Công việc nhân viên kinh doanh phần mềm hấp dẫn hiện nay
Theo dõi work247 tạiVới sự phát triển của lĩnh vực công nghệ như hiện nay, các cơ hội nghề nghiệp trong ngành này rất nhiều. Công việc kinh doanh phần mềm là một trong những nghề phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ, đảm bảo bền vững và có tiềm năng thu nhập khổng lồ ở các cấp bậc cao. Đây là những lợi ích tuyệt vời nếu bạn đang định bước vào con đường bán phần mềm. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có cái nhìn khác quát hơn về công việc nhân viên kinh doanh phần mềm, yêu cầu và kỹ năng cần có cho công việc này.
1. Công việc nhân viên kinh doanh phần mềm
Công việc kinh doanh phần mềm khá mới nhưng được coi là một công việc có tiềm năng phát triển và khá béo bở. Lý do là ngành công nghệ đang trên đà đi lên, rất nhiều cá nhân và tổ chức cần phần mềm cho công việc và cuộc sống. Nên công việc này chắc chắn sẽ được nhiều bạn trẻ chú ý hơn trong thời gian tới nữa. Đặc biệt, nếu bạn là người năng động, hoạt ngôn và khôn khéo thì bạn nên thử sức trong công việc này.
Nhân viên kinh doanh phần mềm là một nhân tố quan trọng để có thể đưa sản phẩm đến tay khách hàng một cách nhanh nhất, nhiều nhất. Vị trí này mang lại cho công ty phần mềm doanh thu và lợi nhuận, giúp công ty duy trì và phát triển hoạt động của mình.
Công việc của nhân viên kinh doanh sẽ nghiêng về việc tư vấn và giới thiệu các phần mềm của công ty cho khách hàng cá nhân hoặc khách hàng tổ chức. Đây sẽ là người đại diện cho công ty mang những sản phẩm này đến nhiều nơi và nhiều thị trường hơn nữa.
Việc bán phần mềm qua nhân viên là nòng cốt của công ty vì lĩnh vực phần mềm khá đặc thù. Không như những ngành hàng FMCG hay thời trang, để bán được phần mềm, công ty cần cho họ thấy rằng phần mềm này có ưu điểm gì nổi trội, thuyết phục họ mua. Công đoạn giới thiệu và thuyết phục này chính là công việc của nhân viên kinh doanh phần mềm.
2. Mô tả chi tiết công việc của nhân viên kinh doanh phần mềm
Nếu bạn là một nhân viên kinh doanh phần mềm, để bán được sản phẩm thì trước hết bạn cần nắm chắc chức năng, đặc điểm của phần mềm đó trong tay. Sau đó, bạn sẽ cần tìm hiểu thị trường phần mềm ra sao, đang có xu hướng gì? Thị hiếu khách hàng về các loại phần mềm, ứng dụng hiện nay như thế nào? Đặt câu hỏi, tìm tòi, nghiên cứu là bước đầu tiên của công việc kinh doanh phần mềm.
Muốn bán được phần mềm, có doanh số thì bạn cần chủ động tìm kiếm khách hàng, cả khách hàng cá nhân lẫn khách hàng B2B. Sau đó bạn sẽ phải tìm cách tiếp cận và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các khách hàng tiềm năng. Việc tìm kiếm khách hàng sẽ do một bộ phận trong phòng kinh doanh lo liệu. Các thông tin về khách hàng có thể lấy từ tin nhắn để lại trên website, Facebook doanh nghiệp hay được mua từ bên thứ ba, nhằm có nhiều dữ liệu tiềm năng nhất có thể.
Khi đã tìm được cách tiếp cận với khách hàng, nhân viên kinh doanh cần chủ động hẹn gặp gỡ khách hàng để trao đổi về công việc. Nếu như bạn chưa hẹn gặp họ được ngay thì hãy đến các cuộc họp hay triển lãm về giải pháp phần mềm công nghệ, để giới thiệu các sản phẩm cho đối tượng tiềm năng.
Một nhân viên kinh doanh cần phải luôn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng để giúp cho việc phát triển các chiến lược kinh doanh của công ty một cách tốt nhất. Khi bạn tạo được ấn tượng tốt với họ thì công việc giới thiệu các phần mềm và sản phẩm liên quan tới khách hàng sẽ dễ dàng hơn là khách hàng không biết gì về bạn hoặc có ác cảm với bạn.
Đồng thời, một nhân viên kinh doanh sẽ cần phải đàm phán và tiến hành thương thảo các điều khoản trong hợp đồng theo đúng quy trình bán hàng của công ty. Một hợp đồng được ký sẽ mang lại một phần lợi nhuận cho công ty, lợi nhuận cao hay thấp sẽ dựa vào sự khéo léo cho các đàm phán của nhân viên kinh doanh. Bạn sẽ cần đảm bảo thực hiện KPI, mục tiêu về doanh số mà công ty đã đề ra, nói chung là xây dựng và thực hiện kế hoạch doanh số.
Một nhân viên kinh doanh phần mềm cũng luôn phải thu thập những đánh giá, phản hồi của khách hàng để phục vụ việc cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Mọi thông tin, cơ sở dữ liệu về khách hàng cũng cần được quản lý, cập nhật thường xuyên bởi nhân viên kinh doanh. Bên cạnh đó, nếu như khách hàng gặp tình trạng bất ổn gì trong quá trình sử dụng phần mềm thì bạn cần hỗ trợ, giải đáp cho họ, có thể là liên lạc với bộ phận kỹ thuật để giải quyết vấn đề nhanh chóng.
Nhân viên kinh doanh phần mềm sẽ định kỳ lập báo cáo kinh doanh, thống kê chi tiết về số lượng và đơn giá đã bán lên cho trưởng bộ phận. Trong suốt quá trình bán phần mềm, việc phối hợp với các phòng ban khác như phòng marketing, phòng kỹ thuật, phòng chăm sóc khách hàng,... là cần thiết để có thể tăng hiệu quả công việc lên mức tối đa.
Ngoài ra, để là hoàn thành công việc kinh doanh phần mềm tốt thì bạn luôn phải tìm kiếm các cơ hội giúp chuyên môn nghề nghiệp nâng cao, kiến thức công nghệ, phát triển phần mềm được cập nhật thường xuyên. Điều này để bạn thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn khách hàng sử dụng phần mềm.
3. Yêu cầu và kỹ năng cần có cho công việc kinh doanh phần mềm
Một nhân viên kinh doanh phần mềm thường được yêu cầu tốt nghiệp Trung cấp trở lên, các chuyên ngành như Kinh tế, Bán hàng, Quản trị kinh doanh hay Công nghệ,... Vì công việc kinh doanh có rất nhiều khó khăn để có thể đi đến một hợp đồng cuối cùng, nên quan trọng rằng bạn yêu thích công việc kinh doanh, đam mê nó, không ngại khó khăn thử thách. Đồng thời bạn phải luôn nắm bắt xu hướng trên thị trường để xây dựng kế hoạch, chiến lược bán hàng.
Bên cạnh đó, để làm công việc này bạn cần có một số kỹ năng nhất định. Thứ nhất là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng này cần cho mọi nhân viên kinh doanh, không chỉ là phần mềm. Nếu bạn không có kỹ năng này thì không thể nào giới thiệu và thuyết phục khách hàng mua sản phẩm của bạn được cả.
Từ việc giao tiếp tốt thì các bạn cần phát triển kỹ năng xây dựng mối quan hệ với khách hàng của mình. Mối quan hệ với khách hàng tốt có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho công ty bạn, vừa là doanh số, danh tiếng. Khách hàng cảm thấy sản phẩm và dịch vụ của bạn tốt thì có thể giới thiệu phần mềm cho bạn bè, người quen của họ.
Một vài kỹ năng khác bạn cần có như sau: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết phục người nghe. Những kỹ năng này đều góp phần vào việc tăng doanh thu cho công ty. Bạn hãy thật tự tin để có thể chuyên nghiệp nhất trong quá trình làm việc. Ngoài ra, bạn cần nắm vững kỹ năng xử lý tình huống và có thể đưa ra các giải pháp kịp thời.
4. Thu nhập cho công việc nhân viên kinh doanh phần mềm
Khi bạn làm một nhân viên kinh doanh thì mức thu nhập của bạn sẽ dựa trên hai yếu tố chính là lương cứng và hoa hồng, chủ yếu là hoa hồng. Lương cứng cho một nhân viên kinh doanh phần mềm thường là 7-10 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu bạn là một người chăm chỉ, có tài năng thì hoa hồng cho việc bán các đơn hàng của bạn sẽ rất khả quan. Tổng thu nhập của một nhân viên kinh doanh phần mềm có thể lên đến 25-35 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn khi bạn bán được nhiều phần mềm.
Ngoài ra, các chế độ về phúc lợi, các loại bảo hiểm được Nhà nước quy định bạn cũng được nhận. Tùy thuộc và từng công ty mà bạn sẽ có lương tháng thứ 13 hay thưởng lễ, Tết. Có thể nói, công việc này khá béo bở nếu như bạn chịu được áp lực và có ý chí cầu tiến.
5. Kinh nghiệm để làm nhân viên kinh doanh phần mềm tốt
Khi mới bắt đầu công việc này thì điều bạn nhất định cần làm là ham học hỏi. Hãy học từ những cuốn sách, từ đồng nghiệp và cấp trên để biết cách bán một sản phẩm. Việc học hỏi sẽ giúp các bạn trau dồi kiến thức của mình, các bạn sẽ biết cách đối mặt với khách hàng như thế nào.
Ngoài những kỹ năng bên trên là điều bắt buộc cần có ra, thì bạn phải là người biết đồng cảm và thấu hiểu. Đồng cảm và thấu hiểu điều khách hàng mong muốn, hiểu được “nỗi đau” của khách hàng để có thể mang lại những cái họ cần. Để làm được điều đó, bạn phải đặt mình vào vị trí của họ, hiểu rõ vấn đề của họ hơn và đưa ra giải pháp chính xác cho họ. Khi bạn đồng cảm với các vấn đề của khách hàng, điều đó sẽ giúp phát triển một mối quan hệ lâu dài đáng tin cậy với họ.
Nếu bạn gặp một thử thách khó khăn, hãy kiên nhẫn với, giải quyết vấn đề từng chút một. Quan trọng là bạn có thể xử lý và cân bằng được nó.
Công việc nhân viên kinh doanh phần mềm trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục là một công việc béo bở. Bạn nên tận dụng thời cơ, phát triển các kỹ năng để làm tại vị trí này hiệu quả.
1392 0