TOP 6 ứng dụng bán hàng hiệu quả nhất trên thị trường Việt

Tác giả: Trần Hải Minh 18-09-2024

Ngày có nhiều người kinh doanh bán hàng tham gia vào thị trường, xu hướng bán hàng đa kênh là một điều tất yếu để các doanh nghiệp có thể tiếp cận với khách hàng nhiều hơn. Bài viết này sẽ bật mí cho các bạn top 6 ứng dụng bán hàng hiệu quả nhất, những ưu và nhược điểm của từng ứng dụng. Tìm hiểu ngay thôi.

1. Ứng dụng Shopee

Dù là một thương hiệu khá mới, nhưng chỉ sau 5 năm gia nhập vào Việt Nam từ năm 2016, Shopee đã trở thành người dẫn đầu trong thị trường thương mại điện tử, tăng trưởng bất chấp dịch bệnh. Một số ưu nhược điểm của ứng dụng như sau: 

- Ưu điểm:

Người bán có thể kinh doanh nhiều loại hàng hóa khác nhau, từ đồ ăn uống hàng ngày, quần áo, đồ gia dụng tới những mặt hàng đắt đỏ hơn như xe máy, điều hòa, tivi,... Chính vì thế, dù kinh doanh bất cứ sản phẩm nào thì các bạn cũng có thể lựa chọn Shopee để buôn bán. 

Số lượng người dùng sử dụng Shopee đông, đây chính là điều kiện tốt để những người bán hàng online tiếp cận với khách hàng. 

Giao diện bán hàng rất dễ sử dụng, được hướng dẫn tận tình tỉ mỉ ngay từ khi bắt đầu. Khi Shopee thiết kế thêm một chương trình mới thì họ sẽ có thông báo, hướng dẫn tận tình cả ở trên ứng dụng, các hội nhóm “nghiện Shopee” và fanpage để người dùng nhanh chóng cập nhật. 

Shopee triển khai nhiều chương trình xúc tiến hiệu quả

Shopee có nhiều chương trình, sự kiện hàng tháng như freeship, mã giảm giá, flash sale, livestream thương hiệu,... để các shop bán hàng có thể tham gia để thu hút khách hàng. Ngoài việc đăng sản phẩm để bán hàng thì người bán có thể livestream trên ứng dụng trực tiếp để bán hàng. 

Phần mềm liên tục cập nhật về báo cáo kinh doanh hàng tuần, hàng tháng để người bán có thể điều chỉnh các chính sách kinh doanh của mình cho hợp lý.

Người mua có thể thanh toán theo nhiều phương thức khác nhau: thẻ ngân hàng, ví shopee pay, tiền mặt. Sau khi đơn hàng thành công, tiền sẽ được hoàn vào ví shopee cho người bán. 

Shopee không mất phí mở gian hàng, người bán chỉ phải trả 2% giá trị đơn hàng nếu bán hàng thành công trên Shopee

- Nhược điểm: 

Khi tiền đã vào ví Shopee của người bán, chỉ có thời gian cố định vào thứ 3 hàng tuần mới có thể rút. Và chi phí rút vào tài khoản ngân hàng là 11.000 đồng. Trong trường hợp người bán cần gấp số tiền trong ví Shopee thì họ không thể rút ngay lập tức nếu không đúng thời gian. 

Mức độ cạnh tranh cao, chỉ cần bán hơn kém nhau 1.000 đồng cũng có thể chênh lệch về số đơn bán hàng. Một số những gian hàng Shopee bán hàng có chất lượng thấp, gây ảnh hưởng tới những người bán chân chính. 

2. Ứng dụng Tiki

Ban đầu Tiki định hướng chỉ kinh doanh sách, nhưng dần dần đã mở rộng kinh doanh nhiều hàng hóa đa dạng hơn. 

- Ưu điểm: 

Sự khác biệt của Tiki với các thương hiệu trên là họ kiểm soát chất lượng hàng hóa rất tốt. Trong 3 thương hiệu, Tiki  được đánh giá cao về chất lượng hàng hóa, người mua không cần lo lắng về các mặt hàng kém chất lượng. Đối tượng sử dụng chủ yếu thường là nhân viên công sở, các gia đình, họ ít có thời gian tìm kiếm sản phẩm và mong muốn có nguồn hàng chất lượng, yếu tố giá không quá quan trọng. 

Chất lượng hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ

Giao hàng nhanh, tỷ lệ hoàn hàng rất thấp

- Nhược điểm: Phí ship của Tiki khá cao, không có nhiều chương trình giảm giá, các mặt hàng chưa được đa dạng. Người bán cần phải mất phí thường niên cho việc quản lý gian hàng. Ngoài ra, việc đăng ký để mở shop trên Tiki khá khó khăn, phải có chứng minh doanh nghiệp.

3. Ứng dụng Lazada

Lazada du nhập vào Việt Nam từ những năm 2012, được khá nhiều người Việt Nam ưa chuộng với nhiều chương trình xúc tiến bán, quảng cáo, PR từ các KOLs nổi tiếng: 

- Ưu điểm:

Giao diện của Lazada được tối giản hóa, cả người bán lẫn người mua có thể dễ dàng sử dụng ngay từ khi bắt đầu trải nghiệm. 

Lazada triển khai chương trình voucher tích lũy, cứ mua đơn hàng 150.000 đồng thì người mua sẽ được giảm 15.000 đồng. Điều này giúp cho những người bán có thể bán được nhiều hàng hóa hơn với giá trị cao hơn. 

Phí ship trên Lazada khá rẻ, từ Hồ Chí Minh về Hà Nội, sau khi áp mã giảm giá thì hoàn toàn miễn phí. Đây cũng là một trong số những yếu tố thu hút nhất đối với sàn giao dịch điện tử này. 

Được hỗ trợ phí ship khi mua hàng

Người mua có thể thực hiện thanh toán thông qua thẻ ngân hàng, zalo pay, momo hoặc tiền mặt vô cùng tiện lợi. 

Người bán có thể trưng bày hàng hóa và duy trì gian hàng miễn phí, sẽ chỉ mất 2% phí đơn hàng nếu có khách hàng mua sản phẩm. 

- Nhược điểm: 

Các chính sách để đăng ký bán hàng khó nhằn hơn nhiều so với bán hàng trên Shopee. 

Lazada cũng không có tổng đài chăm sóc khách hàng trực tuyến, mọi thắc mắc đều phải thông qua chat, nhiều khi rất gây bất tiện khi người dùng cần trả lời thắc mắc gấp. 

Thời gian hoàn tiền (sau hủy đơn) của Lazada khá lâu, có thể kéo dài tới 15 ngày thay vì hoàn tiền ngay lập tức.

Không kiểm soát được các shop giả mạo, đăng đơn giả để lừa khách hàng, sau đó giao hàng kém chất lượng hoặc giao sai đơn hàng. Các vấn đề này không được giải quyết triệt để, gây ảnh hưởng tới chính thương hiệu Lazada và các người bán hàng khác. 

4. Ứng dụng Sendo 

Ứng dụng bán hàng Sendo ra đời cùng năm với Lazada, từ năm 2012. Tuy nhiên, sự phát triển của nó còn khá chậm chạp. 

- Ưu điểm: 

Hiện Sendo không tính phí hoa hồng, người bán có thể kinh doanh thoải mái, kinh doanh miễn phí trên Sendo mà không mất bất cứ chi phí nào. 

Không tính phí hoa hồng bán hàng

Sendo phát triển mạnh nhất về thời trang, công nghệ, xe máy nên những người bán đang kinh doanh các mặt hàng này có thể trải nghiệm thử độ hiệu quả của Sendo. 

- Nhược điểm: Phí mỗi lần rút tiền từ ví Senpay về tài khoản hết 11.000 đồng. Các chương trình quảng cáo mà Sendo đưa ra không chắc mang lại hiệu quả cho người bán. Họ cũng chưa kiểm soát được các hàng hóa trên gian hàng, có thể có cả các hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng tới người bán và người mua. Tỷ lệ hoàn hàng cao, là nỗi trăn trở của nhiều người bán khi kinh doanh online. 

5. Ứng dụng Facebook 

Thực tế, đây không phải là ứng dụng chuyên bán hàng mà là mạng xã hội, nhưng được những người bán hàng nắm được điểm mạnh và sử dụng để kinh doanh online. 

- Ưu điểm: 

Người bán chỉ cần đăng bán hàng hóa trên trang cá nhân, fanpage hoặc hội nhóm vô cùng dễ dàng mà không mất bất cứ chi phí nào cho việc kinh doanh này.Số lượng người dùng facebook rất cao, có thể tiếp cận với nhiều khách hàng. 

Hiện nay, việc livestream bán hàng vô cùng thịnh hành, không giới hạn người xem. Người bán có thể cho khách hàng xem sản phẩm ngay trên livestream, giúp người mua dễ dàng ra quyết định mua hơn. 

Chạy quảng cáo rất hiệu quả

Các gói quảng cáo của Facebook vô cùng hiệu quả, tiếp cận đúng người, đúng đối tượng, có thể dễ dàng điều chỉnh các chương trình quảng cáo theo yêu cầu. 

Nhìn chung, đây vẫn là kênh bán hàng được nhiều người sử dụng nhất trong bán hàng online, với đa dạng các loại sản phẩm, hàng hóa, từ đắt đến rẻ. 

- Nhược điểm: Người bán khi kinh doanh trên facebook thì rất khó quản lý nguồn hàng của mình, có thể bị đối thủ cạnh tranh đánh cắp thông tin khách hàng, phát lại livestream. Nguồn hàng trên Facebook cũng không được quản lý, có thể gây ảnh hưởng tới danh dự người bán cũng như lợi ích của người mua. Một số người bán dùng “truyền thông bẩn” để câu view, câu like, gây ảnh hưởng tới môi trường mạng xã hội. 

6. Ứng dụng Instagram 

Đây là xu hướng mới nổi trong những năm gần đây với một số ưu nhược điểm như sau: 

- Ưu điểm: 

Giống như Facebook, đây cũng là một trang mạng xã hội được tận dụng làm kênh bán hàng. Chính vì thế mà nó không hề mất phí bán hàng. 

Các hình ảnh được đăng tải trên instagram vô cùng đẹp. Đây trở thành kênh tìm kiếm hình ảnh của nhiều người dùng. Chính vì thế mà người bán có thể tận dụng được ưu điểm này để tiếp cận với khách hàng. 

Hình ảnh trên ứng dụng vô cùng đẹp mắt

Hầu hết các sản phẩm được bán trên instagram là thời trang, mỹ phẩm và những đồ dùng chăm sóc phụ nữ. 

- Nhược điểm: Số lượng người theo dõi có giới hạn, còn khá ít người biết đến instagram. Các mặt hàng không quá đa dạng, chủ yếu hướng tới giới trẻ - phụ nữ.   

7. Một số ứng dụng khác

Zalo cũng là một trong số các ứng dụng kinh doanh online tốt. Tuy nhiên, zalo hợp cho những người chuyên bán sỉ, bán số lượng lớn, tuyển cộng tác viên, tạo các nhóm bán hàng lớn hơn là kinh doanh nhỏ lẻ vì rất ít người mua hàng trên zalo, họ sử dụng hầu hết cho công việc và kết nối với bạn bè. 

Tiktok là xu hướng trong thời gian gần đây, tồn tại dưới dạng chia sẻ thông tin để tiếp cận với khách hàng, dẫn dắt về các kênh bán hàng khác. 

Trên đây là tổng hợp các ứng dụng bán hàng hiệu quả. Các bạn có thể tham khảo để phát triển kênh bán hàng cho cửa hàng của mình, tăng độ tiếp cận và tăng thu nhập cho bản thân.