Trẻ khuyết tật – tấm gương nghị lực vượt khó!
Tác giả: Trương Ngọc Lâm 21-03-2024
Tuổi thơ tôi chỉ cần nghĩ “hôm nay chơi gì?” nhưng với đứa trẻ khuyết tật các em phải nghĩ nhiều hơn như thế. Với những đặc điểm không hoàn hảo trên cơ thể mình trẻ khuyết tật từng ngày phải gồng mình lên để chống chọi với bệnh tật, với con mắt kì thị của xã hội, của mọi người.
1. Trẻ khuyết tật và những nguyên nhân gây khuyết tật
Trẻ khuyết tật là những đứa trẻ từ khi sinh ra đã chịu những tổn thương về cơ thể, ví dụ như thiếu một bộ phận trên cơ thể hay bị rối loạn chức năng một số bộ phận trên cơ thể. Căn cứ vào những khó khăn đặc thù của trẻ khuyết tật, người ta chia trẻ ra thành các nhóm trẻ khuyết tật chính: nhóm khiếm thị, khiếm thính, khó khăn về học tập và vận động, khó khăn về ngôn ngữ hoặc về nói, và những khó khăn khác ( trẻ đa tật). Những đứa trẻ này thường gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống cũng như trong sinh hoạt hằng ngày.
Trẻ khuyết tật có thể tham gia mọi hoạt động của xã hội hay không? Có thể phát triển tiềm năng của bản thân mình hay không là dựa vào sự tạo điều kiện của cộng đồng cũng như sự tạo điều kiện của xã hội.
Trẻ khuyết tật cũng có những nhu cầu như bao đứa trẻ khác trong xã hội. Đó chính là những nhu cầu về thể chất, nhu cầu về an toàn, giáo dục, nhu cầu về tinh thần,… đặc biệt đây là những đứa trẻ rất nhạy cảm nên rất cần được quan tâm, bảo vệ và tôn trọng.
Vậy những nguyên nhân nào đã gây ra khuyết tật cho trẻ? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khuyết tật nhưng tựu chung lại ta có ba nhóm nguyên nhân chính là nguyên nhân do môi trường sống, do bẩm sinh và nguyên nhân từ bên ngoài, do xã hội. Nguyên nhân từ môi trường sống cụ thể là những nguyên nhân như đói nghèo, chiến tranh, ô nhiễm môi trường, sử dụng thuốc chữa bệnh bừa bãi, chấn thương tinh thần của bà mẹ khi mang thai,…Thứ 2 là nguyên nhân do xã hội, đó chính là thái độ thờ ơ, không quan tâm đối với trẻ khiến cho trẻ không có một môi trường xã hội thuận lợi để phát triển. Cuối cùng, trẻ bị khuyết tật còn có thể do bẩm sinh di truyền, do di truyền từ cha hoặc mẹ ngay từ trong bào thai hay do điều kiện lúc sinh đẻ không bình thường.
Các nguyên nhân gây khuyết tật là hết sức đa dạng, có nguyên nhân ta có thể khắc phục được nhưng cũng có nguyên nhân ta hoàn toàn không thể khắc phục được. Cụ thể chính là các nguyên nhân do di truyền, bẩm sinh, do chấn thương, tai nạn rủi ro,…
2. Những quan điểm sai lầm về trẻ khuyết tật
Trước đây, khi nhắc đến trẻ khuyết tật người ta thường có những quan điểm sai lầm mang tính tiêu cực chủ quan, hạ thấp nhân phẩm và danh dự của những đứa trẻ này. Họ cho rằng trẻ khuyết tật chính là sự trừng phạt của thượng đế dành cho những gia đình ăn ở thiếu đạo đức mà như người ta thường miêu tả bằng câu “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Họ dùng những biệt danh, tên gọi để miệt thị, xem thường trẻ khuyết tật. Họ lôi những điểm không hoàn hảo của trẻ ra để trêu đùa soi mói.
Chính những điều này đã tạo cảm giác tự ti, làm tổn thương nghiêm trọng lòng tự trọng của trẻ. Khiến cho rất nhiều đứa trẻ mặc cảm với xã hội, không tới lớp, không đi học, thiếu kiến thức khoa học cũng như kiến thức xã hội. Nghiêm trọng hơn rất nhiều kẻ xấu đã lợi dụng đặc điểm khiếm khuyết về cơ thể, khiếm khuyết về tư duy để thực hiện những hành vi đồi bại. Rất nhiều đứa trẻ bị hãm hiếp, bị tra tấn, rồi trở thành những bà mẹ khi chưa đến tuổi vị thành niên.
Trẻ khuyết tật thường phải đối diện với sự kì thị, đối mặt với sự phân biệt xã hội rất phổ biến. Theo một nghiên cứu gần đây khi được hỏi về trẻ khuyết tật đến 80% người ở Thái Bình và Đồng Nai, 60% ở Quảng Nam – Đà Nẵng cho rằng khuyết tật là “khác biệt” (theo nghiên cứu từ luận văn Đề tài Trẻ em khuyết tật ở Việt Nam ).
Tuy nhiên, ngày nay quan niệm của xã hội về trẻ khuyết tật mang tính tích cực hơn, khách quan hơn, có nhiều tiến bộ và công tâm hơn. Đại bộ phận xã hội dần thừa nhận trẻ khuyết tật cũng như bao đứa trẻ khác, cũng là trẻ em cần được nâng niu bảo vệ và che chở. Giống như mọi đứa trẻ bình thường khác, trẻ khuyết tật cũng có những khả năng nhất định, những hạn chế nhất định. Trong quá trình phát triển chúng gặp rất nhiều khó khăn, từ sự khiếm khuyết của cơ thể cho đến môi trường phương pháp giáo dục chưa phù hợp. Chính vì vậy xã hội có vai trò cốt lõi trong việc tạo những điều kiện thuận lợi nhất để trẻ phát triển, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển cộng đồng.
Tư duy sáng tạo là gì? Những phương pháp rèn luyện tư duy sáng tạo giúp đạt kết quả cao cho bạn chọn lựa.
3. Trẻ khuyết tật – tấm gương của nghị lực vượt khó!
Bản thân mỗi đứa trẻ khuyết tật đã và đang chiến đấu chống lại bệnh tật cũng như chiến đấu chống lại sự phân biệt đối xử của xã hội. Và thay đổi suy nghĩ, quan niệm của xã hội không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên những chính những hành động vượt lên số phận của những đứa trẻ khuyết tật nói riêng và của những người khuyết tật nói chung đã dần thay đổi quan niệm của xã hội về trẻ khuyết tật.
Chúng ta hãy cùng điểm qua một số gương mặt tiêu biểu đã làm thay đổi cách nhìn của xã hội đối với trẻ khuyết tật như cô bé “xương thủy tinh” Nguyễn Phương Anh đã khuấy đảo VietNam Got Talent năm 2011 với ca khúc “Let’s Get Loud”. Em chỉ lọt top 4 chung cuộc nhưng em đã khiến cộng đồng mạng phải xôn xao thán phục. Với thân hình nhỏ bé của mình em đã mang nghị lực phi thường để cổ vũ các bạn cùng hoàn cảnh như em cố gắng vươn lên, khiến cho khán giả cũng như rất nhiều người trong xã hội thán phục.
Hay Linh Chi quê ở Yên Bái được coi là Nick Vujicic của Việt Nam. Chịu nhiều ảnh hưởng từ chất độc màu da cam, ngay từ khi lọt lòng em đã không có tay chân. Vượt lên nỗi đau và sự nghiệt ngã này em tự khổ luyện dần tập đi trên hai ống inox, và có thể cầm đồ vật hay rót nước uống.
Ngoài kia còn biết bao tấm gương về sự nỗ lực vượt khó mà ta không thể kể hết được. Các em chính là những người truyền cảm hứng cho những đứa trẻ giống như mình cũng như cho toàn xã hội.
Thông tin mới nhất về: Tự động hóa – chìa khóa cải tiến tương lai của nhân loại bạn có thể tham khảo
4. Xã hội cần làm gì để giúp đỡ trẻ khuyết tật
Trẻ khuyết tật chỉ chiếm 1% trong tổng số dân Việt Nam, nghĩa là số lượng khuyết tật rơi vào khoảng 1 triệu người ( theo số liệu nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam từ năm 1991-1995). Ngày nay con số này có thể tăng lên hoặc giảm đi nhưng chắc chắn rằng trẻ khuyết tật vẫn đang là một phần của xã hội. Vậy xã hội cần làm gì để giúp đỡ khoảng 1 triệu đứa trẻ này?
Trên thế giới đã có rất nhiều cuộc đấu tranh chống lại sự kỳ thị nhằm đảm bảo những tiếp cận xã hội mà trẻ khuyết tật cũng như người khuyết tật xứng đáng được hưởng. Đây cũng chính là vấn đề chính của chính phủ Việt Nam quan tâm, gần đây Quốc hội Việt Nam đã thông qua luật quốc gia toàn diện đầu tiên nhằm đảm bảo các quyền dành cho người khuyết tật. Theo như luật mới này, người khuyết tật được đảm bảo những công bằng xã hội, được tham gia vào các hoạt động của xã hội, được tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa, được giáo dục, làm việc, học nghề,…Ở Hà Nội có tổ chức mang tên Hội Người Khuyết tật Hà Nội đã góp công sức rất lớn trong quá trình bảo vệ, đấu tranh chống kỳ thị này.
Đó là trên lý thuyết. Vậy còn thực tế ? Truyền thông đã góp một phần không nhỏ vào quá trình đấu tranh cho sự bình đẳng của trẻ khuyết tật. Bằng phương pháp của mình truyền thông đã kéo các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm cùng chia sẻ bằng cách ủng hộ, hỗ trợ kinh phí cho trẻ đến trường. Cha mẹ, cộng đồng phải luôn tạo điều kiện để quan tâm, chăm sóc trẻ em, giúp trẻ phát huy hết những thế mạnh của riêng mình. Bằng cách tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý và giáo dục trẻ em, cho trẻ học kỹ năng sống để có thể tự bảo vệ bản thân. Về lâu dài, chúng ta cần có những biện pháp cụ thể để ngăn chặn, giảm bớt những hậu quả không mong muốn đặc biệt đối với bà mẹ đang mang thai như phòng chống khuyết tật.
« Trẻ em như búp trên cành / Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan » Hi vọng rằng bài viết của chúng tôi sẽ khiến bạn có một cái nhìn khác về những đứa trẻ khuyết tật. Cái nhìn nhẹ nhàng hơn, đầm ấm hơn, chứa đựng tình người hơn. Bởi lẽ trẻ khuyết tật cũng chính là trẻ em, cũng cần được yêu thương bảo vệ, cần được phát triển, và cần được sống với đúng lứa tuổi « măng non » của mình.