Rào cản thương mại là gì? Ảnh hưởng hai mặt của rào cản thương mại
Theo dõi work247 tạiCó một rào cản luôn tồn tại trong các giao dịch thương mại quốc tế, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của một quốc gia, tác động đến nền kinh tế toàn cầu. Chúng được gọi là rào cản thương mại. Vậy rào cản thương mại là gì và ý nghĩa sự tồn tại của rào cản thương mại? Hôm nay, work247.vn sẽ giúp bạn làm rõ khái niệm đó
1. Rào cản thương mại là gì?
Rào cản thương mại quốc tế (Trade Barrier) đề cập đến những hạn chế nhất định trong giao thương hàng hóa quốc tế do một quốc gia đặt ra để bảo vệ hàng hóa của quốc gia đó.
Nhìn chung, hình thức thể hiện chủ yếu của các rào cản thương mại là các khoản chi phí cộng thêm và một số giới hạn nhất định áp lên hàng hóa xuất nhập khẩu. Những chi phí hoặc giới hạn này có thể khiến giá nhập khẩu cao hơn giá trị ban đầu nhiều hoặc rất nhiều lần. Từ đó tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nội địa.
Tuy nhiên không phải quốc gia nào cũng có thể tự do áp đặt các rào cản thương mại một cách không có tổ chức. WTO ra đời đánh dấu sự chấm dứt của một số rào cản thương mại đã từng được sử dụng và hệ thống lại các chế định liên quan đến rào cản thương mại.
Các hiệp định liên quan đến rào cản thương mại có thể kể đến như: hiệp định TBT (hiệp định về rào cản kỹ thuật đối với thương mại, hiệp định GATT ( hiệp định chung về thuế quan và thương mại), hiệp định SCM (hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng)...
Xem thêm: Giải đáp thắc mắc hoạt động xúc tiến thương mại là gì?
2. Các hình thức rào cản thương mại
Hiện nay, trên thế giới vẫn phổ biến 3 loại rào cản thương mại đó là: Thuế quan, phi thuế quan và hạn ngạch. Sở dĩ 3 hàng rào này vẫn được sử dụng nhiều là bởi chúng đáp ứng được tác dụng bảo vệ và không gây ảnh hưởng quá lớn đến nền kinh tế toàn cầu.
2.1. Hàng rào thuế quan (Tariffs)
Thuế quan là một khoản chi phí có cơ sở tính toán rõ ràng dựa trên quy định đã được đưa ra của quốc gia và các tổ chức kinh tế thế giới, áp lên một mặt hàng khi đi qua biên giới của một quốc gia. Do đó, thuế quan trở thành một đơn vị cấu thành nên giá cả của hàng hóa.
Thuế quan là hình thức rào cản thương mại được sử dụng rộng rãi nhất và có nguồn gốc từ lâu đời. Nếu trước kia, từ những thời kì phong kiến và cận đại, các mức thuế quan sẽ được nhà nước quy định thì ngày nay, thuế quan sẽ chịu sự quy định của quốc gia và hiệp định quốc tế mà quốc gia đó tham gia.
Tùy vào từng mục đích mà thuế quan có thể được điều chỉnh. Ví dụ như khi quốc gia muốn hạn chế xuất nhập khẩu, quốc gia sẽ tăng mức thuế lên và ngược lại. Trong nhiều trường hợp, thuế quan được đặt ra để trở thành công cụ chống bán phá giá, trợ cấp tiền tệ và kiểm soát vấn đề thao túng tiền tệ bất hợp pháp.
Mức thuế các chủ hàng nộp cho Hải quan sẽ được đưa về nhập vào ngân sách của nhà nước và phục vụ những mục đích sau này của chính phủ.
2.2. Hàng rào phi thuế quan (Non-tariffs)
Ngược lại với hàng rào thuế quan chính là hàng rào phi thuế quan. Nếu như thuế quan sử dụng trực tiếp đồng tiền làm rào cản thì phi thuế quan lại hiện diện bằng các quy định hạn chế giao dịch thương mại đánh vào chất lượng, giấy phép, kỹ thuật sử dụng…
Hàng rào phi thuế quan chính vì vậy mà đa dạng hơn so với hàng rào thuế quan và hiện diện bằng nhiều quy định như:
- Đặt ra các yêu cầu về nội dung hàng hóa như chất lượng, số lượng, phẩm chất hàng hóa: thường đối với các mặt hàng nông sản, may mặc, kỹ thuật…
- Đặt ra hạn chế đối với các hàng hóa thuộc danh sách các vật phẩm nguy hiểm như vũ khí, thuốc nổ…
- Trợ cấp cho sản phẩm trong nước.
2.3. Hạn ngạch (Quota)
Hạn ngạch được hiểu là số lượng tối đa mà một mặt hàng có thể được xuất khẩu hoặc nhập khẩu trong một thời kỳ nhất định, thường là một năm.
Quy định về hạn ngạch giúp cho Chính phủ có thể kiểm soát và nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu cũng như tác động của các mặt hàng đó đối với nền kinh tế đất nước, qua đó có thể bảo hộ cho sản phẩm nội địa.
Tuy nhiên đã có những trường hợp lợi dụng sơ hở của hạn ngạch để làm biến tướng nó trở thành những danh mục quản lý như: Quản lý theo kế hoạch, quản lý theo chuyên ngành, quản lý có điều kiện…
3. Tác động của rào cản thương mại
Nhìn chung, mỗi rào cản được đặt ra đều có 2 mặt ảnh hưởng tiêu cực và tích cực, work247 sẽ phân tích cho bạn 2 mặt của rào cản thương mại.
3.1. Tích cực
Về mặt tích cực có thể kể đến 3 điều sau:
- Rào cản thương mại được sinh ra để bảo vệ hàng hóa nội địa khi mà các hàng hóa quốc tế xuất hiện trên thị trường của một quốc gia. Từ đây, hàng hóa nội địa sẽ được kích thích tiêu dùng và tăng khả năng cạnh tranh so với hàng hóa đến từ các khu vực khác.
- Rào cản thương mại và đặc biệt là thuế quan đã và đang đem lại một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước, phục vụ và duy trì nền kinh tế xã hội của nước đó.
- Rào cản này cũng bảo vệ an ninh của quốc gia đó khi mà hạn chế các mặt hàng vũ khí gây sát thương cho con người và động vật
3.2. Tiêu cực
Thực tế những tiêu cực này đã được nhìn thấy và xảy ra đối với một số nền kinh tế:
- Kinh tế nội địa nếu được bao bọc quá mức sẽ trở nên phụ thuộc, dẫn đến sự thụt lùi và lạc hậu trong các ngành công nghiệp.
- Hạn chế hoạt động giao thương xuất nhập khẩu cũng dẫn đến hạn chế mở rộng thị trường, đón nhận các nguồn đầu tư từ nước ngoài, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, làm chậm quá trình phát triển kinh tế nước nhà.
- Vô hình chung, các rào cản thương mại này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng hạn chế cơ hội được tiếp cận và sử dụng đa dạng các mặt hàng.
- Nhiều rào cản thương mại được đặt ra đã gây tác động xấu đến quan hệ ngoại giao giữa các nước với nhau.
Xem thêm: Bật mí khái niệm của phòng vệ thương mại là gì? Những đặc trưng
4. Pháp luật Việt Nam đối với rào cản thương mại
Để tìm hiểu các nội dung liên quan đến rào cản thương mại của Việt Nam, bạn có thể tìm đọc những quy định rõ ràng trong Luật Quản lý Ngoại thương năm 2017, Luật Thương mại. Luật Thuế xuất nhập khẩu 2016, Luật Hải quan 2014… và các nghị định, thông tư liên quan.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang là một thành viên của WTO đồng thời tham gia các Hiệp định quốc tế như Hiệp định thương mại tự do FTA với nhiều quốc gia khác, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CTPPP… Do đó mọi quy định liên quan đến thuế quan, hàng rào phi thuế quan, hạn ngạch xuất nhập khẩu đều sẽ tuân theo và không mâu thuẫn với quy định của WTO và các Hiệp định quốc tế, Hiệp định song phương đã ký kết.
Việt Nam cũng đã từng là nạn nhân của rào cản thương mại và đã dần thoát ra, tạo thế chủ động trước những rào cản thương mại đó. Đồng thời việc tham gia vào các tổ chức thương mại quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do FTA đã giúp Việt Nam dần xóa bỏ được những trở ngại đó.
Nhìn chung, mục tiêu hướng đến một nền kinh tế tự do trên toàn cầu vẫn sẽ còn nhiều khó khăn. Các quốc gia non trẻ và năng động như Việt Nam đang cần nhiều hơn sức mạnh của nền kinh tế nước nhà để vươn tầm ra thế giới. Phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của các rào cản thương mại vẫn là vấn đề quan trọng cần được cân nhắc trong mỗi lần điều chỉnh các quy định.
Hy vọng bài viết đã giải đáp cho bạn thắc mắc rào cản thương mại là gì?
411 0