Giáo dục nghề nghiệp là gì? Bạn biết gì về giáo dục nghề nghiệp?
Tác giả: Trương Thanh Thanh 30-03-2024
Giáo dục nghề nghiệp đang là một trong những vấn đề nổi cộm của nền giáo dục nước ta trong những năm gần đây. Trong thời đại 4.0 hiện nay, giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam hiện đang đứng trước rất nhiều thách thức và cần có những biện pháp để chuyển mình sao cho phù hợp với xu thế phát triển. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu giáo dục nghề nghiệp là gì và cung cấp cho bạn đọc những thông tin liên quan.
1. Giáo dục nghề nghiệp là gì?
Giáo dục nghề nghiệp hay còn được gọi là giáo dục nghề, là một bậc học nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân ở nhiều nước. Giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo các trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng cùng các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác để cung cấp nguồn nhân lực trong kinh doanh, sản xuất, dịch vụ.
Giáo dục nghề nghiệp được coi là bước chuẩn bị cho nhân sự của các lĩnh vực như sau
- Thương mại
- Thủ công
- Kĩ thuật
- Y khoa, điều dưỡng
- Kế toán
- Luật pháp
- Kiến trúc
Giáo dục nghề nghiệp có hai hình thức đào tạo chính là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên.
Giáo dục nghề nghiệp có hai hoạt động chính là:
- Hoạt động thứ nhất là dạy nghề: Hoạt động này sẽ được các cơ sở, trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Hoạt động dạy nghề được áp dụng cho các đối tượng khác nhau và có số năm đào tạo tùy vào trình độ của người học: sơ cấp (dưới 1 năm), trung cấp và cao đẳng (1-3 năm)
- Hoạt động thứ hai là đào tạo trung cấp chuyên nghiệp: Số năm đào tạo trung cấp chuyên nghiệp tùy vào bậc học mà người học đã hoàn thành. Nếu người học đã tốt nghiệp trung học cơ sở thì thời gian đào tạo là từ 3 năm đến 4 năm. Còn người học đã tốt nghiệp trung học phổ thông thì sẽ được đào tạo trong thời gian từ 1 đến 2 năm.
2. Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục nghề nghiệp có những mục tiêu cụ thể như sau:
- Giáo dục, đào tạo người lao động có đầy đủ: kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp; đạo đức và lương tâm nghề nghiệp; ý thức - kỉ luật - tác phong công nghiệp, rèn luyện sức khỏe để đảm bảo khả năng tìm việc làm hoặc khởi nghiệp hoặc tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ, đáp ứng được nhu cầu về nhân lực, phát triển kinh tế và xã hội, xây dựng và củng cố nền an ninh quốc phòng toàn dân.
- Đào tạo người lao động ở trình độ trung cấp chuyên nghiệp thành những người có kĩ năng, kiến thức cơ bản cho nghề nghiệp, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, biết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
- Đào tạo người lao động với hình thức dạy nghề giúp bổ sung nhân lực có tay nghề cao, đủ khả năng trực tiếp tham gia sản xuất, năng lực hành nghề đảm bảo tương xứng với trình độ được đào tạo.
3. Thực trạng giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam hiện nay ra sao?
Thực trạng giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam hiện nay có những vấn đề nổi cộm như sau:
- Hệ thống các trường giáo dục nghề nghiệp có phạm vi rất rộng, phát triển đồng bộ và đang được đặt dưới sự quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hệ thống bao gồm các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Mặc dù có phạm vi rộng và được đầu tư về cơ sở hạ tầng nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tuyển sinh và đào tạo.
- Giáo viên trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay có trình độ cao, đều tốt nghiệp đại nhưng không được đào tạo và bồi dưỡng về nghiệp vụ dạy nghề nên khi bắt đầu công tác dạy nghề thì họ đều khá bỡ ngỡ và khó thích ứng được với môi trường giáo dục chuyên nghiệp. Họ cần được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ thường xuyên nhưng điều kiện cơ sở vật chất và người đứng ra tổ chức đào tạo, tham gia đào tạo còn thiếu hụt.
- Chương trình đào tạo đều do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự đăng kí và tự chủ. Vì vậy, chương trình đào tạo hầu như đều đã cũ và không cập nhật phù hợp với tình hình thị trường lao động hiện nay do út được đầu tư thời gian nghiên cứu, biên soạn.
- Chuẩn đầu ra giáo dục nghề nghiệp được xây dựng và thí điểm trong năm 2018 giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có căn cứ để hình thành chương trình đào tạo, đưa các chương trình từ nước ngoài vào triển khai. Nhưng các cơ sở giáo dục đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo chất lượng đầu ra của đội ngũ lao động khi họ bước vào thị trường lao động hội nhập sâu rộng như hiện nay.
- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phân bố chưa đồng đều trên khắp cả nước dù số lượng không hề nhỏ (khoảng 2000 cơ sở). Ở những nơi có nhiều cơ sở đào tạo thì lại thiếu người học. Ở nơi có nhiều người có nhu cầu học thì lại thiếu hụt cơ sở đào tạo. Có thể thấy, việc phân bố các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa hợp lý và chưa đáp ứng được nhu cầu nhân lực. Để khắc phục tình trạng này, việc quy hoạch các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần được triển khai nhanh chóng.
Xem thêm: Các công việc liên quan đến Giáo dục có cơ hội việc làm cao
4. Những biện pháp giúp giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam chuyển mình
4.1. Đổi mới tư duy và phương pháp dạy học
Đây là biện pháp cần được thực hiện đầu tiên và bắt buộc phải làm bởi vì thị trường lao động đang có những sự thay đổi vô cùng lớn do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việc đổi mới tư duy và phương pháp dạy học sẽ giúp người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, thích ứng và bắt kịp được với xu thế phát triển, tăng năng suất lao động. Trong quá trình đào tạo, việc học thực hành cần được chú trọng nhiều hơn. Các lớp học cần được kết nối các thiết bị thông minh. Việc học trực tuyến cũng cần được triển khai. Ngoài ra, người học còn phải được trang bị kĩ năng ngoại ngữ, kĩ năng làm chủ công nghệ, kĩ năng giải quyết tình huống.
4.2. Tiến hành hợp tác giáo dục nghề nghiệp
Việc tiến hành hợp tác giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và các nước trong khu vực và trên thế giới giúp người học bắt kịp được với xu thế phát triển, tiếp cận được với các tiến bộ khoa học công nghệ một cách nhanh chóng. Nhờ có sự hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp, người học sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, có điều kiện cải thiện khả năng ngoại ngữ, có khả năng tham gia vào thị trường lao động quốc tế, đáp ứng được xu hướng dịch chuyển lao động toàn cầu, hệ thống giáo dục cũng được cải thiện và nâng cấp.
4.3. Trao quyền cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Việc trao quyền cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện ở các khía cạnh sau:
- Được quyền xây dựng kế hoạch hoạt động
- Tự quyết về việc thực hiện các nhiệm vụ
- Tự đảm bảo việc cung cấp các dịch vụ đạt tiêu chuẩn
- Tự chủ về nhân sự và tổ chức
+ Toàn quyền quyết định về các vấn đề liên quan đến thành lập, cơ cấu lại, sát nhập, chia tách, giải thể
+ Đặt ra các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động
- Tự chủ tài chính: Thay đổi cách thức đầu tư từ ngân sách nhà nước để có thể đặt ra cơ chế giá dịch vụ đào tạo hợp lý
- Phát triển dịch vụ công
+ Các cơ quan xã hội sẽ tiến hành cung ứng dịch vụ giáo dục nghề nghiệp. Nhà nước chỉ phát triển những trường chất lượng cao, ngành, nghề có nhu cầu nhưng ít cơ sở đào tạo, chấp nhận thước đo của thị trường lao động.
+ Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp sẽ được đa dạng hóa, giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.
+ Xây dựng cơ chế thanh kiểm tra hợp lý nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của các cơ sở giáo dục đào tạo
4.4. Tiến hành tập trung đào tạo năng lực
Để thực hiện được việc này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần làm được những công việc sau:
- Chương trình đào tạo cần được đổi mới, phải xây dựng theo cơ sở tiêu chuẩn kĩ năng nghề quốc gia của hiệp hội nghề nghiệp. Các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động được tham gia xây dựng chương trình. Nội dung chương trình đào tạo bên cạnh lý thuyết cần bổ sung thêm các nội dung: an toàn vệ sinh lao động, kĩ năng mềm, đạo đức nghề nghiệp, bảo về môi trường, nhân quyền, phòng chống tham nhũng, phát triển năng lực sáng tạo, tăng giờ thực hành,...
- Tổ chức đào tạo cần được bổ sung công nghệ đào tạo tiên tiến ở các nước phát triển, đổi mới phương pháp dạy và học nhằm phát huy sự chủ động của người học.
- Hình thức kiểm tra đánh giá cần có sự tham gia của các hiệp hội nghề nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của nước ngoài, cần có sự độc lập trong việc đánh giá và cấp chứng chỉ, văn bằng cho người học.
- Nâng cao trình độ nhà giáo, cán bộ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Đội ngũ giáo viên, cán bộ sẽ được các đơn vị sử dụng lao động, các doanh nghiệp đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn. Giáo trình, tài liệu đào tạo cần đổi mới, phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức sắp xếp giáo viên, cán bộ phù hợp với năng lực.
- Nâng cấp và đổi mới các trang thiết bị dạy học để người học có điều kiện thực hành và nâng cao tay nghề nhiều hơn.
Việc làm công chức - viên chức
5. Tìm hiểu về Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014
Luật Giáo dục nghề nghiệp được kí và ban hành ngày 6 tháng 12 năm 2014, căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Bộ luật này gồm 8 chương, 79 điều, quy định cụ thể về các vấn đề như sau:
- Những quy định chung
- Cơ sở giáo dục nghề nghiệp
- Hoạt động hợp tác đào tạo và đào tạo quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp
- Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp
- Nhà giáo và người học
- Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp
- Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp
- Điều khoản thi hành
Bộ Luật này nhìn chung đã có các quy định khá cụ thể và chặt chẽ về giáo dục nghề nghiệp cùng các vấn đề liên quan. Bạn nên có sự tìm hiểu kĩ lưỡng nếu chọn đi theo con đường này để hiểu và nắm rõ quyền và lợi ích của mình khi tham gia vào bậc học giáo dục nghề nghiệp.
Bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu giáo dục nghề nghiệp là gì và nắm bắt được các thông tin liên quan đến giáo dục nghề nghiệp. Hy vọng bạn sẽ thành công cho dù lựa chọn giáo dục nghề nghiệp để theo học và phát triển năng lực của bản thân