Giải đáp những thắc mắc cụ thể về công việc của phóng viên
Tác giả: Phạm Hồng Ánh 22-08-2024
Công việc của phóng viên bao gồm nhiều những hoạt động khác nhau nhằm mục đích đưa tới độc giả, khán giả những tin tức một cách kịp thời, chân thực và chính xác nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu để có được những nguồn tin đó, người làm phóng viên đã phải trải qua những gì, đối mặt với những điều gì để gắn bó với nghề “tìm ra sự thật” cao quý này.
1. Phóng viên là gì?
Phóng viên là những người hoạt động trong lĩnh vực viết báo, đưa tin dưới dạng bài viết, hình ảnh, ký sự, phóng sự,... về một vấn đề xã hội đương thời tới với quần chúng nhân dân hoặc một nhóm những người thuộc một cộng đồng. Ở cuối bài viết, bài tin họ thường ký tên bằng bút danh hay tên thật người viết. Một phóng viên thường sẽ làm việc cho đài truyền hình, đài phát thanh, tòa soạn báo, một thông tấn xã hay một cơ quan báo chí khác. Tuy nhiên, cũng có những phóng viên tự do cũng làm việc viết báo, đăng tin tức trong ngành báo chí nhưng lại không thuộc bất kỳ một cơ quan, tổ chức nào.
Phóng viên là một lĩnh vực công việc vô cùng quan trọng trong đời sống của con người khi họ chính là đội ngũ những con người tiên phong truyền tải, phản ánh những thông tin kịp thời, chính xác nhằm đưa đến sự chân thật, minh bạch nhất trong toàn bộ thông tin liên quan đến xã hội con người. Họ chính là những người lan rộng những thông tin đúng đắn, đáng tin cậy để mọi người có được một nguồn tin hữu ích, có được nhận thức chân thật về những gì đang diễn ra xung quanh mình, trong xã hội và trên thế giới.
Công việc của phóng viên tưởng như đơn giản nhưng phía sau lại mang đầy những nỗi hy sinh thầm lặng vì lòng yêu mến, kinh trọng cái nghề cao quý mà mình đang làm. Họ khát khao được tìm ra sự thật trong cuộc sống mà có thể vì thế ảnh hưởng đến những lợi ích của một nhóm người, đi ngược lại với những ý kiến của số đông. Việc làm này bao hàm rất nhiều những yếu tố nguy hiểm mà người phóng viên là người dũng cảm vượt qua để hoàn thành được sứ mệnh của mình.
2. Công việc của phóng viên gồm những hoạt động nào?
2.1. Thu thập, cập nhật thông tin một cách nhanh chóng, chính xác
Là một phóng viên, thực hiện những công việc liên quan đến tin tức cần sự nhanh nhạy và chính xác. Họ luôn trong trạng thái sẵn sàng đón nhận một thông tin mới, nhạy cảm trước những tin tức về các vấn đề trong đời sống và xã hội để kịp thời thông báo, đưa tin đến mọi người. Những nguồn tin mà một phóng viên sử dụng rất đa dạng. Ta có thể thấy đối khi chính phóng viên là những người trực tiếp đến hiện trường xảy ra vụ việc để đưa tin bằng những trải nghiệm, hình ảnh, âm thanh, thước phim sống động nhưng đôi khi, họ cũng sử dụng những nguồn tin từ các tài liệu đáng tin cậy để đưa tin.
Việc đưa tin, tổng hợp nguồn tin của một phóng viên không hề dễ dàng khi họ phải có những điều kiện đặc biệt để tiếp cận nguồn tin uy tín, tổng hợp đủ đầy từ những nguồn đa dạng khác nhau sau đó sử dụng khả năng phân tích, đánh giá, cái nhìn khách quan để truyền tải một cách chính xác nhất đến với mọi người, tránh dây ra những hiểu lầm, sai lệch về thông tin.
2.2. Trực tiếp làm phỏng vấn, phóng sự, viết bài
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất của một người phóng viên. Để viết được những bài báo hay, truyền tải được những tin tức hữu ích cho người dân, người làm báo phải tự mình chủ động đi tìm kiếm những nguồn tin của chính mình. Khi họ quan tâm đến một vấn đề nào đó trong xã hội, việc trực tiếp thực hiện phỏng vấn, phóng sự, điều tra là lựa chọn có tính chính xác và trực tiếp nhất đối với một người phóng viên. Nhờ những hoạt động này, có có thể đánh giá và tiếp xúc trực tiếp với vấn đề, đánh giá một cách chính xác rồi truyền tải lại với độc giả.
Tuy nhiên, đây là một công việc khá khó khăn, vất vả và vô cùng nguy hiểm. Không phải ai, đối tượng nào cũng chấp nhận hợp tác với phóng viên trong quá trình làm việc, họ cần phài có một lòng kiên trì, yêu nghề, gắn bó sâu sắc mới có thể khai thác được những tin tức quý giá, có ích cho bài viết của mình.
2.3. Thực hiện những mục tin chuyên đề theo chỉ thị
Không phải lúc nào phóng viên cũng có thể tự do khai thác những vấn đề mà bản thân họ quan tâm mà thường thì các phóng viên sẽ được phân chia vào các nhóm hoạt động chung hoặc phân theo cá nhân để làm việc theo những chuyên đề tin tức được đưa ra bởi cấp trên. Tùy vào năng lực và chuyên môn, lợi thế của mỗi phóng viên mà họ có thể sẽ được phân vào các chuyên đề khác nhau.
Các chuyên đề có nội dung rất đa dạng, trải dài trên nhiều khía cạnh, lĩnh vực của đời sống, đòi hỏi người làm phóng viên phải có lượng kiến thức và kỹ năng nghề đủ thuần thục, nhuần nhuyễn để hoàn thành nhiệm vụ được giao phó.
3. Yêu cầu của nghề phóng viên
3.1. Trình độ học vấn
Nghề phóng viên là một trong những nghề ảnh hướng lớn đến xã hội, vì vậy, bạn phải có ít nhất là bằng cao đẳng trong lĩnh vực, ngành học liên quan đến báo chí. Đây là điều kiện để đảm bảo chất lượng chuyên môn cho những thông tin được đưa ra trong đời sống xã hội phải có được sự phân tích kỹ càng, đúng đắn, có trình độ, chuyên môn và định hướng đúng với những gì sự việc thực chất thể hiện.
Tùy vào những cơ sở báo chí mà bạn ứng tuyển, mức học vấn được yêu cầu có thể khác nhau, điều này đòi hỏi bạn cần tìm hiểu kỹ về yêu cầu của nơi mà bạn muốn ứng tuyển để phấn đấu học tập.
3.2. Kỹ năng nghề nghiệp
Để trở thành một phóng viên, bạn cần có rất nhiều những kỹ năng tổng hợp để hoàn thành và an toàn trong khi làm nhiệm vụ công việc của mình. Để khai thác được những nguồn tin một cách thuận lợi, người phóng viên cần có kỹ năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ tuyệt vời. Họ cũng cần sự sáng suốt trong việc nhận định những vấn đề xã hội, tin tức, lĩnh vực mới xuất hiện, chưa được khai thác trong đời sống để xoáy sâu, đưa tin cho kịp thời và hiệu quả. Kỹ năng phân tích sẽ phát huy tác dụng ở đây khi người phóng viên phải đánh giá, nhận định được các vấn đề một cách rõ ràng khiến thông tin được truyền tải một cách chân thực, minh bạch hơn.
Bên cạnh đó, người phóng viên cũng cần có những kỹ năng viết lách, sử dụng ngôn từ sao cho hợp lý và viết bài hay, hiệu quả, thu hút người đọc để lan tỏa những thông điệp tích cực đến mọi người. Ngoài ra, kỹ năng tự vệ đôi khi cũng sẽ cần có đối với một phóng viên để bảo vệ chính mình trong môi trường làm việc nguy hiểm này.
3.3. Các phẩm chất, tố chất của người phóng viên
Một phóng viên tiềm năng ngoài những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp còn cần đến những tố chất và phẩm chất để duy trì công việc một cách hiệu quả và đúng đắn. Nhằm giữ đúng mục tiêu truyền tải sự thật của mọi việc đến cộng đồng, người phóng viên phải giữ cho mình đạo đức cá nhân trong sáng, lý tưởng nghề đúng đắn và tuân thủ những quy định trong ngành nghề. Đây là yếu tố quan trọng để xác định tính hay, dở của một người làm báo khi họ mang đến những thông tin có thể mang tới những điều tốt đẹp, hay tồi tệ cho xã hội dựa trên yếu tố đạo đức nghề nghiệp.
4. Học ngành nào, trường nào để biến ước mơ phóng viên thành sự thật?
Để trở thành một phóng viên trong tương lai, bạn có thể xem xét lựa chọn những ngành học về báo chí, luật, xã hội học, lịch sử học, văn học,... tại các trường đại học, cao đẳng báo chí, nhân văn ở nhiều tỉnh thành phố trên cả nước.
Một số học viện, trường đại học, cao đẳng ngành báo chí nổi tiếng bạn có thể tham khảo như: Học viện báo chí và tuyên truyền, Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học khoa học (Đại học Huế), trường cao đẳng phát thanh truyền hình,... Đây là những ngôi trường có thành tích đào tạo ngành báo chí chất lượng bậc nhất trên cả nước, cung cấp những chương trình rèn luyện cho bạn những kiến thức chuyên ngành, kỹ năng cần thiết để trở thành một phóng viên tương lai.
5. Mức lương, quyền lợi phóng viên được hưởng
Mức lương nghề phóng viên sẽ phụ thuộc vào kinh nghiệm kỹ năng cũng như môi trường làm việc và nhiều yếu tố khác để xác định được mức phù hợp.
Thông qua khảo sát chung, mức lương phổ biến rơi vào khoảng 10 triệu đến 17 triệu và mức lương trung bình hiện nay là 14 triệu (yêu cầu kinh nghiệm 1-3 năm).
Về quyền lợi mà phóng viên được hưởng như bảo hiểm, thưởng theo tháng, quý, ngày lễ,... và khả năng thăng tiến trong công việc sẽ phụ thuộc vào từng môi trường tổ chức doanh nghiệp.
Qua những thông tin cụ thể về công việc của phóng viên, mong rằng bạn đã tổng hợp được những yếu tố hữu ích nhất cho bản thân để quyết định liệu có nên theo đuổi ngành báo chí trong tương lai.