệu quả.
Những người tham gia nói chuyện (speaker) ở các buổi hội thảo thường là những người diễn giả, chuyên gia ở một lĩnh vực nào đó. Họ có kỹ năng giao tiếp tốt, định hướng người nghe và truyền tải được những kiến thức hữu ích cho người nghe.
Đôi khi danh tiếng của người speaker cũng làm nên sự thu hút cho buổi hội thảo. Họ càng có nhiều người hâm mộ, người theo dõi, họ càng nổi tiếng thì sẽ càng có nhiều người quan tâm và muốn được tham gia.
Các buổi hội thảo thường sẽ được tổ chức miễn phí cho người xem. Một số ít sẽ được tổ chức dưới hình thức kinh doanh, đào tạo giáo dục và truyền tải kiến thức.
2. Lợi ích của workshop với doanh nghiệp và cá nhân
2.1. Lợi ích đối với tổ chức
2.1.1. Tiết kiệm chi phí marketing
Các doanh nghiệp hiện nay thường tổ chức workshop để thu hút các đối tượng khách hàng tiềm năng tới tham gia. Đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể truyền thông về các sản phẩm của mình, nghiên cứu tiềm năng thị trường và thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ.
Nội dung trong chương trình có thể liên quan một phần đến dịch vụ, sản phẩm của doanh nghiệp hoặc không liên quan đến công ty. Mục đích của hội thảo chỉ là thu hút càng nhiều người xem càng tốt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm marketing.
Trong quá trình diễn ra hội thảo, doanh nghiệp sẽ làm marketing trực tiếp bằng các hình ảnh, logo, ấn phẩm truyền thông trên màn hình chiếu, sổ tay phát cho khách hàng hay cả những voucher giảm giá để kích thích hành vi mua.
Ví dụ: Trung tâm tiếng Anh thì có thể tổ chức workshop về nội dung dạy con học tiếng Anh, phương pháp luyện thi, giao tiếp bằng tiếng Anh hoặc các nội dung về hot hướng tới đúng đối tượng mà trung tâm đang hướng tới về tâm lý, giới trẻ, kỹ năng đời sống,...
Như vậy, thay vì bỏ chi phí ra để chạy quảng cáo hàng chục, hàng trăm triệu đồng thì doanh nghiệp chỉ cần tổ chức hội thảo và mời những diễn giả, chuyên gia có tiếng về để nói chuyện. Còn khách hàng mục tiêu sẽ chủ động tìm đến để tham gia.
2.1.2. Mở rộng mối quan hệ
Tổ chức workshop còn giúp cho các doanh nghiệp có thể mở rộng mối quan hệ với những nhà đầu tư, đối tác, nhà phân phối có tiềm năng trên thị trường. Ở một số workshop đặc thù trong lĩnh vực kinh doanh, các doanh nghiệp sẽ cử đại diện công ty đến tham gia để gặp gỡ, giao lưu với những doanh nghiệp khác. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp có thể tiếp xúc và phát triển.
Ở một số workshop tổ chức với chi phí lớn, cần có sự tài trợ từ các doanh nghiệp. Hai bên tạo nên một mối quan hệ win - win. Doanh nghiệp A sẽ tài trợ cho hội thảo. Doanh nghiệp B sẽ truyền thông hình ảnh hoặc đưa ra những quyền lợi nhất định cho doanh nghiệp A. Tài trợ cho thể là hiện kim hoặc hiện vật.
Ví dụ: Trường học muốn tổ chức hội thảo hướng nghiệp cho sinh viên. Các doanh nghiệp sẽ đầu tư chi phí cho trường học tổ chức hội thảo này. Doanh nghiệp có chi phí đầu tư càng lớn sẽ càng được xuất hiện nhiều hơn trên các bài truyền thông của trường học về hội thảo.
2.2. Lợi ích với người tham gia
Đối với những cá nhân tham gia hội thảo, đây chính là cơ hội để họ học hỏi thêm các kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng làm việc - những kiến thức ở trường không dạy họ. Những người nói chuyện thường là những người có kinh nghiệm, chuyên môn trong một lĩnh vực nhất định, họ sẽ biết cách để thu hút người xem, dẫn dắt câu chuyện và đưa ra những ý tưởng tuyệt vời, linh hoạt trong xử lý tình huống để người nghe cảm thấy thú vị và đáng học hỏi.
Tham gia hội thảo còn tạo động lực cho người nghe, giúp cho họ thay đổi bản thân và hoàn thiện hơn bản thân từng ngày. Đôi khi, chỉ một nói cũng khiến thay đổi cả cuộc đời.
3. Phân loại các hình thức workshop
3.1. Phân loại theo mục đích
Với cách phân loại này, chúng ta sẽ có 3 hình thức workshop là chia sẻ kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm hoặc kỹ năng và workshop hướng tới mục đích marketing làm trọng tâm.
Hội thảo chia sẻ kiến thức: chăm sóc sức khỏe, các lĩnh vực học tập, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục, xây dựng.
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng: kỹ năng làm việc, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng và kinh nghiệm khởi nghiệp, bí quyết thành công.
Hội thảo với mục đích marketing: bất kể nội dung nào mà doanh nghiệp mong muốn, nhưng không đơn thuần là truyền tải kiến thức, kinh nghiệm mà luôn được gắn với lợi ích marketing của doanh nghiệp.
3.2. Phân loại theo cách tổ chức
Có 3 hình thức workshop được phân loại theo cách tổ chức, bao gồm: hội thảo trong hội trường, hội thảo trực tuyến hoặc kết hợp cả hai hình thức.
Hội thảo trong hội trường là hình thức phổ biến và được áp dụng nhiều nhất, đây là cách tối ưu được hiệu quả marketing cho doanh nghiệp kinh doanh và dễ dàng tiếp cận được khách hàng tiềm năng hơn.
Hội thảo trực tuyến là hình thức khá hiệu quả và linh hoạt, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh và công nghệ thông tin như hiện tại. Hội thảo trực tuyến ít tốn kém hơn, không giới hạn số lượng và đối tượng tham gia, có thể thu hút được nhiều người xem. Tuy nhiên, việc tiếp cận khách hàng lại không được trực quan như hội thảo trong hội trường. Nhưng đây chắc chắn là một hình thức hội thảo sẽ được ưa chuộng ở hiện tại và tương lai.
Hội thảo được kết hợp cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến: đây là hình thức tổ chức trực tiếp và phát trực tiếp trên truyền hình, mạng xã hội. Hình thức này có thể phục vụ cho những người có thể tham gia hội thảo và cả những người không thuận lợi về vị trí địa lý, mang lại hiệu quả cao nhất cho người tổ chức.
Trên đây là toàn bộ thông tin về workshop là gì. Mong rằng bạn đã tìm kiếm được thông tin cần thiết từ bài viết của chúng tôi.