Cách viết cover letter cho Developer chuyên nghiệp bạn cần biết
Tác giả: Trương Ngọc Lâm 29-08-2024
Thư xin việc là một loại giấy tờ được nhà tuyển dụng chú ý đầu tiên khi đọc hồ sơ xin việc của một người. Để bắt đầu con đường sự nghiệp nhà phát triển phần mềm của mình, bạn cần có một cover letter cho Developer. Tuy đây là loại giấy quan trọng và thiết yếu, nhưng không phải ai cũng biết, hãy đọc bài viết dưới đây để hiểu và biết cách viết cover letter cho Developer nhé.
1. Cover letter cho Developer là gì
Không giống như CV, cover letter cho Developer là lời giới thiệu đầu tiên về bản thân người phát triển phần mềm với nhà tuyển dụng. Mục tiêu của cover letter hay thư xin việc là làm cho người người viết thư trở nên đáng nhớ nhất theo một cách tích cực.
Cover letter khác với CV xin việc ở chỗ là thay vì viết tổng quan về các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn, nó cần được viết cụ thể với công việc Developer bạn đang ứng tuyển, và quan trọng là làm nổi bật những kỹ năng, lĩnh vực giúp bạn với vai trò này. Điều đó có nghĩa là chỉ viết một bức thư xin việc duy nhất cho công việc Developer bạn đang ứng tuyển, không cái nào giống nhau, không viết những điều không có ý nghĩa.
Định dạng của cover letter cũng phải phù hợp với công ty và ngành CNTT. Một cover letter không nhất thiết phải được dập khuôn theo mẫu nhất định. Tuy nhiên cover letter của bạn cần được đưa vào những thông tin có ích, việc sắp xếp các phần trong đó phải trực quan, logic, trình bày đẹp mắt. Một bức thư xin việc được coi là đầy đủ sẽ gồm một lời giới thiệu đáng nhớ, các kinh nghiệm cụ thể và nổi bật, những luận điểm chứng minh bạn là Developer phù hợp với công ty, kết luận ngắn gọn và kêu gọi hành động.
2. Tầm quan trọng của cover letter cho Developer
Cover letter là ấn tượng đầu tiên mà bạn tạo ra đối với nhà tuyển dụng trong công ty bạn đang hướng tới. Khi bạn nộp hồ sơ xin việc, những nhà tuyển dụng sẽ xem thư xin việc và CV của bạn trước khi quyết định có gặp bạn tại vòng phỏng vấn hay không.
Khi bạn liên hệ vào một công ty cho vị trí Developer, bạn sẽ cần kể một câu chuyện hay đưa ra những bằng chứng thích hợp cho thấy bạn sẽ đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của họ, giúp họ cảm thấy giá trị tiềm năng của bạn cho công việc. Nếu chỉ có một chiếc CV, bạn sẽ không thể làm được điều này khi nó thường đã có một định dạng nhất định. Cover letter là nơi tốt nhất để bạn bắt đầu câu chuyện của mình với từng công ty cụ thể.
Xem thêm: Thư xin việc tiếng Việt hoàn hảo đốn tim nhà tuyển dụng
3. Nội dung cover letter Developer
Tuy không có một định dạng quy định rõ ràng như các văn bản hành chính, nhưng khi viết một cover letter thì bạn nên bao gồm những thông tin sau: Ngày viết, thông tin chi tiết về công ty ứng tuyển, lời chào đầu thư, một lời giới thiệu về bản thân thật hấp dẫn, lý do tại sao bạn là ứng viên hoàn hảo cho Developer của công ty, tại sao công việc này lý tưởng với bạn, lời kết thúc và kêu gọi một hành động từ nhà tuyển dụng, phần ký tên cuối thư.
Cách bạn chọn định dạng và liệt những thông tin bên trên sẽ phụ thuộc vào cách bạn gửi thư, qua email hay gửi thư trực tiếp. Mục tiêu của thư xin việc là tạo ra lý do và thuyết phục nhà tuyển dụng có một cuộc phỏng vấn với bạn. Vì vậy, điều quan trọng là cover letter phải có những thông tin cần thiết cùng với lý lẽ xác đáng để bạn là một ứng viên sáng giá cho vị trí này.
Việc viết một cover letter cho vị trí Developer có thể tốn thời gian, tùy chỉnh nó sao cho phù hợp với vai trò trong công ty bạn ứng tuyển. Bạn cần dành thời gian và nỗ lực để cho công ty thấy tại sao bạn là người phù hợp với công ty. Khi nêu ra được kinh nghiệm và kỹ năng của bạn thích hợp cho công việc, cơ hội vào vòng phỏng vấn của bạn sẽ càng cao.
4. Cách viết cover letter Developer
4.1. Phần mở đầu thư
Bắt đầu thư xin việc với việc nêu thông tin của bạn như: Họ tên, số điện thoại, email, địa chỉ và ngày viết thư. Đây là cách bắt đầu lá thư xin việc và khiến nó trông khá trang trọng. Sau đó, bạn dùng một lời chào để hướng tới đối tượng đọc lá thư của bạn.
Bạn có thể sử dụng “Kính gửi” hay những từ trang trọng để chào hỏi nhà tuyển dụng, đảm bảo rằng các chức danh của người nhận được đưa vào chính xác, chẳng hạn như “ông”, “bà”, “trưởng phòng quản lý tuyển dụng”, “giám đốc tuyển dụng” và đưa tên của họ vào trong lá thư, đây là cách bạn bạn thể hiện rằng mình đã dành công sức và thời gian tìm hiểu về đối phương.
Với việc tìm ra tên của người tuyển dụng đọc thư, nó sẽ tạo ra khác biệt rất biết, làm cho cover letter của bạn có vẻ ít công thức hơn, người tuyển dụng có thể thấy rằng bạn rất quan tâm đến cơ hội việc làm Developer này như thế nào.
Để tìm ra tên của người quản lý tuyển dụng, bạn có thể đọc lại bản mô tả công việc xem trong đó có ghi tên người tiếp nhận hồ sơ xin việc không. Hoặc bạn có thể vào trang web công ty và tìm kiếm những người quản lý trong bộ phận nhân sự. Trong trường hợp bạn không tìm được tên chính xác của họ thì việc dùng các chức danh chung chung bên trên như “ban quản lý nhân sự”, “trưởng phòng nhân sự” là không sai nhé.
4.2. Phần mở bài trong nội dung chính
Sau khi chào hỏi, đây là lúc viết đoạn đầu tiên trong bức thư xin việc. Bạn sẽ đề cập qua về bản thân và công việc bạn đang ứng tuyển, cách bạn tìm thấy công việc này. Phần này chỉ cần có độ dài từ 2-3 dòng là phù hợp, ví dụ như sau”
“Tôi viết thư này để bày tỏ sự quan tâm đến vị trí Developer tại công ty XYZ mà tôi đã tìm thấy thông tin tuyển dụng trên trang work247.vn. Tôi đã có 5 năm kinh nghiệm với tư cách là một Developer với kinh nghiệm phát triển và thiết kế trang web, nâng cao bảo mật web.”
Xem thêm: Tuyệt chiêu viết thư xin việc tiếng Anh lấy lòng nhà tuyển dụng
4.3. Phần thân bài
Tiếp theo của cover letter sẽ được coi như là thân bài, nó chỉ nên khoảng 2 đoạn, gồm việc đưa ra điểm mạnh của bạn và lý do bạn phù hợp cho công việc, những con số về thành tích đáng tự hào nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin của bạn, kỹ năng và kiến thức phù hợp với công việc Developer.
Mục tiêu thực sự của phần thân bài là bạn thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Làm nổi bật những điều chính xác bạn muốn mang lại cho công ty, đó có thể là kiến thức về công nghệ, kiến thức miền, quy trình bạn làm theo hoặc bất kỳ điều gì khác mà bạn nghĩ có thể giúp giải quyết vấn đề của họ. Ví dụ về phần này như sau:
“Nhiệm vụ chính của tôi trong vai trò Developer tại công ty trước bao gồm việc thiết kế giao diện người dùng, thử nghiệm và gỡ lỗi trên trang web công ty. Công việc của tôi đã giúp cải tiến các bảo mật trong ứng dụng của công ty, giảm tình trạng bị hack từ 2% xuống còn 0.03%. Tôi cũng đã thiết kế lại trang web của công ty, tăng số lượt nhấp vào tăng thêm 20%, lượt mua hàng tăng lên 16%.
Với những kinh nghiệm chuyên môn đã tích lũy được, tôi có thể sử dụng thành thạo các công cụ phát triển web cần thiết, đồng thời có kiến thức sâu rộng về cách thiết kế một trang web thân thiện và an toàn với người dùng. Tôi tin rằng những kỹ năng của mình sẽ mang lại lợi ích cho quý công ty, nơi vốn có tiềm năng rõ ràng trong việc mở rộng đối tượng khách hàng và tăng doanh thu bán hàng qua các kênh trực tuyến.”
4.4. Phần kết bài trong nội dung chính
Trong phần này, bạn có thể nhắc lại lý do tại sao bạn là ứng viên phù hợp với công việc bằng một câu tổng hợp trình độ của bạn. Hoặc bạn có thể đưa ra điều bạn có thể làm nếu được nhận vào vị trí công việc. Sau đó bạn có thể một câu để thể hiện mong muốn được phỏng vấn trực tiếp cho vị trí này, lúc đó hai người có thể thảo luận thêm về trình độ của bạn.
Bạn nên cung cấp thông tin liên hệ của bạn trong cover letter, bao gồm địa chỉ email và số điện thoại của bạn để nhà tuyển dụng có thể liên hệ với bạn. Đề cập đến những giấy tờ đi kèm cover letter để nhắc họ đọc và tìm hiểu kỹ hơn về bạn. Và cuối cùng, đừng quên cảm ơn người tuyển dụng đã đọc cover letter của bạn. Một ví dụ:
“Tôi cảm thấy với những kinh nghiệm và kỹ năng của mình, tôi có thể đáp ứng được yêu cầu cho vị trí Developer tại công ty bạn. Tôi mong rằng mình sớm có cơ hội thảo luận chi tiết hơn về vị trí và trình độ của tôi phù hợp như thế nào với công ty. Tôi có gửi kèm CV của mình để bạn có thể đánh giá chi tiết hơn về tôi. Bạn có thể liên hệ với tôi theo số 012XXXXXX hoặc email acbdefgh@gmail.com.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để đọc thư xin việc của tôi.”
4.5. Kết thúc
Hãy kết thúc cover letter bằng một từ trang trọng như “trân trọng”, nếu là tiếng Anh thì có một số cụm từ phù hợp như: Regards, Sincerely, Thank you, Thank you for your consideration,... Nhớ kết thúc bằng họ tên đầy đủ của mình nhé, đến đây là bạn có thể hoàn thành cover letter cho vị trí Developer của mình rồi.
Bài viết trên đã đưa ra lý do và cách viết một cover letter cho Developer chuyên nghiệp. Hãy tận dụng những thông tin trên và hoàn thành thư xin việc riêng của mình nhé. Chúc bạn có được công việc Developer yêu thích.