Hướng dẫn cách tính lương theo doanh số và ưu điểm của nó
Tác giả: Trần Hải Minh 20-09-2024
Hiện nay có nhiều doanh nghiệp áp dụng cách tính lương theo doanh số bởi nó có nhiều ưu điểm vượt trội trong việc cải thiện được hiệu quả công việc của các nhân viên trong doanh nghiệp. Hãy cùng tìm hiểu về cách tính lương theo doanh số trong bài viết này.
1. Tính lương theo doanh số là gì?
Tính lương theo doanh số được hiểu là cách trả lương cho nhân viên khi họ đạt được hoặc vượt mức một doanh số hay KPI mà công ty đề ra. Các vị trí thường được tính lương theo doanh số là nhân viên kinh doanh, nhân viên bán hàng, nhân viên telesale, nhân viên tư vấn,...
Ở các vị trí này, nhân viên sẽ được công ty ra một mức doanh số nhất định trong một khoảng thời gian. Việc của họ cần làm là tìm cách để thu hút khách hàng mua sản phẩm, củng cố doanh số cho công ty. Càng đạt được mức doanh số cao, họ sẽ được trả hoa hồng nhiều hơn.
Với các nhân viên được trả lương theo hình thức doanh số thì mức lương cơ bản của họ thường sẽ ở mức thấp. Phần lớn số tiền nhận được sẽ nhờ vào doanh số mà họ bán được. Do đó, họ cần phải nỗ lực để đạt doanh số và tăng thu nhập cho bản thân.
Xem thêm: Hướng dẫn các tải nhân viên từ máy chấm công về máy tính chi tiết
2. Ưu điểm của tính lương theo doanh số
2.1. Thúc đẩy, khuyến khích tinh thần làm việc của đội ngũ nhân viên
Với những doanh nghiệp, công ty, tổ chức trả công theo hình thức khoán hay trả công theo ngày làm việc; nhân viên chỉ cần sáng đi làm, tối ra về và chỉ cần hoàn thành công việc “vừa sức” và không cần quá cố gắng.
Nhưng đối với các doanh nghiệp trả lương theo doanh số, phần lớn số lương của nhân viên nhận được đều là nhờ vào số hoa hồng họ nhận được từ việc bán được hàng. Chính vì thế mà họ muốn phát triển bản thân, cải thiện được mức lương trong tháng, họ sẽ buộc phải cố gắng làm việc, phát huy cả về tinh thần làm việc lẫn thời gian làm việc. Họ sẽ sẵn sàng tăng ca để đạt được doanh số.
2.2. Dễ dàng thống kê doanh số của các bộ phận
Mỗi một cá nhân, mỗi một bộ phận, sau một khoảng thời gian, họ sẽ đạt được doanh số nhất định. Các nhà quản lý hoặc công ty sẽ dễ dàng thống kê được doanh số trong thời gian vừa qua bằng tổng doanh số của các nhân viên.
Doanh số của mỗi nhân viên (bộ phận) là riêng biệt nên rất dễ dàng trong việc quy đổi, tính toán. Nhờ vào số liệu thống kê mà các nhà quản lý cũng có thể đánh giá được tình trạng của công ty hiện tại. Với những kết quả tốt có thể nhanh chóng khen thưởng các cá nhân, bộ phận có kết quả tốt để các bộ phận khác học tập và noi theo, phát huy được những thế mạnh của doanh nghiệp. Còn nếu kết quả chưa được như mong muốn cần xem xét nguyên nhân và nhanh chóng đưa ra các giải pháp phù hợp cho hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. Nhờ thế mà hoạt động sản xuất, kinh doanh mới có thể duy trì và phát triển bền vững.
2.3. Tăng tính cạnh tranh trong nội bộ doanh nghiệp
Đúng như câu nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” của ông cha ta từ xưa tới nay. Sống trong một môi trường mọi người luôn cố gắng làm việc và vươn lên thì bất kỳ ai cũng không thể cho phép mình làm việc thảnh thơi được.
Nhìn vào những kết quả đạt được của các cá nhân khác trong công ty, mọi người sẽ tự phải đặt ra cho mình mục tiêu để làm việc hiệu quả hơn. Mọi người đều phải cố gắng để vượt qua hạn mức của bản thân và vượt qua hạn mức của các cá nhân khác.
Với những cá nhân không thể đuổi kịp hoặc không có năng lực ở vị trí này, họ không thể nỗ lực được thì họ có thể sẽ tự xin nghỉ việc vì không phù hợp với môi trường công ty. Do đó, doanh nghiệp cũng có thể thanh lọc và củng cố thêm những nhân viên phù hợp hơn, tối ưu hóa được chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nghiệp.
Đôi khi tính cạnh tranh trong việc tính lương theo doanh số cũng gây ra một số mâu thuẫn giữa các cá nhân trong doanh nghiệp. Nhưng nếu được áp dụng đúng cách thì sẽ mang lại hiệu quả cao, giúp cho doanh nghiệp ngày càng phát triển.
2.4. Tối ưu hóa quỹ lương nhân viên
Cách tính lương theo doanh số trong doanh nghiệp cũng giúp cho doanh nghiệp có thể trả lương cho đúng người, tối ưu hóa quỹ lương. Với những nhân viên có khả năng thấp thì sẽ trả ít lương, với các nhân viên mang lại nhiều doanh số trong doanh nghiệp sẽ được hưởng mức lương cao hơn.
Nếu như trước kia doanh nghiệp phải lương cho tất cả các nhân viên là 5 triệu đồng. Thì bây giờ họ có thể trả cho những người có năng lực lên tới 10, 20 triệu đồng; với những người kém hơn thì chỉ cần trả 1 2 triệu đồng.
Không những giúp tối ưu được năng suất làm việc của các nhân viên trong công ty mà doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí đầu vào khi trả lương cho nhân viên trong công ty.
3. Hướng dẫn cách tính lương theo doanh số chuẩn
Công thức tính lương theo doanh số như sau:
Tổng lương = Lương cơ bản + doanh số x phần trăm nhận được
Ví dụ: Trong một trung tâm tiếng Anh, các nhân viên kinh doanh sẽ được trả mức lương cơ bản là 2 triệu đồng, các nhân viên được hưởng thêm 10% doanh số khi bán được các khóa học. Tháng 10/2021, nhân viên A bán được 10 khóa học với giá trị là 60.000 đồng. Do đó, tổng lương của nhân viên được tính như sau:
Tổng lương = 2.000.000 + 60.000.000 x 10% = 8.000.000 đồng
Một số các doanh nghiệp sẽ tính lương doanh số đồng nhất, tức là các nhân viên dù đạt được doanh số như thế nào cũng sẽ nhận được a% hoa đồng. Nhưng một số doanh nghiệp khác, để nhân viên có thể đẩy mạnh được năng lực làm việc tới mức cao nhất thì họ sẽ tính lương doanh số theo cấp. Ví dụ: các nhân viên khi đạt được doanh số là 100.000.000 đồng sẽ được hưởng mức hoa hồng là 1%, với các nhân viên đạt được doanh số là 200.000.000 sẽ nhận được doanh số là 2% và cứ thế tăng lên với các cấp tiếp theo.
Như vậy, tùy theo quỹ lương, quy định hoặc văn hóa công ty mà các nhà quản lý cần phải đưa ra cách tính lương theo doanh số phù hợp, rõ ràng, đảm bảo đầy đủ và chi tiết để các nhân viên có thể dễ dàng theo dõi, tính toán mức lương của mình. Đây cũng là cơ sở để bộ phận kế toán có thể làm việc hiệu quả, minh bạch trong quá trình trả lương cho nhân viên.
Áp dụng cách tính lương theo doanh số linh hoạt sẽ góp phần củng cố sức mạnh bên trong của doanh nghiệp, giúp cho doanh nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Ngoài mức lương, đừng quên củng cố tinh thần cho các nhân viên bằng những lời khen ngợi, khuyến khích thông qua các buổi họp hay chia sẻ kinh nghiệm. Bởi dù mức lương có hậu hĩnh như thế nào nhưng tinh thần của các nhân viên không được thoải mái thì cũng rất khó để hoàn thành tốt được công việc.
Mong rằng bài viết này đã giúp các bạn hiểu hơn về cách tính lương theo doanh số. Chúc bạn đọc có thể làm việc và học tập hiệu quả mỗi ngày. Đừng quên theo dõi các bài viết tiếp theo của chúng tôi về cách tính lương nhé.