Cùng bàn luận: Sinh viên nên làm thêm việc gì là phù hợp nhất
Tác giả: Nguyễn Minh Tâm 10-05-2024
Đối với sinh viên, song song với việc học luôn kèm theo đó là tìm kiếm công việc làm thêm. Điều này cũng dễ hiểu khi mà các bạn bắt đầu đủ 18 tuổi để có thể lao động và tạo ra nguồn thu nhập cho chính mình. Việc làm thêm không chỉ giúp các bạn có thêm tiền chi trả sinh hoạt phí, nuôi một đam mê, sở thích tuổi trẻ, mà nó còn là cơ hội để các bạn tiếp xúc với xã hội và có những kỹ năng giao tiếp, đối nhân xử thế cho mình. Tuy nhiên không phải việc làm thêm nào cũng tốt, và cũng đem lại những lợi ích như kỳ vọng của các bạn. Vậy thì câu hỏi đặt ra là “sinh viên nên làm thêm việc gì”, chúng ta hãy cùng đi tìm lời giải đáp trong bài viết hôm nay.
1. Tình hình đi làm thêm của sinh viên hiện nay
Với số lượng lao động tại Việt Nam hiện nay, chiếm một lượng lớn đó là các bạn trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 23 tuổi, đặc biệt là nhóm đối tượng sinh viên. Đây được xem là lực lượng lao động khỏe mạnh và năng suất nhất về cả sức lao động chân tay lẫn lao động trí óc. Tuy nhiên, vì nhiệm vụ chính của nhóm đối tượng này vẫn là học cho nên hầu hết hình thức việc làm mà các bạn chọn là làm thêm. Sinh viên khi tham gia làm thêm có thể tranh thủ vào những giờ ngoài giờ học để làm các công việc part time, trả công theo giờ để kiếm thu nhập, hoặc cũng có thể là các công việc làm tại nhà, trả lương theo sản phẩm làm được. Nhìn chung nhu cầu của sinh viên làm thêm là hầu hết có ở các đối tượng này không nhất thiết là những sinh viên ở các tỉnh xa đến thành phố học và làm việc.
Việc sinh viên đi làm thêm cũng là điều dễ hiểu khi mà ở độ tuổi này, các bạn đều mong muốn có được một nguồn thu riêng, không phụ thuộc vào gia đình để phục vụ cho các nhu cầu về học, giải trí của từng bạn. Hơn nữa đối với những đơn vị tuyển dụng nhóm đối tượng này, họ cũng nhận thấy chi phí nhân công để trả cho sinh viên làm thêm ít hơn rất nhiều so với những đối tượng khác. Vì thế mà nguồn cầu lao động là sinh viên đi làm thêm tăng lên, cơ hội việc làm dành cho các trẻ nhiều hơn, đánh trúng vào tâm lý trải nghiệm môi trường làm việc lúc bấy giờ. Tất cả những điều đó đã tạo ra một thị trường việc làm thêm sinh viên sôi động không kém cạnh các thị trường lao động khác, đặc biệt là ở các tỉnh thành lớn, nơi tập trung của nhiều trường đại học, cao đẳng như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, …
2. Sinh viên có nên đi làm thêm hay không?
2.1. Bài toán khó giải của việc “người đi học” đòi “đi làm”
Cho đến bây giờ người ta vẫn tranh cãi với nhau về việc sinh viên có nên đi làm thêm hay không. Bởi lẽ đây là đối tượng vẫn đang chịu sự quản lý của nhà trường và gia đình dưới môi trường mô phạm. Nói một cách khác thì các bạn vẫn chưa hoàn thiện về chuyên môn lẫn con người và vẫn trong quá trình giáo dục của nhà nên không có đủ cơ sở để đi làm. Bên cạnh đó thì rất nhiều trường hợp cho thấy, nhiều bạn sinh viên vì mải mê với các công việc kiếm tiền tay chân mà bỏ bê việc làm khiến quá trình học bị gián đoạn hoặc đứt quãng giữa đường. Chưa kể còn rất nhiều các hệ lụy xung quanh khác. Chính vì vậy người ta lo ngại việc để “người đi học” đi làm để “kiếm tiền”.
Tuy nhiên số người khác lại cho rằng, sinh viên cần việc làm thêm như một bản lề quan trọng giúp cho các bạn có thể có được những kiến thức xã hội mà ở nhà trường sẽ không dạy hết. Về pháp luật, đối tượng sinh viên đã có đầy đủ khả năng về hành vi để có thể sử dụng chất xám và sức lao động của mình cho mục đích kiếm tiền. Không những thế nó còn là tất yếu đối với sự bình ổn của thị trường đặc biệt là về giá thành khi chi phí nhân lực là một phần không nhỏ trong việc định giá một sản phẩm bán ra thị trường. Và ai cũng biết sinh viên là nhóm lao động cho chi phí thấp nhưng hiệu suất làm việc lại cao. Chốt lại, họ cho rằng khi sinh viên không đi làm thêm sẽ bỏ phí một lượng lao động dồi dào và những công việc đó bắt buộc phải thuê nhóm đối tượng khác có chi phí cao hơn, dẫn đến thị trường đắt đỏ hơn.
Đọc thêm: Việc làm thêm buổi tối tại Hà Nội
2.2. Mặt trái và mặt phải của việc sinh viên đi làm thêm
Đối với bất kỳ một vấn đề nào cũng luôn tồn tại hai mặt của nó, đương nhiên việc sinh viên đi làm thêm cũng không ngoại lệ. Chúng ta có thể thấy rằng rõ ràng những ngành học nghiệp vụ như: sư phạm, báo chí, … đa số đều được nhà trường khuyến khích đi làm thêm từ năm thứ hai. Bởi vì các bạn bắt buộc phải làm quen dần với môi trường làm việc, làm quen dần với nghiệp vụ để có thể gạt bỏ những bỡ ngỡ sau khi tốt nghiệp. Việc làm thêm rèn cho các bạn sinh viên không chỉ là những kinh nghiệm sống, những bài học mà nó còn là nơi giúp các bạn nhận thức được giá trị đồng tiền do chính công sức mình làm ra.
Tuy nhiên mặt trái của những cái “lợi” ấy chính là tình trạng bóc lột sức lao động ở Việt Nam hiện nay. Theo khảo sát, 85% sinh viên tại Mỹ kết hợp làm thêm trong khi đi học, điều này có thể dễ nhận thấy trong các bộ phim học đường Mỹ mà các bạn đã từng xem. Trong khi đó, tại Việt Nam con số chỉ dừng lại ở 30%, thế nhưng chúng ta lại không thể kiểm soát nổi việc lừa đảo, bóc lột, và những hệ lụy xung quanh đó đối với thế hệ trẻ sinh viên. Nếu chúng ta còn nhớ vụ lừa đảo sinh viên làm thêm cách đây 3 năm của một trung tâm gia sư ở Cầu Giấy hẳn vẫn còn nóng mắt với hình ảnh đánh đập và ngang tàng của những kẻ lợi dụng sinh viên làm thêm mà không thể làm gì.
Những điều này là do các chế tài xử phạt của Việt Nam còn chưa nghiêm, cũng như việc định hướng việc làm thêm cho sinh viên chưa thực sự được chú trọng, thay vì hướng đến kinh nghiệm thì chúng ta chỉ nghĩ đến cái lợi về kinh tế. Vậy nên nó cũng lý giải vì sao cũng là đi làm thêm nhưng sinh viên Việt Nam thì không mang lại hiệu quả gì và tạo ra cuộc tranh luận “nên hay không”, trong khi các nước Châu Mỹ và Châu Âu lại khuyến khích sinh viên đi làm thêm nhiều hơn.
3. Định hướng đúng đắn cho việc làm thêm của sinh viên
Nói tóm lại, việc đi làm thêm của sinh viên là một việc cần thiết tuy nhiên chúng ta cần phải có một định hướng đúng đắn dành cho các bạn. Không chỉ dừng lại ở việc đón cái lợi trước mắt, mà cần phải cân đo đong đếm về cái “được” và cái “mất” từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc công việc đó. Vậy đâu là những tiêu chí để để các bạn sinh viên có thể chọn cho mình một việc làm thêm tốt nhất?
Đọc thêm: Cách chi tiêu hợp lý cho sinh viên
3.1. Tiêu chí để lựa chọn việc làm thêm sinh viên phù hợp
Thứ nhất, các bạn cần xác định rõ rằng việc làm thêm chỉ mang tính chất là “làm thêm” chứ không phải “làm chính” cho nên các bạn cần ưu tiên nhiều hơn cho việc học và chỉ làm khi không ảnh hưởng đến việc học. Để làm được điều này các bạn cần xem xét về thời gian làm việc của các công việc làm thêm đó. Ví dụ các bạn đi học vào các buổi sáng thì có thể lựa chọn việc làm thêm vào buổi chiều hoặc buổi tối, và dành một khoảng thời gian trong ngày cho việc chuẩn bị bài và ôn bài ở nhà kết hợp với giải trí. Không nên dành toàn bộ thời gian ngoài giờ học trên trường để đi làm. Với tiêu chí về thời gian này thì số lượng giờ làm việc thêm của bạn chỉ nên kéo dài từ 3,5 - 4 tiếng một ngày (bằng một nửa thời gian làm việc của những lao động chính thức theo quy định của Bộ Lao động).
Thứ hai, tiêu chí quan trọng nhất trong việc lựa chọn việc làm thêm sao cho đúng đắn, đó chính là dựa vào tính chất công việc. Ở đây, các bạn nên lựa chọn những công việc mà sẽ liên quan trực tiếp đến ngành học của bạn, hoặc công việc ấy có thể rèn luyện một kỹ năng nào đó trong sự nghiệp sau này của bạn. Đối với một số ngành nghiệp vụ, các bạn hãy chọn chính những công việc đó tuy nhiên dưới cách thức làm việc là thực tập sinh, công tác viên. Vì ở hình thức này, các bạn có thể vừa kết hợp làm việc lẫn được đào tạo thêm các kỹ năng về nghiệp vụ của mình. Bên cạnh đó thì các bạn cũng có thể tìm kiếm được cơ hội nghề nghiệp sau quá trình làm việc ở đó. Ngoài ra, những công việc làm thêm nhấn mạnh vào kỹ năng giao tiếp cũng tương đối phù hợp để các bạn phát triển kỹ năng mềm ở môi trường làm việc sau.
Tìm việc làm sinh viên bán hàng
3.2. Gợi ý các việc làm thêm nên làm nhất cho sinh viên
Vậy chốt lại, sinh viên nên làm thêm việc gì? Dưới đây sẽ là 4 gợi ý tốt nhất, phù hợp nhất với các bạn sinh viên, đáp ứng được mục đích chính cho việc đi làm thêm ở thế hệ sinh viên.
Cộng tác viên viết bài: Công việc này đặc biệt phù hợp với các bạn đang theo học các ngành báo chí. Tuy nhiên sinh viên các ngành khác cũng có thể lựa chọn do việc làm này không cần trực tiếp đến cơ quan, mà các bạn có thể làm tại nhà, hoặc tranh thủ trong các chuyến du lịch, cuộc vui chơi. Nó sẽ rèn cho các bạn kỹ năng viết lách cũng như bổ sung kiến thức về xã hội.
Gia sư: Nhiều người cho rằng chỉ những sinh viên sư phạm mới nên làm gia sư, thế nhưng bạn hoàn toàn có thể sử dụng lại những kiến thức mà mình đã từng học ở THPT để có thể truyền lại cho các em học sinh. Cùng với đó thì các bạn cũng có được những trải nghiệm mới mẻ về việc giáo dục cũng như những đức tính tốt trong việc làm gương cho các bạn học sinh.
Nhân viên marketing online: Nghe thì có vẻ cao siêu nhưng công việc này hiện đang rất thu hút đối tượng sinh viên. Do các bạn là người hiểu rất rõ về mạng xã hội, internet cho nên có thể nhanh chóng bắt kịp các xu hướng, phục vụ công tác marketing thương hiệu. Kèm theo đó thì bạn cũng bồi dưỡng thêm những kỹ năng trong ngành truyền thông, kinh tế và tiếp thị.
Phiên dịch viên: Ngoại ngữ luôn là một phần tất yếu đối với kỹ năng để đi làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Vậy nên những công việc giúp các bạn nâng cao được trình độ ngoại ngữ của mình như phiên dịch viên là vô cùng bổ ích. Các bạn có thể làm công việc này tại nhà hoặc cũng có thể làm phiên dịch parttime tại các công ty nước ngoài, lễ tân của khách sạn, nhà hàng, …
Hy vọng rằng những thông tin trên đã giúp các bạn tự tìm được câu trả lời cho “Sinh viên nên làm thêm việc gì?”. Từ đó, các bạn có thể xác định được đúng đắn và chính xác con đường học và làm thêm, giúp ích được cho chính tương lai và sự nghiệp của mình.