Chia sẻ kinh nghiệm bán hàng Tết hạn chế tồn hàng - thu lời cao
Tác giả: Trần Hải Minh
Những ngày cuối năm là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân gia tăng một cách chóng mặt. Sự tác động mạnh mẽ của dịp Tết cổ truyền cũng chính là một cơ hội lớn để các nhà bán lẻ, đặc biệt là các cửa hàng tạp hóa có thể đẩy mạnh doanh thu. Vậy những mặt hàng nào có sức cạnh tranh lớn vào dịp Tết? Cần lưu ý gì trong quá trình nhập hàng, bán hàng để giảm thiểu tối đa những rủi ro và gia tăng doanh số? Cùng lắng nghe chia sẻ kinh nghiệm bán hàng Tết từ work247.vn.
1. Tiêu chí đẩy mạnh kinh doanh dịp Tết
Trước hết, các tiểu thương cần tìm hiểu tâm lý tiêu dùng của người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về để có thể nắm bắt tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân. Có thể nói dịp Tết cổ truyền là giai đoạn vàng để các tiểu thương, các nhà buôn tha hồ hốt bạc. Vào thời điểm này trong năm, nhu cầu của người dân tăng lên trông thấy, nhiều người tỏ ra xông xênh hơn trong việc chi tiêu với tâm lý mình đã đi làm cả năm và dịp Tết là lúc để hưởng thụ. Theo nhiều báo cáo được thực hiện trong những năm qua, vào dịp cuối năm, sức mua của người dân tăng từ gấp rưỡi thậm chí gấp đôi so với bình thường.
Ngoài tâm lý hưởng thụ, người Việt còn rất đề cao tinh thần cộng đồng. Tết là dịp sum vầy, gắn bó, dành thời gian cho những người thân yêu sau một năm vất vả làm lụng. Đó là lý do họ ít chi li tính toán hơn khi mua sắm, người Việt có tâm lý thoải mái chi tiêu hơn vào những ngày Tết nhằm mang lại kỳ nghỉ đầy đủ, đầm ấm và hạnh phúc cho gia đình.
2. Bật mí kinh nghiệm bán hàng tết hốt bạc
2.1. Nên bày bán mặt hàng gì vào dịp Tết
2.1.1. Kinh doanh thực phẩm Tết.
Người ta nói ngày xuân là tháng ăn chơi, phải có ăn uống rồi mới đến vui chơi giải trí. Nếu không tranh thủ dịp Tết cổ truyền để buôn bán các loại thực phẩm thì thật đúng là lãng phí. Nhiều nghiên cứu hành vi tiêu dùng của các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng thực phẩm và đồ uống là hai mặt hàng không thể thiếu trong giỏ hàng của các bà nội trợ.
Đối với thực phẩm, các hàng tạp hóa nên tập trung đẩy mạnh nhập bánh kẹo, mứt Tết, chè, đồ ăn vặt (hạt bí, hạt hướng dương…) Tất cả đều là những loại thực phẩm không thể thiếu trong khay bánh mứt của các gia đình. Một số loại đồ ăn vặt khác như thịt bò khô, mít sấy, các loại kẹo handmade cũng là sự lựa chọn rất thịnh hành trong những năm gần đây.
Đối với đồ uống, các chủ tiệm tạp hóa nên đẩy mạnh kinh doanh các loại nước ngọt, nước giải khát. Pepsi và Coca Cola là hai nhà cung cấp nước giải khát có tiếng với đa dạng sản phẩm cùng mức độ uy tín cao. Ngoài ra, bia, rượu cũng là loại thức uống không thể thiếu trong các gia đình ngày Tết. Vào những ngày vui thế này, kiểu gì các ông chồng cũng phải bật vài lon bia, khui vài chai rượu vang để nhậu lai rai, trò chuyện cùng gia đình.
2.1.2. Kinh doanh hoa và các loại quả
Những ngày Lễ Tết, các loại hoa quả luôn cháy hàng dù giá bán có tăng cao chóng mặt. Từ Rằm tháng Chạp cho tới đêm giao thừa, nhu cầu tiêu thụ hoa của người dân rất lớn phục vụ cho việc cắm hương, cúng ông Công ông Táo… Ngoài ra, mỗi gia đình đều cần sắm sửa các loại hoa tươi để chuẩn bị bình hoa ngày Tết, trang hoàng nhà cửa thật lộng lẫy để đón năm mới.
Giống như nhu cầu mua hoa, các loại quả cũng rất đắt hàng vào dịp Tết. Gia đình nào cũng cần chuẩn bị mâm ngũ quả thật lớn, thật đẹp để thắp hương ngày Tết. Người Việt quan niệm rằng mâm ngũ quả càng lớn, càng bày biện đẹp mắt thì gia chủ sẽ càng gặp nhiều may mắn, cả năm sung túc, no đủ.
2.1.3. Kinh doanh các đồ trang trí khác, đồ tâm linh
Đồ tâm linh không chỉ bao gồm vàng mã hay hương nhan như nhiều người vẫn lầm tưởng, tâm linh gồm rất nhiều yếu tố liên quan tới tinh thần của người mua hàng. Chắc hẳn bạn đã từng bắt gặp nhiều tiểu thương bán mía, muối, diêm hay bật lửa. Đó đều là những đồ vật tâm linh rất đắt hàng vào dịp năm mới đặc biệt là đêm giao thừa. Theo quan niệm dân gian những đồ vật này sẽ giúp người mua xua đuổi tà ma, mang lại ánh sáng ấm áp cho một năm mới, mua mía cũng là một cách để mang lại lộc lá cho gia đình.
2.1.4. Kinh doanh quần áo, giày dép và các loại phụ kiện dịp Tết
Người ta nói “Người đẹp vì lụa” vì vậy chẳng ai muốn khoác lên mình chiếc áo cũ hay một chiếc quần lôi thôi để đón năm mới và đi chúc Tết phải không? Ai cũng muốn cả gia đình trông thật sáng sủa cùng những bộ quần áo chỉnh tề khi gặp mặt họ hàng, những người thân có khi cả năm không gặp. Nhu cầu thời trang luôn thay đổi theo từng mùa và từng giai đoạn và dịp Tết chính là khoảng thời gian thị trường thời trang tại Việt Nam diễn ra tấp nập nhất.
2.2. Lắng nghe kinh nghiệm nhập hàng và bán hàng từ các tiểu thương
2.2.1. Hết sức thận trọng khi nhập hàng
Các tiểu thương nên nhớ rõ lời khuyên này, đặc biệt là các anh chị mở hàng tạp hóa. Tết là thời điểm vàng do đó lượng hàng nhập về tại cùng một thời điểm là rất lớn. Nếu không cẩn thận trong quá trình nhập hàng, rất dễ xảy ra sai sót như nhập quá số lượng, nhập hàng không đảm bảo chất lượng hay nhập sai đơn hàng…
Ngoài ra, Tết cũng là thời điểm các công ty buôn hàng bị áp doanh số, nhân viên phải liên tục chào hàng để hoàn thành KPI. Do đó, các tiểu thương khi nhập các loại nước giải khát, bánh kẹo phải luôn giữ tinh thần đề phòng cao độ, hỏi rõ ràng về chính sách đổi trả hàng cận date, đàm phán về chính sách thanh toán khi lượng hàng tồn kho lớn… Tóm lại là phải luôn cẩn thận để đảm bảo quyền lợi của cửa hàng, tránh mất tiền oan khi bỏ ra một lượng vốn lớn như vậy. Các chủ tiệm nên nhập trực tiếp từ các nhà cung cấp uy tín, tránh qua trung gian, vừa được chia thẳng giá mà không lo phải ôm hàng.
2.2.2. Hết sức lưu ý thời điểm bán hàng
Các tiểu thương cũng cần hết sức lưu ý tới thời điểm bán hàng. Nhìn chung, hai tuần trước Tết là thời điểm hoạt động mua sắm hàng hóa diễn ra tấp nập nhất tuy nhiên không phải mặt hàng nào cũng có cùng thời điểm bán hàng. Ví dụ các loại hoa, người dân cần tranh thủ mua sắm sớm để không bị cập rập những ngày cận Tết, họ cũng muốn trang hoàng nhà cửa từ sớm để đón không khí Tết đang về. Cho tới những ngày giáp Tết mà các nhà buôn mới mang hoa ra mời chào thì đã quá muộn.
Một ví dụ khác: Bật lửa, muối, diêm và cây mía là vật tâm linh không thể thiếu vào đêm giao thừa. Người ta thường nói “Đầu năm muối, cuối năm mua vôi”, nếu bạn mang muối ra bán vào ngày ông Công ông Táo thì có khả thi không? Chỉ qua một vài ví dụ nhỏ mà chúng ta đã thấy tầm quan trọng của thời điểm bán hàng. Vì vậy hãy tính toán thật kỹ khi có dự định nhập và bán hàng Tết nhé!
Đó là toàn bộ những kinh nghiệm mà work247.vn muốn chia sẻ cũng các tiểu thương. Hy vọng rằng các chủ tiệm có thể bỏ túi một vài kinh nghiệm bán hàng Tết để có thể buôn may bán đắt trong dịp Tết cổ truyền sắp tới.