Mang thai hộ - ranh giới mong manh giữa nhân đạo và phi nhân đạo
Tác giả: Trương Ngọc Lâm 21-03-2024
Ngày nay rất nhiều gia đình gặp phải trường hợp vô sinh, hiếm muộn. Để giải quyết điều này, người ta đã tìm đến hình thức mang thai hộ. Vậy mang thai hộ là gì? Đây là hình thức mang thai nhân đạo hay phi nhân đạo? Hãy cùng Work247.vn tìm hiểu qua bài viết này nhé!
1. Mang thai hộ và những vấn đề xoay quanh
Cuộc sống luôn chứa chan những điều tốt đẹp nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những éo le. Đó có thể là những khó khăn như bệnh tật, những thiếu thốn về vật chất, thiếu thốn về tinh thần,… Trong đó éo le nhất ta phải kể đến những trường hợp vô sinh, hiếm muộn.
Vô sinh, hiếm muộn là thuật ngữ dùng để chỉ những trường hợp vợ hoặc chồng hoặc cả hai khó có thể thụ thai mặc dù đã áp dụng rất nhiều biện pháp để tăng khả năng đậu và mang thai. Thuật ngữ này còn dùng để chỉ những phụ nữ có thể thụ thai nhưng lại không có khả năng mang thai cho tới khi thai nhi được sinh ra. Vô sinh, hiếm muộn là những điều mà không một ai mong muốn, nó ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm giữa người đàn ông và người phụ nữ, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, giống nòi quốc gia,… Căn bệnh này rất khó để chạy chữa, đôi khi là không thể chạy chữa. Biện pháp tối ưu nhất đó chính là nhờ người mang thai hộ. Vậy thế nào là mang thai hộ nghĩa? Mang thai hộ có phải là một việc làm phạm pháp hay không?
1.1. Mang thai hộ là gì?
Mang thai hộ là việc mà một người phụ nữ sinh con hoặc mang thai đứa con trong bụng mình cho người khác. Người nhận con sẽ là cha, mẹ của đứa trẻ trên có sở pháp lý chứ không phải người mang thai hộ. Người nhận có thể vì nhiều lý do khác nhau như bệnh tật, vô sinh,… không thể mang thai nhưng vẫn khao khát có con nên cần người mang thai hộ.
1.2. Mang thai hộ tồn tại dưới hình thức nào?
Mang thai hộ tồn tại dưới hai hình thức chính và phương pháp chính: mang thai hộ dưới phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ bằng phương pháp khác
Mang thai hộ bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, là việc người phụ nữ tự nguyện mang thai, giúp các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có con. Hình thức này sẽ được áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng sau đó sẽ đem thụ tinh trong ống nghiệm. Sau khi thụ tinh thành công, hợp tử sẽ được cấy vào tử cung của người mang thai hộ. Hình thức này thường là mang thai với mục đích nhân đạo, những người được chọn là người mang thai hộ thường là người thân trong gia đình như chị hoặc em gái,…
Thứ hai là mang thai hộ bằng phương pháp và hình thức khác, đó chính là phương pháp mang thai bình thường, không thông qua thụ tinh nhân tạo. Cụ thể là người bố và mẹ chọn người mang thai hộ bằng những biện pháp của mình sau đó khiến người mang thai hộ đó có thai, hoặc người phụ nữ đã có từ thai trước, con sinh ra sau khi làm các thủ tục liên quan sẽ không thuộc “sở hữu” của người mang thai hộ. Hình thức này chính là “đẻ thuê” và không được pháp luật công nhận.
1.3. Đứa trẻ sẽ là con của ai?
Căn cứ vào hai trường hợp trên ta thấy rằng về mặt pháp lý đứa trẻ sau khi sinh ra sẽ là con của cha mẹ (người nhờ mang thai hộ). Còn về mặt di truyền, huyết thống thì sao ?
Xét trong hai hình thức mang thai hộ trên, đối với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm con sinh ra cả về mặt pháp luật và di truyền thì đều là con của người nhờ mang thai hộ. Người mang thai hộ mặc dù là người trực tiếp sinh ra đứa trẻ, nhưng lại không phải mẹ ruột và không có quan hệ về mặt huyết thống với đứa trẻ. Nhưng trong mối quan hệ này, trên cơ sở xã hội và cơ sở dân sự thì người mang thai hộ vẫn là mẹ của đứa trẻ.
Còn trường hợp thứ 2, hình thức mang thai không qua thụ tinh nhân tạo thì con sinh ra về mặt di truyền không phải là con của người nhờ mang thai hộ. Đứa trẻ trong trường hợp này là con ruột của người mang thai hộ. Trên cơ sở xã hội và huyết thống, người này là mẹ của đứa trẻ. Nhưng về mặt luật pháp, đứa trẻ sẽ là con của người nhờ mang thai hộ.
1.4. Mang thai hộ có vi phạm pháp luật ?
Hiện nay, mang thai hộ tồn tại dưới hai mục đích chính : mang thai hộ với mục đích nhân đạo và mang thai hộ với mục đích thương mại. Pháp luật nước ta mới chỉ công nhận hình thức mang thai hộ nhằm mục đích nhân đạo là hợp pháp.
Vì mục đích nhân đạo, người phụ nữ tự nguyện mang thai hộ, đứa con sinh ra không vì mục đích thương mại, đem ra trao đổi, buôn bán. Kể từ thời điểm đứa trẻ được sinh ra sẽ là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ. Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chỉ được pháp luật công nhận khi đảm bảo những điều kiện sau :
- Sự tự nguyện giữ các bên và có văn bản đi kèm.
- Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về trường hợp người vợ không thể mang thai và sinh con sau khi đã áp dụng các kĩ thuật về sinh sản.
- Vợ chồng chưa có con chung và đã có sự hỗ trợ về tâm lý, y tế, pháp lý.
- Người mang thai hộ phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về pháp lý của nhà nước : ví dụ là người thân thích bên vợ hoặc bên chồng,…
- Không được trái với quy định của pháp luật về việc sinh con bằng những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Đối với việc mang thai hộ vì mục đích thương mại, đó là việc áp dụng những kĩ thuật hỗ trợ về sinh sản, mang thai hộ để được hưởng lợi về kinh thế. Đứa trẻ sinh ra trong trường hợp này giống như một món hàng bị đem ra trao đổi giữa người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ. Trường hợp này là vi phạm pháp luật và bị pháp luật nghiêm cấm, và trừng trị. Những người vi phạm sẽ chịu các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật. Cụ thể :
- Phạt tiền theo quy định, hoặc cải tạo không giam giữ, phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm đối với người tổ chức mang thai hộ.
- Phạt tù từ 1 đến 5 năm đối với những trường hợp vi phạm theo đường dây, lợi dụng danh nghĩa của tổ chức và cơ quan,... ngoài ra còn bị phạt tiền theo quy định, đồng thời cách chức vụ cấm hành nghề từ 1 đến 5 năm
Tìm hiểu Oppa nghĩa là gì? Oppa mang ý nghĩa gì? và những thông tin mới nhất được Work247.vn tổng hợp.
1.5. Người mang thai hộ được hưởng những quyền lợi gì?
Người mang thai hộ với mục đích nhân đạo được nhà nước công nhận sẽ được hưởng chế độ thai sản đúng theo quy định của nhà nước và được hưởng chế độ BHXH.
2. Mang thai hộ - ranh giới mong manh giữa nhân đạo và phi nhân đạo
Muốn có con là khao khát chung của rất nhiều ông bố, bà mẹ bị vô sinh, hiếm muộn. Cũng chính từ mong muốn mãnh liệt này mà rất nhiều kẻ xấu đã lợi dụng hình thức mang thai hộ để trục lợi cá nhân.
Tính nhân đạo của hình thức mang thai hộ, ta không thể bàn cãi, tuy nhiên pháp luật khá bó buộc hình thức này với những quy định ngặt nghèo đối với người mang thai hộ cũng như người nhờ mang thai hộ.
Ví dụ người mang thai hộ phải là anh, em gái, chị gái cùng ngành với cha hoặc mẹ. Điều này sẽ gây nên tâm lý không thoải mái trong gia đình khi mà con của em lại là con của anh, con của chị cũng chính là con của em. Chưa kể đến việc, nếu như bố, mẹ không có anh chị em thì sẽ ra sao? Hay cha và mẹ đã có một đứa con nhưng vì một lý do nào đấy mà không thể mang thai nhưng muốn sinh thêm một đứa nữa, theo quy định của pháp luật trường hợp này sẽ không được mang thai hộ.
Chính những quy định ngặt nghèo của pháp luật buộc con người ta tìm đến những giải pháp mới, những người “đẻ thuê”, biện pháp “chui” để thực hiện. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của tội phạm liên quan đến mang thai hộ, cụ thể như lừa đảo để đem người qua biên giới để mang thai hộ, buôn bán trẻ em,…
Chỉ cần lên Fb gõ cụm từ “hội những người cho và nhận con nuôi”, hay “nhận con nuôi” thì một loạt các dịch vụ môi giới mang thai hộ sẽ diện lên cùng với lời mời gọi ngọt ngào. Kèm theo đó là hình ảnh hàng loạt các bà bầu, cùng với giấy khám sức khỏe, giấy siêu âm định kì của thai nhi,… để pr cho “sản phẩm”.
Ngoài ra còn rất nhiều những đơn đặt hàng được đưa lên như “một gia đình cần em bé vào tháng 11,12 năm nay, mẹ bầu nào có nhu cầu thì…”. Và chả cần phải thông qua những quy định, những lần giám định ngặt nghèo của pháp luật người ta vẫn có thể chọn cho mình một đứa con.
Sau khi đứa trẻ được sinh ra, mọi thủ tục pháp lý sẽ được hoàn thiện để công nhận đứa con là con của người nhờ mang thai hộ. Người mang thai hộ sẽ không nắm được bất kì thông tin gì của người nhờ mang thai hộ. Đứa trẻ sau khi được sinh ra sẽ hoàn toàn cắt đứt mọi ràng buộc, liên hệ với người mang thai hộ để tránh những trường hợp “đòi con sau này”.
Cũng chính từ hình thức “đẻ thuê” này đã kéo theo rất nhiều những biến tướng. Nhiều phụ nữ bị lừa sang Trung Quốc với mục đích mang thai hộ. Họ giấu gia đình, đi trên danh nghĩa xuất khẩu lao động, đi làm nhưng thực chất bị lừa sang biên giới mang thai hộ. Họ nhận được những lời hứa hẹn chu cấp trong suốt quá trình mang thai, và một số tiền khoảng 250 triệu đồng sau khi đứa trẻ được sinh ra.
Nhưng thực tế, những kẻ môi giới chỉ gửi 10 – 20 triệu đồng cho nạn nhân, sau khi đứa trẻ được sinh ra họ không hoàn trả tiền theo đúng lời hứa hoặc chỉ hoàn trả 20-30 triệu đồng coi như phí đi lại, nếu nạn nhân phản kháng họ sẵn sàng bán cho các nhà chứa, bán về vùng xa xôi hẻo lánh làm vợ hoặc báo cáo chính quyền vì tội nhập cư trái phép. Nạn nhân chỉ biết ngậm đắng nuốt cay mà chấp nhận. Về quê hương không dám kể, cảnh báo với những người cũng có ý định đi “xuất khẩu lao động” như mình vì đắng cay, tủi hổ.
Nguy hiểm hơn cả là việc những người giả làm người vô sinh hiếm muộn để xin, nhận, mua những đứa trẻ để sử dụng vào mục đích khác như buôn bán trẻ em qua biên giới, hay đánh cắp nội tạng,…
Những đứa trẻ từ khi vẫn trong bụng mẹ cho đến khi được sinh ra đã giống như một món hàng để người ta đem ra trao đổi mua bán với cái giá rẻ mạt khoảng 30 triệu đồng. Từ bao giờ cái giá cho một con người, cái giá cho tình mẫu tử lại trở nên rẻ mạt đến vây ?
Ranh giới của mang thai hộ nhân đạo và phi nhân đạo thật mong manh !
Việc làm luật - pháp lý tại Hà Nội
3. Quan điểm cá nhân về vấn đề mang thai hộ
Tôi sẽ không xét về khía cạnh có tuân thủ đúng pháp luật hay vi phạm pháp luật của hình thức mang thai hộ, có phi nhân đạo hay không phi nhân đạo. Nhưng thực tế hình thức mang thai hộ có ý nghĩa rất lớn đối với cả người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ.
Đối với người nhờ mang thai, đứa trẻ sau khi sinh ra sẽ giống như một nguồn sống đối với cha mẹ sau một quá trình mong mỏi kéo dài. Nếu mang thai hộ bằng hỗ trợ sinh sản và người mang thai là người thân trong gia đình sẽ là một điều may mắn. Bởi lẽ đứa trẻ sinh ra vẫn mang dòng máu, huyết thông của mình. Nhưng đối với những người vô sinh hoàn toàn, không thể áp dụng biện pháp trên thì không còn cách nào khác họ phải tìm đến những người “đẻ thuê”.
Một bộ phận những người “đẻ thuê” chính là những sinh viên, gái mại dâm, những phụ nữ trẻ chẳng may lầm đường lạc lối mà có thai. Khi sinh con ra họ không thể tạo cho đứa trẻ một môi trường sống, học tập, phát triển tốt nhất, họ nuôi bản thân mình còn chưa được nữa là nuôi thêm một đứa trẻ thì có lẽ trao cho những người vô sinh hiếm muộn là điều nên làm.
Bởi vì những người hiếm muộn họ khao khát có một đứa con, khao khát đến nỗi họ phải tìm đến những người “đẻ thuê” thì chắc chắn họ sẽ yêu thương đứa con của mình, thêm vào đó đa phần họ đều là những người có điều kiện kinh tế để đáp ứng những điều tốt nhất cho đứa trẻ.
Chả phải chúng ta vẫn thường lên án vấn nạn nạo phá thai? Lên án những bà mẹ sinh con ra rồi vứt con ngoài bờ ngoại bụi? Khiến cho xã hội ngày càng nhiều những đứa trẻ lang thang cơ nhỡ, những người không nơi nương tựa. Thì cớ gì chúng ta lại lên án những người sinh con ra, không có khả năng nuôi họ đem cho những người vô sinh nhận để đứa trẻ được hưởng những điều kiện tốt nhất. Và số tiền 30 – 40 triệu cho 9 tháng 10 ngày mang thai của những bà mẹ là quá rẻ mạt.
Hi vọng rằng bài viết của chúng tôi sẽ giúp các bạn hiểu được mang thai hộ là gì? Đồng thời có những cái nhìn khác xoay quanh vấn đề mang thai hộ.