Mở cửa hàng bán phụ tùng xe máy có khó không? Cần chuẩn bị những gì?
Tác giả: Linh Anh Nguyễn
Theo thống kê vào năm 2020, tại Việt Nam có hơn 65 triệu xe máy được đăng ký trên tổng 96 triệu dân. Ước tính cứ 2 người thì 1 người có xe máy, đây là một con số khổng lồ. Nhu cầu về bảo dưỡng và chăm sóc chiếc xe yêu quý đã mở ra cơ hội để các cửa hàng sửa chữa, cung cấp thay thế phụ tùng xe máy liên tục ra đời. Nếu bạn đang lên kế hoạch mở cửa hàng bán phụ tùng xe máy mà chưa biết phải làm gì và chuẩn bị những gì thì bài viết dưới đây là thứ bạn nhất trong lúc này.
1. Các bước cần thiết để mở cửa hàng bán phụ tùng xe máy
1.1. Nghiên cứu thị trường
Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Việc đầu tiên trước khi bắt đầu vào một hoạt động kinh doanh nào đó chính là nghiên cứu thị trường, định vị tiềm năng của cửa hàng, nhận định các đối thủ cạnh tranh, phân chia thành các phân khúc khác nhau và xác định đối tượng khách hàng tiềm năng.
Đây là bước vô cùng quan trọng có thể ảnh hưởng đến chuỗi hoạt động sau này của cửa hàng. Bạn cần xác định xem nhu cầu của khách hàng phần lớn và hướng đến việc gì.
Ví dụ như ở quê thì sẽ ít nhu cầu liên quan đến thay đổi màu xe, các phụ kiện trang trí , những phụ tùng xe phân khối lớn hay bảo dưỡng xe cổ,...hơn là nhu cầu tại những thành phố lớn. Cửa hàng cần tập trung vào những sản phẩm với giá cả vừa tầm, phù hợp với văn hóa, phong tục, thói quen và nhu cầu của khách hàng quanh khu khu vực cửa hàng.
1.2. Chuẩn bị tài chính
Tiếp theo là chuẩn bị về mặt tài chính, khi đã nghiên cứu thị trường, bạn đã có thể xác định được quy mô kinh doanh và hình thức kinh doanh cũng như các sản phẩm dịch vụ cho cửa hàng của mình. Đến đây là tiết mục quan trọng nhất, rất nhiều người thắc mắc mở cửa hàng bán phụ tùng xe máy cần bao nhiêu vốn, và dưới đây là những loại chi phí cơ bản nhất bạn cần bỏ ra khi mới bắt đầu kinh doanh:
1.2.1. Chi phí thuê mặt bằng
Nếu bạn mở cửa hàng tại nhà thì chi phí này có thể bỏ qua và bạn đã tiết kiệm được một khoản kha khá. Nếu không thì bạn bắt buộc phải đi thuê, tìm kiếm mặt bằng hợp lý và và túi tiền cũng như hợp phong thủy không phải là chuyện dễ dàng, sau đó còn liên quan đến vấn đề gia hạn hợp đồng, các vấn đề phát sinh với chủ sở hữu trong thời gian sử dụng.
Hơn nữa, giá cho thuê để kinh doanh phụ tùng xe máy lại khá cao bởi đây là mặt hàng mang đến nhiều rủi ro về vấn đề vệ sinh, hư hại cơ sở vật chất. Vị trí mặt đường là tốt nhất vì nơi này sẽ thu hút nhiều khách hàng và cũng sẽ gây được nhiều sự chú ý hơn so với những cửa hàng trong ngõ nhỏ.
Tuy nhiên, bạn cũng có thể tiết kiệm chi phí bằng cách thuê mặt bằng trong ngõ không quá sâu, đường không quá nhỏ để xe có thể dễ dàng ra vào cũng như vận chuyển các phụ tùng.
1.2.2. Chi phí cải tạo sửa chữa
Sau khi thuê được mặt bằng, bạn có thể tốn thêm một khoản nữa vào cải tạo và tu sửa, mua sắm các đồ dùng cần thiết để trưng bày sản phẩm cũng như các khu vực để xe, dịch vụ sửa chữa thay thế trực tiếp.
1.2.3. Chi phí nhập hàng
Đây sẽ là khoản chi phí lớn nhất trong tất cả. Mỗi loại xe lại cần có những phụ tùng khác nhau, vì vậy bạn phải là người am hiểu về xe máy và các phụ tùng xe. Chi phí nhập hàng có thể được chiết khấu nếu bạn duy trì lượng cầu lâu dài và đặt với số lượng lớn.
1.2.4. Chi phí thuê và đào tạo nhân viên
Nếu là một cửa hàng có quy nhỏ, những người trong gia đình đều hiểu biết về những kiến thức liên quan đến phụ tùng xe thì có thể tiết kiệm được chi phí nhân công. Tuy nhiên, nếu là một cửa hàng lớn, bạn cần tìm được những nhân viên chất lượng.
Chi phí này bạn có thể trực tiếp trao đổi cùng với nhân viên trong quá trình tuyển dụng. Và khi có nhân viên mới, bạn cũng cần bỏ chút thời gian hặc sắp xếp người hướng dẫn và chỉ dạy cho nhân viên quen với công việc.
1.2.5. Chi phí duy trì hoạt động
Để duy trì được hoạt động cho cửa hàng trơn tru, bạn cần dự trù một khoản chi phí cố định đề phòng những phát sinh đột xuất. Thời gian đầu chưa có nhiều khách hàng, doanh thu chưa được ổn định, vốn duy trì sẽ giúp bạn tránh bị ảnh hưởng bởi những trường hợp bất khả kháng.
1.2.6. Chi phí điện nước
Chi phí điện nước cũng cần được dự trù và tính toán từ sớm, vì cửa hàng không thể hoạt động mà thiếu được những thứ này. Chi phí này không thể loại bỏ nhưng có thể tiết kiệm nếu mọi người có ý thức tiết kiệm và giữ gìn.
1.3. Tìm nguồn cung
Như đã nói ở trên, chi phí nguồn hàng là rất lớn, chất lượng của sản phẩm chính là bộ mặt và tương lai của cửa hàng, vậy nên bạn cần tìm kiếm một cách cẩn thận, tỉ mỉ.
Bạn có thể tìm kiếm trên mạng xã hội, hỏi han người thân, các mối quan hệ bạn bè, và bạn cần phải tự mình đi kiểm tra nguồn hàng để đảm bảo chắc chắn.
Hơn nữa, bạn cũng cần có những hợp đồng rõ ràng, đưa ra những điều khoản có tính ràng buộc về chất lượng sản phẩm khi có sai sót như bồi thường thiệt hại hay chấm dứt hợp động ngay lập tức.
1.4. Phát triển hệ thống
Để phát triển được cửa hàng, bạn cũng cần lên kế hoạch một cách chỉnh chu. Bạn có thể quảng cáo trên mạng xã hội, chạy quảng cáo trên Google, bạn cũng có thể đưa ra những chương trình khuyến mãi ngày khai trương, các dịch vụ đi kèm, các chính sách hậu mãi, bảo hành hấp dẫn để thu hút khách hàng.
Tất nhiên chất lượng vẫn là nam châm thu hút khách hàng, bạn cần đảm bảo và duy trì chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ của mình thì chắc chắn sẽ thành công.
2. Thủ tục pháp lý liên quan đến mở cửa hàng bán phụ tùng xe máy
Khi mở cửa hàng bán phụ tùng xe thì bạn nên chọn hình thức đăng ký hộ kinh doanh hộ cá thể. Hình thức này dễ hoạt động hơn và ít những yêu cầu liên quan đến pháp lý như khi đăng ký theo hình thức công ty. Bạn cần chuẩn bị hồ sơ để nộp lên Ủy ban Nhân Dân cấp huyện hoặc quận trực thuộc để có thể tiến hành đăng ký kinh doanh. Giấy tờ bao gồm:
Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của chủ cửa hàng bản sao có công chứng của văn phòng công chứng hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền khác.
Hợp đồng hoặc thỏa thuận thuê mặt bằng mở cửa hàng, hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu/ sử dụng đất nếu mở cửa hàng tại nhà.
Giấy đề nghị cấp phép đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, cần trình bày rõ những nội dung liên quan như: tên cửa hàng, địa chỉ kinh doanh, số vốn, số lượng lao động hiện có. Đồng thời khai rõ tên tuổi, địa chỉ cư trú, số CMND/CCCD của chủ cửa hàng và chữ ký.
Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cửa hàng có thể được áp giấy phép sau 5 ngày kể từ khi nộp hồ sơ. Nếu chưa được chấp thuận, chủ cửa hàng cũng sẽ được thông báo những thiếu sót và cách khắc phục sau 5 ngày.
3. Những lưu ý quan trọng khi mở cửa hàng bán phụ tùng xe máy
3.1. Ngành nghề đăng ký kinh doanh
Khi đăng ký kinh doanh, bạn cần đăng ký ngành nghề sao cho phù hợp với lĩnh vực buôn bán, hoặc dịch vụ sửa chữa bảo dưỡng. Nếu ngành nghề này yêu cầu các điều kiện hay chứng nhận liên quan, bạn cần đáp ứng đủ và nộp lại cho cơ quan chức năng đầy đủ mới được chấp thuận.
3.2. Số lượng cửa hàng được phép mở trong cùng 1 thời điểm
Nếu đăng ký theo hình thức hộ kinh doanh cá thể, bạn chỉ được mở 1 cửa hàng trong phạm vi toàn quốc. Nếu bạn muốn mở rộng kinh doanh, có thể để người nhà đứng tên mở, hoặc tiến hành thành lập doanh nghiệp, công ty.
3.3. Cách đặt tên cửa hàng
Đăng ký kinh doanh ở bất kỳ ngành nghề nào cũng cần có tên, và thủ tục đăng ký tên cũng không hề khó, chỉ cần đáp ứng những điều kiện sau:
Tên của cửa hàng không được trùng với tên của những cửa hàng khác đã đăng ký trước đó
Tên cửa hàng cần đầy đủ 2 phần là tên loại hình kinh doanh và tên riêng gợi nhớ
Tên riêng có thể dùng tên người, tên vật, tên bằng tiếng anh hoặc các ký tự chữ cái latinh, phải đảm bảo không gây hiểu nhầm, không trái thuần phong mỹ tục, không có yếu tố xúc phạm người hay tổ chức khác.
3.4. Các thủ tục về đóng thuế
Cửa hàng bán phụ tùng xe máy sẽ phải trả những loại thuế sau:
Thuế giá trị gia tăng
Thuế thu nhập cá nhân
Thuế môn bài
Mở cửa hàng bán phụ tùng xe máy đang làm một hình thức kinh doanh rất phổ biến hiện nay ở Việt Nam và nhu cầu của nó dường như khó thể nào mà giảm sút trong tương lai, bởi xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân. Trên đây là những điều bạn cần biết trước khi mở cửa hàng bán phụ tùng xe máy mà chúng tôi đã thu thập được. Chúc các bạn thành công!