Tìm hiểu về các loại bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay
Tác giả: Hà Ngọc Nhi
Để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại do những rủi ro và mất mát xảy ra trong quá trình vận chuyển, nhiều nhà xuất nhập khẩu đã lựa chọn phương thức bảo đảm là mua bảo hiểm cho hàng hóa của mình. Dưới đây là một số trong các loại bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu phổ biến nhất.
1. Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu là gì?
1.1. Định nghĩa
Bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu là hình thức cam kết kinh tế được chi trả bằng tiền mặt. Khoản tiền mặt này được người cam kết bảo hiểm chi trả cho người được bảo hiểm trong trường hợp hàng hóa của người được bảo hiểm gặp phải những rủi ro (đã được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm). Điều kiện để được bảo hiểm hàng hóa đó là người được bảo hiểm phải chi trả một khoản phí ứng với giá trị hàng hóa được bảo hiểm cho người cam kết bảo hiểm.
1.2. Các đối tượng tham gia bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu
- Người bảo hiểm (Insurer, Underwriter, Insurance Company): là những người đứng ra cam kết bảo hiểm hàng hóa, nhận trách nhiệm bồi thường trong trường hợp hàng hóa xảy ra rủi ro và nhận chi phí để bảo hiểm cho hàng hóa.
- Người được bảo hiểm (Insured or Assured): người mua bảo hiểm, người hứng chịu rủi ro và được bồi thường thiệt hại khi hàng hóa gặp phải rủi ro.
- Đối tượng bảo hiểm: hàng hóa và giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Rủi ro bảo hiểm: các rủi ro được dự tính trong các thỏa thuận về rủi ro mà hàng hóa có thể gặp phải. Thực tế các rủi ro này không được liệt kê cụ thể trên hợp đồng mà thể hiện gián tiếp qua các điều khoản tham chiếu nguồn điều chỉnh hợp đồng.
- Phí bảo hiểm (insurance premium): là số tiền mà người được bảo hiểm phải chi trả cho người bảo hiểm, tùy vào từng mức, loại bảo hiểm và giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu mà mức phí bảo hiểm cũng khác nhau. Đây là khoản tiền không truy đòi được, tức kể cả trong trường hợp hàng hóa không gặp rủi ro trong quá trình vận chuyển thì người được bảo hiểm cũng không được đòi lại mức phí bảo hiểm đã đóng cho hàng hóa trước đó.
Xem thêm: Những điều bạn cần giải mã về DOC trong xuất nhập khẩu là gì?
2. Các loại bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu
Hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng nhộn nhịp, hàng hóa xuất nhập khẩu thì đa dạng và phức tạp, do đó nhất thiết cần có các loại bảo hiểm phân chia rõ ràng để phù hợp với nhiều loại hàng hóa, phù hợp với nhiều thức vận chuyển, bảo đảm cho nhiều loại rủi ro và phù hợp với kinh tế người mua bảo hiểm.
2.1. Bảo hiểm đường biển
Đúng như tên gọi của nó, bảo hiểm này sẽ dành cho các hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển. Hiện nay, vận tải hàng hóa bằng đường biển vẫn là hình thức vận tải chiếm tỷ trọng cao nhất trong vận tải hàng hóa quốc tế của Việt Nam. Do đó mà các loại bảo hiểm dành cho hình thức vận tải này cũng đa dạng và phức tạp hơn. Các loại bảo hiểm cho hình thức này được chia ra làm 3 loại ứng với 3 điều kiện bảo hiểm với mức độ bảo hiểm khác nhau.
2.1.1. Bảo hiểm theo điều kiện loại C
Đối với bảo hiểm theo điều kiện C, các rủi ro được bảo hiểm khá cơ bản và không bao gồm tổn thất riêng. Những rủi ro được bảo hiểm theo điều kiện C bao gồm:
- Tàu vận chuyển bị mắc cạn, lật úp, chìm đắm
- Tàu vận chuyển đâm va vào các vật thể bên ngoài ngoại trừ nước
- Hàng hóa phải dỡ xuống tại cảng lánh nạn
- Hàng hóa trên tàu bị cháy nổ
- Phương tiện vận chuyển trên đất liền bị trật bánh hay lật úp
- Hy sinh tổn thất chung
- Hàng bị ném khỏi tàu trong trường hợp tàu lâm nguy, yêu cầu giảm trọng tải
2.1.2. Bảo hiểm theo điều kiện B
Các rủi ro được bảo hiểm tại điều kiện B này sẽ bao gồm tất cả các rủi ro được liệt kê trong điều kiện C và có thêm những rủi ro khác (bao gồm tổn thất riêng) được liệt kê sau đây:
- Các thiên tai: động đất, núi lửa phun trào hay sét đánh.
- Nước tràn vào tàu cuốn trôi hàng hóa
- Nơi chứa hàng bị nước tràn vào gây tổn thất
- Hàng bị rơi mất khỏi tàu trong khi dỡ hàng qua lan can tàu cảng
2.1.3. Bảo hiểm theo điều kiện A
Đây là mức bảo hiểm cao nhất, bảo hiểm cho mọi loại rủi ro đã được nêu trong bảo hiểm theo điều kiện B. Nếu hàng hóa bảo hiểm gặp phải những rủi ro sau đây mà tuân theo bảo hiểm theo điều kiện A thì hàng hóa vẫn sẽ được bồi thường, đó là:
- Hàng hóa bị mất cắp
- Thiếu nguyên kiện
- Hàng hóa bị gãy, vỡ, rách, ướt, hoen rỉ trong quá trình vận chuyển
2.1.4. Thời hạn bảo hiểm
Hàng hóa sẽ được bảo hiểm kể từ thời điểm hành hóa rời kho hay rời địa điểm ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm, được bảo hiểm trong suốt quá trình vận chuyển tới điểm đích như trên hợp đồng bảo hiểm, thời điểm kết thúc có thể được xác định vào một trong những trường hợp sau:
- Hàng được giao tới kho của người nhận hoặc tới nơi chứa hàng cuối cùng được ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm
- Khi hàng được giao tới kho hoặc tới kho khác hoặc trước khi tới kho chứa được ghi trên giấy, người được bảo hiểm lựa chọn địa điểm đó để sử dụng chứa hàng ngoài quá trình vận chuyển thông thường để chia hoặc phân phối.
- Vào lúc hết hạn 60 kể từ ngày hàng hóa được bảo hiểm đã được bốc dỡ xuống tàu và chuyển đến địa điểm lưu trữ như trong giấy chứng nhận bảo hiểm.
Bảo hiểm sẽ không mở rộng phạm vi bảo hiểm trong trường hợp hàng hóa được bảo hiểm, sau khi được bốc dỡ khỏi tàu tại cảng biển đích, tuy vẫn còn hiệu lực bảo hiểm nhưng lại được đưa về một địa điểm lưu trữ khác địa điểm trong giấy chứng nhận bảo hiểm.
Bảo hiểm sẽ vẫn được giữ nguyên hiệu lực trong thời gian chậm trễ nằm ngoài khả năng kiểm soát của người được bảo hiểm, trong thời gian tàu đến trễ, tàu chệch hướng, thời gian bốc dỡ kéo dài hơn so với dự kiến, thời gian thay đổi hành trình do quyền tự định đoạt của người sở hữu tàu hoặc người thuê tàu vận chuyển.
Xem thêm: Giải đáp phiếu packing list là gì trong xuất nhập khẩu
2.2. Bảo hiểm đường hàng không
Bảo hiểm hàng hóa nhập khẩu bằng đường hàng không dành cho hàng hóa được vận chuyển bằng máy bay. Những hàng hóa này thường có trọng lượng khá nhẹ và kích thước nhỏ gọn hơn.
Đối với loại bảo hiểm này, hàng hóa khi được vận chuyển sẽ được bảo hiểm toàn bộ các rủi ro ngoại trừ các trường hợp sau đây:
2.2.1. Loại trừ chung
- Hàng hóa bị mất mát, hư hỏng do hành vi cố ý của người được bảo hiểm
- Rò rỉ, hao mòn tự nhiên, thông thường
- Mất mát, hư hỏng liên quan đến nguyên nhân đóng gói hàng hóa
- Mất mát, hư hại do máy bay, thiết bị vận chuyển, sử dụng các container, thùng gỗ đựng hàng không phù hợp nhưng người được bảo hiểm hoặc người làm công che giấu sự không phù hợp đó tại thời điểm đưa hàng lên máy bay để vận chuyển.
- Mất mát, hư hại và chi phí do người chủ sở hữu máy bay, người lái máy bay, người khai thác máy bay mất khả năng tài chính hay khả năng thanh toán.
- Mất mát, hư hại do sự chậm trễ
- Mất mát, hư hỏng hoặc chi phi do vận chuyển các vũ khí có sử dụng phản ứng phân hạch, tổng hợp hạt nhân, phản ứng nguyên tử hạt nhân…
2.2.2. Loại trừ rủi ro chiến tranh
- Toàn bộ các hình thức chiến tranh và các hành động thù địch gây ra từ các thế lực tham chiến.
- Hàng hóa bị chiếm giữ, tịch thu hay tiêu hủy, là kết quả của hành động trên
- Do bom, mìn, ngư lôi còn sót lại trong cuộc chiến.
2.2.3. Loại trừ rủi ro đình công
- Rủi ro gây ra bởi những người đình công hoặc những người gây ra bạo loạn dân sự hoặc trường hợp công nhân bị cấm xưởng.
- Các hành động do hoạt động khủng bố hoặc những hoạt động có động cơ chính trị
2.2.4. Thời hạn bảo hiểm
Cũng giống như bảo hiểm đối với hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển, thời hạn hiệu lực của đối với loại bảo hiểm dành cho đường hàng không cũng được xác định từ thời điểm hàng rời khỏi địa điểm khởi phát được ghi trong giấy chứng nhận bảo hiểm và kết thúc bảo hiểm khi:
- Hàng hóa được bảo hiểm đã được đưa tới kho của người nhận hoặc địa điểm cuối được ghi trên giấy chứng nhận bảo hiểm
- Hàng được giao tới nơi mà người được bảo hiểm chỉ định trước khi tới nơi đích cuối như đã được thỏa thuận trước đó.
- Vào lúc hết hạn 30 ngày kể từ ngày hàng được dỡ khỏi máy bay và đưa tới điểm giao cuối cùng đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Ngoài hai loại bảo hiểm chủ yếu này, chúng ta còn có bảo hiểm cho hàng hóa xuất nhập khẩu đường bộ và đường sắt. Tuy nhiên, hiện nay hàng hóa hiện đang vận chuyển bằng đường bộ và đường sắt chủ yếu là hàng hóa nội địa, một khác là hàng hóa đang được vận chuyển từ đất liền ra cảng biển để xuất khẩu, một số được thông quan và được vận chuyển về kho của người nhập khẩu, do đó bảo hiểm đối với các hình thức vận tải này không phát triển như bảo hiểm cho hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển và đường hàng không.
Trên đây là một số lưu ý chính về các loại bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu phổ biến hiện nay. Hy vọng rằng thông qua bài viết này của work247.vn, bạn đọc đã có thêm những thông tin cơ bản về bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu.