Cách viết sơ yếu lý lịch mẫu 2a của Ban tổ chức trung ương
Theo dõi work247 tạiSơ yếu lý lịch có vai trò vô cùng quan trọng trong bộ hồ sơ xin việc. Nó giúp đánh giá và quản lý cán bộ một cách tốt hơn. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách viết sơ yếu lý lịch mẫu 2a của Ban tổ chức trung ương. Cùng work247.vn tìm hiểu nhé!
1. Vai trò của sơ yếu lý lịch 2a
Sơ yếu lý lịch 2a là lý lịch cán bộ, công chức, viên chức. Sơ yếu lý lịch là một bộ phận quan trọng trong việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức là một văn bản chứa đựng thông tin về nguồn gốc, quá trình phát triển, khả năng, phẩm chất, cách thức làm việc, và mối quan hệ gia đình – xã hội của những người đó.
Sơ yếu lý lịch 2a là cơ sở giúp các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức và nắm được đầy đủ các thông tin về bản thân cán bộ, công chức, viên chức đó. Nó cung cấp các thông tin tin cậy và chính xác để các cơ quan biết được phẩm chất chính trị, đạo đức tác phong, năng lực công tác, hoàn cảnh gia đình, quan hệ xã hội của các cán bộ, công chức, viên chức đó. Ngoài ra, sơ yếu lý lịch 2a phục vụ cho công tác sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí các cán bộ, công chức, viên chức.
Lý lịch cán bộ, công chức, viên chức còn là căn cứ giúp các cơ quan sử dụng và quản lý, theo dõi, thực hiện các chế độ chính sách phù hợp với cán bộ, công chức, viên chức được đầy đủ và chính xác. Nó cũng làm cơ sở để các cơ quan đánh giá, tuyển chọn, khen thưởng các cán bộ, công chức tận tụy và gương mẫu, thực hiện các chế độ bảo hiểm với công chức, viên chức và cán bộ.
Xem thêm: Giải đáp sơ yếu lý lịch đánh máy có công chứng được không
2. Sơ yếu lý lịch mẫu 2a gồm những gì?
Sơ yếu lý lịch mẫu 2a được in theo tiêu chuẩn của Ban tổ chức trung ương, được đóng bìa lịch sự, các thông tin đầy đủ và rõ ràng, mang tính thẩm mỹ cao, thích hợp cho các cán bộ, công chức, viên chức.
Cách viết sơ yếu lý lịch mẫu 2a của Ban tổ chức trung ương thế nào?
2.1. Sơ yếu lý lịch
Phần đầu tiên là phần sơ yếu lý lịch, nêu tóm tắt các thông tin của cán bộ, công chức, viên chức. Sơ yếu lý lịch cần dán ảnh 4x6 và có đóng dấu giáp lai xác nhận.
Phần họ tên bạn viết chữ in hoa và đầy đủ dấu câu, đúng với tên trong giấy khai sinh của bạn. Nếu bạn có tên thường gọi và tên gọi khác như các bí danh khi hoạt động trong cách mạng, báo chí, văn học nghệ thuật,… có thể liệt kê vào, không có thì bỏ qua phần này.
Ngày sinh và nơi sinh, bạn cần ghi theo giấy khai sinh của bạn, bao gồm tên địa chỉ cũ và tên địa chỉ mới nếu có thay đổi.
Quê quán bạn ghi theo quê quán của cha hoặc mẹ mình hoặc ghi theo quê quán của người nuôi dưỡng bạn (trường hợp không có cha mẹ).
Mục dân tộc bạn cần ghi rõ ràng dân tộc của bạn theo Nhà nước quy định như: Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mường,…
Tôn giáo ghi không nếu bạn không theo tôn giáo, hoặc ghi tôn giáo mà bạn tham gia như Hồi giáo, Công giáo, Phật giáo,…
Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú bạn ghi theo sổ hộ khẩu. Nơi ở hiện tại bạn ghi nơi bạn đang ở hiện nay.
Thành phần gia đình xuất thân có trung nông, bần nông, nô lệ, địa chủ,…
Nghề nghiệp khi được tuyển dụng bạn có thể ghi nghề nghiệp trước khi bạn vào làm công chức, cán bộ. Nếu không có thì ghi “không nghề nghiệp”.
Ngày tuyển dụng là ngày tháng năm quyết định tuyển dụng bạn.
Trình độ học vấn gồm có văn hóa phổ thông, chuyên môn và kỹ thuật, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học.
Văn hóa phổ thông bạn ghi cụ thể học đến lớp mấy như 9/12, 12/12.
Chuyên môn, kỹ thuật bạn ghi rõ tốt nghiệp Đại học, Thạc sĩ ngành gì, ví dụ như giáo viên, công an,… Nếu bạn có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ thì ghi thêm Tiến sĩ/Thạc sĩ + chuyên ngành bạn học.
Lý luận chính trị có sơ cấp, trung cấp hoặc cao cấp.
Trình độ ngoại ngữ: Ghi tên trình độ ngoại ngữ và trình độ đào tạo của bạn như A, B, C. Ví dụ: Anh A, Pháp B,… Nếu bạn đang đào tạo tại các trường Đại học ở nước ngoài, có sử dụng trình độ ngoại ngữ của nước đó để học tập và nghiên cứu nhưng không có bằng ngoại ngữ, có thể ghi tên nước cộng với trình độ đào tạo tương ứng là D. Ví dụ: Nga D, Nhật D,… Nếu bạn có bằng ngoại ngữ từ trình độ cử nhân trở lên thì ghi tên văn bằng cộng tên ngoại ngữ. Ví dụ: Cử nhân Pháp văn, Thạc sĩ Anh văn,…
Trình độ tin học bạn ghi trình độ cao nhất phù hợp với văn bằng của bạn, như tin học văn phòng A, B, C hoặc Tiến sĩ, Thạc sĩ,…
Ngày tham gia cách mạng và ngày tham gia kết nạp Đảng cần ghi rõ ngày tháng năm, ghi rõ làm việc gì trong tổ chức (nếu có).
Ngày nhập ngũ và xuất ngũ: Bạn ghi rõ ngày tháng năm đi bộ đội, công an và ngày xuất ngũ. Ghi rõ quân hàm hoặc chức vụ cao nhất của bạn ở trong quân đội.
Danh hiệu được phong bạn ghi danh hiệu cao nhất được phong và ghi năm (nếu có). Ví dụ như: Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, thầy thuốc, nhà giáo, nghệ sĩ nhân dân,…
Tình trạng sức khỏe, bạn ghi rõ tình trạng sức khỏe của bản thân, có mắc mệnh gì không và ghi rõ chiều cao, cân nặng của bạn.
Sở trường công tác bạn liệt kê những sở trường mà mình thích làm nhất và làm hiệu quả nhất. Ví dụ như sở trường về nghiên cứu, giảng dạy, ca sĩ, diễn viên, công tác Đảng, đoàn thể, kinh tế, hành chính,…
Xem thêm: Hướng dẫn cách trình bày và gửi sơ yếu lý lịch qua email
2.2. Lịch sử bản thân
Phần lịch sử bản thân có các phần như sau:
- Trước khi được tuyển dụng vào cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể: Bạn đã học trường gì, ở đâu? Nguồn sống chính của bản thân khi được tuyển dụng là gì? Đã làm những việc gì? Ở đâu? Ghi rõ thành tích nổi bật trong lao động và học tập.
- Quá trình công tác từ khi tuyển dụng: Nêu chức danh, chức vụ Đảng, đoàn thể chính trị, xã hội bao gồm chức vụ kiêm nhiệm. Bạn cần giải trình về hoàn cảnh công tác, ưu nhược điểm của từng giai đoạn. Ghi rõ các mốc thời gian bầu cử, đề bạt, bổ nhiệm, nhận nhiệm vụ, thay đổi mức lương, chuyển đổi đơn vị công tác, đi nước ngoài. Nêu cấp bậc, danh hiệu được phong (nếu có).
Khi ghi phần lịch sử bản thân, bạn cần kê khai các thông tin trung thực, đầy đủ về các thông tin của bản thân mình.
2.3. Đặc điểm về lịch sử bản thân
Phần đặc điểm về lịch sử bản thân bạn như nếu bị bắt, bị tù thì nêu rõ thời gian, địa điểm, ai bắt. Ai biết những việc này, hiện làm gì, ở đâu? Bạn đã giữ chức vụ gì trong chế độ cũ, ngụy quân, ngụy quyền, đảng phái khác,… cần ghi rõ các mốc thời gian, địa điểm, tên tổ chức, đảng phái,…
2.4. Gia nhập Đảng cộng sản Việt Nam
Bạn ghi rõ ngày nào được kết nạp Đảng, địa điểm, chức vụ người giới thiệu hiện làm gì, ở đâu,… Ghi rõ số thẻ Đảng viên, ngày cấp thẻ, Đảng bộ,…
2.5. Tham gia các hội tổ chức chính trị, xã hội, các hội nghề nghiệp
Bạn ghi rõ thời gian vào Đội, Đoàn, tham gia các tổ chức chính trị, xã hội khác bao gồm cả trong và ngoài nước. Các hội nghề nghiệp cần có tên tổ chức, địa điểm, chức vụ, chức danh của bạn,…
2.6. Đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ
Trong phần này, bạn ghi rõ tên trường, địa chỉ, chuyên ngành đào tạo, thời gian học và chế độ học, các văn bằng, chứng chỉ đạt được,…
2.7. Khen thưởng
Bạn ghi rõ thời gian khen thưởng, nội dung và hình thức khen thưởng, khen thưởng về thành tích gì, cấp quyết định khen thưởng,… Hình thức khen thưởng như giấy khen, bằng khen, huy chương, huân chương.
2.8. Kỷ luật
Bạn ghi rõ thời gian, hình thức, lý do bị kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc.
2.9. Hoàn cảnh kinh tế, quan hệ gia đình
Ở phần hoàn cảnh kinh tế bạn ghi rõ hoàn cảnh kinh tế của bản thân và gia đình, các tài sản, nhà, đất, nguồn thu nhập,…
Quan hệ gia đình ghi rõ các thông tin của vợ/chồng, con cái như họ tên, chức danh, nghề nghiệp, đơn vị công tác, học tập, địa chỉ, thái độ chính trị,…
2.10. Quan hệ gia đình, thân tộc
Quan hệ gia đình và thân tộc gồm có: Ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em ruột, chú, bác, cô, dì.
Bạn cần nêu rõ tên, tuổi, nghề nghiệp, công tác, đặc điểm về lịch sử, hiện đang làm gì, ở đâu của mỗi người. Ghi rõ hoàn cảnh kinh tế của từng người. Bạn cần kê khai trung thực và chính xác.
2.11. Quan hệ xã hội
Phần này, bạn nêu những thông tin về quan hệ của những người thân thiết và có quan hệ chặt chẽ với gia đình bạn. Các thông tin như họ tên, năm sinh, nghề nghiệp, nơi cư trú, tên và địa chỉ cơ quan, xí nghiệp, hoàn cảnh kinh tế của từng người.
2.12. Tự nhận xét
Phần tự nhận xét bạn đánh giá về bản thân bạn, đánh giá về các phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách làm việc, kỷ luật, kiến thức, năng lực nghiên cứu, khả năng đoàn kết và quy tụ cán bộ.
Phần cuối cùng, bạn ký và ghi rõ họ tên. Sau đó, bạn xin xác nhận của ủy ban nhân dân địa phương hoặc cơ quan thủ trưởng đơn vị, xác nhận các thông tin bạn khai đều là chính xác.
Hy vọng qua bài viết này của work247, bạn sẽ biết được cách viết sơ yếu lý lịch mẫu 2a của Ban tổ chức trung ương. Bạn cần ghi các thông tin đầy đủ, rõ ràng và chính xác.
10657 0