Tổng hợp những cách xử lý nợ quá hạn của ngân hàng hiện nay
Tác giả: Bảo Vy
Khi đi vay ngân hàng, người đi vay sẽ thường quan tâm đến điều gì? Các gói vay, điều kiện vay, số tiền được vay, lãi suất vay, và đặc biệt là hãy chú ý đến thời hạn vay nhé. Bất cứ khoản vay ngân hàng nào cũng đều có thời hạn rõ ràng, khi đến hạn mà không thanh toán được tiền vay cũng như tiền lãi thì bạn đã bị liệt vào danh sách nợ quá hạn của ngân hàng. Khi bị liệt vào danh sách này, bạn sẽ phải chịu rất nhiều khó khăn và bất lợi, không chỉ liên quan đến khoản vay quá hạn hiện tại mà còn ảnh hưởng đến các nghiệp vụ vay tiền hay sử dụng thẻ ngân hàng sau này. Bạn có biết những cách xử lý nợ quá hạn của ngân hàng hiện nay là gì không?
1. Bạn biết gì về nợ quá hạn?
1.1. Nợ quá hạn là gì?
Nợ quá hạn là khoản nợ mà cá nhân hay tổ chức đi vay một tổ chức tín dụng nào đó có hợp đồng cam kết rõ ràng, nhưng đến thời hạn cần thanh toán khoản nợ lại không thực hiện được như đã thỏa thuận trước đó.
Khi đi vay tại các tổ chức tín dụng uy tín như ngân hàng, bạn sẽ phải ký kết hợp đồng vay tiền, trong đó ghi rõ thời gian vay, số tiền bạn vay, lãi suất, thời hạn thanh toán. Khi đến hạn mà bạn chưa thanh toán được đầy đủ số tiền gốc và lãi vay theo quy định, trường hợp của bạn được coi là một ví dụ điển hình của nợ quá hạn.
1.2. Phân loại nợ quá hạn
1.2.1. Phân loại dựa trên tài sản đảm bảo
Nợ quá hạn có tài sản thế chấp: Hầu như ngân hàng khi cho vay tiền đều yêu cầu bên đi vay lưu lại một khoản tài sản thế chấp nào đó để làm tín, để đề phòng trường hợp rủi ro người đi vay cố tình không thanh toán nợ và lẩn trốn. Tài sản thế chấp ở đây phải là tài sản có giá trị vật chất như giấy tờ nhà đất, sổ đỏ, sổ tiết kiệm, phương tiện giao thông, hợp đồng bảo hiểm,...Trong trường hợp người đi vay không thể thanh toán được khoản vay như đã cam kết, ngân hàng có quyền xử lý khoản nợ dựa trên tài sản đã thế chấp.
Nợ quá hạn không có tài sản thế chấp: Đây là khoản vay mà ngân hàng thực hiện dựa trên độ uy tín, tin cậy của mức thu nhập, tài khoản tín dụng của người đi vay để thực hiện cho vay theo yêu cầu cá nhân. Các khoản vay này thường không lớn và dễ thanh toán hơn. Trường hợp đi vay này có thể được gọi là vay tiêu dùng.
1.2.2. Phân loại dựa trên pháp luật hiện hành
Nợ quá hạn đủ tiêu chuẩn: Đây là các khoản nợ quá hạn dưới 10 ngày, ngân hàng đánh giá khoản nợ này vẫn có khả năng thu hồi cả gốc lẫn lãi và đúng thời hạn còn lại trong hợp đồng.
Nợ quá hạn cần chú ý: Đây là các khoản nợ đã quá hạn thanh toán từ 10 đến 90 ngày.
Nợ quá hạn dưới tiêu chuẩn: Khoản nợ này đã quá hạn thanh toán từ 91 đến 180 ngày.
Nợ quá hạn nghi ngờ: Khoản nợ đã quá hạn thanh toán từ 181 đến 360 ngày.
Nợ quá hạn có khả năng mất vốn: Khoản nợ quá hạn thanh toán trên 360 ngày, hay trên 1 năm.
1.3. Nợ quá hạn của ngân hàng có cần trả không?
Bất cứ ai khi đi vay đều phải tự ý thức được trách nhiệm phải hoàn trả lại đầy đủ số tiền đã vay kèm theo lãi nếu có. Đặc biệt là khi vay tiền ngân hàng, một tổ chức tín dụng lớn và uy tín sẽ có nhiều biện pháp đòi lại tiền. Do đó, bạn muốn trả thì trả, không muốn trả thì cũng phải trả. Bên cạnh đó, bạn không những phải thanh toán đầy đủ số tiền vay, lãi suất phát sinh mà còn phải gánh chịu nhiều sự trừng phạt thích đáng từ phía ngân hàng như:
Khi có khoản vay quá hạn, bạn phải gánh chịu phí lãi suất lên đến 150% so với lãi suất ban đầu, kèm theo đó là nhiều khoản phí dịch vụ khác.
Bị giảm uy tín và điểm tín dụng, bị đưa vào danh sách nợ xấu của ngân hàng. Người đi vay, người thân chung hộ khẩu cũng bị hạn chế khả năng vay vốn trong tương lai, lãi suất vay cũng tăng theo và khả năng sử dụng thẻ tại các ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Nếu khoản nợ quá hạn bị duy trì trong thời gian dài mà bên đi vay không có biện pháp xử lý thì ngân hàng có thể lập hồ sơ và khởi kiện tội danh chiếm đoạt tài sản.
Xem thêm: Các loại rủi ro tín dụng trong ngân hàng thường gặp
2. Ngân hàng xử lý nợ quá hạn như thế nào?
Xử lý nợ quá hạn là một trong những nghiệp vụ quan trọng trong tất cả các ngân hàng, họ có riêng một bộ phận chuyên tiếp nhận và xử lý các khoản nợ quá hạn, nợ xấu này theo quy định của pháp luật và các điều khoản trên hợp đồng đã thỏa thuận với người đi vay.
Ngân hàng sẽ thông báo khoản nợ đến cá nhân đi vay và đưa ra những phương án giải quyết phù hợp. Có thể yêu cầu người đi vay thanh toán khoản nợ trong thời hạn nhất định, hoặc sẽ thông báo việc xử lý tài sản thế chấp. Trong trường hợp không có tài sản thế chấp mà người đi vay lại có dấu hiệu lẩn trốn, không đưa ra phương án giải quyết ổn thỏa thì ngân hàng sẽ sử dụng những cách gắt gao hơn. Vậy đó là những biện pháp như thế nào cùng work247 tìm hiểu tiếp nội dung dưới đây:
2.1. Liên lạc với người đi vay để thông báo khoản nợ
Ngân hàng sẽ liên hệ đến số điện thoại, email, thư trực tiếp đến địa chỉ nhà của người đi vay để thông báo về khoản nợ đã quá hạn. Những thông tin này là những thông tin mà người đi vay đã kê khai trên hợp đồng vay tiền, vì vậy, một khi đã nợ tiền ngân hàng thì bạn có muốn trốn cũng không được. Họ sẽ liên tục gửi thông báo từ trước khi đến hạn thanh toán và cho đến trong một khoảng thời gian sau khi quá hạn để người đi vay nắm bắt được thông tin và nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
2.2. Thông báo đến cơ quan của người đi vay
Nếu thông báo đến chủ thể cá nhân vay tiền không có hiệu quả, ngân hàng sẽ chuyển sang thông báo đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà người đi vay đang công tác và làm việc. Khi thực hiện hợp đồng vay tiền, bạn chắc chắn đã phải kê khai tên công ty đang làm việc, vị trí và mức lương để làm căn cứ xem xét cho vay của ngân hàng. Do đó, đây cũng chính là thông tin mà ngân hàng ngay lập tức nắm bắt và có biện pháp đòi nợ rất khôn khéo. Chắc hẳn bạn cũng không muốn mỗi ngày đi làm lại bị đồng nghiệp dị nghị, đồn thổi là một con nợ dai như đỉa, rồi thì cũng chẳng ai dám cho bạn vay tiền nữa.
2.3. Bán nợ cho bên thứ 3
Nếu không thể tự đời nợ thì ngân hàng cũng có thể bán nợ cho bên thứ 3 và để họ thu hồi nợ. Khi đó, người đi vay lại trở thành con nợ của bên thứ 3 này chứ không phải nợ ngân hàng nữa, và tất nhiên họ cũng không cần giấy ủy quyền của ngân hàng khi đến tận nhà bạn để đòi nợ. Việc mua bán này hoàn toàn không hề phạm pháp.
2.4. Xử lý theo quy định của pháp luật
Trong một trường hợp khác, khi nợ quá hạn đã trở thành nợ xấu thì ngân hàng có thể làm đơn, tổng hợp các hồ sơ giấy tờ để kiện người đi vay ra tòa với tội danh chiếm đoạt tài sản. Tất cả các hợp đồng vay tiền và thỏa thuận trước đó đều trở thành bằng chứng để chống lại người đi vay nợ trước tòa. Vì vậy, trước khi ngân hàng đưa ra biện pháp nặng nề như thế này thì bạn nên thu xếp thanh toán khoản nợ trước thời hạn để tránh tiền mất tật mang.
Xem thêm: Vì sao cần phải biết tỷ giá bình quân liên ngân hàng là gì?
3. Cần làm gì để xử lý nợ quá hạn?
Cách khôn ngoan nhất để xử lý các khoản nợ quá hạn đó là tới ngân hàng và tìm kiếm sự tư vấn của các chuyên viên. Khi khách hàng không đủ khả năng để thanh toán nợ thì ngân hàng sẽ luôn tạo điều kiện để họ dễ thở hơn như gia hạn thêm thời gian hay giảm mức lãi suất quá hạn xuống.
Đừng nghĩ đến việc trốn tránh hay có ý định “nuốt” luôn khoản nợ này. Khi đã vay tiền ở ngân hàng và phát sinh các hợp đồng thỏa thuận thì tất cả đều liên quan đều liên quan đến pháp luật. Bạn không chỉ tự làm xấu đi uy tín và tên tuổi của mình mà người thân của bạn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm việc với các ngân hàng.
Trên đây là những cách xử lý nợ quá hạn của các ngân hàng mà bạn cần biết. Tóm lại, vay tiền ngân hàng là nghiệp vụ rất phổ biến cũng không hề khó, các ngân hàng cũng luôn tạo điều kiện để hỗ trợ cho người đi vay những gói vay với thời hạn và lãi suất hấp dẫn. Trả nợ đúng hạn là nghĩa vụ mà bất cứ ai cũng cần tự ý thức để thực hiện, không chỉ duy trì sự uy tín mà còn thuận lợi cho chúng ta trong những lần vay sau này. Nếu gặp khó khăn và không thể thanh toán được hãy tìm đến sự giúp đỡ và tư vấn từ ngân hàng cho vay nhé!