Cách viết mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên thực tập ghi điểm
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền 24-10-2024
Mục tiêu nghề nghiệp là một phần không thể thiếu trong CV của bất kỳ ứng viên nào. Việc không có mục tiêu nghề nghiệp trong CV là một thiếu sót vô cùng lớn và không thể chấp nhận được. Bạn là một sinh viên thực tập? Bạn đang chuẩn bị CV xin việc và chưa biết viết phần mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên thực tập như thế nào? Nếu vậy thì những chia sẻ sau đây của work247.vn sẽ giúp bạn có hình dung rõ ràng hơn về mục quan trọng này trong CV đồng thời chúng tôi cũng sẽ cung cấp cho bạn một số mẫu mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên thực tập ở một số ngành nghề.
1. Cách viết mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên thực tập ghi điểm tuyệt đối
Có lẽ đối với sinh viên thực tập thì việc viết CV nói chung và viết phần mục tiêu nghề nghiệp trong CV nói riêng đều là một công việc khá lạ lẫm và gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. Do đó, trong nội dung mục này của bài viết chúng tôi sẽ cung cấp cho quý bạn đọc vị trí nên viết mục tiêu nghề nghiệp trong CV và những nội dung cần phải có trong mục tiêu nghề nghiệp của sinh viên thực tập. Cùng đọc ngay những bí quyết viết CV này để bộ hồ sơ xin việc của bạn trở nên đặc sắc hơn nhé!
1.1. Nên đặt mục tiêu nghề nghiệp ở đâu trong bố cục của CV
Đối với những bạn lần đầu viết CV xin việc, có thể nói bố cục của CV xin việc là một điều còn khá mơ hồ và các bạn hoàn toàn không nắm rõ mục tiêu nghề nghiệp nên được đặt ở vị trí nào.
Mục tiêu nghề nghiệp là phần nội dung thể hiện chí hướng của bạn trong tương lai, nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào đây và đánh giá xem bạn có phải là một người có lòng cầu thị trong công việc hay không. Thêm vào đó, phần mục tiêu nghề nghiệp cũng một phần thể hiện được bạn có phải là một sinh viên thực tập luôn cố gắng hết mình về công việc và sẵn sàng làm mọi việc để có thể hoàn thành mục tiêu của mình hay không.
Hơn nữa, một sinh viên thực tập có lẽ không có quá nhiều kinh nghiệm liên quan đến công việc để có thể trình bày trong CV xin việc hay thư xin việc. Do đó, nội dung mục tiêu nghề nghiệp chính là nội dung giúp những người này có thể gây ấn tượng mạnh mẽ với nhà tuyển dụng.
Cái nhìn đầu tiên luôn quyết định chúng ta có cảm giác như thế nào đối với một người, tương tự như vậy, trong CV xin việc nên để phần nội dung mục tiêu nghề nghiệp ở đầu của CV – phần nằm ngay bên dưới tiêu đề CV. Nhà tuyển dụng sẽ có thể đọc phần này đầu tiên và từ đây đưa ra những đánh giá về CV của sinh viên thực tập.
Vì lý do này, đầu tư thời gian cho việc viết mục tiêu nghề nghiệp là việc không hề dư thừa hay lãng phí. Nếu bạn đang chưa biết phần này cần bao gồm những nội dung gì thì hãy đọc ngay những gì được chúng tôi trình bày bên dưới. Thêm vào đó, chúng tôi cũng cung cấp cho bạn một vài mẫu mục tiêu nghề nghiệp được lấy từ các mẫu CV mà nhà tuyển dụng đánh giá cao.
1.2. Mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên thực tập bao gồm những nội dung gì?
Mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên thực tập hay bất kỳ ứng viên nào đều bao gồm hai phần là mục tiêu trong ngắn hạn và mục tiêu trong dài hạn. Lưu ý rằng mục tiêu nghề nghiệp phải có sự liên kết giữa sự tiến bộ của cá nhân ứng viên và sự phát triển của doanh nghiệp.
1.2.1. Mục tiêu trong ngắn hạn cho sinh viên thực tập
Phần mục tiêu ngắn hạn thường là có độ dài khoảng dưới 50 từ, bao gồm những điều mà ứng viên mong muốn trong ngắn hạn. Đây có thể là những mong muốn như làm quen nhanh với môi trường làm việc của doanh nghiệp hay là học hỏi thêm được những kiến thức hay ho.
Nên giới hạn mốc thời gian cho những mục tiêu ngắn hạn, nó thường là 1 đến 3 tháng khi sinh viên thực tập tại doanh nghiệp.
1.2.2. Mục tiêu dài hạn cho sinh viên thực tập
Tương tự như mục tiêu ngắn hạn, khi viết mục tiêu dài hạn cũng nên đặt ra một khoảng thời gian trong dài hạn là bao nhiêu lâu. Điều này sẽ khiến cho nội dung này trở nên chân thực hơn đồng thời việc này cũng thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là một người đặt ra cho chính bản thân mình một cột mốc rõ ràng từ đó có thêm động lực để phấn đấu.
Mục tiêu dài hạn nên là những sự tiến bộ của bản thân bạn mong muốn đạt được, có thể là những kiến thức mới, vị trí cao hơn và cần đặc biệt chú ý rằng mục tiêu dài hạn nên gắn liền với sự phát triển của doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng sẽ không muốn tuyển một người chỉ chăm chăm vào những lợi ích cá nhân mà quên đi mất lợi ích chung của toàn doanh nghiệp.
Xem thêm: Mách bạn cách trình bày CV cho sinh viên ấn tượng nhất
2. Những mẹo cần chú ý khi viết mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên thực tập
Tương tự như thư xin việc hay những loại văn bản khác trong bộ hồ sơ xin việc thì mục tiêu nghề nghiệp là một nội dung nằm trong CV xin việc – một loại văn bản vô cùng quan trọng. Do đó, có những lưu ý nhất định về việc trình bày mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên thực tập. Cùng đọc một số lưu ý về cả cách trình bày và nội dung mà chúng tôi cung cấp dưới đây để có thể tạo ra một mục tiêu nghề nghiệp trong CV ghi điểm nhất nhé!
2.1. Những lưu ý về hình thức
Đầu tiên là những lưu ý về hình thức. Thứ lọt vào mắt nhà tuyển dụng đầu tiên không phải là nội dung của bạn trau chuốt đến đâu mà là hình thức bạn trình bày CV như thế nào và hình thức bạn trình bày mục tiêu nghề nghiệp của mình như thế nào.
Như đã đề cập ở trên, mục tiêu nghề nghiệp gồm có hai ý là mục tiêu trong ngắn hạn và mục tiêu trong dài hạn do đó, bạn nên chia hai nội dung này ra thành hai gạch đầu dòng để nhà tuyển dụng có thể hiểu rõ định hướng của bạn hơn.
Chú ý tránh tuyệt đối lỗi sai chính tả hay là những nội font chữ, cỡ chữ trong toàn bộ CV của bạn cũng như là phần nội dung mục tiêu nghề nghiệp.
2.2. Những lưu ý về nội dung
Có một số lưu ý về nội dung của mục tiêu nghề nghiệp mà các sinh viên thực tập cần chú ý như sau:
Thứ nhất, nội dung của mục tiêu nghề nghiệp phải có đủ cả hai phần là mục tiêu trong dài hạn và mục tiêu trong ngắn hạn. Không thể thiếu đi bất kỳ phần nào vì cả hai phần này đều đóng vai trò vô cùng quan trọng không thể thiếu.
Thứ hai, mục tiêu nghề nghiệp của cá nhân cần phải được gắn với mục tiêu phát triển của tổ chức. Điều này sẽ giúp cho nhà tuyển dụng đánh giá CV của bạn cao hơn.
Tiếp theo, nên trình bày mốc thời gian cụ thể cho từng mục tiêu nghề nghiệp cả trong ngắn hạn và trong dài hạn. Vì khi có thời gian cụ thể cho một mục tiêu thì sinh viên thực tập sẽ có động lực lớn hơn để có thể phấn đấu và đạt được mục tiêu đã đề ra.
Một chú ý cuối cùng đó chính là mục tiêu không nên quá nhỏ, điều này sẽ khiến cho nhà tuyển dụng đánh giá rằng ứng viên thực tập này có mục tiêu quá nhỏ và điều này có thể khiến hồ sơ xin việc của bạn bị loại. Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng mục tiêu không nên quá đao to búa lớn vì khi đó nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là một người quá vọng tưởng.
Xem thêm: Hướng dẫn viết mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên chuẩn chỉnh nhất
3. Một số mẫu mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên thực tập
3.1. Mẫu mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên thực tập marketing
Mục tiêu ngắn hạn: Trở thành một nhân viên thực tập tại vị trí marketing của công ty, em muốn mình có cơ hội được ứng dụng những kiến thức chuyên ngành đã học vào môi trường thực tế đồng thời là quen biết thêm những người đồng nghiệp có nhiều kiến thức và được học hỏi từ họ.
Mục tiêu dài hạn: Em mong muốn rằng sau 1 năm đồng hành cùng sự phát triển của công ty em có thể trở thành một marketing executive và là nhân sự nòng cốt đóng góp cho sự thành công của công ty.
3.2. Mẫu mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên thực tập kế toán
Mục tiêu ngắn hạn: Em mong muốn có thể trở thành một thực tập sinh kế toán của công ty. Với khả năng học hỏi nhanh của bản thân, em mong rằng sau 1 tháng làm việc em đã có thể xử lý tốt các nghiệp vụ kế toán phát sinh trong doanh nghiệp.
Mục tiêu dài hạn: Em mong rằng qua thời gian dài đồng hành và phát triển cùng công ty em sẽ có thêm nhiều kiến thức về chuyên môn và các kinh nghiệm thực tế để làm bàn đạp giúp em có nhiều tiến bộ trong tương lai. Sau 3 năm gắn bó mong rằng em đã có đủ thực lực để đảm đương vị trí kế toán trưởng trong công ty và trở thành một người có thể đào tạo ra những kế toán chất lượng cao cho công ty.
Qua những gì mà work247.vn vừa mới cung cấp cho quý độc giả, mong rằng bạn đã nắm rõ những điểm cần lưu ý khi viết mục tiêu nghề nghiệp cho sinh viên thực tập nhé! Chúc bạn có công việc mơ ước và hoàn thành kỳ thực tập của mình một cách thật xuất sắc.