Bản mô tả công việc thực tập sinh kinh doanh đầy đủ nhất cho bạn
Tác giả: Nguyễn Minh Tâm 17-05-2024
Tìm kiếm một vị trí tuyển dụng thực tập sinh kinh doanh là một nhu cầu tất yếu của các sinh viên năm cuối chuyên ngành về kinh doanh. Không những thế những công việc này còn giúp cho các bạn có được một nền tảng sự nghiệp tốt trước khi bắt đầu sự nghiệp của mình. Chính vì thế mà các bạn phải có sự tìm tòi cũng như nắm bắt một cơ hội thực tập sinh của mình ở những vị trí và nơi làm việc tốt nhất. Cách tốt nhất để làm được điều đó, đó là thông qua bản mô tả công việc thực tập sinh kinh doanh dưới đây.
1. Đặc điểm chung về vị trí thực tập sinh kinh doanh
Không phải nói thì ai cũng biết vai trò cực lớn của đội ngũ kinh doanh hiện nay trong một doanh nghiệp. Đó chính là những nhân tố sẽ tạo ra nguồn doanh thu trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua hoạt động công việc hàng ngày của mình. Cho nên đội ngũ này ở nhiều doanh nghiệp thường chiếm một số lượng đông đảo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một thành phần nữa cũng đóng góp vào trách nhiệm chung của đội kinh doanh chính là các thực tập sinh trong mảng này.
Vị trí này để dành cho những sinh viên năm cuối có chuyên ngành đào tạo về quản trị kinh doanh hoặc quản trị doanh nghiệp. Thông qua công việc này, các bạn có thể vừa học việc và vừa làm việc nhằm làm quen dần với công việc kinh doanh. Không những thế, đối với doanh nghiệp đây còn là cách để họ có thể chuẩn bị những lứa “chiến binh” kinh doanh mới sẵn sàng chinh chiến trên mặt trận thương trường. Vậy nên có thể nói thực tập sinh kinh doanh là một vị trí công việc được hình thành từ nhu cầu và quyền lợi của cả 2 bên.
Thông thường thời gian làm việc của thực tập sinh kinh doanh chỉ kéo dài khoảng 3 tháng. Trong thời gian này, bạn sẽ vừa phải đảm bảo những công việc mà công ty/người phụ trách giao phó, vừa phải ghi chép lại những kiến thức thực tế đã học được để báo cáo cho nhà trường. Đồng thời cũng 3 tháng đó, doanh nghiệp, lãnh đạo phòng ban có thể phát hiện được năng lực của thực tập sinh đó có phù hợp đối với công ty hay không để chiêu mộ và tạo điều kiện hợp tác. Còn ứng viên cũng có thể tranh thủ thời gian làm thực tập sinh kinh doanh này để thể hiện bản thân mình, giúp mình có được cơ hội làm việc chính thức sau này.
2. Những công việc chính của thực tập sinh kinh doanh
Mang bản chất là vừa học vừa làm cho nên những trách nhiệm chính của một thực tập sinh kinh doanh cũng có phần “nhẹ nhàng” hơn so với các nhân viên chính thức. Tuy nhiên nó sẽ là một thử thách khá lớn với những bạn đang “bập bẽ” vào nghề như các bạn sinh viên này. Vì vậy để có thể đảm bảo được công việc, các bạn cần luôn cố gắng chăm chỉ và tập trung cao độ.
2.1. Nắm chắc về văn hóa doanh nghiệp cũng như quy định của công ty
Trong thời gian làm việc, bộ phận kinh doanh nói chung và các thực tập sinh kinh doanh nói riêng sẽ phải gặp mặt và làm việc trực tiếp với khách hàng. Vậy nên bộ mặt của các bạn cũng chính là bộ mặt của công ty. Bạn phải thể hiện được sự chuyên nghiệp, quy mô cũng như tầm vóc của doanh nghiệp để tạo sự tin tưởng cho khách hàng. Không những thế quy trình làm việc cũng phải được đảm bảo để tránh sai sót xảy ra. Đó cũng là trách nhiệm đầu tiên khi một thực tập sinh bắt đầu công việc kinh doanh của mình.
Bằng cách, các bạn phải học thuộc và nằm lòng về quy định cũng như văn hóa doanh nghiệp. Nó bao gồm các quy tắc ứng xử, quy trình làm việc, cũng như tác phong làm việc và lời ăn tiếng nói hằng ngày, … Những điều này sẽ được học cụ thể trong buổi đầu tiên nhận việc hoặc buộc các bạn phải tự nghiên cứu và nhờ người phụ trách hỗ trợ trong quá trình làm việc. Thông thường, với doanh nghiệp lớn họ sẽ có một bài test nho nhỏ sau khoảng vài ngày để kiểm tra kiến thức của bạn về những nội quy và văn hóa công ty này.
2.2. Xây dựng database khách hàng
Nhiệm vụ thứ hai đối với thực tập sinh kinh doanh đó là xây dựng database khách hàng cho riêng mình. Đây là bước đầu tiên đồng thời cũng khá quan trọng để một người có thể có được những khách hàng tiềm năng cho mình. Mặc dù vậy song nó cũng được đánh giá là một công việc mà các thực tập sinh mới nhận việc có-khả-năng để hoàn thành. Tùy thuộc vào mỗi lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp mà sẽ có những cách và quy trình để xây dựng nguồn dữ liệu khách hàng.
Chủ yếu nhất hiện nay vẫn là 2 cách này: thứ nhất đó là tạo phễu khách hàng thông qua mạng xã hội và sử dụng nguồn databases sẵn có. Với cách sử dụng nguồn database sẵn có các bạn sẽ phải gọi điện theo một bài mẫu của công ty đề ra để khảo sát nhu cầu của khách hàng, đồng thời thực hiện việc giới thiệu sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên các thực tập sinh kinh doanh sẽ được ưu tiên để áp dụng cách thứ 2 hơn do nó phải đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn, và cũng là cách có được nguồn khách hàng tiềm năng nhất.
Mỗi ngày, các thực tập sinh kinh doanh sẽ có một chỉ tiêu KPI gọi điện hoặc tiếp cận khách hàng nhất định. Và đương nhiên các bạn phải đảm bảo được điều này để có được đánh giá tích cực của người phụ trách. Đồng thời phải ghi chép tổng kết và báo cáo lại các kết quả này với cấp trên của mình. Cho nên trong công việc này thì thực tập sinh kinh doanh còn phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ báo cáo để người phụ trách có thể nắm được tình hình học việc và làm việc của bạn.
2.3. Hỗ trợ các nhân viên kinh doanh trong công việc hằng ngày
Do còn chưa hoàn thiện đầy đủ các kỹ năng của một nhân viên kinh doanh cho nên các thực tập sinh kinh doanh có thể sẽ có một nhiệm vụ công việc đó là hỗ trợ nhân viên chính thức trong công việc hằng ngày. Nhiệm vụ này nghe thì có vẻ nhàm chán và có thể khiến nhiều bạn “bĩu môi” không muốn làm nhưng thực chất nó lại giúp ích cho thực tập sinh kinh doanh khá nhiều. Bởi kinh doanh vốn không phải loại kiến thức sách vở và cần tích lũy kinh nghiệm thực tập. Vậy nên các bạn nên tranh thủ để làm điều này.
Cụ thể các công việc hỗ trợ nhân viên kinh doanh gồm có:
- Đăng tin tuyển dụng trên mạng xã hội
- Chuẩn bị hồ sơ tài liệu cho buổi đàm phán
- Ghi chép trong các cuộc họp, buổi thương lượng
- Cùng gặp gỡ đối tác và tiếp chuyện
- Gửi giấy tờ, soạn thảo văn bản theo yêu cầu
- …
Cũng thông qua việc hỗ trợ này, mỗi thực tập sinh cũng có thể học được những bí kíp bán hàng hoặc chốt sale hiệu quả các từng nhân viên kinh doanh, đặc biệt là kinh nghiệm của các best seller.
2.4. Tư vấn khách hàng theo đúng quy trình
Sau khi đã có thể đảm bảo về những kỹ năng và kiến thức nền có được từ các nhiệm vụ kể trên thì các thực tập sinh sẽ tiến đến một công việc thứ tư đó chính là tư vấn khách hàng. Tuy nhiên có một lưu ý ở đây chính là thực tập sinh kinh doanh phải tư vấn đúng theo bài mẫu, giáo trình và quy trình đã được xây dựng trước đó. Điều này nhằm rèn cho các bạn ý thức và tác phong làm việc quy củ cũng như đảm bảo được hiệu quả tối thiểu của việc tư vấn đối với những người mới vào nghề như thực tập sinh.
Việc tư vấn này sẽ rẽ nhánh ở 2 đối tượng khách hàng khác nhau: thứ nhất là khách hàng tự chủ động gọi điện đến yêu cầu hỗ trợ và thứ hai là khách hàng mà bạn có được từ việc xây dựng database khách hàng. Mỗi khách hàng thì việc tư vấn sẽ được thể hiện khác nhau. Song mục đích cuối cùng của nhiệm vụ này vẫn là khiến khách hàng có thể an tâm nhất khi sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Từ đó tăng doanh thu và nhóm khách hàng lâu dài cho doanh nghiệp đó.
Các bạn có thể tham khảo một bản mô tả công việc thực tập sinh kinh doanh cụ thể ở đây!
3. Điều kiện ứng tuyển vị trí thực tập sinh kinh doanh
Các doanh nghiệp sẽ xây dựng nên nhiều tiêu chí để tuyển dụng vị trí này khác nhau, càng những doanh nghiệp lớn thì các tiêu chí này lại càng được nâng lên. Song so với điều kiện để tuyển dụng nhân viên chính thức hay các vị trí kinh doanh cấp cao hơn thì tiêu chí để tuyển dụng thực tập sinh kinh doanh còn khá khiêm tốn. Chủ yếu các tiêu chí tập trung vào kết quả học tập trên trường cũng như tác phong, thái độ làm việc của ứng viên. Cụ thể:
3.1. Trình độ học vấn
Thứ nhất, như đã nói ở trên vị trí thực tập sinh kinh doanh chỉ dành cho các bạn sinh viên đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, đặc biệt là các ngành về kinh tế, kinh doanh, thương mại. Thông thường niên học cụ thể được đưa ra trong yêu cầu về trình độ học vấn đó chính là sinh viên năm 3 hoặc năm 4. Bởi vì đây là giai đoạn mà sinh viên đã có được một bản lề nhất định để đủ “cứng cáp” thực tập ngoài công việc thực tế. Tuy nhiên cũng có một số công ty thậm chí yêu cầu cả về điểm trung bình môn chuyên ngành của ứng viên mới có thể đủ điều kiện ứng tuyển thực tập sinh của họ.
3.2. Kỹ năng văn phòng
Thứ hai, các nhà tuyển dụng cũng đưa ra yêu cầu về các kỹ năng văn phòng cơ bản mà ứng viên cần phải có trước khi ứng tuyển vị trí này. Các kỹ năng văn phòng có thể kể đến đối với vị trí thực tập sinh kinh doanh như:
- Tin học văn học, sử dụng thành thạo các phần mềm Microsoft Office
- Khả năng giao tiếp tốt, có thể kèm theo trình độ tiếng Anh cơ bản
- Kỹ năng lập kế hoạch cũng như ghi chép tốc ký
- Kỹ năng làm việc nhóm đồng thời là kỹ năng làm việc độc lập
- Có thể sử dụng các thiết bị văn phòng cơ bản như laptop, máy case, máy in, máy photocopy, máy fax, …
Đây được xem là những kỹ năng hỗ trợ để rèn luyện và training kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ kinh doanh sau này của các thực tập sinh.
Xem thêm: Tìm việc làm thực tập kinh doanh
3.3. Thái độ, đam mê công việc
Quan trọng nhất đối với một người làm kinh doanh đó chính là sự chủ động và đam mê kiếm tiền. Nó được xem là động lực để tạo ra nguồn doanh thu khủng cho chính cá nhân nhân viên đó và cả doanh nghiệp. Vậy nên nó cũng là tiêu chí thứ 3 khi tuyển dụng vị trí thực tập sinh kinh doanh. Các bạn phải có tác phong làm việc nhanh nhẹn, ham học hỏi và sự tiếp thu nhanh chóng các kiến thức được học. Đam mê của bạn cũng phải được thể hiện và chứng minh qua sự chăm chỉ, kiên trì và có trách nhiệm với công việc được giao. Bên cạnh đó cũng phải luôn nhiệt tình, hào hứng, sẵn sàng đón nhận những thử thách trong công việc.
3.4. Các yêu cầu khác
Ngoài những tiêu chí trên thì các bạn cũng được yêu cầu thêm những điều khoản khác như:
- Có laptop cá nhân
- Có xe máy, chủ động phương tiện
- Có điện thoại smartphone
- Có sử dụng nhiều hình thức mạng xã hội khác nhau
Các yêu cầu này thực chất nhằm đảm bảo công việc kinh doanh của các thực tập sinh. Do thực tế khi các bạn chưa phải nhân viên chính thức của doanh nghiệp thì sẽ chưa được hỗ trợ các thiết bị, phương tiện kể trên. Vậy nên chủ động được những phương tiện trên mới giúp bạn hoàn thành được trách nhiệm công việc của mình.
Xem thêm: Tìm việc làm chuyên viên kinh doanh
4. Mức lương và quyền lợi của thực tập sinh kinh doanh
Khi sinh viên ứng tuyển vào vị trí này ở các doanh nghiệp thì quyền lợi tiên quyết mà bạn được hưởng đó chính là được hỗ trợ để hoàn thành các báo cáo hoặc đề tài tốt nghiệp. Người được giao phụ trách, hướng dẫn bạn sẽ có trách nhiệm ký, nhận xét cũng như cung cấp các loại tài liệu mà các bạn cần để báo cáo thực tập.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, kết thúc một kỳ thực tập, đặc biệt là ở những vị trí nghiệp vụ như kinh doanh thì kỹ năng làm việc thực tế được tăng lên rất nhiều. Điều này giúp cho mỗi sinh viên tích lũy được thêm những kinh nghiệm quý giá để đi xin việc sau này.
Các bạn sẽ được học và đào tạo miễn phí về các bước sale, đàm phán, tư vấn, bán hàng, nhận biết khách hàng tiềm năng quan trọng bởi các chuyên viên kinh doanh hoặc trực tiếp do các CEO đứng lớp. Một vài doanh nghiệp còn cung cấp giáo trình cho bạn trong quá trình thực tập.
Tiếp đó, các thực tập sinh kinh doanh cũng được nhận một khoản thu nhập nho nhỏ trong thời gian làm việc đó. Thông thường vị trí này sẽ được nhận từ 10 - 20% doanh thu tự bán được. Tuy nhiên ở một số nơi cũng có cố định một mức lương cứng cho thực tập sinh đó là khoảng 2.000.000đ/1 tháng.
Đặc biệt là, chính các thực tập sinh kinh doanh đó có thể tìm kiếm được cơ hội việc làm tốt cho mình và khả năng trở thành nhân viên chính thức của doanh nghiệp đó nếu thể hiện tốt năng lực của bản thân mình.
Trên đây là toàn bộ chi tiết về bản mô tả công việc thực tập sinh kinh doanh. Hy vọng rằng, thông qua đây, các bạn ứng viên sẽ có được cho mình một định hướng và lựa chọn nơi làm việc phù hợp nhất!